backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Thở dốc là gì và có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/04/2023

Thở dốc là gì và có nguy hiểm không?

Thở dốc là tình trạng thở nhanh và mạnh hơn nhịp thở sinh lý bình thường, khiến bạn mệt mỏi, cảm thấy như cơ thể không thể nhận đủ oxy trong quá trình hô hấp. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và những người mắc bệnh về đường hô hấp. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Thở dốc là tình trạng thở nhanh và mạnh đi kèm với cảm giác mệt mỏi. Nếu nhịp thở nhanh nhưng sau đó trở lại bình thường thì được gọi là thở dốc thoáng qua.

Thở dốc có thể ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh và người lớn. Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra phổ biến nhất ở trẻ sinh non (trẻ sinh thiếu tháng) hoặc người lớn mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Triệu chứng thường đi kèm với hiện tượng thở dốc

triệu chứng đi kèm thở dốc

Thở dốc có thể đi kèm với các triệu chứng sau đây:

  • Da, móng tay và/hoặc môi có màu xanh hoặc xám
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Cảm giác như không thể nhận đủ không khí để hô hấp.

Thở dốc có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Hãy đến phòng cấp cứu hoặc gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn hoặc trẻ gặp phải triệu chứng thở dốc kèm theo:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Sốt
  • Da, móng tay, nướu, môi hoặc vùng quanh mắt tím tái, có màu hơi xanh hoặc hơi xám
  • Lồng ngực lõm vào theo từng nhịp thở
  • Chưa từng bị thở dốc trước đây
  • Các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng.

Hầu hết các trường hợp sẽ không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, việc không nhận đủ oxy để hô hấp  có thể gây hại cho cơ thể, lâu dài ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của não và tim.

Nguyên nhân gây thở dốc là gì?

Bạn thường cảm thấy thở dốc vì quá mệt do tập thể dục hoặc tham gia một hoạt động gắng sức như chạy bộ.

nguyên nhân thở dốc

Thở dốc cũng có thể xảy ra ngay khi cơ thể bạn đang nghỉ ngơi. Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng này, bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng
  • Ngộ độc carbon monoxide
  • Lo lắng hoặc hoảng sợ
  • Hen suyễn
  • Nghẹt thở
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh phổi mạn tính khác
  • Viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ
  • Viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi khác
  • Bệnh phổi nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh phổi kẽ hoặc giãn phế quản
  • Tràn dịch màng phổi
  • Thuyên tắc phổi (cục máu đông trong động mạch phổi)
  • Thở dốc thoáng qua ở trẻ sơ sinh
  • Suy tim
  • Nhiễm toan ceton đái tháo đường
  • Nhiễm trùng huyết.

Riêng ở trẻ sơ sinh, trước khi trẻ được sinh ra, phổi của chúng chứa đầy chất lỏng. Trong quá trình chuyển dạ, các hormone khiến các túi khí (phế nang) trong phổi của bé hấp thụ chất lỏng này đi. Nếu quá trình hấp thụ diễn ra quá chậm, chất lỏng dư thừa trong phổi của bé sẽ gây ra chứng thở dốc.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hiện tượng thở dốc?

Bạn có thể kiểm tra nhịp thở của mình tại nhà bằng cách đếm xem mình hít bao nhiêu hơi thở mỗi phút.

Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là từ 40 đến 60 nhịp thở mỗi phút. Người lớn có nhịp thở bình thường nằm trong khoảng từ 12 đến 25 nhịp thở mỗi phút khi nghỉ ngơi (không hoạt động).

Thở dốc ở trẻ sơ sinh xảy ra nếu trẻ có nhịp thở trên 60 nhịp mỗi phút. Ở người lớn, bạn có thể bị thở dốc nếu nhịp thở hơn 25 lần mỗi phút khi nghỉ ngơi.

Ngoài ra, nếu đến bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng tim, phổi, bụng, đầu và cổ của bạn.

Các xét nghiệm có thể được yêu cầu được thực hiện bao gồm:

  • Khí máu động mạch và đo oxy trong mạch
  • Chụp X-quang ngực
  • Chụp CT ngực
  • Công thức máu toàn bộ (CBC)
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Quét thông khí/tưới máu phổi
  • Xét nghiệm máu toàn diện để kiểm tra sự cân bằng hóa học và sự trao đổi chất của cơ thể.

Những phương pháp điều trị thở dốc

Hiện tượng thở dốc và cách khắc phục tại nhà cho trẻ nhỏ và người lớn thường bao gồm bài tập hít thở sâu và thư giãn. Để thực hiện bài tập này, bạn có thể tập thở bằng cơ hoành bằng cách từ từ hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng hoặc mũi. Kỹ thuật thở này có thể giúp thư giãn và nở rộng phổi hoàn toàn.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân hoặc bệnh lý gây ra tình trạng thở dốc.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Dùng thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu hoặc thuốc kháng histamine 
  • Sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít
  • Tham gia trị liệu hành vi nhận thức để điều trị chứng lo âu.

Nếu thở dốc gây suy hô hấp nghiêm trọng và mức oxy trong cơ thể bạn quá thấp, bác sĩ có thể chỉ định thở oxy. Không khí từ máy thở sẽ giúp di chuyển không khí vào và ra khỏi phổi. Đây là phương pháp điều trị phổ biến ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

điều trị thở dốc

Trẻ sơ sinh thường hồi phục sau cơn thở dốc thoáng qua trong vòng hai đến ba ngày. Sau khi điều trị nguyên nhân, trẻ lớn hơn và người lớn sẽ hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện tượng hở dốc có thể tái phát nếu không điều trị dứt điểm nguyên nhân cơ bản.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tình trạng thở dốc

Bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ bị thở dốc bằng cách:

  • Tránh các chất gây dị ứng
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng sức bền
  • Tránh xa những khu vực có khói hoặc mức độ ô nhiễm cao
  • Trao đổi với bác sĩ tâm thần để điều trị chứng lo âu
  • Điều trị hoặc kiểm soát bất kỳ bệnh lý nào có thể là nguyên nhân gây ra chứng thở dốc.

Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Nếu bạn cảm thấy mình đang thở quá nhanh, hãy đếm nhịp thở mỗi phút. Cố gắng điều hòa hơi thở bằng cách hít vào từ từ bằng mũi và thở ra bằng miệng. Nếu tình trạng không được cải thiện thì hãy thăm khám với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/04/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo