Tùy thể trạng của từng người, bạn có thể gặp phải tình trạng ngực chảy xệ khi cho con bú. Thông thường, đôi gò bồng đảo sẽ trở lại như trước kia sau 6 tháng con ngưng bú mẹ.
Cho con bú là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của người mẹ. Thế nhưng, nhiều chị em lo lắng rằng liệu ngực mình sẽ như thế nào sau khi cho con bú. Thật ra, có nhiều yếu tố tác động đến hình dáng ngực, nhưng có khá nhiều biện pháp và bí quyết giúp tránh tình trạng ngực chảy xệ khi cho con bú.
Nguyên nhân khiến ngực chảy xệ khi cho con bú
- Trong thời gian mang thai, dây chằng Cooper liên kết cơ ngực và vú sẽ bị căng giãn và yếu đi. Điều này sẽ giúp vú tăng kích thước, chuẩn bị việc cho con bú
- Hình dáng của ngực sau khi cho con bú sẽ phụ thuộc vào tuổi, gen và lối sống của người mẹ
- Khi dần lớn tuổi, da của phụ nữ sẽ giảm độ đàn hồi còn kích thước của ngực là do di truyền
- Kích thước của ngực còn phụ thuộc vào số lần mang thai. Bạn càng có nhiều con thì sự thay đổi về hình dạng và độ săn chắc của ngực sẽ nhiều hơn
- Kích thước ngực trước khi mang thai cũng là yếu tố quyết định. Nếu ngực bạn nhỏ và tròn thì sau khi cho con bú, núi đôi có thể duy trì hình dáng tốt hơn là những chị em có ngực to, thon dài.
- Tăng cân khi mang thai quá nhiều góp phần khiến ngực căng nhiều hơn và nguy cơ chảy xệ khi cho bú cao hơn
- Cho con bú là một yếu tố quan trọng khác tác động đến hình dáng ngực.
Ngăn ngừa ngực chảy xệ khi cho con bú
1. Mang áo ngực khi cho con bú
Phương pháp này sẽ hỗ trợ nâng đỡ khuôn ngực và dây chằng. Trọng lực sẽ có tác động xấu đến đôi gò bồng đảo qua thời gian dài, đặc biệt là với chị em có ngực quá to. Vì thế, bạn có thể mặc áo ngực cả ngày lẫn đêm để ngăn ngừa việc chảy xệ của ngực sau này. Tuy nhiên, hãy chọn áo ngực có kích thước phù hợp để tránh bị phản tác dụng.
2. Kiểm soát việc tăng cân và tránh giảm cân đột ngột
Ăn ít mỡ động vật và nhiều ngũ cốc nguyên cám, thực phẩm giàu vitamin B và nhiều rau xanh sẽ giúp duy trì độ săn chắc và đàn hồi của mô vú.
3. Đảm bảo độ ẩm cho da
Da khô sẽ giảm độ đàn hồi và khiến ngực dễ chảy xệ hơn. Bạn nên lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm cho da tốt và an toàn nhé.
4. Tắm nước nóng và nước lạnh xen kẽ
Nên tắm nước ấm kết hợp với massage ngực và kết thúc việc tắm bằng nước lạnh. Điều này sẽ giúp cải thiện tuần hoàn da, giúp da săn chắc hơn. Quan trọng hơn cả là bạn nên cho bé bỏ bú một cách từ từ.
5. Tư thế có ích trong việc ngăn ngừa ngực chảy xệ
Bạn nên lưu ý đến tư thế khi cho con bú, đảm bảo tư thế này chống lại tác động của trọng lực. Ví dụ, bạn nên cho con bú khi ngồi thẳng, dựa lưng và dùng một cái gối để hỗ trợ.
6. Bài tập chuyên biệt giúp ngăn ngừa ngực chảy xệ
Đi ngược lại với nhiều quan điểm, tập thể thao thực sự không ảnh hưởng đến lượng sữa. Bài tập hợp lý có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ ngực, ngăn ngừa sự thay đổi hình dáng của ngực sau khi cho con bú.
Bài tập vớt tạ (dumbbell pull over)
Nằm ngửa trên một ghế dài với hai chân chạm đất, nâng hai quả tạ quá đầu và lặp lại nhiều lần.
Hít đất
Bạn có thể hít đất cả người hay chỉ một nửa người trước. Cần đảm bảo hai tay đặt song song với nhau và hạ thấp người nhiều nhất có thể, nhưng đừng quá sức. Bài tập này tốt cho cơ tay, cơ lưng và cột sống của bạn.
Bài tập ép ngực (chest press)
Một bài tập nữa có thể giúp bạn tăng cường sức cơ phần trên là nằm ngửa, chân chống, nâng tạ lên bằng một tay, tay còn lại giơ lên cao, hạ thấp tay cầm tạ xuống. Lặp lại 10 lần hoặc cho đến khi bạn mỏi. Thực hiện tương tự với tay còn lại.
Bạn nên tham khảo ý kiến của các huấn luyện viên trước khi thực hiện bất cứ bài tập nào sau khi sinh, đặc biệt là khi sinh mổ nhé.
[embed-health-tool-ovulation]