Xẹp phổi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chấn thương đến bệnh lý phổi mạn tính. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Vậy, xẹp phổi là gì? Xẹp phổi sống được bao lâu và có hồi phục được không? Trong bài viết này, mời bạn cùng HelloBacsi cùng tìm hiểu sâu hơn về tình trạng này nhé.
Xẹp phổi là bệnh gì?
Xẹp phổi là khi một phần, nhiều phần hoặc toàn bộ phổi bị xẹp, thu nhỏ diện tích. Tình trạng này đặc biệt ảnh hưởng đến các túi khí nhỏ trong phổi, được gọi là phế nang.
Khi hít vào, phổi của chúng ta sẽ chứa đầy khí. Không khí đi vào các phế nang và ở đây, oxy cũng di chuyển vào máu. Nếu không có đủ không khí đi vào để làm phồng các phế nang hoặc có áp lực đè lên, chúng có thể bị xẹp xuống, dẫn đến xẹp phổi.
Tình trạng này có thể xảy ra ở một vùng nhỏ hoặc toàn bộ phổi. Trường hợp phổi bị ảnh hưởng quá nhiều, máu sẽ không nhận đủ oxy, từ đó gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hiện nay, xẹp phổi được chia thành 3 loại chính dựa theo nguyên nhân, bao gồm:
Triệu chứng bệnh xẹp phổi
Xẹp phổi mức độ nhẹ đôi khi không có dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, nồng độ oxy trong máu có thể giảm xuống và người bệnh sẽ nhận thấy một số triệu chứng, bao gồm:
- Khó thở
- Thở nhanh và yếu
- Thở khò khè
- Ho
- Đau ngực
- Da và môi trở nên tím tái.
Nguyên nhân gây xẹp phổi
Xẹp phổi là một trong những biến chứng hô hấp phổ biến nhất sau phẫu thuật. Trong quá trình gây mê, bạn không thở đủ sâu để lấp đầy không khí vào phổi hoặc ho để tống chất nhầy ra khỏi phổi. Điều này gây tắc nghẽn hoặc hạn chế không khí đi vào phế nang, từ đó dẫn đến xẹp phổi.
Không chỉ vậy, đây cũng là biến chứng có thể xảy ra của một số vấn đề hô hấp khác. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh:
- Tích tụ dịch nhầy nhiều trong phổi
- Hít phải dị vật
- Tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi
- Khối u ở phổi
- Sẹo phổi
- Các bệnh lý hô hấp như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), các bệnh nhiễm trùng hô hấp (như COVID-19, viêm phổi)…
- Sử dụng ống thở
- Nằm hoặc ngồi ở một tư thế trong thời gian dài
- Chấn thương ngực hoặc gãy xương sườn.
Người bệnh xẹp phổi sống được bao lâu?
Nhìn chung, xẹp phổi không phải là một tình trạng cấp tính quá nguy hiểm. Tiên lượng của bệnh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào độ rộng của vùng phổi bị ảnh hưởng và bệnh nền của bệnh nhân.
Ở người lớn, tình trạng này ảnh hưởng ở một vùng nhỏ thường không đe dọa đến tính mạng. Phần còn lại có thể bù đắp cho vùng phổi bị xẹp và vẫn đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu vùng bị xẹp lớn thì có khả năng đe dọa đến tính mạng, thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền.
Xẹp phổi có hồi phục được không?
Thông thường, xẹp phổi có thể hồi phục được bằng việc loại bỏ các nguyên nhân. Chẳng hạn, bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu dịch màng phổi, loại bỏ dị vật hoặc chất nhầy tích tụ để cải thiện phần phổi bị xẹp.
Tuy nhiên, với một số nguyên nhân như bệnh lý hô hấp, khối u… thì việc xử lý và phục hồi tình trạng này có thể khó hoặc không thực hiện được.
Những phương pháp điều trị xẹp phổi
Như đã đề cập, việc điều trị xẹp phổi sẽ phụ thuộc chính vào nguyên nhân. Bệnh nhẹ có thể tự hồi phục mà không cần điều trị. Đôi khi, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để làm loãng chất nhầy. Nếu tình trạng này xảy ra do tắc nghẽn, bạn có thể cần phẫu thuật hoặc thực hiện các phương pháp điều trị khác.
Vật lý trị liệu hô hấp
Vật lý trị liệu hô hấp là một nhóm các kỹ thuật giúp bệnh nhân hít thở sâu sau phẫu thuật để mở rộng và làm thông thoáng đường thở. Các kỹ thuật này bao gồm:
- Thực hiện các bài tập thở sâu bằng thiết bị cầm tay gọi là máy đo hô hấp kích thích, sau đó tập ho để loại bỏ chất nhầy và các chất tiết khác, từ đó làm sạch phổi. Phương pháp này có thể giúp phổi hồi phục lại kích thước của mình.
- Nằm xuống thoải mái sao cho đầu thấp hơn ngực. Điều này giúp chất nhầy thoát ra khỏi phổi dễ dàng hơn.
- Nằm nghiêng về phía phổi khỏe mạnh nhằm giúp vùng phổi bị xẹp có thời gian phục hồi.
- Vỗ nhẹ vào phần ngực trên vùng bị xẹp để làm loãng dịch nhầy.
Phẫu thuật
Việc nội soi phế quản hoặc hút dịch nhầy có thể giúp loại bỏ tình trạng tắc nghẽn đường thở. Trong quá trình nội soi phế quản, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa một ống mềm vào cơ thể thông qua đường họng để làm sạch đường thở. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện để dẫn lưu khí hoặc dịch từ màng phổi ra ngoài.
Nếu nguyên nhân gây xẹp phổi là do khối u, phương pháp điều trị bao gồm cắt bỏ hoặc thu nhỏ khối u trong quá trình nội soi, phẫu thuật. Các phương pháp điều trị khối u ác tính (ung thư) khác bao gồm hóa trị, xạ trị.
Cải thiện khả năng thở
Trong một số trường hợp, bạn sẽ cần dùng đến ống thở. Ngoài ra, phương pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP) có thể giúp một số bệnh nhân quá yếu (không thể ho và có mức oxy thấp) cải thiện tình trạng của mình.
Tóm lại, xẹp phổi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận diện sớm các triệu chứng và nguyên nhân là vô cùng quan trọng để can thiệp kịp thời. Thông qua các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này, hồi phục chức năng hô hấp và trở lại với cuộc sống bình thường. Vì vậy, đừng bỏ qua bất kỳ biểu hiện bất thường nào dù là nhỏ nhất nhé!
[embed-health-tool-bmi]