Nước dừa được xem là loại nước uống tự nhiên bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với loại đồ uống này. Vậy, với người đang bị cảm lạnh, cảm cúm thì sao? Bị cảm uống nước dừa được không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua những thông tin dưới đây của Hello Bacsi nhé!
Uống nước dừa có tốt không?
Để hiểu rõ bị cảm có uống nước dừa được không, trước tiên, bạn nên hiểu về những giá trị dinh dưỡng của nước dừa.
Loại đồ uống này có những đặc điểm về dinh dưỡng nổi trội như sau:
- 94% là nước
- Vị hơi ngọt, ít đường và ít calo (chỉ có 40-60 calo trong 230ml)
- Không chứa chất béo xấu và cholesterol
- Chứa các chất điện giải như kali, natri và magie
- Chứa nhiều chất khoáng tốt như đồng, kẽm, canxi…
- Chứa nhiều vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9 và vitamin C,…
- Chứa axit amin, axit hữu cơ và các enzym tốt cho sức khỏe.
Người bị cảm uống nước dừa được không?
Nếu bạn băn khoăn người bị cảm uống nước dừa được không thì câu trả lời là CÓ THỂ ĐƯỢC bởi các lý do sau đây
- Trong Y học cổ truyền, nước dừa có vị ngọt, tính bình. Công dụng chính của nước dừa là giải nhiệt, giảm khát, lợi tiểu, giải độc và cầm máu. Do đó, các trường hợp có sốt, nôn, tiêu chảy, suy nhược… rất thích hợp để uống nước dừa. Đây cũng là những triệu chứng thường thấy ở người bị cảm lạnh hay cảm cúm.
- Theo y học hiện đại, người bị cảm có thể uống nước dừa để:
- Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt, hàm lượng kali cao trong nước dừa sẽ giúp tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch.
- Phòng tránh, điều trị mất nước và chất điện giải do triệu chứng sốt.
- Cải thiện vị giác.
- Hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón.
Ngoài ra, không phải đến khi bị cảm mới cần quan tâm bị cảm uống nước dừa được không, người bình thường cũng nhận được những lợi ích sức khỏe từ nước dừa như:
- Nước dừa rất hữu ích trong việc phòng ngừa sỏi thận. Uống nước dừa giúp giảm đau và thanh lọc hệ thống tiết niệu; loại bỏ các chất kali, clorua và citrat trong nước tiểu; từ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi.
- Nước dừa giúp làm đẹp da, chống lại mụn trứng cá do đặc tính kháng khuẩn.
- Cải thiện hệ thống chống oxy hóa của cơ thể bằng cách chống lại gốc tự do gây hại.
Những ai cần thận trọng khi uống nước dừa?
Nếu bạn thắc mắc “Bị cảm uống nước dừa được không?” thì không phải ai cũng phù hợp với thức uống này. Có một số đối tượng khi bị cảm phải thận trọng với nước dừa và nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại đồ uống này. Các đối tượng đó bao gồm:
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Chưa có đủ nghiên cứu về việc nước dừa ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và đang cho con bú như thế nào. Vì vậy, để an toàn, tốt nhất nên tránh uống.
- Người đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao: Hàm lượng kali trong nước dừa khá cao, giúp giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, khi dùng chung nước dừa với thuốc hạ huyết áp có thể xảy ra tình trạng hạ huyết áp quá mức.
- Người chuẩn bị phẫu thuật: Chuyên gia cũng khuyên không nên uống nước dừa 2 tuần trước khi phẫu thuật vì nước dừa có thể cản trở huyết áp và kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau phẫu thuật.
- Người bị bệnh thận mạn tính, người bị xơ nang, người có lượng kali trong máu cao: Họ đang cần hạn chế kali trong khi nước dừa lại cung cấp nhiều chất này.
- Người bị bệnh tiểu đường: Nước dừa có thể làm giảm lượng đường trong máu nên nếu uống chung với thuốc trị tiểu đường có thể xảy ra tình trạng hạ đường huyết.
- Người có biểu hiện bị lạnh nhiều, sợ gió, mệt mỏi, ho có đờm nhiều và loãng, đầy bụng, tiêu hóa kém: Nếu bị cảm và kèm theo các triệu chứng này thì cũng nên thận trọng khi uống nước dừa. Đây cũng là đáp án cho vấn đề “Bị cảm ho uống nước dừa được không?”.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên uống nước dừa quá nhiều vì nó có thể gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và tiêu chảy, khiến bạn không muốn ăn những món khác nữa. Lượng nước dừa khuyến cáo cho người bình thường là 1-2 cốc mỗi ngày.
Tóm lại, bị cảm nên uống gì hay uống gì để giải cảm nhanh thì nước dừa có thể là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, người bị cảm uống nước dừa được không cũng còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cơ bản của từng người. Bạn nên tìm hiểu kỹ xem mình có thuộc những trường hợp cần phải thận trọng với nước dừa hay không và không nên quá lạm dụng loại đồ uống này nhé! Hãy chú trọng đến việc nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để mau phục hồi.
[embed-health-tool-bmi]