backup og meta

Hô hấp ký

Hô hấp ký

Tìm hiểu chung

Hô hấp ký là gì?

Hô hấp ký (spirometry), hay đo chức năng hô hấp, là một xét nghiệm phổ biến dùng để thăm dò chức năng hô hấp, đánh giá khả năng hoạt động của phổi bằng cách đo lượng không khí bạn có thể hít vào và thở ra. Khả năng hít thở có thể bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, xơ phổixơ nang.

Để thực hiện hô hấp ký, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị có tên gọi là hô hấp kế (hay phế dung kế). Thiết bị này có một ống thở cho bạn thổi vào và từ đó đo các thể tích khí cần thiết.

Khi nào bạn cần thực hiện hô hấp ký?

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện hô hấp ký khi thấy các triệu chứng như khò khè, khó thở hoặc ho. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các vấn đề hô hấp như hen suyễn, COPD, viêm phế quản mạn tính, khí phế thủng, xơ phổi hoặc dùng để kiểm tra chức năng phổi trước khi tiến hành phẫu thuật.

Hô hấp ký cũng được thực hiện khi đang điều trị các bệnh phổi mạn tính, chẳng hạn như COPD, hen suyễn, xơ phổi để xác định xem diễn biến bệnh đang được cải thiện tốt hơn hay đang xấu đi (đáp ứng thuốc), cũng như các liệu pháp điều trị (thuốc uống, thuốc hít) có mang lại hiệu quả tốt hay không.

Ngoài ra, xét nghiệm này còn dùng để sàng lọc các bệnh lý ở phổi liên quan đến nghề nghiệp.

Bạn có thể xem thêm: Điểm danh 10 nghề nghiệp gây hại cho phổi nhất

Quy trình thực hiện

quy trình thực hiện đo hô hấp ký

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Bạn không nên hút thuốc trong vòng 1 giờ trước khi làm hô hấp ký. Bác sĩ sẽ căn dặn bạn những lưu ý trước khi tiến hành đo chức năng hô hấp, bao gồm:

  • Tránh sử dụng thuốc hít hoặc các thuốc điều trị khác trước.
  • Không uống rượu vào ngày làm xét nghiệm này.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để không gây cản trở đến khả năng hít thở sâu.
  • Tránh ăn quá no trước khi làm xét nghiệm vì có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hít thở.

Trong khi thực hiện

Quy trình thực hiện hô hấp ký

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thở vào ống của hô hấp kế (hay phế dung kế). Trước đó, một nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn cách thực hiện việc thở vào ống này. Nếu có thắc mắc gì, bạn hãy hỏi lại cẩn thận để thực hiện đúng, giúp kết quả đo được chính xác nhất.

Trong quá trình thực hiện hô hấp ký, bạn thường sẽ:

  • Ngồi thẳng trong quá trình đo.
  • Được kẹp mũi để đóng cả hai lỗ mũi lại và đặt đầu ống của hô hấp kế vào miệng.
  • Hít một hơi thật sâu, giữ hơi thở lại một vài giây và sau đó thở ra mạnh nhất có thể vào trong đầu ống ở miệng.
  • Thực hiện lại như vậy ít nhất 3 lần để đảm bảo kết quả đo được đồng nhất.

Nếu kết quả của mỗi lần thực hiện sai khác quá nhiều, bạn sẽ cần phải làm lại thêm vài lần nữa. Bác sĩ sẽ lấy kết quả cao nhất trong 3 lần đo làm kết quả cuối cùng. Toàn bộ quá trình này thường tốn tối đa khoảng 15 phút để hoàn tất.

Tiếp đó, bác sỉ sẽ cho bạn dùng một loại thuốc hít có tác dụng giãn phế quản. Sau 15 phút, bạn sẽ thực hiện hô hấp ký thêm một lần nữa. So sánh hai kết quả đo, bác sĩ sẽ đánh giá về mức độ cải thiện luồng khí hít vào và thở ra của thuốc giãn phế quản được dùng.

Sau khi thực hiện

Tổng thời gian cần để thực hiện xét nghiệm này là khoảng 30–90 phút. Vì đây là một phương pháp tương đối đơn giản và không can thiệp nên bạn có thể về nhà ngay sau khi thực hiện và quay trở lại các hoạt động bình thường.

Khi đo hô hấp ký để theo dõi chức năng phổi trong các bệnh lý đường hô hấp (như hen suyễn, COPD), bạn nên tiến hành khoảng 1–2 lần/năm nếu bệnh đang được kiểm soát tốt. Những người có vấn đề hô hấp nghiêm trọng hoặc không kiểm soát tốt thì nên thực hiện xét nghiệm này thường xuyên hơn.

Thận trọng

chóng mặt sau khi làm hô hấp ký

Đo hô hấp ký có nguy hiểm không?

Nhìn chung, đây là một xét nghiệm an toàn. Bạn có thể cảm thấy hơi chóng mặt hoặc khó thở trong giây lát sau khi thực hiện hô hấp ký. Rất hiếm khi phương pháp này gây ra các vấn đề hô hấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ yêu cầu bạn phải gắng sức khi hít thở. Vậy nên, nếu có cơn đau thắt ngực gần đây hoặc có một số bệnh lý tim mạch, bạn không nên thực hiện xét nghiệm này.

Kết quả

đọc kết quả đo chức năng hô hấp Spirometry

Đọc kết quả đo chức năng hô hấp

Các chỉ số quan trọng cần biết sau khi làm hô hấp ký là:

  • Dung tích sống thở mạnh (FVC). Đây là chỉ số biểu thị tổng thể tích khí lớn nhất mà bạn hít vào và thở ra gắng sức khi hít thở sâu. Chỉ số FVC thấp hơn bình thường cho thấy đường thở đang bị hạn chế.
  • Thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1). Đây là lượng thể tích khí mà bạn thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên. Chỉ số này giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề hô hấp.

Giá trị bình thường dùng để tham chiếu khi đo chức năng hô hấp sẽ thay đổi tùy tứng nhóm đối tượng, dựa trên tuổi tác, chiều cao, chủng tộc và giới tính. Bác sĩ sẽ tính toán giá trị bình thường phù hợp với bạn trước khi làm xét nghiệm. Và sau khi đo chức năng hô hấp, họ sẽ so sánh kết quả với giá trị dự đoán ban đầu. Kết quả được xem là bình thường nếu các chỉ số đo được đạt hơn 80% so với giá trị bình thường dự đoán.

Bác sĩ có thể sẽ tính thêm tỷ lệ FEV1/FVC, con số này đại diện cho tỷ lệ phần trăm dung tích phổi mà bạn có thể thở trong một giây đầu. Nếu kết quả của tỷ lệ này thấp tức là đường thở của bạn đang bị tắc nghẽn.

Giãn đồ hô hấp ký

Giản đồ hô hấp ký
Nguồn: healthtian.com

Các chỉ số hô hấp ký có thể được biểu diễn dưới dạng đường cong gọi tạo thành giản đồ lưu lượng – thể tích hoặc giản đồ thể tích – thời gian.

Nếu kết quả bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hơi thở, chẳng hạn như chụp X-quang ngực hay xét nghiệm máu.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Spirometry. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/spirometry/about/pac-20385201. Ngày truy cập 20/1/2021.

Spirometry: What to Expect and How to Interpret Your Results. https://www.healthline.com/health/spirometry. Ngày truy cập 20/1/2021.

Spirometry. https://patient.info/chest-lungs/chronic-obstructive-pulmonary-disease-leaflet/spirometry. Ngày truy cập 20/1/2021.

Phiên bản hiện tại

20/01/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngà Trương


Bài viết liên quan

Ô nhiễm không khí: “Kẻ thù giấu mặt” của viêm mũi dị ứng • Hello Bacsi

Tắc nghẽn đường hô hấp trên


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo