backup og meta

Đỡ đẻ bằng kẹp forceps liệu có thể gây hại cho thai nhi?

Đỡ đẻ bằng kẹp forceps liệu có thể gây hại cho thai nhi?

Nếu chuyện rặn đẻ có vấn đề, bác sĩ có thể chỉ định đỡ đẻ bằng kẹp forceps để đảm bảo an toàn cho bé. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gây thương tích cho mẹ và bé.

Phụ nữ mang thai nào cũng mong muốn mình có thể sinh con tự nhiên, suôn sẻ. Tuy nhiên, đôi khi có những điều bất ngờ xảy ra trong phòng sinh mà bạn không thể ứng biến được. Lúc này, đỡ đẻ bằng kẹp forceps là phương pháp hỗ trợ sinh được sử dụng phổ biến. Nhưng tại sao bác sĩ lại dùng kẹp forceps? Muốn biết, bạn hãy đọc bài viết của Hello Bacsi nhé.

Forceps là gì? Khi nào cần dùng forceps để đỡ đẻ?

Forceps là dụng cụ y khoa có kết cấu như 1 chiếc kẹp, gồm 2 miếng kim loại nối vào nhau. Bác sĩ sẽ dùng chiếc kẹp này cố định ở 2 bên đầu bé và kéo bé ra từ trong ống âm đạo.

Việc sử dụng kẹp forceps sẽ được thực hiện trong giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ – tức là giai đoạn “rặn đẻ”. Ở giai đoạn này, thời gian kéo dài thường chỉ khoảng 30 phút, nếu lâu hơn, bé có thể gặp nguy hiểm. Do đó, nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định đỡ đẻ bằng forceps để đẩy nhanh quá trình sinh nở.

Ngoài ra, forceps còn được chỉ định trong những trường hợp như:

  • Thai suy
  • Thai ngôi mông
  • Mẹ gặp khó khăn khi rặn đẻ hoặc không thể rặn đẻ do kiệt sức hoặc mắc các bệnh lý như bệnh tim, huyết áp cao, tử cung có sẹo mổ cũ, tiền sản giật
  • Tầng sinh môn rắn, không giãn nở
  • Mẹ rặn nhưng không sổ.

Rủi ro khi đỡ đẻ bằng kẹp forceps

kẹp forceps

Rủi ro cho mẹ

  • Rách âm đạo nghiêm trọng, phải mất nhiều thời gian mới có thể lành. Trong một số trường hợp, các thương tích này cần phải có sự can thiệp của phẫu thuật.
  • Các vấn đề về việc đi tiêu và đi tiểu sau khi sinh.

Rủi ro cho bé

  • Bé có thể bị trầy xước, va đập trên đầu hoặc mặt. Những điều này có thể mất đến vài tuần mới lành
  • Đầu sưng hoặc biến dạng sau khi sinh. Điều này sẽ biến mất trong vòng 1 – 2 ngày sau khi sinh
  • Chấn thương thần kinh do áp lực của kẹp, có thể gây rạn da tạm thời
  • Các vết cắt và chảy máu do kẹp gây ra, mặc dù tỷ lệ này rất hiếm
  • Tổn thương bên trong cũng có thể xảy ra (dù rất hiếm)

Dù những nguy cơ này rất hiếm nhưng bạn vẫn nên thảo luận với bác sĩ. Điều quan trọng là bạn cần phải có sự hiểu biết về những phương pháp sinh con để có thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Điều kiện để đỡ đẻ bằng kẹp forceps

đỡ đẻ bằng kẹp forceps

Để đỡ đẻ bằng kẹp forceps sẽ cần có những điều kiện như:

  • Nước ối bị vỡ
  • Cổ tử cung đã mở trọn
  • Đầu của bé nằm ở một vị trí đặc biệt trong kênh sinh
  • Xương chậu của mẹ và kích thước của bé vừa với nhau
  • Ngôi thai phải được xác định rõ
  • Có các biện pháp gây tê
  • Có các dụng cụ hỗ trợ
  • Bác sĩ có kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ bằng kẹp forceps
  • Người mẹ có nguy cơ buông xuôi nếu không dùng kẹp forceps
  • Người mẹ hiểu rõ việc dùng kẹp và đồng ý với nó.

Không nên dùng kẹp forceps nếu những yêu cầu trên không được đáp ứng.

Kẹp forceps cần được đặt đúng vị trí để tránh chấn thương

Nếu bác sĩ phải đỡ đẻ bằng kẹp forceps thì điều quan trọng là kẹp phải được đặt đúng vào đầu của bé để tránh chấn thương. Bác sĩ phải đặt vào vị trí mà không gây thương tích và tổn thương cho trẻ sơ sinh. Nếu đặt không đúng, áp lực đè lên đầu đứa trẻ sẽ tăng lên, có thể dẫn đến nhiều vấn đề như chảy máu trong não. Ngoài ra, còn có các vấn đề tiềm ẩn khác có thể xảy ra như biến dạng xương mặt, sưng não, tổn thương não, động kinh…

Mặc dù việc đỡ đẻ bằng kẹp forceps càng ngày càng ít nhưng trong một số trường hợp bắt buộc bác sĩ vẫn phải dùng nó. Trong trường hợp thai nhi bị nghi ngờ là tổn thương não do kẹp forceps gây ra, bạn cần cho bé đi khám tổng quát. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ xem xét đến việc mổ lấy thai thay vì dùng kẹp forceps bởi điều này đôi khi gây ra ít rủi ro hơn so với việc dùng kẹp.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The risks of forceps delivery as experienced by a mum https://sg.theasianparent.com/forceps-delivery-procedure/ Ngày truy cập: 5/4/2018

Are the risks associated with forceps delivery too great? https://www.abclawcenters.com/blog/2011/12/15/are-the-risks-associated-with-69359/ Ngày truy cập: 5/4/2018

Forceps delivery https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/forceps-delivery/about/pac-20394207 Ngày truy cập: 5/4/2018

Phiên bản hiện tại

18/01/2021

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý

Đo tim thai trong quá trình chuyển dạ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 18/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo