Nghẹt 1 bên mũi có thể kéo dài trong vài ngày hoặc dai dẳng suốt một thời gian dài. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng này có thể nghiêm trọng hoặc không quá đáng lo. Nếu bạn chưa biết bị nghẹt mũi 1 bên là do đâu, bị nghẹt mũi 1 bên phải làm sao thì hãy dành 3 phút xem ngay bài viết dưới đây.
Có rất nhiều người bị nghẹt 1 bên mũi nhưng nhẹ đến mức không nhận ra. Cứ sau mỗi 4-6 giờ, một bên mũi của họ bị nghẹt hơn bên còn lại. Cũng có những trường hợp triệu chứng nghẹt mũi tăng nặng dần theo thời gian.
Tại sao bị nghẹt mũi 1 bên?
Bất cứ nguyên nhân nào khiến 1 bên lỗ mũi bị tắc nghẽn hoặc lệch vách ngăn mũi sẽ khiến bạn bị nghẹt mũi một bên.
Các lý do cụ thể bao gồm:
1. Thói quen nằm nghiêng khi ngủ
Nhiều người bị nghẹt mũi 1 bên về đêm khi ngủ nếu nằm sấp rồi nghiêng mặt qua 1 bên. Điều này là do tác dụng của trọng lực khiến cho chất nhầy đọng lại ở sau họng khi bạn nằm. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch cũng hoạt động mạnh hơn vào ban đêm nên các trường hợp nghẹt mũi do dị ứng cũng sẽ tăng nặng triệu chứng nghẹt mũi khi ngủ.
2. Có dị vật lọt trong mũi gây nghẹt mũi 1 bên
Khi có vật lạ ở trong mũi, nhất là ở trẻ nhỏ, sẽ làm tắc nghẽn một bên mũi. Trẻ chưa thể diễn tả được những khó chịu mà mình gặp phải với người lớn. Đừng chủ quan mà nên đưa trẻ đi khám, đặc biệt khi có chảy dịch hoặc chảy mủ ra từ lỗ mũi bị tắc.
3. Lệch vách ngăn mũi
Đây có thể là nguyên nhân tại sao bị nghẹt mũi 1 bên kéo dài ở một số trường hợp. Vách phân chia 2 lỗ mũi không thẳng do bẩm sinh, lão hóa, sưng và kích ứng khoang mũi hay xoang hoặc chấn thương khiến 1 bên đường thở nhỏ hơn.
Lệch vách ngăn mũi nghiêm trọng có thể chặn 1 bên mũi và làm giảm luồng không khí, gây ra nghẹt mũi 1 bên. Thậm chí, luồng không khí qua mũi làm khô mũi, góp phần gây đóng vảy và chảy máu cam ở một số người. Bệnh nhân còn gặp triệu chứng đau mặt ở vùng mũi, thở khò khè, mũi luân phiên bị tắc giữa hai bên theo chu kỳ, cảm thấy dễ chịu hơn nếu nằm nghiêng về một bên hơn là bên còn lại hoặc nằm thẳng.
4. Viêm và polyp mũi
Những người bị viêm mũi mạn tính và polyp mũi ở 1 bên gây ra tắc nghẽn, khiến 1 bên mũi bị nghẹt.
Polyp mũi là những khối u thịt lành tính, không phải ung thư, phát triển ở bên trong mũi hoặc xoang. Polyp giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng. Khi kích thước đủ lớn, ngoài gây ra nghẹt ở 1 hoặc cả 2 bên mũi, nó còn gây đau đầu, giảm khứu giác, vị giác và tăng áp lực cho xoang.
Triệu chứng của polyp mũi khá giống với cảm cúm, dị ứng và cảm lạnh thông thường nên nhiều người chủ quan không đi khám. Dù tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng polyp mũi đủ lớn sẽ chặn dòng chảy bình thường của chất nhầy, khiến chúng tích tụ và gây nhiễm trùng, làm tăng nặng các vấn đề của xoang.
Nếu các dấu hiệu nghi ngờ polyp mũi không biến mất, bạn nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và mức độ tiến triển của bệnh nếu có.
5. Nghẹt mũi 1 bên do viêm xoang
Xoang là những khoảng nhỏ chứa đầy không khí bên trong xương gò má và trán, thông với mũi. Viêm tại xoang có thể gây nghẹt mũi 1 bên và đau ở vùng xoang bị ảnh hưởng. Cơn đau thường nặng hơn khi bạn cúi xuống, đôi khi kèm theo chóng mặt và sốt.
Viêm xoang chủ yếu do vi khuẩn gây ra và được điều trị bằng thuốc.
