backup og meta

Đặt máy trợ tim: Quy trình và chi phí

Đặt máy trợ tim: Quy trình và chi phí

Nếu được bác sĩ chỉ định cần đặt máy trợ tim để điều trị tình trạng bệnh lý đang mắc phải thì bạn chắc hẳn sẽ lo lắng không biết máy trợ tim là gì? Chi phí đặt máy và quá trình thực hiện sẽ diễn ra như thế nào? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Máy trợ tim là gì?

Máy trợ tim (còn được gọi theo chuyên môn là máy tạo nhịp tim) là một thiết bị nhỏ chạy bằng pin được đặt vào trong cơ thể (nằm dưới da ngực, trên cơ và xương thành ngực và phía dưới xương đòn trái) thông qua tiểu phẫu, để hỗ trợ hệ thống tạo nhịp và dẫn truyền trong tim. Tim có hệ thống điện tự tạo xung và dẫn truyền riêng để điều khiển nhịp tim. Tín hiệu điện (hay còn được gọi là các xung điện) di chuyển qua các buồng tim để cho biết khi nào tim cần phải đập (co bóp) đồng bộ để đẩy máu đi vào vòng tuần hoàn khắp cơ thể.

Khi hệ thống tạo nhịp và dẫn truyền điện của tim bị tổn thương, tim có thể không co bóp theo từng nhịp hiệu quả, quá chậm hoặc quá yếu, hậu quả dẫn đến là không thể bơm đủ máu đến cho toàn bộ các cơ quan còn lại trong cơ thể.

Lúc này, chỉ định can thiệp đặt máy tạo nhịp tim cung cấp xung điện và hỗ trợ dẫn truyền điện học để kích thích, giữ nhịp tim đều đặn nhằm giúp:

  • Kiểm soát và ổn định nhịp tim bất thường.
  • Giảm bớt các triệu chứng xảy ra do các vấn đề về nhịp tim, bao gồm đau thắt ngực, choáng váng, tiền ngất – ngất, đánh trống ngực, giảm khả năng gắng sức,..
  • Ngăn chặn các triệu chứng khó chịu như ngất xỉu do rối loạn nhịp tim.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa các biến cố đột tử (tử vong do tim ngừng đập đột ngột) hoặc các tai nạn, hậu quả có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Máy tạo nhịp tim có thể được cài đặt trước là chỉ hoạt động khi nhận thấy có vấn đề với nhịp tim. Ví dụ, nếu tim đập quá chậm, máy tạo nhịp tim sẽ gửi tín hiệu điện tạo xung để điều chỉnh nhịp tim. Một số máy tạo nhịp tim có thể giúp tăng nhịp tim khi cần thiết, chẳng hạn như khi tập thể dục.

Khi nào thì cần đặt máy trợ tim?

Bác sĩ có thể chỉ định đặt máy trợ tim để điều trị các tình trạng sau đây:

Bạn cũng nên đến thăm khám sớm với bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường nào sau đây nghi ngờ mắc phải các bệnh lý rối loạn nhịp:

  • Đau thắt ngực
  • Nhịp tim nhanh bất thường (hơn 100 nhịp mỗi phút)
  • Nhịp tim chậm bất thường (dưới 60 nhịp mỗi phút)
  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim)
  • Đánh trống ngực
  • Khó thở, đặc biệt là khi cần gắng sức
  • Chóng mặt hoặc choáng váng, tiền ngất – ngất không rõ nguyên nhân 
  • Chậm chạp, lú lẫn không rõ nguyên nhân

Bởi đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tim mạch nghiêm trọng nói chung, các bệnh lý về loạn nhịp tim nói riêng, và cần điều trị bằng cách đặt máy trợ tim.

chi phí đặt máy tạo nhịp tim

Các loại máy trợ tim phổ biến

Tùy thuộc vào vấn đề về loạn nhịp tim đang mắc phải, một loại máy trợ tim cụ thể sẽ được chỉ định để đặt vào cơ thể. Các loại máy tạo nhịp tim phổ biến bao gồm:

  • Máy tạo nhịp tim không dây dẫn: Đây là dòng máy tạo nhịp tim có kích thước nhỏ (khoảng bằng một viên thuốc con nhộng) được đưa vào cơ thể bằng quy trình đặt ống thông qua da. Thiết bị này được gắn trực tiếp lên thành trong của tim và không cần sử dụng bất kỳ dây dẫn nào. Khi đã vào đúng vị trí, máy sẽ gửi xung điện đến tâm thất phải.
  • Máy tạo nhịp tim một buồng: Máy sử dụng một sợi dây duy nhất và được gắn vào tâm thất phải (buồng tim phía dưới bên phải).
  • Máy tạo nhịp tim hai buồng: Máy sử dụng hai dây nối vào hai buồng tim, một dây dẫn ở tâm nhĩ phải (buồng tim phía trên bên phải) và một dây dẫn ở tâm thất phải (buồng tim phía dưới bên phải).
  • Máy tạo nhịp tim hai tâm thất: Máy sử dụng ba dây dẫn, hai trong số đó gắn vào tâm thất phải và tâm thất trái (buồng tim phía dưới bên trái) và dây thứ ba nối với tâm nhĩ phải (buồng tim phía trên bên phải). Dòng máy này phối hợp với chức năng tái đồng bộ tim (CRT) được chỉ định cho những người bị suy tim giai đoạn cuối và có kèm bất thường trong tạo nhịp tim.

Thận trọng

Biến chứng có thể xảy ra khi đặt máy trợ tim

Đặt máy trợ tim có nguy hiểm không? Quy trình đặt máy đòi hỏi phải thực  hiện một cuộc tiểu phẫu nên vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các biến chứng liên quan đến phẫu thuật đặt máy trợ tim tuy không phổ biến, nhưng có thể gặp phải bao gồm:

  • Nhiễm trùng tại ổ máy hay vị trí trong tim nơi đặt dây dẫn
  • Dị ứng do thuốc cản quang sử dụng trong quy trình đặt máy hoặc dị ứng với một trong những vật liệu được sử dụng chế tạo máy trợ tim cùng dây dẫn
  • Sưng, bầm tím hoặc chảy máu, đặc biệt nếu đang dùng thuốc chống đông máu
  • Hình thành cục máu đông gần nơi đặt thiết bị
  • Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh khi thao tác đặt máy
  • Thủng màng phổi, dẫn đến tràn khí màng phổi gây khó thở, xẹp phổi
  • Tràn máu màng phổi, tràn máu trung thất
  • Di chuyển thiết bị hoặc dây dẫn có thể gây ra lỗ thủng trên thành mạch hay thành tim
  • Dây dẫn của máy tạo nhịp tim bị đứt hoặc di lệch khỏi vị trí.
  • Nhiễu sóng điện từ do các nguồn phát sóng bên ngoài có từ trường mạnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy trợ tim.

Quy trình

Bạn cần chuẩn bị gì trước khi đặt máy trợ tim?

  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn nhạy cảm hoặc đã có tiền căn dị ứng với bất kỳ loại thuốc, iốt, mủ cao su, băng dán hoặc chất gây mê nào.
  • Bạn sẽ cần phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định, thường là nhịn ăn qua đêm trước ngày đặt máy.
  • Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mình có thể có thai, bạn nên thông báo cho bác sĩ.
  • Thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc (theo toa và không theo toa) và thảo dược hoặc các chất bổ sung khác mà bạn đang dùng.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn mắc bệnh van tim, vì bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh dự phòng trước khi làm thủ thuật.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử rối loạn đông cầm máu hoặc nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc chống đông máu (làm loãng máu), aspirin hoặc các loại thuốc khác ảnh hưởng đến quá trình đông cầm máu. Bạn sẽ cần phải ngừng dùng các loại thuốc này trước khi làm thủ thuật.
  • Dựa trên tình trạng bệnh lý của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng sử dụng một số loại thuốc cụ thể khác trước khi phẫu thuật.
  • Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một số các xét nghiệm cần thiết trước khi phẫu thuật như: xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ (ECG hoặc EKG), siêu âm tim, chụp Xquang tim phổi…
  • Bạn sẽ được yêu cầu tháo bất kỳ đồ trang sức hoặc đồ vật kim loại nào khác trên cơ thể có thể làm cản trở quá trình thực hiện thủ thuật.
  • Bạn sẽ được yêu cầu cởi bỏ quần áo và được cấp áo choàng của bệnh viện để mặc khi làm thủ thuật.
  • Bạn sẽ được yêu cầu tiểu tiện trước khi làm thủ thuật.
  • Vùng ngực của bạn sẽ được làm sạch bằng xà phòng đặc biệt và cạo bớt lông trước khi làm thủ thuật.
  • Bạn sẽ được truyền thuốc an thần qua đường tĩnh mạch trước khi thực hiện thủ thuật để giúp thư giãn.
  • Thuốc gây tê cục bộ có thể được sử dụng để làm tê vùng da ngực, nơi cần thực hiện phẫu thuật và bạn có thể hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện.

Quá trình đặt máy diễn ra như thế nào?

Bạn sẽ được đặt nằm ngửa trên giường phẫu thuật và kết nối với máy theo dõi điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) để ghi lại hoạt động điện của tim và theo dõi nhịp tim trong suốt quá trình thực hiện. Các dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và mức độ oxy hóa máu sẽ được theo dõi trong suốt quá trình thủ thuật.

Tùy thuộc vào loại máy trợ tim được cấy ghép, bạn sẽ cần trải qua 1 trong 3 phương pháp sau đây để đặt máy vào trong cơ thể: 

  • Phương pháp tiếp cận qua ống thông qua da: Phương pháp này được sử dụng để đặt máy tạo nhịp không dây dẫn dùng trong điều trị các bệnh lý chỉ liên quan đến một buồng tim. Bác sĩ thủ thuật sẽ chèn một ống thông vào động mạch bẹn ở dưới nếp gấp háng và luồn theo đường động mạch chủ dưới về tim. Sau đó, máy tạo nhịp tim sẽ đi qua ống và được dẫn đến khu vực thích hợp trong buồng tim.
  • Phương pháp tiếp cận dựa trên đường tĩnh mạch: Phương pháp này thường được áp dụng ở người lớn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ để tiếp cận tĩnh mạch gần tim nhất. Đây thường là tĩnh mạch đòn trái hoặc tĩnh mạch cảnh ngoài trái. Bác sĩ sẽ thao tác dưới màn soi huỳnh quang (một loại tia X) để luồn các dây dẫn qua tĩnh mạch đến tim. Một đầu của mỗi dây gắn vào khu vực thích hợp trong tim. Đầu kia kết nối với bộ phận của máy trợ tim cung cấp xung điện, thường được đặt dưới da ngực, bên dưới xương đòn trái.
  • Phương pháp tiếp cận dựa trên phẫu thuật (ngoại tâm mạc): Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vết mổ nhỏ ở ngực và đưa các dây dẫn qua vết mổ đó, sau đó, gắn các dây dẫn vào thành ngoài tim. Cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật sẽ kết nối các dây dẫn với máy trợ nhịp tim và đặt máy vào vị trí thích hợp ở vùng ngực.

Quy trình đặt máy tạo nhịp tim bao lâu? Phương pháp tiếp cận dựa trên ống thông động mạch chỉ mất khoảng 1 giờ. Trong khi đó, các phương pháp tiếp cận dựa trên phẫu thuật và đường tĩnh mạch thường kéo dài hơn, mất khoảng từ ​​​​2 đến 5 giờ để thực hiện.

chụp x quang sau khi đặt máy tạo nhịp tim

Điều gì xảy ra sau khi đặt máy trợ tim?

Tại bệnh viện

Bạn sẽ phải nằm viện ít nhất một đêm sau khi đặt máy trợ tim để được theo dõi và đảm bảo máy hoạt động hiệu quả và vết mổ thuận lợi.

Sau thủ thuật, bạn có thể được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi hoặc trở lại phòng bệnh thông thường. Một y tá sẽ thường xuyên theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bạn. Hãy thông báo ngay cho y tá nếu bạn cảm thấy đau tức ngực hoặc bất kỳ cơn đau nào khác ở vết mổ.

Sau khi hoàn thành thời gian nghỉ ngơi tại giường, bạn có thể bước ra khỏi giường với sự trợ giúp của người chăm sóc. Y tá sẽ hỗ trợ bạn trong lần đầu tiên bạn đứng dậy và sẽ kiểm tra huyết áp khi bạn nằm, ngồi và đứng. Bạn nên di chuyển chậm rãi khi đứng dậy khỏi giường để tránh bị chóng mặt sau thời gian nằm trên giường.

Bạn sẽ có thể ăn hoặc uống sau khi hoàn toàn tỉnh táo. Vết mổ sẽ gây đau và bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau nếu cần.

Khi huyết áp, mạch và nhịp thở ổn định và bạn hoàn toàn tỉnh táo, bạn sẽ được xuất viện về nhà.

Tại nhà

Bạn sẽ có thể trở lại thói quen sinh hoạt nhẹ nhàng hàng ngày tại nhà trong vòng một vài ngày sau khi xuất viện. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu bạn có cần thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi quay trở lại các hoạt động bình thường như trước khi hay không.

Bạn không nên nâng hoặc kéo bất cứ thứ gì nặng trong vài tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Bạn có thể được hướng dẫn hạn chế cử động cánh tay ở phía đặt máy trợ tim, tùy theo yêu cầu của bác sĩ.

