backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tác hại của việc đeo kính áp tròng quá lâu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Ngọc · Ngày cập nhật: 02/02/2023

    Tác hại của việc đeo kính áp tròng quá lâu

    Kính áp tròng có thể giải quyết mối lo cho những người cận thị cũng như nó có nhiều màu sắc mang tính thời trang. Tuy nhiên, đeo kính này quá lâu có thể khiến mắt thiếu oxy và gây hại cho mắt. 

    Kính áp tròng ngày nay không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho người bị tật khúc xạ mà còn dần trở thành một phụ kiện làm đẹp không thể thiếu của chị em phụ nữ. Không ai có thể phủ nhận được sự tiện lợi của kính áp tròng.

    Tuy nhiên, việc đeo kính áp tròng quá lâu có thể gây ra một số tác hại đến thị lực. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý các dấu hiệu của mắt để tháo kính ra kịp thời. Hello Bacsi sẽ chia sẻ với bạn tác hại của việc đeo kính áp tròng quá lâu qua bài viết dưới đây.

    Đeo kính áp tròng quá lâu gây hại như thế nào?

    Đeo kính áp tròng quá lâu hoặc đeo ngay cả trong lúc ngủ không hề có lợi cho mắt.

    Kính áp tròng không được thiết kế để sử dụng lâu như vậy. Khi bạn đeo kính áp tròng càng lâu, lượng oxy mà mắt nhận được sẽ càng ít. Do đó, đeo kính áp tròng quá lâu có thể dẫn đến một số vấn đề khá nghiêm trọng như giảm sức đề kháng của mắt, ký sinh trùng ăn mòn giác mạc,… hay thậm chí mù mắt vĩnh viễn khi đeo kính áp tròng có màu.

    Dấu hiệu cho thấy bạn đã đeo kính áp tròng quá lâu là gì?

    Mắt cần oxy đầy đủ để hoạt động, đó là điều không thể chối cãi. Khi mắt không đủ oxy, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng sau:

    • Đau mắt;
    • Mờ mắt;
    • Mắt nhạy cảm với ánh sáng;
    • Đỏ mắt;
    • Chảy nước mắt;
    • Các mạch máu xung quanh mắt căng lên quá mức;
    • Nổi nhọt trong mắt;
    • Mắt bị kích ứng.

    Nếu có bất kỳ triệu chứng gì, bạn nên đến bác sĩ nhãn khoa để khám mắt. Bác sĩ nhãn khoa có thể tư vấn thêm về cách xử lý sự cố tùy theo tình huống cụ thể. Thông thường bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng đeo kính áp tròng trong một thời gian. Bạn sẽ được kiểm tra mắt để đánh giá mức độ viêm và có thể cần dùng một loại thuốc hoặc steroid tại chỗ.

    Một khi mắt bạn đã khỏe và bác sĩ cho phép bạn đeo kính áp tròng trở lại, bạn nên tìm một loại kính phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt nhé.

    Làm thế nào để bảo quản kính áp tròng đúng cách?

    Bạn nên sử dụng và vệ sinh kính áp tròng đúng cách. Mặc dù có rất nhiều loại kính khác nhau và mỗi loại lại có một cách bảo quản riêng, nhưng nhìn chung bạn nên:

    • Sử dụng kính áp tròng trong khoảng thời gian bác sĩ quy định;
    • Vệ sinh loại kính này thường xuyên và rửa tay sạch trước khi đeo kính;
    • Khử trùng kính theo chỉ dẫn của bác sĩ;
    • Đo thị lực và khám mắt thường xuyên. Nếu không khám mắt thường xuyên, bạn có thể mắc các bệnh về mắt. Phòng ngừa trước luôn tốt hơn cho thị lực của bạn.

    Nếu không chắc chắn về cách bảo quản, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Đừng quá lơ là về việc vệ sinh kính và thời gian đeo kính, vì có thể mắt bạn sẽ chịu ảnh hưởng xấu lâu dài đấy!

    Tuy nhiên vẫn có một số đối tượng nên tránh đeo loại kính này

    Để tránh những tác hại của việc đeo kính áp tròng, ngoài việc đeo đúng cách, vệ sinh kính,… thì một vài người cũng nên lưu ý xem mình có thích hợp sử dụng loại kính này hay không. Những người không nên sử dụng kính áp tròng khi:

    • Không có khả năng hay không muốn chăm sóc kính đúng cách;
    • Gặp các vấn đề sức khỏe như đau khớp;
    • Có một số bệnh đặc biệt như tiểu đường hay cường giáp; những bệnh như dị ứng, hen suyễn hay các bệnh hô hấp mãn tính;
    • Khô mắt hay giác mạc có vấn đề;
    • Những người mắc hội chứng Sjogren hay viêm hoặc đau giác mạc mãn tính cũng không thể đeo kính;
    • Phải tiếp xúc với các khí hóa học có khả năng thẩm thấu hay bám vào kính như bụi, chất bẩn từ sơn, xịt hóa học hay xịt dưỡng tóc.

    Bạn hãy sử dụng kính áp tròng đúng cách để làm đẹp cho mắt cũng như bảo vệ thị lực cho mắt nữa nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Bích Ngọc · Ngày cập nhật: 02/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo