backup og meta

Có nên chích ngừa viêm phổi? Chích ở đâu và bao nhiêu tiền?

Có nên chích ngừa viêm phổi? Chích ở đâu và bao nhiêu tiền?

Viêm phổi rất thường gặp và điều trị được. Tuy nhiên, nếu không điều trị thỏa đáng có thể dẫn đến tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ. Chích ngừa viêm phổi sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và nếu có mắc cũng sẽ nhanh khỏi hơn.

Vậy, chích ngừa viêm phổi gồm những mũi vắc xin nào, chích ở đâu và bao nhiêu tiền? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Vì sao nên chích ngừa viêm phổi?

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi thường do vi khuẩn hoặc virus gây nên. Các nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi bao gồm:

  • Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn)
  • Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) gây viêm phổi và viêm màng não
  • Virus cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV)

Ngoài ra, nấm và một số loại ký sinh trùng cũng có thể gây ra viêm phổi.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, tình trạng nhiễm trùng phổi có thể gây ra các biến chứng như: suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng máu, hoặc thậm chí gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em, người lớn tuổi và những người có sức đề kháng kém.

Vậy, có nên chích ngừa viêm phổi hay không? Câu trả lời là CÓ. Vắc xin chích ngừa viêm phổi không thể đảm bảo chắc chắn 100% bạn sẽ không mắc bệnh trong tương lai nhưng thuốc sẽ giúp:

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh
  • Viêm phổi nhẹ hơn
  • Viêm phổi nhanh khỏi hơn
  • Ít biến chứng nghiêm trọng
  • Giảm nguy cơ tử vong.

Những ai nên chích ngừa viêm phổi?

ai nên chích ngừa viêm phổi

Nếu có điều kiện, bất cứ ai cũng nên chích ngừa. Trong đó, một số người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn được khuyến nghị nên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu
  • Người mắc một số bệnh mạn tính, chẳng hạn như: bệnh tim, bệnh thận, bệnh tiểu đường, ung thư, HIV, hen suyễn, bệnh hồng cầu hình liềm, lá lách bị tổn thương hoặc bị cắt bỏ
  • Người hút thuốc lá thường xuyên.

Các loại thuốc chích ngừa viêm phổi

Các loại vắc xin chích ngừa viêm phổi được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là:

  • Vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn (PCV13). Vắc xin này có thể tiêm được cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Vaccine giúp bảo vệ khỏi tình trạng viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm tai giữa do 13 chủng phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae gây ra (type 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F).
  • Vắc xin Synflorix – Phế cầu 10 chủng. Vắc xin này được tiêm ngừa cho trẻ em từ 2 tháng đến dưới 2 tuổi. Vắc xin giúp phòng ngừa các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa do 10 chủng phế cầu.
  • Vắc xin polysaccharide phế cầu khuẩn (PPSV23). Vắc xin này được chỉ định cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi hoặc người lớn từ 65 tuổi trở lên. PPSV23 giúp bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do 23 loại phế cầu khuẩn gây ra, trong đó có viêm phổi. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêm PPSV23 vì sẽ không đảm bảo hiệu quả.
  • Vắc xin cúm. Tiêm phòng cúm cho mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ ngăn ngừa cảm cúm, hạn chế cúm tiến triển thành viêm phổi.
  • Vắc xin Hib. Vắc-xin Hib được khuyến nghị tiêm cho tất cả trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi cho đến dưới 5 tuổi nhằm chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Haemophilus influenzae gây viêm phổi và viêm màng não. Trẻ dưới 6 tuần tuổi không nên chủng ngừa Hib.
Tất cả các loại vắc xin chích ngừa viêm phổi đều kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Sau đó, khi vi khuẩn hoặc virus thật tấn công, cơ thể đã có sẵn kháng thể nên chúng không thể gây bệnh được hoặc chỉ gây bệnh nhẹ.

Số mũi tiêm

chích ngừa viêm phổi bao nhiêu mũi

Vắc xin phế cầu khuẩn

  • Với vắc xin PCV13: Trẻ từ 2 tháng tuổi tiêm bắp 4 liều mỗi liều 0,5 ml vào lúc 2, 4, 5 và 11 tháng tuổi. Trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn tiêm bắp một lần liều 0,5 ml 01 mũi duy nhất.
  • Với vắc xin PCV23: Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da một lần 0,5 ml duy nhất.

Vắc xin cúm

CDC khuyến nghị mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin cúm hàng năm.

  • Trẻ từ 6 tháng – 9 tuổi: lần đầu tiên tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần.
  • Trẻ từ 9 tuổi: chỉ cần tiêm mỗi năm 1 lần.

Vắc xin Hib

Trẻ em dưới 5 tuổi cần tiêm nhiều mũi vắc xin Hib ở các độ tuổi sau:

  • 2 tháng tuổi
  • 4 tháng tuổi
  • 5 tháng tuổi (nếu cần)
  • 12 đến 18 tháng tuổi.

Trẻ lớn hơn và người lớn thường không cần chủng ngừa Hib, trừ khi họ mắc một số bệnh lý và chưa được tiêm phòng trước đó, hoặc những người ghép tủy xương.

Thông thường, vắc xin phòng ngừa viêm phổi, viêm màng não do Hib sẽ được sản xuất dưới dạng vắc xin 6 trong 1.

Tác dụng phụ

Nhiều người lo lắng không biết chích ngừa viêm phổi có tác dụng phụ gì? Giống như hầu hết các loại vắc xin khác, thuốc chích ngừa viêm phổi dành cho trẻ em và người lớn đôi khi có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như:

  • Sốt nhẹ
  • Sưng tấy, đỏ hoặc đau ở nơi tiêm
  • Ăn mất ngon, trẻ bú giảm
  • Cáu gắt
  • Cảm thấy mệt
  • Đau đầu
  • Đau cơ hoặc đau khớp
  • Ớn lạnh.