Hãy tiếp tục chế độ ăn uống bình thường, trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác.

Điều quan trọng là phải giữ cho vùng vết mổ được sạch sẽ và khô ráo. Bạn sẽ được hướng dẫn cách tắm rửa và vệ sinh vết mổ tại nhà.

Hãy tránh tiếp xúc gần với các thiết bị điện hoặc thiết bị có từ trường mạnh. Những thiết bị này có thể làm gián đoạn tín hiệu điện của máy trợ tim và khiến máy không hoạt động bình thường. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn rõ hơn.

Hãy hỏi bác sĩ khi nào bạn có thể tự lái xe và quay trở lại làm việc bình thường. Tính chất nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe tổng thể và khả năng hồi phục sẽ quyết định thời gian bạn có thể trở lại làm việc vào lúc nào.

Thông báo cho bác sĩ ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Sốt, ớn lạnh
  • Đau nhiều hơn, tấy đỏ, sưng tấy hoặc chảy máu hoặc chảy dịch từ vị trí vết mổ
  • Đau tức ngực, buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt, ngất xỉu
  • Đánh trống ngực.

Nếu phát hiện có những triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng máy trợ tim, bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra ngay. Trong trường hợp máy vẫn hoạt động tốt, bạn cần tái khám định kỳ khoảng từ 3 – 6 tháng/lần để bác sĩ có thể theo dõi và phát hiện sớm những bất thường.

Tiên lượng

Đặt máy trợ tim sống được bao lâu?

Tiên lượng của bệnh nhân đặt máy trợ tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể. Những người có ít bệnh lý nền hoặc ít lo ngại về tình trạng sức khỏe sẽ có khả năng sống lâu hơn và có tuổi thọ gần như người bình thường.

Pin của máy trợ tim thường được sử dụng trong khoảng 5 đến 15 năm. Trước thời gian dự báo pin sắp ngừng hoạt động thông qua các lần kiểm tra máy, bạn sẽ cần phải tiểu phẫu lại để thay máy. Phẫu thuật thay máy mới thường nhanh hơn lúc đặt máy lần đầu và thời gian phục hồi cũng rút ngắn hơn.

Chi phí

Máy trợ tim giá bao nhiêu?

Máy trợ tim bao nhiêu tiền? Hiện nay, chi phí đặt máy trợ tim là khá cao và có thể chênh lệch đôi chút tùy thuộc vào loại máy được đặt, cũng như bệnh viện và bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Thông thường, giá máy trợ tim một buồng và hai buồng dao động trong khoảng từ 52 triệu VNĐ đến 90 triệu VNĐ. Một số loại máy cao cấp, có tích hợp thêm chức năng tái đồng bộ tim cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, giá máy có thể lên đến 200 đến 500 triệu VNĐ.

Đặt máy trợ tim là một trong các biện pháp can thiệp chuyên sâu trong điều trị các bệnh lý tim mạch mạn tính nói chung và bệnh lý loạn nhịp nói riêng. Do chi phí cao và độ phổ biến thông tin thấp, người bệnh thường có nhiều hoang mang, lo lắng khi mới được bác sĩ chỉ định cần đặt máy trợ tim. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những kiến thức cơ bản cần biết về máy trợ tim, giúp cho bệnh nhân và người nhà thêm vững tin vào các lựa chọn điều trị tiến bộ của Y khoa.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pacemakers: Leadless Pacemaker https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17360-permanent-pacemaker Ngày truy cập: 31/10/2023

Pacemaker Insertion https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/pacemaker-insertion Ngày truy cập: 31/10/2023

Pacemaker. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pacemaker/about/pac-20384689. Ngày truy cập: 03/11/2023

Pacemakers. https://www.nhlbi.nih.gov/health/pacemakers. Ngày truy cập: 03/11/2023

Heart pacemaker. https://medlineplus.gov/ency/article/007369.htm. Ngày truy cập: 03/11/2023

Pacemaker. https://www.heart.org/en/health-topics/arrhythmia/prevention–treatment-of-arrhythmia/pacemaker. Ngày truy cập: 03/11/2023

Pacemaker implantation. https://www.nhs.uk/conditions/pacemaker-implantation/. Ngày truy cập: 03/11/2023

Pacemaker. https://www.ucsfhealth.org/treatments/pacemaker. Ngày truy cập: 03/11/2023

Phiên bản hiện tại

10/11/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Khám phá lời giải người bệnh suy tim sống được bao lâu?

Bạn biết gì về bệnh tim bẩm sinh ở người lớn?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 10/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo