backup og meta

Tử cung nhỏ là gì? Tử cung nhỏ có thai được không?

Tử cung nhỏ là gì? Tử cung nhỏ có thai được không?

Bạn nghe nói tử cung nhỏ là một dạng dị tật tử cung gây khó khăn cho việc mang thai, sinh con, thậm chí là vô sinh nên rất lo lắng khi mình được chẩn đoán là tử cung nhỏ. Thực tế, tùy theo mức độ dị dạng mà người có tử cung nhỏ vẫn có cơ hội mang thai và sinh con như bao phụ nữ bình thường khác.

Bài viết sau sẽ đem đến các thông tin cần thiết về tình trạng cổ tử cung nhỏ chẳng hạn như cổ tử cung là gì và việc bị cổ tử cung nhỏ có sao không.

Tử cung nhỏ là gì?

Cổ tử cung nhỏ là tình trạng tử cung kém phát triển về thể tích. Tử cung có kích thước trung bình tối thiểu là dài 3,8cm, rộng 3,7cm và dày 2,7cm. Nếu kích thước tử cung của bạn không tương ứng với độ tuổi và nhỏ hơn so với kích thước tối thiểu này được xem là tử cung nhỏ.

Tử cung nhỏ là một dị dạng tử cung gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bạn. Tử cung nhỏ cũng có thể là một phần của hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser, một tình trạng cả tử cung và âm đạo đều không phát triển tương ứng so với độ tuổi, mặc dù yếu tố di truyền (46XX) và hoạt động của buồng trứng là bình thường.

Nguyên nhân gây ra tử cung nhỏ?

cổ tử cung nhỏ

Các nguyên nhân gây ra chứng cổ tử cung nhỏ rất đa dạng, bao gồm:

  • Tử cung nhỏ có thể là kết quả của sự phát triển không hoàn chỉnh tử cung của thai nhi ngay trong thời kỳ phôi thai.
  • Trong giai đoạn dậy thì, do tác động của nồng độ hormone prolactin tăng lên rất cao khiến sự phát triển tử cung của một số bé gái bị ảnh hưởng. Hormone prolactin được tạo ra bởi tuyến yên. Việc tuyến yên sản sinh ra lượng prolactin quá nhiều trước hoặc trong giai đoạn dậy thì sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan sinh sản và đặc điểm tình dục, trong đó có sự phát triển của tử cung.
  • Một vài báo cáo cho rằng một số thai phụ dùng diethylstilbestrol (DES), một dạng tổng hợp của hormone estrogen nữ, sinh ra con gái bị dị tật tử cung nhỏ. Trong những năm 1950, một số thai phụ được bác sĩ chỉ định dùng DES để ngừa chứng sẩy thai và sinh non.
  • Có các khối u của tuyến yên và vùng dưới đồi, dẫn đến các rối loạn về hormone gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ quan sinh dục.
  • Có tổn thương của hệ thần kinh trung ương (vùng liên kết dưới đồi – tuyến yên).
  • Tiếp xúc với chất độc hại hoặc mắc bệnh truyền nhiễm.
  • Từng mắc các bệnh như quai bị, rubella…
  • Tình trạng kém phát triển của buồng trứng dẫn đến sự kém phát triển của tử cung.
  • Trẻ suy dinh dưỡng do chế độ dinh dưỡng kém hoặc chế độ ăn không hợp lý dẫn đến sự kém phát triển của tử cung.
  • Dùng ma túy, rượu, các loại biệt dược trị liệu thần kinh (thuốc hướng tâm thần), hút thuốc…
  • Trẻ em gái từng phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
  • Sự kém phát triển của cơ quan sinh dục có thể là hậu quả của hoạt động thể chất quá mức khiến cơ thể bị stress ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các cơ quan sinh dục.
  • Nhiễm trùng mạn tính.
  • Yếu tố di truyền: Việc mẹ hoặc người thân trong gia đình (chị gái, em gái…) có tử cung nhỏ làm tăng nguy cơ bạn cũng mắc chứng này trong giai đoạn dậy thì.

Có thể bạn quan tâm: Niêm mạc tử cung mỏng: Cần điều trị sớm để tăng khả năng thụ thai

Dấu hiệu nhận biết

Người có cổ tử cung nhỏ thường có buồng trứng hoạt động bình thường, các đặc điểm tình dục thứ phát (vú, lông mu) hoàn toàn bình thường nên rất khó phát hiện trước tuổi dậy thì. Tuy nhiên, người có tử cung nhỏ thường có các dấu hiệu sau:

  • Không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt ít một cách bất thường, đau bụng dữ dội khi có kinh
  • Âm hộ không phát triển (giống như của trẻ sơ sinh), xương chậu hẹp, mông phẳng, lông mu thưa thớt
  • Đau khi giao hợp
  • Khó thụ thai
  • Bị sẩy thai thường xuyên, sinh non, thậm chí là vô sinh. Ngay cả khi đã dùng tới các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nguy cơ sẩy thai vẫn khá cao
  • Nồng độ prolactin trong máu tăng hoặc rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Turner.

