Các mẹ bỉm sau sinh thường có nhiều thay đổi về ngoại hình lẫn sức khỏe. Trong đó nhiều mẹ rất “khổ sở” với vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng, đặc biệt là tình trạng bị ê buốt răng sau sinh.
Trên thực tế, hầu hết mẹ bỉm đều nhận thấy răng bị đổi màu hoặc ê buốt, nhạy cảm hơn sau khi sinh. Song song đó là lời truyền miệng giữa các mẹ cho rằng vấn đề răng bị ê buốt sau sinh là do em bé đã “hút” canxi từ răng của mẹ. Tuy nhiên, cách lý giải này không đúng sự thật và có những nguyên nhân khác gây ra tình trạng ê buốt răng sau sinh. Mẹ hãy tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau nhé!
Lý giải sự thật ê buốt răng sau sinh do bé “hút” canxi từ răng của mẹ
Việc mang thai tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, nhưng không phải theo cách mà chúng ta vẫn nghĩ là do em bé “hút” canxi từ răng của mẹ. Theo khoa học lý giải, nếu cơ thể mẹ không đủ canxi để nuôi thai nhi, em bé sẽ “hút” lượng canxi đang cần từ xương của mẹ và quá trình này không gây ảnh hưởng gì đến răng.
Trong giai đoạn cho con bú, khối lượng xương (bone mass) của mẹ thường bị mất đi từ 3 – 5%. Nguyên nhân chính là vì nhu cầu hấp thu canxi của trẻ sau khi chào đời thường tăng lên và bé sẽ hấp thu canxi từ xương của mẹ thông qua nguồn sữa mẹ.
Tuy nhiên, mẹ hãy yên tâm là khối lượng xương “tiêu hao” có thể phục hồi trở lại sau khi bé cai sữa. Lúc này, lượng canxi mẹ cần bổ sung sẽ phụ thuộc vào lượng sữa tiết ra và thời gian cho con bú kéo dài bao lâu.
Nhìn chung, quá trình mang thai và sinh con chỉ khiến mẹ bị “hao hụt” canxi từ phần xương cơ thể và không liên quan gì đến xương răng. Vì vậy, tình trạng ê buốt răng sau sinh hoàn toàn không phải do em bé “hút” canxi từ răng của mẹ mà được gây ra bởi những nguyên nhân khác.
Vì sao mẹ bị ê buốt răng sau sinh?
Nguyên nhân sâu xa của các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng, đặc biệt là tình trạng răng bị ê buốt sau sinh đều do mẹ trải qua nhiều thay đổi trong thời kỳ mang thai. Trong đó, những nguyên nhân chính gây ra vấn đề ê buốt răng sau sinh bao gồm:
1. Ốm nghén và trào ngược axit gây ê buốt răng
Tuy ít ai nghĩ đến nhưng ốm nghén khi mang thai có thể ảnh hưởng đến răng của mẹ. Bởi vì khi nôn mửa, axit có trong dịch nôn cũng có thể tiếp xúc với răng và gây sự mài mòn. Hơn nữa, việc thai nghén sẽ khiến cho khoang miệng của mẹ có tính axit trong thời gian dài.
Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Từ đó làm tăng nguy cơ sâu răng, song song đó là sự bào mòn của axit đối với men răng sẽ dẫn đến tình trạng ê buốt răng sau sinh.
2. Mẹ bầu thay đổi thói quen ăn uống
Thói quen ăn uống có thể khiến sức khỏe răng miệng trở nên tốt hơn hoặc xấu đi. Do vậy, những cơn thèm ăn bất thường, thói quen hay ăn vặt hoặc thích ăn uống những món nhiều đường và tinh bột khi mang thai đều làm tăng nguy cơ sâu răng ở mẹ bầu.
Hơn nữa, sau khi sinh con tình trạng này tương tự vẫn có thể xảy ra. Nếu mẹ không chăm sóc răng miệng cẩn thận thì khó tránh khỏi việc bị đau và ê buốt răng sau khi sinh.
3. Sự phát triển của bệnh nha chu
Bệnh nha chu (là bệnh ở nướu răng) là vấn đề răng miệng phổ biến ở người trưởng thành. Đồng thời, viêm nướu khi mang thai (giai đoạn đầu của bệnh nướu răng) cũng thường xảy ra đối với mẹ bầu. Trong trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố làm tăng lưu lượng máu đến mô nướu và khiến nướu của mẹ trở nên nhạy cảm, dễ bị kích ứng và sưng tấy.
Những thay đổi về nội tiết có thể cản trở phản ứng bình thường của cơ thể đối với vi khuẩn và dẫn đến bệnh nha chu. Nếu mẹ không điều trị hoặc không chăm sóc răng miệng cẩn thận thì tình trạng này sẽ kéo dài và khiến răng bị ê buốt sau sinh.
Mách mẹ bỉm 3 cách phòng ngừa ê buốt răng sau sinh
Cách chữa ê buốt răng tốt nhất là mẹ nên đến nha sĩ thăm khám để xác định nguyên nhân chính xác và có hướng xử lý phù hợp.
Điều quan trọng hơn nữa là mẹ cần duy trì thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ khi mang thai để phòng ngừa tình trạng răng bị ê buốt sau sinh hiệu quả. Một số giải pháp mà mẹ nên áp dụng là:
1. Chăm sóc răng miệng khi ốm nghén
Mẹ bầu không nên đánh răng ngay sau khi vừa nôn. Thay vào đó, mẹ nên súc miệng bằng nước lọc hoặc nước súc miệng nhẹ hàng ngày có chứa florua. Không những vậy, mẹ còn có thể tự pha nước súc miệng bằng cách cho baking soda (với dung lượng là 1/4 thìa cà phê) vào nước để sử dụng trong những ngày ốm nghén.
Ngoài ra, nếu thích kẹo cao su, mẹ cũng có thể chọn cách nhai kẹo cao su không đường sau cơn ốm nghén để giúp nồng độ pH trong miệng trở lại mức trung tính. Cách làm này sẽ góp phần giúp men răng không bị mài mòn khi mẹ bầu nôn mửa thường xuyên.
2. Kiểm soát thói quen ăn uống
Dẫu biết mang thai là giai đoạn mẹ ăn nhiều hoặc bất chợt thèm đồ ngọt hay đồ chua nhiều hơn nhưng mẹ bầu nên chọn cách ăn vặt lành mạnh hơn. Mẹ bầu cần hạn chế ăn khuya và ăn uống những món nhiều đường. Thay vào đó, mẹ hãy ăn trái cây tươi và sữa chua để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Việc bảo vệ răng ngay từ lúc mang thai sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ ê buốt răng sau sinh.
3. Đừng bỏ qua việc đi nha sĩ
Những sự thay đổi trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của mẹ bầu bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu gặp phải các vấn đề hoặc bệnh liên quan đến răng miệng khi mang thai hoặc sau khi sinh thì mẹ hãy đi nha sĩ càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, dù bận rộn chăm con đến đâu thì sau sinh, các mẹ cũng nên duy trì thói quen đánh răng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng sau khi ăn để giữ vệ sinh răng miệng hiệu quả.
Đối với tình trạng răng bị ê buốt sau sinh, nguyên nhân hầu như xuất phát từ việc ăn uống và chăm sóc răng miệng của mẹ trong thai kỳ. Vì vậy, ngay từ khi mang thai, mẹ nên có chế độ ăn uống lành mạnh và luôn duy trì những thói quen có lợi cho răng miệng nhé!
[embed-health-tool-ovulation]