backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thở khí dung là gì? Hướng dẫn thực hiện đúng cách tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vương Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/09/2021

    Thở khí dung là gì? Hướng dẫn thực hiện đúng cách tại nhà

    Thở khí dung là cách điều trị tại nhà phổ biến cho những bệnh đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính… 

    Thế nhưng, rất nhiều người vẫn còn mơ hồ về phương pháp này. Thở khí dung áp dụng cho những ai, gồm những loại nào và thực hiện ra sao? Tất cả câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

    Thở khí dung là gì?

    Thở khí dung sử dụng thiết bị chuyên dụng để chuyển thuốc thành các hạt khí dung nhỏ dạng sương mù, sau đó sử dụng động cơ hoặc lực hít để đẩy thuốc trực tiếp vào đường thở. Nhờ đó, thuốc có thể đi sâu vào các đường dẫn khí rất nhỏ trong phổi.

    Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp sau: 

    Ưu điểm

    Thở khí dung đã trở thành phương pháp điều trị phổ biến của các bệnh hô hấp nhờ vào một số ưu điểm nổi bật như sau:

    • Liều thuốc sử dụng ít hơn dạng thuốc uống hoặc tiêm
    • Thuốc được phân phối đến đúng vị trí cần điều trị trong hệ hô hấp nên có tác dụng nhanh hơn, cải thiện triệu chứng rõ rệt, tác dụng phụ ít và nhẹ hơn 
    • Không gây đau và khá thuận tiện, nhất là với trẻ khó uống thuốc

    Nhược điểm

    Điều trị bằng phương pháp thở khí dung cũng có một số nhược điểm nhất định như:

    • Bệnh nhân cần có khả năng phối hợp hít thở khi sử dụng máy
    • Cần có thiết bị chuyên dụng mới thực hiện được
    • Liều lượng thuốc khí dung đưa vào đường thở dễ bị sai lệch nếu thao tác sai
    • Vẫn có nguy cơ ứ đọng thuốc ở hầu họng
    • Rủi ro kích ứng khí quản, co thắt phế quản, nhiễm trùng đường thở
    • Nhiều người gặp khó khăn trong việc lắp đặt, nạp thuốc, sử dụng và bảo dưỡng thiết bị.

    Những thiết bị sử dụng phương pháp thở khí dung 

    Hiện có 3 thiết bị được sử dụng rộng rãi để thở khí dung, gồm bình xịt định liều (MDI), bình hít bột khô (DPI) và máy phun sương (nebulizer).

    Bình xịt định liều (Metered-dose Inhaler – MDI)

    Bình xịt định liều (MDI) có một ống đựng thuốc được điều áp phù hợp với ống ngậm. Bệnh nhân sẽ ấn bình xịt và hít vào để lấy thuốc vào phổi. Một vài bình xịt có thêm bộ đếm để bạn theo dõi liều lượng còn lại.

    Thở khí dung bằng bình xịt định liều

    Cách thực hiện điều trị cùng bình xịt định liều

    Ưu điểm của loại này là nhỏ gọn, tuy nhiên muốn đạt hiệu quả tốt cần phải sử dụng đúng kỹ thuật. Để thở khí dung đúng cách với thiết bị này, bạn có thể thực hiện theo các bước hướng dẫn sau đây:

    • Mở nắp dụng cụ hít, giữ bình thẳng đứng
    • Lắc bình trong vòng 5 giây để thuốc được trộn đều
    • Hơi ngửa cổ ra sau, thở chậm
    • Ngậm kín ống ngậm bằng môi và răng nhưng không được cắn ống, 
    • Dùng ngón trỏ ấn mạnh phần đỉnh bình để giải phóng thuốc đồng thời hít sâu vào một cách từ từ
    • Nín thở trong khoảng 5- 10 giây, sau đó thở ra từ từ bằng miệng hoặc mũi. Nếu phải hít thuốc nhiều lần thì có thể đợi 30 – 60 giây, sau đó hít lần tiếp theo.
    • Đóng nắp dụng cụ khi dùng xong.

    Những người dùng bình xịt định liều có thêm buồng đệm hoặc mặt nạ cũng thực hiện các bước tương tự như trên.

    Cách vệ sinh bình xịt định liều

    Bình xịt định liều cần được vệ sinh thường xuyên, ít nhất 1 lần/tuần để không bị tắc nghẽn. Đầu tiên, bạn mở nắp đậy ống ngậm sau đó dùng vải mềm hoặc giấy lụa để lau sạch cả mặt trong và vỏ ngoài của ống ngậm.

    Buồng đệm có thể tháo rời và vệ sinh bằng nước ấm hoặc nước rửa chén mỗi tuần một lần, để khô tự nhiên, không lau bên trong buồng đệm. Với mặt nạ cũng vệ sinh tương tự.

    Bình hít bột khô không có chất đẩy (Dry Powder Inhaler – DPI)

    Đây là loại bình hít thường được dùng để đưa các loại thuốc dạng phân tử nằm trong nang thuốc vào trong phổi. Bình hít DPI được kích hoạt khi bạn hít thở sâu và nhanh chứ không cần ấn nút như bình xịt định liều (MDI). 

    Bình hít nhỏ gọn, dễ mang theo, sử dụng nhanh nhưng vì không có chất đẩy thuốc nên đòi hỏi bệnh nhân phải hít vào nhanh mới lấy được thuốc vào phổi. Nếu hít chậm, thuốc sẽ lắng tại họng và vón cục lại, giảm khả năng phân bố thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân cần định kỳ nạp thêm thuốc. Việc nạp thuốc thường khó khăn với người suy giảm thị lực hoặc không khéo tay.

    Thở khí dung bằng ống xịt bột khô

    Cách thực hiện điều trị cùng ống hít bột khô

    • Cầm ngang bình, ngón cái đặt vào cần quay
    • Gạt cần sang phải cho đến khi nghe tiếng kêu và nhìn thấy phần ống ngậm
    • Gạt đòn bẩy sang phải cho đến khi nghe tiếng kêu để nạp một liều thuốc
    • Ngồi thẳng lưng hoặc đứng, hơi ngửa cổ ra sau, thở ra
    • Ngậm kín ống ngậm, hít vào nhanh một hơi sâu 
    • Nín thở trong khoảng 10 giây rồi thở ra bằng miệng hoặc mũi
    • Xoay cần về vị trí ban đầu để đóng nắp dụng cụ

    Khi sử dụng DPI, bạn cần giữ cho bình khô để thuốc không bị vón cục, lau ống ngậm bằng vải mềm sạch và làm khô ngay sau khi hít.

    Máy thở khí dung (Nebulizer)

    Máy thở khí dung được dùng để điều trị các triệu chứng hen suyễn bằng cách cung cấp thuốc dưới dạng sương mù thông qua mặt nạ hoặc ống ngậm. Máy có một bộ phận nén hoạt động bằng khí nén hoặc sóng siêu âm tần số cao, tạo ra lực đẩy thuốc thành các hạt khí dung. Máy thở khí dung phù hợp với cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ lẫn người lớn. 

    Cách lắp đặt máy xông khí dung

    • Lắp các bộ phận và cắm nguồn điện
    • Rửa tay thật sạch trước khi sử dụng máy xông khí dung
    • Đo đúng liều lượng thuốc được chỉ định bằng ống tiêm hoặc ống nhỏ giọt rồi cho vào cốc đựng trong máy. Đóng nắp
    • Gắn ống ngậm hoặc mặt nạ vào đầu ống đựng thuốc
    • Gắn ống nối của bộ phận nén vào cuối ống đựng thuốc
    • Đeo mặt nạ hoặc ngậm ống hít
    • Bật và kiểm tra máy xem có hoạt động không. Nếu máy không hoạt động, hãy kiểm tra lại kết nối một lần nữa và thử lại. 

    Cách điều trị cùng máy xông khí dung

    • Giữ máy phun sương ở tư thế thẳng đứng để giúp ngăn không cho thuốc tràn ra bên ngoài
    • Hít vào sâu, sau đó ngưng 1 – 2 giây rồi thở ra cho tới khi hết lượng thuốc có trong cốc đựng. Quá trình này kéo dài khoảng 5 – 15 phút. 
    • Thỉnh thoảng gõ nhẹ vào thành máy thở khí dung để dung dịch rơi ngược xuống đầu ống dẫn nằm ở dưới đáy máy.
    • Nếu đang sử dụng mà thấy máy không phun khí thì cần ngừng ngay lại.

    Máy thở khí dung

    Cách vệ sinh thiết bị sau mỗi lần sử dụng

    Để vệ sinh máy sau mỗi lần thở khí dung, bạn hãy làm theo các bước hướng dẫn từ nhà sản xuất. Trong đó bao gồm một số nguyên tắc chung như:

    • Tháo máy ra và rửa tất cả các bộ phận (trừ ống dẫn và van ngón tay) bằng nước rửa chén loãng
    • Tráng sạch lại bằng nước lạnh, lắc hết nước đọng bên trong ra ngoài 
    • Gắn lại các bộ phận của máy. 
    • Bật bộ phận nén để làm khô máy thở khí dung một cách nhanh chóng. 
    • Đảm bảo máy đã khô hoàn toàn trước khi cất 

    Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước sôi nóng hoặc dung dịch giấm loãng để vệ sinh. Riêng đường ống cần được thay thế hai tuần một lần vì rất khó để làm sạch và làm khô đúng yêu cầu.

    Trên đây là một số ưu điểm, nhược điểm và hướng dẫn thở khí dung đúng cách mà người bệnh có thể tham khảo để thực hiện điều trị tại nhà. Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vương Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo