backup og meta

Câu trả lời cho việc thụ thai nhờ châm cứu

Câu trả lời cho việc thụ thai nhờ châm cứu

Vô sinh hiện nay có lẽ đang là một vấn đề nóng của y học hiện đại, nhiều kĩ thuật tiên tiến đã được phát triển nhằm giúp cho các cặp vợ chồng thiếu may mắn có được cơ hội trở thành cha mẹ. Nhưng hiện nay, có một số cặp vợ chồng đã tìm đến những phương pháp trị liệu cổ xưa, hi vọng có được cơ hội mang thai. Một trong số các phương pháp đó là châm cứu.

Ngày nay, các chuyên gia sinh sản, bên cạnh nghiên cứu những kĩ thuật mới tiên tiến hơn, cũng đang ra sức tìm kiếm điều huyền bí đằng sau kĩ thuật y học cổ xưa này để giúp các cặp vợ chồng thiếu may mắn có được cơ hội trở thành cha mẹ.

Bạn biết châm cứu là gì?

Châm cứu là một phương pháp trị liệu xa xưa có nguồn gốc từ Trung Quốc, dựa trên nguyên lí rằng cơ thể tàng trữ một dạng năng lượng gọi là “khí”, vận hành trong cơ thể theo cách đường kinh. Nguyên nhân của mọi bệnh là do khí ứ huyết trệ, châm cứu điều trị bệnh bằng cách lấy lại cân bằng của dòng chảy năng lượng, hay dòng “khí”. Các thầy thuốc sẽ dùng kim châm vào các vị trí đặc biệt, gọi là “huyệt”, nằm trên đường kinh để làm khí huyết lưu thông.

Có một số bằng chứng cho rằng châm cứu có thể có hiệu quả nếu như bạn đã trong quá trình thực hiện thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm (IVF) hay tiêm tinh trùng vào trứng (ICSI).

Nhưng các chuyên gia vẫn còn băn khoăn về khả năng thực sự của châm cứu, mặc dù một số nghiên cứu nhỏ đã cho ra kết quả đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần thêm những bằng chứng vững chắc hơn để khẳng định sự hiệu quả của phương pháp này.

Châm cứu sẽ giúp bạn cải thiện khả năng mang thai

Một nghiên cứu của nhóm các nhà nghiên cứu người Đức trên 160 phụ nữ, được xuất bản năm 2002 trên tạp chí về sinh sản Fertility and Sterility, đã tìm ra rằng trong quá trình thực hiện IVF, nếu có thêm châm cứu, thì tỉ lệ thụ thai thành công sẽ tăng lên. Trong nghiên cứu này, một nhóm 80 phụ nữ sẽ được châm cứu 25 phút 2 lần, một lần trước khi đưa phôi nào tử cung, một lần là ngay sau khi quá trình đưa phôi hoàn thành. Nhóm còn lại không thực hiện bất kì lần châm cứu nào.

Kết quả: tỉ lệ phụ nữ thụ thai ở nhóm có châm cứu cao hơn rõ ràng, 34 người mang thai, so với nhóm không châm cứu, 21 người mang thai.

Một nghiên cứu khác được xuất bản trên tạp chí British Medical Journal năm 2008 của Eric Manheimer, Đại học Maryland, đã đưa ra kết luận rằng châm cứu có thể cải thiện 65% tỉ lệ mang thai khi kết hợp với IVF. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu khác lại kết luận không có sự khác biệt lắm về hiệu quả của châm cứu trong IVF.

Vậy cuối cùng, bạn có nên thử châm cứu để mang thai hay không? Theo các chuyên gia, không có lí do gì để bạn không thử sử dụng châm cứu. Nếu đang mang thai và vẫn sử dụng phương pháp châm cứu, thì bạn nhớ cho bác sĩ điều trị của bạn biết điều đó nhé vì sẽ giúp bác sĩ theo dõi và đưa ra lời khuyên tốt hơn.

Theo như tìm hiểu của Hello Bacsi, hiện nay, khoa Hiếm muộn của bệnh viện Hùng Vương đã kết hợp với Viện Y học dân tộc TP.HCM thực hiện châm cứu trị hiếm muộn và kết quả khá lạc quan. Bạn có thể đến bệnh viện Hùng Vương, 128 Hồng Bàng, P. 12, Q. 5 để tham vấn.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can acupunture help me to conceive? http://www.babycentre.co.uk/x1014446/can-acupuncture-help-me-to-conceive Ngày truy cập 22/01/2016

Ancient art of infertility treatment. http://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/features/ancient-art-of-infertility-treatment Ngày truy cập 22/01/2016

Rowan Pelling: I really believe acupuncture helped me to get pregnant. http://www.telegraph.co.uk/news/health/alternative-medicine/10469306/Rowan-Pelling-I-really-believe-acupuncture-helped-me-to-get-pregnant.html Ngày truy cập 22/01/2016

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Khắc Tiến

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Coco Thuy Bui


Bài viết liên quan

Bí quyết đẻ không đau: Gây tê màng cứng & Rặn sinh đúng cách

Thai quá ngày: Nguyên nhân, giải pháp và những điều mẹ bầu cần biết


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Khắc Tiến · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo