backup og meta

Lưu trữ máu cuống rốn để làm gì? Ưu, nhược điểm và những điều cần biết

Lưu trữ máu cuống rốn để làm gì? Ưu, nhược điểm và những điều cần biết

Với sự phát triển ngày càng tiến bộ của y học hiện đại, việc thu thập và lưu trữ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh tại các ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn ngày càng nhận được sự quan tâm từ các bậc cha mẹ. 

Để biết rõ  lưu trữ máu cuống rốn có tác dụng gì và cách lấy máu cuống rốn để lưu trữ ra sao, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Máu cuống rốn là gì?

Trước khi tìm hiểu về quá trình lưu trữ máu cuống rốn và tác dụng của lưu trữ máu cuống rốn, cùng khám phá máu cuống rốn là gì.

Máu cuống rốn (còn được gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau) là phần máu còn lại trong nhau thai và dây rốn sau khi em bé chào đời. Khi em bé còn trong bụng mẹ, máu cuống rốn chảy trong tuần hoàn thai nhi để cung cấp chất dinh dưỡng cho bào thai phát triển.

Không chỉ chứa các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương như máu bình thường, máu cuống rốn còn chứa một nguồn dồi dào tế bào gốc tạo máu đặc biệt được tìm thấy trong tủy xương. 

lưu trữ máu cuống rốn

Tế bào gốc là những tế bào chưa trưởng thành có thể biệt hóa thành các tế bào của các cơ quan khác nhau. Những tế bào gốc này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng trưởng và sửa chữa các mô cơ thể, được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư khác nhau, bệnh thiếu hụt miễn dịch và rối loạn di truyền.

Theo chia sẻ của một số chuyên gia, tế bào gốc là “độc nhất vô nhị” vì có thể tăng trưởng hoặc phát triển thành nhiều loại tế bào máu khác nhau, điển hình như có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi, tế bào xương, sụn và các mô khác. Chính khả năng “biến hóa” thành các tế bào khác đã khiến tế bào gốc trở nên có giá trị. 

Lưu trữ máu cuống rốn để làm gì, có tác dụng gì?

Nếu bạn đang thắc mắc “Lưu trữ máu cuống rốn có tác dụng gì?”, hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được.

Với những lợi ích đặc biệt của tế bào gốc, việc lưu trữ máu cuống rốn được thực hiện nhằm mục đích ứng dụng điều trị cho các căn bệnh nguy hiểm khó chữa, chẳng hạn như bệnh về máu ác tính, bệnh di truyền, bệnh tự miễn…

Cần hiểu rằng, tế bào gốc từ máu cuống rốn rất hiếm khi mang bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào và nguy cơ bị đào thải bởi cơ thể chỉ bằng ½ so với tế bào gốc trưởng thành. Không những thế, lượng tế bào gốc trong máu cuống rốn nhiều hơn gấp 10 lần so với tế bào gốc có thể thu thập được trong tủy xương, đồng thời quy trình thu thập tế bào gốc khi lưu trữ máu cuống rốn cũng đơn giản hơn nhiều. Do đó, việc lưu trữ máu cuống rốn đã trở nên phổ biến hơn.

lưu trữ máu cuống rốn

Việc lưu trữ máu cuống rốn để cấy ghép máu dây rốn đã được chứng minh là có thể chữa khỏi (hoặc trong một số trường hợp là cứu sống) cho những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, chẳng hạn như:

  • Có khối u ác tính: Ung thư máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch bạch huyết, là một ví dụ điển hình.
  • Suy tủy xương: Bệnh xảy ra khi tủy xương không tạo ra các tế bào cần thiết.
  • Bệnh huyết sắc tố: Đây là tình trạng rối loạn máu, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc thalassemia.
  • Suy giảm hoặc rối loạn miễn dịch: Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch không hoạt động bình thường làm gián đoạn khả năng tự bảo vệ của cơ thể.
  • Rối loạn chuyển hóa: Bệnh ảnh hưởng đến sự phân hủy các chất thải trong cơ thể.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu về việc lưu trữ máu cuống rốn để xem làm thế nào máu dây rốn có thể giúp điều trị các tình trạng đe dọa tính mạng khác như bệnh Parkinson và bệnh tiểu đường. 

Những nghiên cứu gần đây cũng cho biết tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy… 

Từ đó, có thể thấy, việc lưu trữ máu cuống rốn có thể giúp điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tế bào gốc máu cuống rốn có hiệu quả trong việc điều trị tới 80 bệnh. Trong đó, một số bệnh lý vừa được nghiên cứu ứng dụng điều trị là: tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.

Tại sao bạn nên dự trữ máu cuống rốn trẻ sơ sinh?

lưu trữ máu cuống rốn

Như vậy là bạn đã biết được tác dụng của việc lưu trữ máu cuống rốn. Từ những công dụng phi thường ấy, bạn có thể suy nghĩ đến việc lưu trữ máu cuống rốn trẻ sơ sinh nếu sắp sinh con. Việc thu thập và lưu trữ máu cuống rốn có thể mang lại nhiều lợi ích cho gia đình bạn và cho cả xã hội:

  • Lưu trữ máu cuống rốn để các thành viên trong gia đình có thể sử dụng khi cần: Việc lưu trữ máu cuống rốn  có thể cân nhắc nếu có tiền sử gia đình mắc các bệnh ác tính hoặc di truyền mà có thể được hưởng lợi từ tế bào gốc máu cuống rốn. Việc lưu trữ máu cuống rốn có thể hữu ích trong trường hợp anh chị em ruột của trẻ hoặc các thành viên trong gia đình mắc bệnh. Mặc dù vậy, anh chị em ruột chỉ có 25% cơ hội trở thành một cặp di truyền hoàn hảo. Do đó, anh chị em ruột nếu mắc bệnh cần cấy ghép tủy xương hoặc máu dây rốn thì có thể nhận hiến tặng từ một người không liên quan.
  • Lưu trữ máu cuống rốn để hiến tặng cho những người cần cấy ghép tế bào gốc: Bạn có thể hiến tặng máu dây rốn của con bạn để điều trị (thậm chí là cứu sống) cho những người mắc các bệnh đáp ứng với phương pháp điều trị bằng tế bào gốc. Đối với hầu hết những người khỏe mạnh, việc cơ thể tạo ra tế bào gốc không phải là vấn đề. Thế nhưng, một số người không thể tạo đủ tế bào gốc khỏe mạnh do tình trạng sức khỏe hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Do đó, việc sử dụng các tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể cứu sống những người này. Cách bạn hiến tặng máu cuống rốn cũng tương tự như cách hiến tặng nội tạng. Máu cuống rốn sẽ được lưu trữ, sau đó được sử dụng để điều trị cho một người bệnh nào đó mà cả bạn và họ đều không biết nhau.

Ngoài ra, một số lý do có thể giúp bạn yên tâm hơn khi lưu trữ máu cuống rốn trẻ sơ sinh là:

  • Dự trữ máu cuống rốn không gây ảnh hưởng tiêu cực nào đến mẹ bầu và trẻ sơ sinh.
  • Việc lưu trữ cuống rốn cũng không ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ hoặc sinh nở.

Nhược điểm của việc lưu trữ máu cuống rốn

lưu trữ máu cuống rốn

Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ   (ACOG) đưa ra các khuyến nghị về việc sử dụng tế bào gốc máu dây rốn trẻ sơ sinh để điều trị bệnh cho chính trẻ sơ sinh đó như sau: Rất khó có khả năng một đứa trẻ mắc một căn bệnh đáp ứng với phương pháp điều trị bằng tế bào gốc có thể được điều trị bằng chính tế bào gốc của bé. Máu cuống rốn được thu thập từ trẻ sơ sinh không thể được sử dụng để điều trị bệnh di truyền hoặc bệnh ác tính cho bé đó (cấy ghép tự thân). Nguyên nhân là vì máu cuống rốn được lưu trữ cũng chứa cùng một biến thể di truyền, đột biến gene hoặc tế bào tiền ung thư gây ra căn bệnh nguy hiểm của bé.

Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ một đứa trẻ có thể sử dụng chính máu cuống rốn của bé trong suốt cuộc đời là từ 1/400 – 1/200.000. Nghiên cứu hiện tại cũng cho biết, máu dây rốn được lưu trữ có thể chỉ hữu ích trong 15 năm.

Cũng vì những điều này mà Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ khuyến nghị không nên lưu trữ máu cuống rốn như một hình thức “bảo hiểm sinh học” cho bé, vì lợi ích mà trẻ có thể nhận được ít hơn rất nhiều so với chi phí lưu trữ máu cuống rốn.

Mặc dù vậy, việc lưu trữ máu cuống rốn vẫn được giới chuyên gia khuyến khích. Sở dĩ như vậy là vì càng nhiều người hiến tặng máu cuống rốn thì cơ hội nhiều người sẽ được cứu chữa hơn.

Cách thu thập và lưu trữ máu cuống rốn

lưu trữ máu cuống rốn

Máu cuống rốn được thu thập ngay khi thai phụ vừa sinh em bé. Khi dây rốn được cắt đứt, một cây kim vô trùng được luồn vào dây rốn để lấy máu từ tĩnh mạch rốn. Máu sau đó được cho phép dẫn lưu bằng trọng lực vào một chiếc túi đựng chuyên dụng. Quá trình thu thập máu cuống rốn là vô hại và an toàn cho cả mẹ bầu và em bé. Toàn bộ quá trình thu thập máu cuống rốn chỉ mất vài phút. Máu cuống rốn nên được lấy càng sớm càng tốt sau khi sinh để giảm thiểu đông máu và tối đa hóa thể tích. Để đảm bảo có đủ tế bào để cấy ghép, ít nhất 40ml máu cuống rốn phải được thu thập.

Sau khi máu dây rốn được thu thập sẽ được gửi đến ngân hàng máu cuống rốn để lưu trữ lâu dài. Tại đây, máu cuống rốn sẽ được xử lý và phân loại, đồng thời một lượng nhỏ máu sẽ được trích ra để làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh tật hoặc rối loạn khác để đảm bảo an toàn và có thể sử dụng. Máu được phép sử dụng sẽ được đông lạnh và lưu trữ. Thời gian lưu trữ máu cuống rốn có thể lên đến hơn 20 năm.

Nếu không đáp ứng điều kiện để được sử dụng điều trị bệnh, máu cuống rốn có thể được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, nhưng chỉ khi có sự đồng ý của bạn. Ngoài ra, nếu mẫu máu không vô trùng hoặc không đủ số lượng, ngân hàng lưu trữ có thể loại bỏ.

Những phụ nữ mang thai muốn dự trữ máu cuống rốn cần đến bệnh viện để được tư vấn, đăng ký thông tin, trả lời một số câu hỏi về tiền sử bệnh và tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết. Thời điểm tốt nhất để thai phụ đăng ký lưu trữ máu cuống rốn và làm các xét nghiệm là trước 34 tuần của thai kỳ (khoảng 2 tháng trước khi sinh con).

lưu trữ máu cuống rốn

Tại Việt Nam, một số đơn vị y tế có ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn uy tín là:

  • Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM
  • Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội)
  • Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
  • Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem 
  • Bệnh viện Vinmec.

Trường hợp nào không thể lưu trữ tế bào máu cuống rốn?

Không phải tất cả thai phụ đều có thể lưu trữ máu cuống rốn. Khi mẹ bầu đăng ký dự trữ máu cuống rốn, một số xét nghiệm sẽ được tiến hành để xem xét khả năng có thể lưu trữ máu cuống rốn trẻ sơ sinh hay không.

Một số trường hợp phụ nữ mang thai không thể lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là:

  • Thai phụ chưa đủ 18 tuổi
  • Thai phụ mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm gan siêu vi…)
  • Thai phụ bị ung thư
  • Thai phụ mắc các bệnh về máu (suy tủy…)
  • Thai phụ bị biến chứng thai kỳ hoặc mắc bệnh trong quá trình mang thai và sinh nở. 

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về việc lưu trữ máu cuống rốn, từ đó có thể đưa ra được những quyết định phù hợp.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

CHA MẸ GIỮ LẠI MÁU CUỐNG RỐN CHO CON, CẦN NHỮNG GÌ? https://bthh.org.vn/66/cha-me-giu-lai-mau-cuong-ron-cho-con-can-nhung-gi–296.html Ngày truy cập: 26/11/2022

What is cord blood? https://www.nhsbt.nhs.uk/cord-blood-bank/what-is-cord-blood/ Ngày truy cập: 26/11/2022

Cord Blood Banking: Purpose, Procedure & What To Expect https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/23981-cord-blood-banking Ngày truy cập: 26/11/2022

Cord blood banking | Pregnancy Birth and Baby https://www.pregnancybirthbaby.org.au/cord-blood-banking Ngày truy cập: 26/11/2022

Umbilical Cord Blood Banking | ACOG https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/committee-opinion/articles/2019/03/umbilical-cord-blood-banking Ngày truy cập: 26/11/2022

Cord Blood Banking – Johns Hopkins All Children’s Hospital https://www.hopkinsallchildrens.org/Patients-Families/Health-Library/HealthDocNew/Cord-Blood-Banking Ngày truy cập: 26/11/2022

Should You Bank Your Baby’s Cord Blood? https://www.webmd.com/baby/should-you-bank-your-babys-cord-blood Ngày truy cập: 26/11/2022

Phiên bản hiện tại

04/12/2022

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Xét nghiệm máu sàng lọc di truyền trước khi sinh: Vì sao mẹ bầu cần thực hiện?

Xơ nang ở trẻ nhỏ: Căn bệnh di truyền nguy hiểm mà cha mẹ cần lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 04/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo