Trên thực tế, chắc hẳn không ít mẹ bầu yêu thích việc tắm rửa hàng ngày. Đây là hoạt động vừa giúp giữ vệ sinh cho cơ thể vừa đem đến sự thư giãn, dễ chịu, nhất là khi bạn chọn tắm nước nóng. Chính vì điều này, nhiều chị em thường nghĩ rằng việc bà bầu tắm rửa thường không có gì đáng lo ngại. Thế nhưng, sự thật là việc đi tắm vẫn có những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe của mẹ và bé mà bạn chưa chú ý đến.
Do đó, để tránh những ảnh hưởng sức khỏe không mong muốn, mẹ bầu nên thận trọng đối với cả hoạt động đi tắm nhé! Vậy tắm rửa trong thai kỳ cần lưu ý những gì? Mẹ có thể tham khảo ngay những thông tin Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau.
Những rủi ro nào có thể xảy ra khi bà bầu tắm rửa?
Nhìn chung, tắm rửa trong thai kỳ vẫn là hoạt động an toàn nếu bạn tắm nước mát, nước ấm (không quá 37,8 độ C) hoặc tắm vòi sen nước mát. Ngược lại, đối với một số mẹ yêu thích tắm bồn nước nóng thì cần lưu ý rằng điều này có thể khiến thân nhiệt tăng cao và gây rủi ro cho sức khỏe thai kỳ.
Theo đó, Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã khuyến cáo, mẹ bầu không nên tắm nước quá nóng và không bao giờ được để nhiệt độ cơ thể cốt lõi tăng quá 102.2 độ F (tương đương khoảng 39 độ C). Điều này đúng với lời khuyên mẹ bầu không nên sử dụng bồn tắm nước nóng trong thai kỳ.
Bởi vì đây là loại bồn tắm được lập trình để duy trì nhiệt độ nước nóng xấp xỉ 104 độ F (40 độ C) liên tục. Như vậy, chỉ mất 10 đến 20 phút ngâm mình trong bồn tắm nước nóng, nhiệt độ cơ thể của bạn có thể tăng vượt mức khuyến nghị lên 102 độ F (38,8 độ C) hoặc cao hơn. Tình trạng này được xem là tăng thân nhiệt và hậu quả đối với mẹ bầu có thể là:
- Giảm huyết áp có thể gây mất oxy và dưỡng chất của em bé được truyền qua nhau thai. Từ đó làm tăng nguy cơ sảy thai
- Cơ thể mẹ mất nước khi mang thai
- Yếu ớt, chóng mặt và ngất xỉu
- Đáng lo ngại hơn, một nghiên cứu cho thấy bà bầu tắm trong bồn tắm nước nóng có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi, đặc biệt là khi tắm nước nóng nhiều trong 3 tháng đầu hoặc trong nước có các hóa chất khử trùng. Một số dị tật dễ xảy ra trong trường hợp này bao gồm khuyết tật ống thần kinh, thai vô sọ hoặc thoát vị rốn.
Những lưu ý cần biết khi bà bầu tắm rửa trong từng giai đoạn thai kỳ
Chúng ta thường nghĩ việc bà bầu tắm rửa tưởng chừng như là hoạt động vệ sinh đơn giản và vô hại. Thế nhưng, sự thật là một số sai sót nhỏ khi tắm cũng có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, đặc biệt là những hậu quả về sức khỏe do tăng thân nhiệt. Vì vậy, mẹ đừng bỏ qua những lưu ý quan trọng sau đây khi tắm rửa trong từng giai đoạn bầu bí để hạn chế một số vấn đề sức khỏe có thể xảy ra nhé!
Bà bầu tắm rửa trong tam cá nguyệt thứ nhất cần lưu ý:
- Nên dùng nước ấm để tắm
- Giới hạn thời gian tắm trong 10 phút hoặc ít hơn
- Nên dùng các sản phẩm tắm gội có nguồn gốc thiên nhiên, tránh dùng sản phẩm có hóa chất độc hại.
Bà bầu tắm rửa trong tam cá nguyệt thứ hai cần lưu ý:
- Mẹ có thể tắm thường xuyên ngoại trừ trường hợp bác sĩ có khuyến nghị khác
- Nên tắm vòi sen và tắm trong thời gian ngắn để giảm nguy cơ viêm âm đạo khi mang thai
- Nếu mẹ bị sưng phù hoặc đau chân thì chỉ nên ngâm chân trong nước nóng chứ không ngâm toàn bộ cơ thể.
Bà bầu tắm rửa trong tam cá nguyệt thứ ba cần lưu ý:
- Mẹ vẫn nên dùng nước ấm để tắm
- Chú ý đến các dấu hiệu bất thường khi tắm, chẳng hạn như ngừng đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn, khó chịu… thì mẹ nên ra khỏi bồn tắm ngay
- Trong giai đoạn này, mẹ bầu có thể gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Vì vậy, mẹ nên nhờ chồng hoặc người thân hỗ trợ khi ra vào bồn tắm (nếu có) để đảm bảo an toàn.
Mách bạn một số mẹo về đảm bảo an toàn khi tắm rửa trong thai kỳ
Như đã đề cập, điều quan trọng giúp bà bầu tắm rửa an toàn, hạn chế các rủi ro về sức khỏe đó chính là không nên dùng đến bồn tắm nước nóng. Thay vào đó, mẹ nên dùng bồn tắm thông thường hoặc tắm vòi sen để duy trì thân nhiệt ở mức phù hợp. Đồng thời, để đảm bảo tắm rửa đúng cách và an toàn, mẹ đừng bỏ qua những mẹo hữu ích sau đây:
- Luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm
- Có thể dùng nhiệt kế để theo dõi thân nhiệt trong khi tắm nhằm tránh trường hợp thân nhiệt tăng cao mà bạn không tự nhận biết được
- Không nên tắm nước nóng khi mẹ bị sốt
- Nếu bạn cảm thấy quá nóng, đổ nhiều mồ hôi, mặt đỏ thì nên ra khỏi bồn tắm ngay lập tức. Có thể chuyển qua tắm vòi sen để hạ nhiệt và sau đó nên uống nhiều nước để bổ sung chất lỏng cho cơ thể
- Không nên dùng muối tắm, bột tắm tạo bọt hoặc bất kỳ sản phẩm nào chứa Phthalates, BPA… khi tắm bồn. Những hóa chất này có thể ảnh hưởng đến độ pH âm đạo và dẫn đến sự phát triển của nấm âm đạo
- Mẹ nên trang bị thảm chống trượt cho phòng tắm để ngăn ngừa nguy cơ té ngã khi đi tắm
- Nếu bà bầu tắm trong bồn thì nên tránh ngâm đầu, ngực, cánh tay và vai. Điều này nhằm giảm nguy cơ thân nhiệt tăng cao khi tắm.
Nói tóm lại, mẹ bầu được khuyến nghị là nên tránh xa bồn tắm nước nóng, phòng xông hơi hoặc bất kỳ môi trường nào quá nóng để tránh làm tăng thân nhiệt. Tuy nhiên, nếu thời tiết quá lạnh và mẹ cần tắm nước nóng thì giải pháp là bạn có thể lập trình lại bồn tắm nước nóng để máy duy trì nhiệt độ thấp hơn. Cuối cùng, điều quan trọng nữa là về thời gian bà bầu tắm, các mẹ không nên tắm quá lâu. Nếu tắm bồn thì chỉ nên ngâm mình khoảng 10 phút hoặc ít hơn để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai kỳ.
[embed-health-tool-due-date]