backup og meta

14 điều bạn nên làm khi chuẩn bị sinh con đầu lòng

14 điều bạn nên làm khi chuẩn bị sinh con đầu lòng

Sau khi kết hôn, có lẽ bạn sẽ dự định sinh con đầu lòng trong niềm vui sướng và háo hức. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên làm cha mẹ nên bạn có thể còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm cho việc mang thai, chuẩn bị sinh con và chăm sóc con chu đáo.

Tìm hiểu, học hỏi và chuẩn bị chu đáo sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, đồng thời giúp vợ chồng tận hưởng những trải nghiệm và khoảnh khắc tuyệt vời khi đón chờ và chăm sóc con yêu. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những điều bạn cần làm khi chuẩn bị sinh con nhé.

Tam cá nguyệt đầu tiên

Tam cá nguyệt là một khái niệm để chỉ tên gọi các giai đoạn trong thời kỳ mang thai. Một chu kỳ mang thai kéo dài 40 tuần được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 13 tuần đầu tiên của thai kỳ được gọi là tam cá nguyệt thứ nhất. Giai đoạn 13 tuần tiếp theo được gọi là tam cá nguyệt thứ hai và giai đoạn cuối được gọi là tam cá nguyệt thứ ba. Cùng xem trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn nên làm gì để chuẩn bị sinh con nhé.

1. Hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên

Phụ nữ chúng ta thường cố gắng để thụ thai dựa trên tính toán tuổi tác, lịch làm việc hoặc theo mùa mong muốn. Tuy nhiên, con của bạn không thể quan tâm đến lịch trình trong kế hoạch của bạn được.

Ví dụ như bạn hy vọng có đứa con đầu lòng vào mùa xuân nhưng con bạn lại đến vào tháng 10. Khi đó, bạn sẽ không thể nghỉ thai sản như mong muốn và bạn cần nhận ra rằng khi chuẩn bị sinh con, chúng ta không thể kiểm soát được mọi thứ. Vì vậy, bạn hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên để không cảm thấy hụt hẫng nhé.

2. Chú tâm tới sức khỏe

Những tuần đầu tiên trong giai đoạn phát triển của thai nhi là rất quan trọng, vì vậy bạn nên có chế độ ăn lành mạnh ngay từ khi cố gắng để thụ thai. Vào thời điểm bạn bị trễ kinh, 80% sự phát triển các cơ quan của trẻ sơ sinh như tim, khuôn mặt, chân tay… đã xảy ra.

Vì vậy, khi cố gắng để chuẩn bị sinh con đầu lòng, người mẹ không nên hút thuốc, uống rượu và nên uống bổ sung vitamin tổng hợp, axit folic trước khi có ý định có con. Tuy nhiên, nếu bạn đã lỡ có những thói quen ăn uống sinh hoạt không lành mạnh thì đừng lo lắng về những điều đã xảy ra mà thay vào đó hãy tập trung và nỗ lực để sinh ra một bé yêu khỏe mạnh.

3. Đặt lịch khám bác sĩ sản khoa

Bạn nên gặp và khám tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện có các bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm và có uy tín. Trong 3 tháng đầu, bạn nên khám bác sĩ sản khoa vào các thời điểm như sau để kiểm tra sức khỏe thai nhi tốt nhất.

  • Khi trễ kinh từ 5 đến 7 ngày, tức tuần thứ 5 để biết thai nhi có di chuyển vào tử cung không và có phát triển ổn định hay không.
  • Tuần thứ 8 để nghe tim thai và theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như tính ngày dự sinh; tuần 12–14 để xác nhận bạn có 1 em bé hay sẽ sinh đôi, sinh ba.
  • Đồng thời ở giai đoạn này, bạn cũng cần thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc để phát hiện nguy cơ thai nhi bị dị tật nếu có.
  • Khi khám thai định kỳ, bạn cũng có thể hỏi bác sĩ và trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng cũng như vấn đề bạn gặp phải để nhận được những lời khuyên hay hỗ trợ y tế cần thiết.

Các xét nghiệm thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai tam cá nguyệt đầu tiên bao gồm:

  • Kiểm tra máu thông thường để xem bạn có bị thiếu máu hay không, nhờ đó quyết định thời gian nên bổ sung sắt và liều lượng cần thiết.
  • Kiểm tra nhóm máu Rh-: đa số 80% phụ nữ có nhóm máu Rh+, tuy nhiên nếu thai phụ có nhóm máu Rh- thì có thể phát sinh triệu chứng bất đồng nhóm máu giữa mẹ và em bé trong trường hợp em bé có nhóm máu Rh+. Kết quả kiểm tra nhóm máu cũng rất cần thiết để chuẩn bị cho việc truyền máu khi bị mất máu nhiều trong lúc mang thai hoặc khi sinh con.
  • Kiểm tra bệnh rubella, tức bệnh sởi Đức: nếu mẹ bị nhiễm rubella vào thời kì đầu mang thai thì có nguy cơ cao gây ra bất thường đối với thai nhi.
  • Xét nghiệm viêm gan B: khi sản phụ mang virus viêm gan B thì trong thời kì mang thai và sau sinh, khả năng trẻ sơ sinh bị lây nhiễm là rất cao nên trẻ cần được tiêm ngừa tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau sinh càng sớm càng tốt.
  • Kiểm tra nước tiểu: xác định xem trong nước tiểu có albumin và dấu hiệu viêm bàng quang hay không.

4. Bữa ăn và giấc ngủ

Ở tam cá nguyệt đầu tiên, các mẹ bầu thường có triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, kiệt sức. Hãy ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi. Sau một khoảng thời gian nữa, bạn có thể thậm chí còn không có thời gian nghỉ ngơi vì phải dành thời gian chăm sóc bé.

Bạn cũng trở nên nhạy cảm với mùi và băn khoăn không hiểu tại sao một số món ăn làm cho bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, trong khi đó bạn lại đặc biệt yêu thích một hoặc một số món ăn nào đó.

Thèm ăn và ốm nghén xuất hiện ở đa số phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và bạn không phải bận tâm nhiều trừ khi bạn nôn liên tục và thèm ăn những thứ bẩn hay có hại cho sức khỏe như xà phòng, tường gạch… Trong cả hai trường hợp, điều này có nghĩa là bạn đang bị thiếu chất, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ để có thể dùng thuốc hoặc có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

5. Suy nghĩ về kế hoạch chăm sóc con

Đây là thời điểm tốt để lên kế hoạch chăm sóc trẻ, đặc biệt là tìm nơi giúp trông trẻ, tùy thuộc vào nơi bạn sống và thời điểm bắt đầu. Ở nhiều nơi, bạn cần lên kế hoạch tìm nhà trẻ cho bé ngay ở giai đoạn này. Do ở các thành phố lớn, nếu bạn bắt đầu tìm nhà trẻ cho bé quá trễ, bạn có thể không tìm được một nơi phù hợp gần nơi bạn sống khi em bé được sinh ra.

Nếu gia đình bạn sống ở nơi có nhu cầu trông trẻ cao nhưng rất ít nhà trẻ, hãy tiến hành tìm hiểu và đăng kí nơi giữ trẻ càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, ở một số nơi, bạn chỉ cần tìm nơi trông trẻ hoặc nhà trẻ một vài tháng trước khi sinh. Nếu bạn hy vọng một thành viên trong gia đình bạn sẽ hỗ trợ hai vợ chồng bạn, hãy thảo luận trao đổi sớm với gia đình để cùng có kế hoạch thu xếp.

Tam cá nguyệt thứ hai

1. Báo với cấp trên chuyện bạn mang thai

Đối với nhiều phụ nữ, đây là nhiệm vụ thật khó khăn khi chuẩn bị sinh con. Nhiều phụ nữ cảm thấy khá bối rối khi phải tiết lộ việc mang thai của mình cho cấp trên. Tuy nhiên, bản thân cấp trên có thể cũng là cha mẹ, do đó họ có thể điềm tĩnh đón nhận tin này. Trong nhiều trường hợp áp lực công việc quá lớn hay quá bận rộn, việc bạn mang thai có thể mang đến nhiều xáo trộn trong công việc.

Phần lớn phụ nữ chờ cho tới khi sang tam cá nguyệt thứ 2 mới trao đổi với cấp trên về việc mình mang thai, trong thời gian này thì nguy cơ sảy thai đã giảm xuống rất nhiều. Nhiều phụ nữ trao đổi với sếp khi đã mang thai tuần thứ 23 và nhiều người thậm chí ước chỉ phải báo tin cho mọi người rằng mình mang thai khi em bé được sinh ra nếu như các dấu hiệu mang thai không quá rõ ràng.

Nếu không thấy thoải mái khi nói với đồng nghiệp và sếp việc chuẩn bị sinh con thì bạn có thể tiếp tục trì hoãn cho đến khi bụng bầu của mình ngày một lộ rõ.

2. Mua quần áo mới để mặc

Có một số thai phụ đặc biệt yêu thích trang phục bà bầu nhưng một số khác lại tránh các cửa hàng đồ bầu cho đến khi họ không thể mặc vừa những bộ quần áo cũ trước đây nữa. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, các mẹ bầu sẽ chưa cần đến trang phục bà bầu cho đến tam cá nguyệt thứ hai, đặc biệt là ở lần mang thai đầu tiên.

Ở lần chuẩn bị sinh con đầu tiên, một số bà bầu bắt đầu mặc đồ bầu ở tháng thứ 5. Tuy nhiên, khi đến lần mang thai thứ 2, họ đã mặc đồ bầu ngay sau khi biết mình mang thai vì họ thực sự thích và cảm thấy thoải mái. Ở lần mang thai thứ hai, kích thước bụng bầu cũng thường lớn sớm hơn so với lần mang thai đầu tiên.

3. Bắt đầu đặt mua đồ cho bé và chuẩn bị giỏ đồ đi sinh

Vào tam cá nguyệt thứ hai, bạn có thể đã mơ mộng về màu sắc của phòng trẻ sơ sinh và lắng nghe các bậc phụ huynh khác thảo luận về những chiếc xe đẩy. Theo đó, các mẹ nên bắt đầu sắm sửa đồ cho bé từ tháng thứ 6 của thai kỳ. Bởi khi bước vào tam cá nguyệt thứ ba, đa số các bà mẹ thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì cơ thể trở nên nặng nề hơn nên không thể dành thời gian nhiều cho những việc này.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để mẹ bầu bắt đầu chuẩn bị giỏ đồ đi sinh. Bạn hãy lập sẵn danh sách các vật dụng cần thiết và mua sắm theo danh sách này. Bạn nên lưu ý chọn lọc các đồ dùng sẽ mang theo khi đi sinh để tránh mang quá nhiều đồ không cần thiết nhé.

4. Thu dọn và sắp xếp lại nhà cửa

Bạn và gia đình nên thu xếp mọi việc cần làm để chuẩn bị sinh con, ví dụ như thanh toán các hóa đơn, đơn thuốc…, lên kế hoạch dọn dẹp nhà kho và thu dọn đồ cũ không dùng đến.

Khi chuẩn bị sinh con, bạn có thể rất khó để làm bất kì việc gì và sau khi sinh con, bạn cũng sẽ trở nên rất bận rộn. Do đó, hãy sắp xếp nhà cửa ngăn nắp để tâm trạng thoải mái hơn, đồng thời cũng giúp bạn dễ dàng quản lý nơi ở gọn gàng mà không tốn quá nhiều công sức nhé.

Tam cá nguyệt thứ ba

1. Chuẩn bị ghế ngồi trên xe cho trẻ

Bạn có thể nghĩ rằng lắp ghế ngồi cho trẻ trên xe là một việc rất đơn giản, nhưng không phải như vậy. Theo Trung tâm an toàn giao thông quốc gia, hơn 80% ghế ngồi cho trẻ trên xe không được lắp đặt đúng cách. Bạn cần đi kiểm tra độ an toàn và đảm bảo đã thực hiện đúng các bước trước khi để trẻ ngồi lên ghế.

2. Nghĩ tên cho bé một cách nghiêm túc

Một số cặp vợ chồng thảo luận và thống nhất tên gọi cho con của họ ngay từ khi còn đang hẹn hò, nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng sau khi sinh con một vài ngày vẫn chưa quyết định được nên đặt tên cho bé là gì. Nếu bạn khó quyết định về tên cho bé, giai đoạn mang thai tam cá nguyệt thứ hai và ba là thời điểm thích hợp để nghĩ về điều này một cách nghiêm túc.

3. Quyết định thời gian nghỉ sinh con

Hầu hết phụ nữ có thể làm việc một cách an toàn cho đến cuối thai kỳ, tuy nhiên bạn cần phải khám và hỏi ý kiến bác sĩ. Trong nhiều trường hợp nếu mẹ bầu có một số vấn đề về sức khỏe hoặc có nguy cơ sinh sớm thì cần đặc biệt chú ý.

Về lựa chọn, nhiều phụ nữ cũng chọn làm việc cho đến lúc sinh để có thể tối đa thời gian nghỉ thai sản và ở bên cạnh con khi bé chào đời. Tuy nhiên, nếu như không quá áp lực, bạn nên nghỉ trước ngày dự sinh ít nhất 1 tuần để chuẩn bị và đảm bảo sức khỏe cho việc sinh con.

4. Tận hưởng thế giới hai người nhiều hơn

Dành thời gian ở bên cạnh chồng, hẹn hò ở bên ngoài có thể là một ý tưởng thú vị. Khi con yêu chào đời, sẽ rất khó để có một cuộc hẹn dù ngắn bên ngoài cùng nhau, vì bạn sẽ luôn lo lắng liệu bé ở nhà có ổn không, có khóc không, có nhớ bạn không…

Hãy tận hưởng thế giới của hai người và chuẩn bị chào đón thành viên mới đáng yêu của gia đình.

5. Chuẩn bị tâm lý để sinh con

Bạn đã trải qua thời kì mang thai 9 tháng 10 ngày vất vả, ngày được gặp con yêu đã đến gần. Bản năng làm mẹ sẽ giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn khi sinh con, bạn nhất định sẽ làm tốt. Trong đa số trường hợp, ngày dự sinh thường khá chính xác.

Tuy nhiên, một số mẹ bầu cũng sinh sớm hơn hoặc đã qua thời gian mang bầu 40 tuần mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Những trường hợp này phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của mẹ và em bé và xin tư vấn của các bác sĩ. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và ôn lại những điều học được ở lớp học tiền sản, điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn chuyển dạ đấy.

Đồng thời hãy chú ý tới các dấu hiệu của cơn đau chuyển dạ, tới bệnh viện kịp thời và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Hiện nay có nhiều lựa chọn sinh con như sinh mổ, sinh thường, sinh con có gây tê màng cứng để giảm đau và nhiều trường hợp có thể cần dùng các phương pháp kích sinh bằng thuốc hoặc thủ thuật.

Bạn và người thân nên tìm hiểu về quá trình chuyển dạ, những điều cần biết khi chuẩn bị sinh con để có kiến thức cơ bản, bớt bỡ ngỡ, phối hợp ăn ý với bác sĩ cũng như đưa ra những quyết định kịp thời và sáng suốt để mẹ tròn con vuông nhé. Ngoài ra, bạn cũng nên mua sắm các vật dụng cần thiết cho quá trình sinh nở và chăm sóc bé từ sớm để tránh việc bối rối khi chuyển dạ bất ngờ ở những tháng cuối thai kỳ. Nếu vẫn chưa biết cần sắm sửa những gì thì bạn có thể tham khảo các combo dự sinh ở những cửa hàng mẹ và bé để giúp việc chuẩn bị đồ dùng dễ dàng, thuận tiện hơn.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Newborn Basics: What You Need to Care for Your New Baby

https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-prep-17/baby-products

Ngày truy cập: 12.05.2018

14 Things to Do Before Baby Arrives

https://www.parents.com/pregnancy/my-life/preparing-for-baby/before-baby-arrives/

Ngày truy cập: 09.05.2018

Phiên bản hiện tại

12/05/2022

Tác giả: Hồng Nhung

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phối Linh


Bài viết liên quan

Thai quá ngày: Nguyên nhân, giải pháp và những điều mẹ bầu cần biết

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 12/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo