Mụn là nỗi ám ảnh của phái đẹp, đặc biệt là với các mẹ sau sinh bởi với mẹ bỉm, trị mụn sau sinh không hề đơn giản. Mẹ sẽ cần bỏ túi những cách trị mụn an toàn để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ và sức khỏe bé cưng.
Mụn không chỉ là nỗi ám ảnh của những cô gái tuổi dậy thì mà còn là cơn ác mộng với các mẹ sau sinh. Với những trường hợp nhẹ, mụn sẽ tự biến mất sau vài tuần nhưng cũng có trường hợp nặng, da mặt xuất hiện những vết thâm do mụn để lại khá lâu. Trị mụn sau sinh như thế nào? Mẹ sau sinh nên trị mụn triệt để bất kể đang cho con bú hay không cho con bú nữa để trị mụn? Đừng lo, những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm ra cách trị mụn sau sinh mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Bí quyết trị mụn sau sinh an toàn, hiệu quả dành cho mẹ bỉm
Để giảm mụn sau sinh, đơn giản nhất là mẹ nên duy trì một số thói quen chăm sóc da như:
- Uống nhiều nước
- Rửa mặt và tẩy trang sạch trước khi ngủ
- Không chạm tay vào da mặt
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không chứa dầu để không làm tắc nghẽn lỗ chân lông
- Tắm sau khi tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động mạnh
- Rửa mặt với xà phòng dịu nhẹ 2 lần mỗi ngày và tẩy tế bào chết 1 – 2 lần mỗi tuần
- Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng với trái cây tươi và rau quả, nguồn protein nạc và chất béo tốt như quả bơ và các loại hạt. Tránh đường tinh chế và các thực phẩm chế biến sẵn.
- Gội đầu thường xuyên, đặc biệt nếu tóc dầu và cố gắng không để tóc dính vào da mặt.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng vào buổi trưa, thoa kem chống nắng mỗi khi ra ngoài…
Thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng đến tình trạng mụn và gây nổi mụn sau sinh. Do đó, hãy chú ý quan sát kỹ mỗi khi ăn thực phẩm béo, thực phẩm có nguồn gốc từ sữa hoặc thực phẩm có tính axit. Nếu sau khi ăn mà mụn trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên tránh thêm những món ăn này vào thực đơn mỗi ngày.
Sử dụng thuốc trị mụn sau sinh
Nếu đang cho con bú, bạn có thể sử dụng các loại thuốc trị mụn an toàn như:
- Benzoyl peroxide
- Axit salicylic
- Thuốc kháng sinh
Những loại thuốc này có chức năng như chất kháng khuẩn, chống viêm, giúp tẩy tế bào chết và làm thông thoáng lỗ chân lông.
Trong thời gian cho con bú, các bác sĩ thường khuyên bạn nên sử dụng thuốc bôi ngoài da. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp. Nếu bị nổi mụn ở ngực, bạn nên tránh bôi thuốc vì như vậy có thể khiến bé nuốt cả thuốc khi bú.
Nếu không cho con bú, bạn có thể thử nhiều cách để điều trị mụn sau sinh hơn. Ngoài các loại thuốc kể trên, bác sĩ cũng có thể kê đơn retinoid tại chỗ hoặc thuốc trị mụn đường uống. Bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng thuốc tránh thai để kiểm soát tình trạng nổi mụn sau khi sinh con, vì loại thuốc này có thể điều hòa các hormone kích thích mụn.
Cách trị mụn sau sinh từ thiên nhiên
Trị mụn sau sinh bằng giấm táo
Bạn có thể trộn giấm táo thô và nước tinh khiết theo tỷ lệ 1:3 để tạo ra một loại nước hoa hồng giàu enzyme tự nhiên và axit alpha hydroxy. Sau đó, nhúng miếng bông gòn vào hỗn hợp này và thoa lên da để hút dầu.
Nếu khi dùng mà da bị khô quá mất nước, bạn nên ngừng sử dụng. Ngoài ra, tránh sử dụng giấm táo chưa pha loãng vì có tính axit rất cao, dễ gây bỏng.
Trị mụn sau sinh bằng trái cây họ cam, quýt
Axit alpha hydroxy có trong các loại trái cây họ cam quýt như chanh, cam có thể trị mụn rất hiệu quả. Bạn có thể vắt nước chanh và dùng bông gòn thoa trực tiếp lên nốt mụn trong 10 phút, sau đó rửa sạch bằng nước. Chanh với đặc tính se khít và kháng khuẩn sẽ làm thông thoáng lỗ chân lông và loại bỏ tế bào chết.
Trị mụn sau sinh bằng nghệ
Đây là cách làm đẹp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Bạn có thể thực hiện bằng cách lấy nước cốt nghệ nguyên chất thu được từ việc nghiền nhuyễn nghệ tươi và thoa đều lên da mặt. Sau đó, dùng tay vỗ nhẹ lên bề mặt da để hỗn hợp thấm sâu. Thư giãn khoảng 15 – 20 phút rồi rửa sạch lại với nước. Kiên trì thực hiện cách trị mụn sau khi sinh này, bạn sẽ thấy mụn sẽ giảm rõ rệt và da sẽ trở nên hồng hào, rạng rỡ.
Trị mụn sau sinh bằng mật ong
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, khử trùng và giúp làm dịu da. Để trị mụn bằng cách này, bạn hãy rửa sạch bằng nước ấm, sau đó bôi trực tiếp mật ong lên vùng da bị mụn và để trên da trong 20 đến 30 phút rồi rửa sạch.
Trị mụn cho mẹ sau sinh bằng dầu dừa
Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Nó cũng rất dịu nhẹ với da và dễ hấp thụ. Bạn có thể thoa dầu dừa nguyên chất thay cho kem dưỡng ẩm trước khi ngủ.
Trị mụn khi ở cữ bằng sữa mẹ
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng axit lauric, một thành phần của sữa mẹ có khả năng kháng khuẩn và hỗ trợ loại bỏ mụn. Bạn có thể dùng sữa mẹ thoa lên mặt, sau đó để trong khoảng 10 phút rồi rửa lại với sạch. Kiên trì thực hiện một thời gian bạn sẽ thấy da hết sạch mụn, thâm.
Nếu bạn đã thử hết các biện pháp trên mà tình trạng mụn không có dấu hiệu cải thiện, bạn nên đi khám. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các loại thuốc bôi mạnh và hiệu quả hơn.
Nguyên nhân khiến mẹ bị mụn sau sinh
Việc mẹ bị mụn trong thời gian mang thai và sau sinh là hết sức bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là do nội tiết tố thay đổi. Khi nồng độ progesterone tăng cao sẽ làm tăng sản xuất bã nhờn (dầu), làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn.
Progesterone là loại hormone sinh dục nữ do buồng trứng tạo ra. Hormone này tích tụ ở thành niêm mạc tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt. Cơ thể bạn cũng tạo ra progesterone khi mang thai vì hormone này sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Sau sinh, mức progesterone sẽ trở lại bình thường và mụn cũng sẽ biến mất. Thế nhưng, cũng có trường hợp phải mất nhiều thời gian thì lượng hormone này mới trở về bình thường và do đó, mẹ vẫn sẽ tiếp tục nổi mụn.
Tuy nhiên, progesterone không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra mụn sau sinh. Bạn còn có thể bị nổi mụn do stress khi chăm bé. Tình trạng căng thẳng không trực tiếp gây ra mụn nhưng có thể khiến cơ thể tiết ra một lượng lớn cortisol. Hormone này có thể thúc đẩy các tuyến bã nhờn tiết ra nhiều bã nhờn hơn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn.
Mụn sau sinh cũng có thể xảy ra do cơ thể bị mất nước. Da khô có thể làm tăng tiết bã nhờn, gây ra mụn. Ngoài ra, mụn cũng có thể xuất hiện nếu bạn thường xuyên dùng tay chạm vào da mặt. Bởi thói quen này có thể khiến vi khuẩn từ tay truyền sang mặt. Do đó, để trị mụn sau sinh, các bác sĩ thường khuyên mẹ nên uống nhiều nước và hạn chế đưa tay lên mặt.
Mụn sau sinh kéo dài bao lâu?
Mụn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả lưng và mông. Tuy nhiên, đa phần mẹ bị mụn sau sinh sẽ xảy ra nhiều trên mặt, đặc biệt là ở trán, cằm và má vì đây là những khu vực có nhiều tuyến bã nhờn.
Đa phần, hiện tượng nổi mụn sau sinh chỉ là tạm thời, cũng có trường hợp mụn biến mất ngay sau sinh. Nhưng cũng có trường hợp mẹ sẽ tiếp tục nổi mụn trong vài tuần hoặc vài tháng, điều này phụ thuộc vào việc mất bao lâu để hormone của bạn trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, việc cho con bú cũng có thể làm tăng hormone gây mụn. Do đó, nếu bạn cho bé bú mẹ thì thời gian bị mụn có thể kéo dài.
Lưu ý khi trị mụn sau sinh
Mụn có thể khiến bạn khó chịu nhưng đừng vì vậy mà:
- Rửa mặt quá nhiều lần vì điều này sẽ làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da, làm tăng sản xuất dầu
- Rửa mặt bằng nước quá nóng cũng có thể gây khô da. Bạn chỉ nên rửa với các sản phẩm tẩy rửa dịu nhẹ và nước lạnh hoặc nước ấm vào buổi sáng, tối và sau khi thực hiện các hoạt động đổ mồ hôi nhiều.
- Kỳ cọ da mặt quá mạnh. Thay vào đó, chỉ nên dùng tay và khăn mềm nhẹ nhàng làm sạch da theo chuyển động tròn.
- Gãi hoặc nặn mụn vì điều này có thể gây kích ứng và dẫn đến sẹo…
Bị mụn sau sinh có thể khiến mẹ thấy khó chịu, mất tự tin. Tuy nhiên, dù vậy, mẹ vẫn nên hết sức cẩn thận khi trị mụn sau sinh, đặc biệt là nếu có ý định bôi thuốc thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé cưng.
Có thể bạn quan tâm: Mách nước cách chăm sóc da sau sinh để bạn vẫn xinh đẹp dù bận rộn
[embed-health-tool-ovulation]