6. Ung thư là nguyên nhân nghẹt mũi 1 bên rất hiếm gặp
Trong một số trường hợp hiếm gặp, nghẹt mũi 1 bên có thể là triệu chứng của ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi. Điều này là do đây là 2 vị trí có đủ không gian cho khối u phát triển.
Bệnh ung thư ở giai đoạn đầu hầu như không gây ra bất kì triệu chứng nào. Chỉ đến khi khối u xâm lấn vào các mô xung quanh sẽ gây nghẹt mũi ở 1 bên bị ảnh hưởng hoặc chảy nước mũi. Các triệu chứng này kéo dài rất lâu dù bạn không hề bị cảm hay dị ứng, và có thể nặng dần theo thời gian.
Đôi khi, bạn còn bị:
- Chảy máu cam
- Đau đầu
- Đau xoang
- Đau hốc mắt
- Sưng mặt, tê đau mặt
- Lung lay răng hàm trên
- Lồi mắt, mất hoặc thay đổi thị lực
- Đau hoặc ù một bên tai, điếc tai
- Điếc mũi
- Sưng hạch ở cổ
- Khó thở bằng miệng.
Cách hết nghẹt mũi 1 bên tại nhà
Vậy, nghẹt mũi 1 bên phải làm sao? Nếu hay bị nghẹt mũi 1 bên, bạn có thể áp dụng những cách sau để cải thiện triệu chứng này ngay tại nhà:
- Điều chỉnh lại tư thế nằm, cố gắng nằm ngửa và kê thêm gối để nâng cao đầu khi ngủ sẽ giúp dễ thở hơn.
- Xông hơi ngay trước khi đi ngủ.
- Xông mũi với các loại tinh dầu thảo dược như sả, gừng, bạc hà, khuynh diệp,… giúp làm loãng chất nhầy, giảm trệu chứng nghẹt mũi 1 bên.
- Giữ nhiệt độ phòng ngủ luôn mát mẻ, thoáng mát.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để tăng độ ẩm.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng quanh cổ, tai và đầu.
- Uống nhiều nước cũng có thể làm loãng chất nhầy trong mũi hoặc xoang.
- Vệ sinh mũi và súc miệng hàng ngày với nước muối sinh lý.
Khi nào nghẹt mũi 1 bên nên đi khám?
Bác sĩ tai mũi họng khuyên mọi người bị nghẹt mũi 1 bên đều nên đi khám, đặc biệt là khi:
- Tình trạng nghẹt mũi không thuyên giảm sau 2 tuần mặc dù đã thử các cách hết nghẹt mũi 1 bên thông thường
- Không xác định được nguyên nhân rõ ràng
- Bị chảy máu cam thường xuyên
- Viêm xoang tái phát liên tục
- Nghẹt 1 bên mũi ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, khiến chúng khụt khịt, khó bú, khó thở, thở nhanh
- Bị mệt mỏi nghiêm trọng và kéo dài.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng và kiểm tra trong mũi (có thể quan sát hoặc nội soi mũi) để tìm ra nguyên nhân. Xét nghiệm ít khi nào được chỉ định. Nếu có, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, lấy mẫu da để kiểm tra tình trạng dị ứng. Rất hiếm khi, bạn cần chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. Phương pháp điều trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân, có thể bao gồm:
- Bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp để lấy dị vật ra ngoài nếu nguyên nhân gây nghẹt là do dị vật.
- Dùng thuốc để giảm sưng và phẫu thuật để sửa lại vách mũi bị lệch.
- Dùng thuốc để thu hẹp hoặc phẫu thuật cắt polyp mũi.
- Dùng thuốc điều trị viêm xoang, bao gồm thuốc giảm đau thông thường (paracetamol, ibprofen,…), thuốc thông mũi, thuốc kháng sinh.
- Nếu nguyên nhân là do ung thư thì cần thực hiện điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hay liệu pháp miễn dịch.
Trong thời gian chờ các phương pháp điều trị nguyên nhân phát huy được tác dụng, nghẹt 1 bên mũi vẫn có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn.
Nhìn chung, nghẹt mũi 1 bên thường cảnh báo một vấn đề hoặc bệnh lý nào đó và bạn cần điều trị, có thể bằng thuốc hay phải can thiệp phẫu thuật. Hãy đi khám ngay khi thấy triệu chứng bất thường và kéo dài. Cố gắng tuân thủ chỉ định của bác sĩ để sớm chấm dứt tình trạng khó chịu này, tránh gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Hãy tham gia ngay cộng đồng của Hello Bacsi để biết thêm những thông tin sức khỏe hữu ích nhé!
[embed-health-tool-bmi]