Các triệu chứng này thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào từng được ghi nhận của đối với các loại vắc xin viêm phổi, ngoại trừ nguy cơ dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) nhưng cực kỳ hiếm gặp.

Những ai không nên chích ngừa viêm phổi?

Trong một số trường hợp sau đây, bạn hoặc con bạn có thể cần hoãn chích ngừa viêm phổi hoặc tránh hoàn toàn:

Tiền sử dị ứng nghiêm trọng với vắc xin

Hãy nói với bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ loại vắc xin nào đã được tiêm trước đây.

Nếu đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) với vắc xin được tiêm trước đó hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc xin, bạn không nên tiêm.

Tuy nhiên, nếu đó chỉ là một phản ứng nhẹ, chẳng hạn như phát ban, thì việc chích ngừa viêm phổi nói chung là vẫn an toàn và nên tiêm.

Sốt cao tại thời điểm cần tiêm chủng

Nếu bạn hoặc con bạn chỉ cảm thấy sức khỏe ổn định hoặc chỉ ho húng hắng, sổ mũi ít,..vào thời điểm tiêm vắc xin thì việc tiêm nhìn chung vẫn được xem là an toàn.

Tuy nhiên, nếu bạn hoặc con bạn bị bệnh nặng, chẳng hạn như sốt cao, cảm thấy nóng/lạnh và run rẩy, tiêu chảy, đau bụng cấp, đang sử dụng kháng sinh,.. thì tốt nhất hãy trì hoãn việc tiêm vắc xin cho đến khi hồi phục.

Mang thai và cho con bú

Vắc xin phế cầu 13 (Prevenar 13) khuyến cáo không nên tiêm cho nhóm đối tượng đang mang thai và cho con bú. Vắc xin ngừa cúm vẫn có thể tiêm được khi đang mang thai hoặc cho con bú. Tuy nhiên, bạn có thể đợi cho đến khi sinh con xong rồi mới chích ngừa, trừ khi lợi ích của việc tiêm vắc xin lớn hơn so với những nguy cơ có thể xảy ra với bạn và con. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.

Chích ngừa viêm phổi ở đâu và bao nhiêu tiền?

chích ngừa viêm phổi ở đâu, bao nhiêu tiền

Chích ngừa viêm phổi bao nhiêu tiền hay tiêm ngừa viêm phổi cho người lớn giá bao nhiêu? Chích ngừa viêm phổi giá bao nhiêu tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như: cơ sở y tế thực hiện tiêm phòng, chất lượng dịch vụ, loại vắc xin được tiêm, nhà sản xuất và số mũi cần tiêm.

Chẳng hạn, giá chích ngừa viêm phổi tại VNVC có thể chênh lệch một chút so với khi bạn chích tại trung tâm y tế địa phương hoặc nếu bạn tiêm vắc xin phế cầu khuẩn thì mức giá sẽ cao hơn so với vắc xin cúm.

Bạn nên chọn cơ sở y tế uy tín hoặc bệnh viện để đảm bảo an toàn. Vậy, chích ngừa viêm phổi ở đâu? Sau đây là một số địa chỉ uy tín mà bạn có thể tham khảo:

  • Phòng tiêm chủng của các bệnh viện
  • Các trung tâm y tế quận, huyện tại địa phương
  • Hệ thống tiêm chủng VNVC trên cả nước.

Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Ngoài các loại vắc xin kể trên, còn một số loại vắc xin khác như ho gà, COVID-19, thủy đậu và sởi. Các vi khuẩn và virus này cũng đều có thể dẫn đến viêm phổi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định loại vắc xin nào, tiêm bao nhiêu mũi, vào thời điểm nào là phù hợp.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pneumonia Can Be Prevented—Vaccines Can Help. https://www.cdc.gov/pneumonia/prevention.html. Ngày truy cập: 12/05/2023

Pneumococcal vaccine overview. https://www.nhs.uk/conditions/vaccinations/pneumococcal-vaccination/. Ngày truy cập: 12/05/2023

PNEUMONIA Prevention. https://www.nhlbi.nih.gov/health/pneumonia/prevention. Ngày truy cập: 12/05/2023

Pneumococcal Vaccination: What Everyone Should Know. https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/pneumo/public/index.html. Ngày truy cập: 12/05/2023

Hib (Haemophilus influenzae type b) Vaccination. https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/hib/public/index.html. Ngày truy cập: 12/05/2023

Seasonal Influenza (Flu) Vaccination and Preventable Disease. https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/flu/index.html. Ngày truy cập: 12/05/2023

Pneumococcal Vaccine. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507794/. Ngày truy cập: 12/05/2023

Pneumococcal vaccine. https://www.healthnavigator.org.nz/medicines/p/pneumococcal-vaccine/. Ngày truy cập: 12/05/2023

Pneumococcal Vaccines (PCV, PPSV). https://kidshealth.org/en/parents/pneumococcal-vaccine.html. Ngày truy cập: 12/05/2023

Bảng giá vắc xin. https://trungtamytebinhthanh.medinet.gov.vn/dich-vu-du-phong/bang-gia-vac-xin-1262020-cmobile16029-29296.aspx. Ngày truy cập: 12/05/2023

Preventing Pneumonia. https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/preventing-pneumonia. Ngày truy cập: 12/05/2023

Phiên bản hiện tại

23/07/2024

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng

Giải đáp: viêm phổi có lây không và các thắc mắc thường gặp 


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 23/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo