Cấu tạo núm vú (đầu ti) của mẹ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cho con bú. Không ít mẹ sau sinh phát hiện sự thay đổi của núm vú mà phổ biến nhất là tình trạng đầu ti phẳng hoặc đầu ti bị thụt vào trong. Do đó, nhiều chị em thắc mắc núm vú bị thụt vào trong có cho con bú được không, làm thế nào để cải thiện?
Thực chất, đầu ti phẳng hoặc bị thụt vào trong không ảnh hưởng đến khả năng sản xuất sữa mẹ và cách trẻ ngậm núm vú. Việc cho con bú khi có đầu ti ngắn tuy sẽ có chút khó khăn và mất thời gian trong những ngày đầu nhưng đây là vấn đề có thể cải thiện được. Điều quan trọng là mẹ cần có sự kiên nhẫn và đừng bỏ qua những giải pháp hữu ích được Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau nhé!
Nguyên nhân khiến đầu ti bị thụt sau sinh
Núm vú có sự thay đổi khi mang thai và sau sinh là điều dễ nhận thấy. Trong khi nhiều mẹ có núm vú nhô ra nhiều hơn tạo điều kiện cho con bú dễ dàng thì một số mẹ sau sinh lại phát hiện đầu ti bị thụt vào trong một phần hoặc hoàn toàn, trông giống như má lúm đồng tiền hoặc nếp gấp. Tình trạng này có thể xảy ra với một bên vú hoặc cả hai bên.
Trong giai đoạn cho con bú, đầu ti bị thụt vào trong có thể do một số nguyên nhân sau:
- Bầu ngực của mẹ quá to và đang căng sữa
- Các dải mô liên kết giúp kết nối giữa núm vú với mô vú bên trong quá nhỏ
- Ống dẫn sữa ngắn
- Mô liên kết dưới núm vú của mẹ có đầu ti bị thụt vào trong ít dày đặc hơn so với mẹ có núm vú nhô ra.
Đầu ti bị thụt sau sinh – Mẹ nên làm thế nào?
Đầu ti phẳng hoặc bị thụt vào trong thường khiến chị em lo lắng vì không thể cho con bú mẹ dễ dàng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề gây ảnh hưởng quá lớn đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Thay vào đó, việc trẻ bú đúng khớp ngậm thường quan trọng hơn so với vấn đề về núm vú. Chỉ cần bé bú đúng khớp ngậm và phần lớn đầu ngực của mẹ nằm trong miệng bé thì quá trình bú mẹ vẫn đảm bảo hiệu quả dù đầu ti của mẹ ngắn hoặc bị thụt.
Mặt khác, để giúp đầu vú nhô ra nhiều hơn, mẹ có thể thử áp dụng một số giải pháp được khuyến nghị sau đây:
Làm mềm bầu ngực
Khi bầu ngực căng sữa có thể khiến đầu ti bị thụt vào trong. Do đó, việc làm mềm bầu ngực cần được ưu tiên để giúp đầu ti nhô ra nhiều hơn. Cách tốt nhất là bạn nên cho bé bú thường xuyên để không bị tắc tia sữa và khiến ngực căng cứng.
Bên cạnh đó, việc xoa bóp núm vú và quầng vú khoảng 1 phút có thể hữu ích. Mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ nhàng xung quanh gốc của núm vú để giúp đầu ti nhô ra ngoài. Ngoài ra, dùng ngón tay ấn vào rìa quầng vú và khi cho trẻ bú cần đặt cằm trẻ vào chỗ lõm trên quầng bú cũng có thể giúp trẻ ngậm đầu ti để bú dễ dàng hơn.
Kích thích đầu ti bị thụt nhô ra
Đôi khi việc tiếp xúc giữa núm vú và miệng em bé không đủ để kích thích núm vú mẹ nhô ra. Vì vậy, mẹ có thể thử một số cách khác như:
- Dùng ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng xoay, lăn đầu ti
- Đắp núm vú của bạn bằng một chiếc khăn lạnh. Tuy nhiên, mẹ cần tránh dùng khăn quá lạnh vì có thể khiến núm vú bị tê và khó mềm trở lại.
Sử dụng máy hút sữa
Với một số trường hợp đầu ti bị thụt vào trong quá sâu, việc em bé cố gắng bú có thể càng khiến đầu ti bị “chôn vùi” dưới quầng vú của mẹ. Do vậy, nếu bạn đã thử những cách trên nhưng không thành công thì có thể thử dùng máy hút sữa để tận dụng lực hút của máy giúp “kéo’ đầu ti nhô ra ngoài. Bạn có thể dùng máy hút mỗi ngày một lần hoặc hút sữa trước mỗi lần cho trẻ bú.
Đối với mẹ chỉ bị thụt đầu ti một bên ngực thì vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn với bầu ngực còn lại. Song song đó, mẹ hãy dùng máy hút sữa để vắt sữa từ bầu ngực có ti ngắn/ bị thụt. Điều này có thể đảm bảo cân bằng kích thước hai bầu ngực cũng như không bị tắc tia sữa ở bên ngực trẻ không bú.
Đôi khi, dù núm vú đã nhô ra nhưng vẫn có thể bị tụt trở lại khi trẻ tạm ngừng bú. Lúc này, bạn nên dừng cho trẻ bú và dùng máy hút sữa trong vài phút trước khi cho con bú trở lại.
Sử dụng tấm chắn núm vú
Tấm chắn núm vú là một sản phẩm bằng silicone, mỏng nhẹ, có nhiều kích cỡ khác nhau và có thể gắn lên đầu ti của mẹ. Tấm chắn này sẽ hữu ích với những chị em bị đau nứt núm vú hoặc có đầu ti bị thụt vào trong. Trước khi sử dụng, mẹ nên nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia hướng dẫn nhé. Đây là công cụ có thể bảo vệ đầu ti và giúp trẻ sơ sinh bú mẹ dễ dàng hơn.
Mặc dù tấm chắn núm vú là một công cụ hữu ích nhưng bạn chỉ nên dùng như giải pháp tạm thời. Khi trẻ đã bú đúng khớp ngậm, nguồn sữa ổn định hoặc núm vú đã nhô ra thì nên cho trẻ tiếp xúc với đầu ti thật của mẹ để bú sữa.
Các giải pháp xử lý đầu ti bị thụt kể trên có thể hiệu quả với một số mẹ nhưng cũng có trường hợp không đem lại tác dụng như mong muốn. Giải pháp khả thi hơn là mẹ nên vắt sữa bằng tay hoặc máy để bảo quản sữa mẹ bên ngoài cho trẻ dùng dần. Mặt khác, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ từ bác sĩ để giải quyết vấn đề liên quan đến việc cho con bú hiệu quả hơn.
[embed-health-tool-ovulation]