backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm phổi hít: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vương Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/09/2021

Viêm phổi hít: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phổi hít là tình trạng nhiễm trùng phổi do một người hít vào phổi thứ gì đó như vụn thức ăn, nước bọt, chất nôn,… hoặc thậm chí là nước uống. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người cao tuổi trong các viện dưỡng lão nhưng lại thường bị bỏ qua.

Vậy viêm phổi hít có nguy hiểm không? Triệu chứng của bệnh là gì? Chẩn đoán và điều trị bệnh ra sao? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu chung

Viêm phổi hít là gì?

Viêm phổi hít, còn được gọi là viêm phổi do rối loạn nuốt, viêm phổi kỵ khí, viêm phổi hoại tử… Thay vì nuốt thức ăn, nước bọt, chất nôn, đờm dãi,… xuống đường tiêu hóa thì cơ thể lại hít vào trong phổi. Các dị vật này gây viêm và tổn thương trong phổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, chúng thường mang theo vi khuẩn nên sau đó bệnh nhân sẽ có nhiễm trùng phổi.

Bệnh viêm phổi hít thường xảy ra phổ biến ở người cao tuổi và trẻ em, nhưng cũng có thể gặp phải ở tất cả mọi người.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng 

Bạn có thể nhận biết bệnh viêm phổi hít nhờ vào một số triệu chứng như:

  • Tức ngực 
  • Khó thở hoặc thở khò khè
  • Ho khan hoặc ho có đờm xanh/đờm đỏ do có kèm máu và có mùi hôi
  • Sốt
  • Khó nuốt
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Mệt mỏi
  • Đổ mồ hôi nhiều

Trong một số trường hợp, viêm phổi hít không gây ra triệu chứng mà chỉ có sốt nhẹ, sụt cân, phổi nghe có tiếng ran nổ lách tách và được vô tình phát hiện khi chụp phim XQ.

Viêm phổi hít ở trẻ sơ sinh hoặc người cao tuổi thường chuyển nặng nhanh chóng. Do đó, nếu bạn nhận thấy người thân gặp phải một trong các tình trạng kể trên, hãy nhanh chóng đưa họ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Biến chứng của bệnh viêm phổi hít

Bệnh viêm phổi hít có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Áp xe phổi
  • Sốc
  • Suy hô hấp
  • Nhiễm trùng huyết – tình trạng lây lan nhiễm trùng vào máu
  • Nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan khác trong cơ thể

Ngoài các biến chứng trên, người bị viêm phổi còn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị sớm. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu nhận thấy các dấu hiệu nặng như:

  • Đau tức ngực
  • Ớn lạnh
  • Sốt 
  • Khó thở
  • Thở khò khè

Ho - Triệu chứng viêm phổi hít

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi hít là gì?

Viêm phổi hít thường xảy ra ở những người có rối loạn nuốt, khiến họ dễ hít phải vật lạ vào trong phổi. Các yếu tố nguy cơ của viêm phổi hít là:

  • Người già.
  • Người phối hợp vận động kém như sau đột quỵ hoặc chấn thương não.
  • Quá trình gây mê toàn thân, sử dụng thuốc, bệnh tật… khiến bệnh nhân không tỉnh táo.
  • Người hôn mê.
  • Say rượu.
  • Gặp vấn đề với việc nuốt.

Bên cạnh đó, vi khuẩn sẽ dễ tấn công vào phổi hay không, loại vi khuẩn là gì tùy thuộc vào nơi bạn sống, khả năng đề kháng của cơ thể, có đang dùng hoặc từng dùng kháng sinh gần đây hay không.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chẩn đoán bệnh viêm phổi hít như thế nào? 

Bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu viêm phổi hít khi khám sức khỏe cho bạn, chẳng hạn như nhịp tim nhanh, âm thanh hơi thở bất thường, có tiếng nổ lách tách (ran) trong phổi hay âm thanh khác thường trong lồng ngực. 

Khi nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang phổi, có thể thêm một số xét nghiệm khác như:

  • Cấy đờm tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng
  • Nội soi phế quản 
  • Kiểm tra dịch hầu họng
  • Đo nồng độ oxy bão hòa trong máu
  • Xét nghiệm máu để xem xét công thức máu toàn bộ CBC, tìm dấu hiệu nhiễm trùng
  • Kiểm tra phản xạ nuốt

Chụp X - quang - Chẩn đoán viêm phổi hít

Điều trị viêm phổi hít như thế nào?

Đầu tiên, cần phải giải quyết tình trạng viêm nhiễm ở phổi bằng kháng sinh. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho người bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm, xem có vi khuẩn nào đang tồn tại trong phổi. 

Bên cạnh đó là một số thuốc khác như long đờm, thuốc chống viêm, bù nước – điện giải và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ (thức ăn lỏng, thức ăn đặc hoặc nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch tùy từng trường hợp). Nếu bị khó thở nặng, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ máy thở để bổ sung oxy kịp thời. 

Ngoài ra, bệnh nhân cần được điều trị bằng liệu pháp nuốt để rèn luyện phản xạ nuốt trở lại như bình thường. Một số ít người cần phẫu thuật cắt cơ nhẫn – hầu, giúp thức ăn dễ trôi xuống thực quản hơn, giảm hít vào phổi; có áp xe phổi cần dẫn lưu dịch ra ngoài.

Phòng ngừa

Như đã đề cập ở trên, viêm phổi hít được gây nên do xuất hiện dị vật trong cơ thể khi ăn uống không đúng cách. Do đó, bạn có thể ngăn ngừa bệnh bằng một số biện pháp như sau:

  • Ăn uống từ tốn
  • Ngồi thẳng lưng khi ăn uống nếu có thể
  • Cắt thức ăn thành những miếng nhỏ vừa ăn, luôn nhai kỹ trước khi nuốt
  • Tránh để phân tâm khi ăn uống, chẳng hạn như nói chuyện điện thoại, xem TV, đọc sách…
  • Sau ăn, giữ lưng thẳng (ít nhất 45 độ) trong tối thiểu một giờ
  • Không hút thuốc
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt

Viêm phổi hít cũng có nguy cơ trở nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của chúng ta. Do đó, nếu bạn nhận thấy bất kỳ biểu hiện trở nặng nào của bệnh, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vương Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/09/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo