“Viêm phế quản có nguy hiểm không?’ là nỗi băn khoăn thường gặp ở những người mắc phải căn bệnh này, kể cả cấp tính hay mạn tính. Hãy tìm hiểu những biến chứng có thể gặp phải để lập kế hoạch chăm sóc bệnh hiệu quả.
Phế quản là ống dẫn khí lớn có phân nhánh giúp vận chuyển khí đến và đi khỏi phổi. Khi lớp niêm mạc bên trong đường dẫn khí này bị kích thích từ tác nhân gây bệnh (thường là virus) hay nhiều yếu tố khác (như thuốc lá, ô nhiễm không khí, bụi hay khí gas độc hại) gây viêm, sưng sẽ dẫn đến viêm phế quản. Bệnh có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính ở mọi đối tượng.
Triệu chứng thường gặp nhất khi bị viêm phế quản là ho có đờm. Tình trạng viêm khiến cho phế quản sản xuất nhiều chất nhầy hơn bình thường và cơ thể sẽ cố gắng loại bỏ chúng ra ngoài cùng với các tác nhân gây kích thích bằng cách gây ra phản ứng ho. Đờm nhầy thường có màu vàng. Một số biểu hiện khác khi bị bệnh là đau họng, thở khò khè và nghẹt mũi.
Viêm phế quản có nguy hiểm không?
Để trả lời cho câu hỏi “viêm phế quản có nguy hiểm không?’ chúng ta cần hiểu rõ về từng trường hợp bệnh. Đối với viêm phế quản cấp, bệnh có thể xuất hiện sau khi bị cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp và có khả năng tự phục hồi trong 7–10 ngày mà không để lại ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe. Các tác nhân gây bệnh cơ bản sẽ được cơ thể tìm cách tiêu diệt dù triệu chứng ho có thể kéo dài thêm trong vài tuần.
Trong trường hợp viêm phế quản mạn tính, các tổn thương và phản ứng viêm có thể tồn tại lâu dài, không chấm dứt. Điều đó khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, tăng khả năng dẫn đến những biến chứng khác. Tình trạng này còn là một dạng của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Theo thời gian, viêm mạn tính có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho phổi, làm suy giảm chức năng phổi.
Tuy nhiên, biến chứng nghiêm trọng vẫn có khả năng xảy ra ở cả bệnh viêm phế quản cấp hay mạn tính, bao gồm:
- Bội nhiễm
- Viêm phổi (xảy ra ở khoảng 5% bệnh nhân viêm phế quản)
- Viêm phế quản mạn tính có thể gây ra những đợt cấp lặp đi lặp lại, liên tục
- Bệnh đường thở phản ứng
- Ho ra máu
Những người có hệ miễn dịch kém, mắc phải bệnh lý nền khác như hen suyễn cần phải đến gặp bác sĩ điều trị ngay khi có các dấu hiệu và triệu chứng viêm phế quản.
Viêm phế quản có lây không?
Bên cạnh sự quan tâm về mức độ nguy hiểm, người bệnh còn lo lắng không biết bệnh viêm phế quản có lây không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm là gì.
Đa số trường hợp viêm phế quản cấp là do nhiễm phải tác nhân gây nhiễm trùng như virus, vi khuẩn. Khi đó, bệnh có thể lây lan vì các tác nhân này có thể truyền nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc. Thời kỳ lây nhiễm thường bắt đầu trước cả khi các triệu chứng xuất hiện.
Nếu một người bị viêm do hệ miễn dịch có vấn đề, tiếp xúc với các chất ô nhiễm, khói thuốc lá (kể cả hút thuốc thụ động) hoặc các hóa chất môi trường khác, độc chất khác gây kích ứng ở phế quản thì bệnh sẽ không lây truyền. Các nguyên nhân này thường gây ra viêm phế quản mạn tính.
Nói chung, viêm phế quản cấp tính do virus, vi khuẩn gây ra có khả năng lây truyền cho những người khác. Viêm phế quản mạn tính dường như không lây nhiễm vì thường do đường thở bị kích thích trong thời gian dài bởi các yếu tố môi trường.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Sau khi được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh đang mắc phải, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định điều trị từ bác sĩ. Nếu bạn có người thân bị viêm phế quản, hãy lập kế hoạch chăm sóc tại nhà để hỗ trợ quá trình chữa trị, phục hồi tốt hơn. Trường hợp tác nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn, bạn cũng cần biết cách để phòng ngừa mầm bệnh lây truyền cho những người khác trong gia đình.
Trường hợp viêm phế quản cấp, bác sĩ có thể khuyến khích nên nghỉ ngơi tại nhà mà không cần điều trị nhiều. Những người được chẩn đoán viêm phế quản mạn tính sẽ cần dùng thuốc để giảm bớt triệu chứng nếu chúng ngày càng nghiêm trọng và có kế hoạch thay đổi lối sống, tăng cường sức đề kháng. Bạn có thể chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản bằng cách:
Luôn nhắc nhở người bệnh uống đủ nước, không để mất nước
Sử dụng máy tạo độ ẩm cho không khí
Tránh để người bệnh ăn các sản phẩm từ sữa vì có thể khiến đàm đặc hơn
Tránh uống thức uống có cồn, caffein vì có thể gây ra tương tác thuốc (nếu có dùng thuốc)
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã giải đáp được các thắc mắc viêm phế quản có nguy hiểm không và có lây không. Đồng thời, bạn cũng biết cách lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản nếu chẳng may có người thân mắc bệnh.
[embed-health-tool-bmi]