Phương pháp chẩn đoán

Để đánh giá chính xác hơn về tình trạng tử cung nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm các xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra nội tiết tố để xác định nồng độ của các hormone sinh dục. Ở những phụ nữ bị vô sinh, bác sĩ thường ghi nhận hiện tượng không rụng trứng.
  • Kiểm tra chức năng hormone của tuyến giáp.
  • Siêu âm phụ khoa: hình ảnh siêu âm thường cho thấy buồng trứng nằm ở vị trí cao hơn tử cung.
  • MRI: Để kiểm tra chi tiết hơn các cơ quan vùng chậu, từ đó có kết luận chính xác về khả năng sinh sản của bạn.
  • Chụp cản quang buồng trứng (Hysterosalpingogram – HSG) nhằm kiểm tra sự thông thoáng của buồng tử cung và 2 vòi trứng.

Tử cung nhỏ có sao không?

Các bác sĩ sản khoa chia mức độ dị dạng tử cung nhỏ theo 3 cấp độ và tùy theo từng cấp độ mà đánh giá khả năng sinh sản, dự báo các biến chứng thai kỳ mà bạn có thể gặp phải hoặc đưa ra phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp.

  • Mức độ 1: Tử cung có chiều dài không quá 3cm và cổ tử cung có chiều dài khoảng bằng 1/2 chiều dài tử cung. Đây là mức độ nghiêm trọng nhất của sự kém phát triển tử cung song rất hiếm gặp. Các chuyên gia sản khoa gọi tử cung dạng này là tử cung thô sơ hay tử cung phôi thai. Đây là nguyên nhân chính khiến bạn không có kinh nguyệt, không thể thụ thai và mang thai.

Tin vui là nếu buồng trứng của bạn hoạt động bình thường và tinh trùng của chồng bạn không có gì bất thường thì bạn vẫn có thể làm mẹ bằng việc nhờ người mang thai hộ. Hiện nay, luật pháp nước ta đã cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

cổ tử cung nhỏ có sao không

  • Mức độ 2: Kích thước của tử cung lớn hơn kích thước tử cung thô sơ, nhưng tỷ lệ giữa thân tử cung và cổ tử cung không khác biệt so với mức độ 1. Nếu có tử cung ở mức độ này, bạn sẽ có các đặc trưng đi kèm như âm hộ nhỏ như bé gái (âm hộ nhi tính), lông mu thưa thớt. Ngoài ra, bạn có thể không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt rất ít, bất thường và bạn thường đau bụng đau dữ dội khi có kinh, đau khi giao hợp. Nếu có tử cung nhỏ mức độ 2, bạn có thể điều trị kéo dài bằng hormone và các rối chuyển hóa có thể giúp bạn khôi phục chức năng sinh sản.
  • Mức độ 3: Tử cung dài khoảng 7 – 8cm, tỷ lệ giữa cổ tử cung và tử cung là 3:1 tương ứng với chỉ số giải phẫu của tử cung. Nếu tử cung của bạn được chẩn đoán ở mức độ này, xin chúc mừng bạn vì tử cung của bạn chỉ ở dạng kém phát triển mà thôi. Bác sĩ sẽ đánh giá chính xác mức độ kém phát triển tử cung của bạn và tìm nguyên nhân để có hướng điều trị tích cực. Khả năng mang thai và sinh con của bạn có thể hoàn toàn bình thường. Song trong thai kỳ, bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bán sĩ sản khoa để hạn chế tối đa nguy cơ sẩy thai, sinh non nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Small Uterus?? https://community.babycenter.com/post/a21951791/small_uterus Ngày truy cập 30/3/2018

Can You Have a Small Uterus & Be Pregnant? https://www.livestrong.comarticle/551308-can-you-have-a-small-uterus-be-pregnant/ Ngày truy cập 30/3/2018

Small Uterus and Pregnancy

https://parenting.firstcry.com/articles/small-uterus-and-pregnancy/ ngày truy cập 07/01/2020

A Case of Miscarriage Caused by a Small Uterus following Childhood Chemotherapy

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31275135/ Truy cập ngày 28/12/2021

Can a woman with small uterus get pregnant?

https://doctor.ndtv.com/faq/can-a-woman-with-small-uterus-get-pregnant-11907 Truy cập ngày 28/12/2021

Uterine Hypoplasia

https://www.texaschildrens.org/health/uterine-hypoplasia Truy cập ngày 28/12/2021

Phiên bản hiện tại

28/12/2021

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Mini IVF: Phương pháp giúp hành trình làm cha mẹ dễ dàng hơn

Bất thường ở tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh sản


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo