Tưởng chừng không hề liên quan nhưng 10 nghề nghiệp sau đây lại nằm trong danh sách “cực hại’ cho phổi. Đó là những nghề gì? Hello Bacsi bật mí cho bạn nhé!
Chất hóa học, vi khuẩn, khói thuốc lá, chất bẩn, sợi lông, bụi là những thứ có thể gây hại cho phổi. Tuy nhiên, bạn có ngạc nhiên khi biết một số nghề nghiệp tưởng chừng rất không liên quan lại là nhân tố nguy hiểm tàn phá hệ hô hấp và đe dọa phổi?
Dưới đây là 10 nghề nghiệp được cảnh báo nguy hại và những cách giúp bạn tránh tổn hại phổi do làm việc.
1. Nhân viên pha chế và bồi bàn
So với hút thuốc chủ động, hút thuốc lá thụ động thậm chí còn gây nhiều ảnh hưởng xấu đến phổi hơn. Những nhân viên pha chế, bồi bàn hoặc nhân viên sòng bài luôn thường xuyên bị vây quanh bởi khói thuốc lá.
2. Người lau dọn vệ sinh nhà
Vài sản phẩm vệ sinh, dù được gắn mác “xanh” hoặc “tự nhiên” vẫn chứa chất hóa học nguy hại gây ra bệnh hen suyễn. Một số hợp chất hữu cơ bay hơi cũng góp phần gây ra các vấn đề hô hấp mãn tính và phản ứng dị ứng. Nếu làm nghề lau dọn, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tránh dùng các sản phẩm có hóa chất độc hại. Tốt nhất, bạn nên ưu tiên sử dụng sản phẩm tự nhiên như giấm, chanh hoặc baking soda. Ngoài ra, bạn cũng nên mở cửa sổ và cửa lớn để khu vực lau dọn được thoáng khí.
3. Nhân viên chăm sóc sức khỏe
Bác sĩ, y tá và những người làm việc trong môi trường bệnh viện có nguy cơ mắc bệnh phổi như lao, cúm và hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo những người làm việc chăm sóc sức khỏe nên tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả tiêm phòng cúm.
Những người làm việc chăm sóc sức khỏe cũng có thể bị hen suyễn vì cao su dùng trong găng tay hoặc thiết bị khác. Với những trường hợp này, bạn có thể chọn găng tay không chứa cao su tổng hợp thay thế.
4. Thợ làm tóc
Một số thuốc nhuộm tóc nhất định có thể dẫn đến hen suyễn do nghề nghiệp. Một vài sản phẩm duỗi tóc chứa formaldehyde, là một chất sinh ung thư cũng gây kích ứng mạnh lên mắt, mũi, họng và phổi. Bạn nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi sử dụng. Nếu nó không an toàn, hãy tìm một sản phẩm an toàn khác.
5. Nhà máy
Làm việc tại nhà máy có thể làm tăng nguy cơ hình thành bệnh hen suyễn cũng như làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng. Công nhân nhà máy có thể bị phơi nhiễm với kim loại trong công nghệ đúc silica hoặc cát nhuyễn vốn có thể gây bệnh nhiễm silicon, một bệnh gây nám phổi hoặc làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Hội chứng hô hấp được gọi là “xơ phổi”, hoặc viêm phế quản tắc nghẽn, hay gặp trên những công nhân nhà máy phơi nhiễm với những chất hóa học có mùi dùng làm bắp rang bơ vi sóng. Sử dụng khẩu trang trong lúc làm việc có thể bảo vệ phổi của bạn. Hơn nữa, bạn cũng nên giữ nơi làm việc thoáng khí.
6. Xây dựng
Công nhân phá hủy hoặc sửa chữa các tòa nhà cũ có thể bị phơi nhiễm với asbestos, thành phần được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt xung quanh đường ống hoặc sàn nhà, dẫn đến nhiều bệnh lý khác nhau. Một trong số đó là u trung mô, một dạng của ung thư. Hơn nữa, người phơi nhiễm cũng tăng nguy cơ bị ung thư phổi tế bào nhỏ và có thể bị nhiễm asbestos hoặc nám phổi. Để tránh những nguy cơ này, việc phá hủy tòa nhà nên được huấn luyện và cấp phép.
7. Nông dân
Làm việc đồng áng và chăn nuôi có thể gây ra nhiều hội chứng. Bạn có thể bị phơi nhiễm với nấm mốc trong ngũ cốc khô dẫn đến viêm phổi quá mẫn hay viêm phổi nhẹ. Một số trường hợp có thể làm viêm phế nang phổi và để lại mô sẹo.
Những người làm nông cũng có nguy cơ hít phải bụi từ ngũ cốc bị mốc, dẫn đến sốt, mệt và triệu chứng như cảm cúm gọi là “hội chứng ngộ độc bụi hữu cơ”. Nông dân cũng dường như bị ho và đau ngực nhiều hơn. Những người làm chăn nuôi lợn và gà đôi khi có những hội chứng giống suyễn. Giữ thực phẩm khô ráo, tránh ẩm ướt, bảo đảm thông khí đủ và mang khẩu trang là cách những người nông dân và chăn nuôi có thể bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến phổi.
8. Thợ phun sơn tự động
Người làm việc trong những cửa hàng phun sơn tự động thường phơi nhiễm với chất hóa học Isocyanates, một trong những nguyên nhân đặc biệt gây bệnh hen suyễn nghề nghiệp. Sử dụng khẩu trang có chất lượng phù hợp với công việc có thể làm giảm nguy cơ. Đồng thời, bạn cũng nên cách ly khỏi khu vực sơn và bảo đảm thông khí tốt, nhưng cách tốt nhất là thay thế sơn nguy hại bằng loại an toàn hơn.
9. Lính cứu hỏa
Ngoài nguy cơ đến từ lửa, lính cứu hỏa còn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm nhiều chất khác như nhựa, chất hóa học khi chúng cháy. Tin mừng là bạn hoàn toàn có thể làm giảm thiểu nguy cơ bệnh phổi và các vấn đề khác rõ rệt bằng cách dùng “máy thở khép kín SCBA”. Thiết bị này nên được dùng suốt thời gian dập lửa hoặc dọn dẹp sau đó.
10. Khai thác than
Mỏ than đá ngầm là nguy cơ của rất nhiều bệnh, từ viêm phế quản đến viêm phế quản phổi hoặc nám phổi, tình trạng mãn tính gây ra do bụi than xâm nhập vào phổi, tụ cứng lại và làm khó thở. Nghiêm trọng hơn, bụi than có thể gây xơ phổi trên diện rộng và gây tử vong. Các thiết bị bảo hộ có thể hạn chế lượng bụi hít vào. Bạn nên trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết trước khi bước vào mỏ than.
[embed-health-tool-bmi]