backup og meta

Hậu sản là gì mà phụ nữ sau sinh phải đặc biệt quan tâm?

Hậu sản là gì mà phụ nữ sau sinh phải đặc biệt quan tâm?
Hậu sản là gì mà phụ nữ sau sinh phải đặc biệt quan tâm?

Sau bao tháng ngày chờ đợi con yêu chào đời, người mẹ nào cũng mong muốn được tận hưởng niềm vui chăm sóc em bé. Tuy nhiên, không ít chị em lại gặp phải những căn bệnh hậu sản, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hồi phục, chăm sóc con và chất lượng cuộc sống. 

Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về hậu sản, từ những dấu hiệu nhận biết ban đầu, nguyên nhân gây bệnh, cho đến lời khuyên của các chuyên gia để điều trị hiệu quả.

Hậu sản là gì?

Bệnh hậu sản được hiểu đơn giản là các vấn đề sức khỏe của người phụ nữ trong thời kỳ hậu sản (sau sinh). Theo tài liệu Y học, đây là khoảng thời gian 6 tuần đầu sau khi sinh con. Theo cách nói dân gian, thời kỳ này là 3 tháng đầu sau sinh.

Giai đoạn hậu sản rất quan trọng đối với người mẹ. Thời điểm này đầy khó khăn vì cơ thể đang trải qua một loạt các thay đổi từ thể chất, tâm lý do sự thay đổi nội tiết tố cũng như việc chăm sóc con nhỏ. Nếu như người mẹ không được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách sẽ rất dễ mắc bệnh hậu sản. Cơ thể những người này gầy gò, khó lên cân, đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh. Họ trở nên kiệt sức, mệt mỏi, suy dinh dưỡng và không đủ sữa cho con bú.

[embed-health-tool-due-date]

Nguyên nhân gây tình trạng hậu sản là gì?

Những lý do chính dẫn đến bệnh hậu sản phải kể đến là:

Phụ nữ sau sinh

Tổng hợp 5 loại hậu sản hường gặp và cách xử lý hiệu quả

Sau khi vượt cạn, phụ nữ phải chịu nhiều căng thẳng về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu như quá trình sinh con gặp trục trặc hoặc giữ vệ sinh không tốt có thể gây ra các bệnh phụ khoa sau sinh. Vậy, phụ nữ sau sinh thường mắc bệnh gì? Có 5 căn bệnh thường gặp nhất, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mẹ bỉm, bao gồm:

1. Băng huyết sau sinh

Căn bệnh hậu sản này rất nguy hiểm, được coi là một tai biến sản khoa thường gặp nhất, một trong những nguyên nhân chính khiến sản phụ tử vong. Nguy cơ bị băng huyết cao nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

Dấu hiệu điển hình của băng huyết là chảy máu nhiều bất thường ngay sau khi sổ thai và sổ nhau ra ngoài (trên 500ml với sinh thường, trên 1.000ml với sinh mổ). 

Có một số ít trường hợp, máu không chảy ra mà đọng lại trong tử cung hoặc tạo thành các khối máu đông. Việc mất máu có thể khiến người mẹ nhợt nhạt, choáng váng, lạnh chân tay, đổ mồ hôi, khát nước, mạch đập nhanh và huyết áp hạ,… Ngoài ra, họ còn gặp phải những triệu chứng đặc trưng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây băng huyết là gì (sót nhau, đờ tử cung, rách đường sinh dục,…).

Băng huyết thường xảy ra ở những người phụ nữ mang thai to, thai lưu hoặc sinh non; từng sinh con nhiều lần, nạo phá thai nhiều lần; có vết mổ ở tử cung, sót nhau viêm niêm mạc tử cung; suy nhược, thiếu máu, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, chuyển dạ kéo dài, nhiễm khuẩn ối; dây rốn ngắn, quấn cổ nhiều vòng; rặn khi cổ tử cung chưa mở hết; đẻ nhanh, đặc biệt ở tư thế đứng.

Việc điều trị băng huyết cần phải nhanh chóng, lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp với từng ca bệnh. Bác sĩ sẽ cho truyền thuốc, chèn lòng tử cung, hoặc phẫu thuật.

Băng huyết sau sinh

2. Nhiễm khuẩn hậu sản

Nhiễm khuẩn hậu sản là gì? Đây là tình trạng nhiễm trùng khởi nguồn từ đường sinh dục, gồm có âm đạo, cổ tử cung và tử cung vùng nhau bám. Các hình thái thường gặp là: Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; viêm quanh tử cung, viêm tử cung, viêm niêm mạc tử cung, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ; viêm tắc tĩnh mạch; nhiễm trùng máu

Nhiễm khuẩn hậu sản cũng là một tai biến trong sản khoa, ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ, thậm chí có thể đe dọa mạng sống.

Bạn sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hậu sản hơn nếu như có chế độ dinh dưỡng kém, thiếu máu, béo phì, nhiễm độc thai nghén, vỡ ối sớm, chuyển dạ kéo dài, bế sản dịch, viêm âm đạo, băng huyết sau sinh,…

Dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn hậu sản bao gồm: sản dịch có mùi hôi, quá trình co hồi tử cung diễn ra chậm và gây đau nhiều, có thể có sốt.

Để điều trị nhiễm khuẩn sau sinh, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Ngoài ra, bạn cần chú ý:

  • Kiêng quan hệ tình dục trong thời kỳ hậu sản
  • Vệ sinh vùng kín bằng nước sạch đã đun sôi và để ấm, không được thụt rửa vào sâu trong âm đạo. Lau khô vùng kín bằng khăn sạch, không nên sử dụng giấy nhám hoặc các loại khăn ướt có mùi. Giữ vùng kín luôn sạch và khô ráo
  • Hạn chế đi lại hoặc vận động trong vòng 1 tháng sau khi sinh
  • Thường xuyên thay quần lót nhằm giữ vùng kín luôn được khô ráo
  • Vệ sinh, thay mới chăn – ga – gối thường xuyên
  • Theo dõi sản dịch, nếu thấy có mùi hôi hoặc đổi màu lạ; hoặc vùng sinh dục bị đau và sưng thì cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay
  • Tái khám đúng hẹn để đảm bảo cơ thể phục hồi tốt và không có bệnh hậu sản nào xảy ra.

3. Bế sản dịch

Trong 3-4 ngày đầu mới sinh, sản dịch tiết ra nhiều rồi đặc lại và ít dần. Từ màu đỏ tươi, sản dịch chuyển dần sang nâu nhạt và chuyển thành màu trắng vàng sau khoảng 10-12 ngày. Sản dịch thường tiết nhiều hơn vào buổi sáng mới ngủ dậy và khi cho con bú.

Bế sản dịch là tình trạng sản dịch bị ứ đọng lại trong tử cung, không thể thoát ra bên ngoài. Nếu không kịp thời can thiệp thì có thể dẫn tới chảy máu không cầm được và đe dọa tính mạng của người mẹ.

Để điều trị, bác sĩ sẽ nong cổ tử cung để sản dịch được tống đẩy hết ra ngoài. Mẹ cần lưu ý không vắt chéo hai chân khi ngủ nhằm tránh gây bế sản dịch, vận động nhẹ nhàng (nhất là các trường hợp sinh mổ).

Ngoài ra, trong trường hợp sản dịch tiết ra nhiều bất thường, ướt đẫm băng vệ sinh chỉ sau 1 giờ; sản dịch kéo dài; sản dịch đã hết máu đỏ thẫm nhưng lại ra máu tươi thì cần tái khám ngay.

bế sản dịch

4. Sản giật sau sinh

Đây là biến chứng sản khoa có thể xảy ra 50% trước sinh, 25% trong khi sinh và 25% sau sinh. Người mẹ bị tăng huyết áp, phù và bị thoát protein ra nước tiểu. Sản giật có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết não ngay trong cơn co giật, khiến người mẹ bị hôn mê sâu kéo dài và tử vong sau đó.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của sản giật là tiền sản giật. Ngoài ra, bạn có khả năng gặp phải tình trạng này cao hơn nếu như mang thai đôi, mắc bệnh tự miễn, ăn uống kém hoặc bị béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận, dưới 17 tuổi hoặc trên 35 tuổi, mang thai con đầu lòng hoặc gia đình từng có người bị tiền sản giật/ sản giật.

Trước khi lên cơn sản giật, người mẹ thường sẽ trải qua giai đoạn tiền sản giật với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, có thể bị nôn và đau vùng thượng vị,… Sau đó, cơn sản giật xảy đến đột ngột với 4 giai đoạn: xâm nhiễm, co cứng, co giật giãn cách, hôn mê.

Để điều trị cơn co giật trong sản giật, bác sĩ sẽ xử trí bằng cách nghiêng người bệnh qua một bên, ngáng lưỡi, hút dịch và thức ăn ra khỏi khí quản hoặc thanh môn, tiêm thuốc cắt cơn giật, truyền magie liên tục, đồng thời theo dõi nhiễm độc magie để giải độc kịp thời, truyền thuốc hạ huyết áp nếu có tăng huyết áp

5. Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh

Đây là tình trạng viêm ở bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu như niệu đạo, bàng quang, niệu quản hay thận; xảy ra ở 2-4% phụ nữ sau sinh. Thông thường, nhiễm trùng chỉ nhẹ nhưng gây ra khó chịu cho chị em, phải nằm viện lâu hơn hoặc đã về nhưng phải nhập viện lần nữa. Việc điều trị nhiễm trùng tiết niệu cũng có thể khiến người mẹ không thể tiếp tục cho con bú được nữa.

Bị nhiễm trùng tiểu là do ứ đọng nước tiểu lâu trong đường niệu đạo, kèm theo tổn thương niệu đạo khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và phát triển. Ở phụ nữ mới sinh, cơ sàn chậu còn yếu nên không thể tống hết nước tiểu ra ngoài, hoặc bị liệt bàng quang tạm thời do ảnh hưởng của co thắt tử cung, hoặc nhịn tiểu vì sợ đau dẫn tới ứ đọng nước tiểu. Bên cạnh đó, nếu sử dụng ống thông tiểu, ống này có thể cọ xát làm tổn thương niệu quản. Các điều kiện đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh.

Nhiễm trùng tiết niệu

Dấu hiệu nhận biết tình trạng này bao gồm cảm giác đau và nóng rát khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu són, mót tiểu; nước tiểu có mùi khó chịu, màu đục; nặng hơn sẽ đi tiểu ra máu, đau thắt lưng, sốt, lạnh run.

Cách điều trị nhiễm trùng tiểu tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Bác sĩ sẽ cân nhắc cho uống hoặc tiêm loại kháng sinh phù hợp. Mẹ cũng cần phối hợp với bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị, bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C, vệ sinh vùng kín thường xuyên, chọn quần thoải mái và thoáng mát.

Những vấn đề hậu sản khác

Bên cạnh 5 loại bệnh hậu sản thường gặp, mẹ sau sinh cũng có thể gặp những tình trạng hậu sản phổ biến khác, bao gồm:

  • Sụt cân, không thể tăng cân
  • Thiếu ngủ, khó ngủ
  • Gầy gò
  • Cơ thể ốm yếu, xanh xao, uể oải, kiệt sức
  • Chán ăn, hoặc ăn không ngon miệng, hoặc ăn được nhưng lại không tăng cân
  • Buồn bã, chán nản, bực bội, lo lắng, hoang mang dù mọi chuyện xung quanh vẫn ổn, không thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và rất dễ khóc
  • Không muốn bước chân ra ngoài hay gặp gỡ bất kỳ ai.

Tình trạng người phụ nữ bị gầy gò, suy nhược sau khi sinh con được gọi là hậu sản mòn.

Hậu sản mòn có nguy hiểm không?

Hậu sản mòn làm cơ thể mẹ càng thiếu chất, suy dinh dưỡng, đề kháng kém nên dễ mắc bệnh và bệnh lâu khỏi, giảm hoặc mất sữa. 

Nguyên nhân gây hậu sản mòn

Những thay đổi sau khi sinh con là nguyên nhân dẫn tới hậu sản mòn. Lúc này, người mẹ vừa mất đi một lượng máu lớn do sinh nở, hormone trong cơ thể thay đổi, cộng với việc nhịp sinh hoạt đảo lộn khi chăm sóc em bé sẽ khiến người mẹ trải qua nhiều đau đớn (đau co tử cung, đau vết khâu tầng sinh môn/vết mổ, cương cứng sữa,…), kiệt quệ về thể chất, căng thẳng về tinh thần.

Triệu chứng hậu sản mòn là gì?

Hậu sản mòn khiến chị em bị sụt cân một cách nhanh chóng, chán ăn, bụng sôi, đau dạ dày,… 

Cách chữa hậu sản gầy mòn

Khi gặp tình trạng hậu sản mòn, chị em nên đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ kiểm tra tổng quát, chẩn đoán và hướng dẫn cách khắc phục phù hợp nhất. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc, vitamin và khoáng chất; đồng thời tư vấn về chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi.

Để xử lý và phòng ngừa tình trạng này tại nhà, bạn nên lưu ý đến chế độ dinh dưỡng:

  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn món dễ tiêu
  • Tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng như cá, tim gan động vật, thịt bò, trứng gà, sữa đặc,…; kèm rau xanh, hoa quả
  • Không nên ăn nhiều đồ chiên xào, đồ cay nóng, đồ quá ngọt
  • Không sử dụng rượu bia, chất kích thích, uống đủ nước.

Bên cạnh đó, mẹ sau sinh hãy nhớ tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày, nhờ người thân chăm con giúp để có thể nghỉ ngơi nhiều hơn, thư giãn tinh thần với những hoạt động yêu thích, tâm sự với người mà bạn tin tưởng, không để cơ thể bị nhiễm lạnh….

Lời khuyên từ bác sĩ về việc phòng bệnh hậu sản

Bất cứ người mẹ nào cũng cần được chăm sóc đặc biệt sau khi sinh để phòng ngừa các bệnh lý hậu sản. Đây là lúc cơ thể rất yếu ớt, mệt mỏi, sức đề kháng kém và cần thời gian phục hồi. Khi chăm sóc bà mẹ mới sinh, các bác sĩ Sản khoa khuyên rằng:

  • Để người mẹ nghỉ ngơi hoàn toàn
  • Ăn uống đầy đủ và cân đối tất cả các nhóm chất từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau (thịt, cá, trứng, sữa, hoa quả, rau xanh); tránh việc kiêng cữ quá nhiều dẫn tới thiếu chất. Mẹ cũng cần tránh ăn ớt, cà phê,… làm ảnh hưởng tới việc tiết sữa. Nếu mổ lấy thai, người mẹ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ, sau đó ăn từ lỏng đến đặc và chỉ được ăn cơm khi đã xì hơi.
  • Uống nhiều nước hơn
  • Tắm gội bằng dược liệu, xông hơi đúng cách
  • Ngủ đủ giấc (khoảng 8-9 tiếng mỗi ngày) và giảm stress qua các hoạt động thư giãn như yoga, thiền.
  • Vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vùng kín đúng cách để tránh viêm nhiễm
  • Không áp dụng những biện pháp kiêng cữ không hợp lý, không đảm bảo vệ sinh, trái với khoa học để tránh gây áp lực cho người mẹ và dẫn đến bệnh hậu sản (chẳng hạn như không vận động, không tắm rửa, nằm than, kiêng đọc báo hoặc xem tivi, kiêng nói chuyện, kiêng gội đầu và đánh răng,…)
  • Tránh những hoạt động nặng trong khoảng 2-3 tuần đầu tiên. Nếu muốn tập thể dục, cần bắt đầu lại bằng các động tác yoga nhẹ nhàng hoặc đi bộ; sau đó mới dần dần tập luyện bình thường.
  • Liên hệ với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường như sốt, sản dịch hôi, chảy máu tươi nhiều ở âm đạo, đau bụng nhiều,…

Bác sĩ tư vấn mẹ sau sinh

Những câu hỏi thường gặp về hậu sản

1. Có những bài thuốc dân gian nào chữa hậu sản hiệu quả?

Một số bài thuốc từ nghệ, gừng, ngải cứu có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe hậu sản, giúp tống đẩy sản dịch nhanh chóng mà mẹ có thể tham khảo là:

  • Bài thuốc từ gừng: 3 lát gừng tươi, 20g rễ đinh lăng sao, 12g sâm bố chính, 12g kỷ tử, 12g quy thân, 200g thịt gà ác. Tất cả đem hầm cách thủy để ăn, ngày 1 lần.
  • Bài thuốc từ nghệ: 5-7 củ nghệ tươi đem rửa sạch, thái nhỏ, nấu nước uống 2-3 lần mỗi ngày. Ban đầu uống đặc, sau đó giảm dần lượng nghệ hoặc ngâm nghệ với mật ong để hãm lại tác dụng của nghệ. Áp dụng bài thuốc này trong vòng 1 tháng sau khi sinh.
  • Bài thuốc từ ngải cứu và gừng: 200g lá ngải cứu tươi, 80g gừng tươi, 1 con gà ác, nửa bát rượu trắng, 1 bát nước sôi và các gia vị vừa ăn. Tất cả đem hầm cách thủy, nước uống liền, cái để ăn cùng bữa cơm chính. Áp dụng bài thuốc này 3-4 lần mỗi tuần, liên tục 1 tháng sau khi sinh. 
Lưu ý: Đây là những bài thuốc được lưu truyền trong dân gian, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả thực sự của nó. Vì vậy, hãy áp dụng bài thuốc dân gian chữa hậu sản mòn, nhanh hết sản dịch kể trên như một liệu pháp hỗ trợ; không được dùng thay thế cho chỉ định của bác sĩ Sản khoa.

2. Hậu sản kéo dài bao lâu?

Tình trạng hậu sản mòn (suy nhược sau sinh) có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng, tùy theo cơ địa và chế độ sinh hoạt của từng mẹ cũng như việc điều trị có kịp thời hay không. Còn riêng các bệnh hậu sản cụ thể, thời gian phục hồi cũng thay đổi theo từng trường hợp bệnh đó là gì, điều trị như thế nào.

Kết luận

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh hậu sản có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và đi khám ngay khi có bất thường là vô cùng cần thiết. Hãy dành thời gian quan tâm đến sức khỏe của bản thân, các mẹ nhé! Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn chăm sóc con tốt hơn và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Những vấn đề thường gặp ở giai đoạn hậu sản https://www.tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-sau-sanh-sau-mo/nhung-van-de-thuong-gap-o-giai-doan-hau-san/ Ngày truy cập: 20/01/2025

Bệnh hậu sản: Tổng quan, cách xử trí và phòng ngừa hiệu quả (phần 1) https://bvnguyentriphuong.com.vn/san-phu-khoa/benh-hau-san-nhan-biet-cach-dieu-tri-va-ngan-ngua-hieu-qua Ngày truy cập: 20/01/2025

Bệnh hậu sản: Tổng quan, cách xử trí và phòng ngừa hiệu quả (phần 2) https://bvnguyentriphuong.com.vn/san-phu-khoa/benh-hau-san-tong-quan-cach-xu-tri-va-phong-ngua-hieu-qua-phan-2 Ngày truy cập: 20/01/2025

Hậu sản và những biến chứng mẹ cần biết https://benhvienphusanhaiphong.vn/hau-san-va-nhung-bien-chung-me-can-biet-ct135-t413.aspx Ngày truy cập: 20/01/2025

Eclampsia https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24333-eclampsia Ngày truy cập: 20/01/2025

Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh https://bvhungvuong.vn/danh-cho-benh-nhan/nhiem-trung-duong-tiet-nieu-sau-sinh Ngày truy cập: 20/01/2025

Postpartum urinary tract infection by mode of delivery: a Danish nationwide cohort study https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5857667/#:~:text=Urinary%20tract%20infection%20(UTI)%20is,%E2%80%934%25%20of%20all%20deliveries.&text=Although%20postpartum%20UTI%20is%20usually,risk%20of%20discontinued%20breast%20feeding. Ngày truy cập: 20/01/2025

Phiên bản hiện tại

14/02/2025

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bí quyết chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh đúng cách giúp nhanh hồi phục


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 14/02/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo