Tình trạng đau họng thường đi kèm với các triệu chứng phổ biến khác như sốt, ho,… khiến người bệnh liên tưởng ngay tới bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp bị đau họng nhưng không ho và không biết lý do tại sao. Khi biết được nguyên nhân của tình trạng này là do đâu, bạn sẽ có cách điều trị hiệu quả.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây!
Nguyên nhân bị đau họng nhưng không ho
1. Viêm họng do liên cầu khuẩn
Nếu bị đau họng mà không ho thì nhiều khả năng bạn đã mắc bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) gây ra. Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn này có thể gây đau họng đi kèm các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau họng, đặc biệt là khi nuốt
- Sốt
- Amidan sưng đỏ, có mảng hoặc đốm trắng trên amidan
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Đau đầu
- Ăn không ngon
- Đau bụng.
2. Viêm amidan
Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng hai miếng mô hình bầu dục ở phía sau lưỡi, ngay cửa ngõ vào cổ họng. Nhiễm trùng gây viêm amidan thường do vi-rút thông thường gây ra, nhưng cũng có thể do vi khuẩn mà phổ biến nhất cũng là liên cầu nhóm A Streptococcus pyogenes.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm amidan bao gồm:
- Sưng amidan
- Có lớp phủ hoặc từng mảng màu trắng hoặc vàng trên amidan
- Đau họng nhưng không ho
- Sốt
- Khó nuốt hoặc đau khi nuốt
- Nổi hạch ở hai bên cổ
- Khàn giọng hoặc giọng nói như đang bị bóp nghẹt cổ họng
- Đau bụng
- Đau hoặc cứng cổ
- Đau đầu.
Ở trẻ nhỏ, các bé không thể mô tả cảm giác đau của mình. Lúc này, nếu trẻ bị đau họng nhưng không ho mà có các dấu hiệu từ chối ăn, quấy khóc bất thường, chảy nước dãi liên tục thì bạn có thể nghi ngờ viêm amidan.
3. Cảm lạnh
Nhiễm virus gây cảm lạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị đau họng nhưng không ho.
Cảm lạnh là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng nhẹ như nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau cơ, đau họng, có thể có hoặc không đi kèm sốt, ho.
Cảm lạnh thường tự khỏi trong vòng 5 đến 7 ngày.
4. Không khí khô khiến bạn bị đau họng nhưng không ho
Không khí khô trong nhà hoặc không gian sinh hoạt se khiến cổ họng của bạn trở nên thô ráp và khó chịu.
Ngoài ra, khi bạn phải thở bằng miệng do nghẹt mũi mãn tính cũng là nguyên nhân gây khô và đau họng nhưng không ho.
5. Dị ứng
Dị ứng theo mùa hoặc phản ứng dị ứng với lông chó mèo, nấm mốc, bụi và phấn hoa có thể khiến bạn bị đau họng nhưng không ho. Tình trạng dị ứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn chảy nước mũi sau gây kích ứng và dẫn đến viêm họng.
6. Chất kích thích
Ô nhiễm không khí do khói thuốc lá hoặc hóa chất sẽ gây kích ứng cổ họng, dẫn đến viêm họng mạn tính.
Hút thuốc lá, uống rượu và ăn thức ăn cay cũng làm kích ứng cổ họng, gây ra triệu chứng bị đau họng nhưng không ho. Hút thuốc và hít khói thuốc kéo dài còn làm tăng nguy cơ ung thư miệng, cổ họng và thanh quản.
7. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch axit trong dạ dày trào ngược lên ống dẫn thức ăn từ họng xuống dạ dày (thực quản). Axit này gây sưng viêm và tổn thương niêm mạc hầu họng.
Các dấu hiệu hoặc triệu chứng bao gồm: bị đau họng nhưng không ho không sốt, ợ nóng, khàn giọng, khó nuốt và cảm giác có khối u vướng trong cổ họng.
8. Bị đau họng nhưng không ho do nói quá nhiều
Bạn có thể làm căng các cơ trong cổ họng, tổn thương dây thanh quản và khiến họng bị đau nhưng không ho nếu thường xuyên la hét, nói to hoặc nói trong thời gian dài mà không nghỉ.
9. Uống nước lạnh
Uống quá nhiều thức uống lạnh làm kích thích các mô ở hầu họng khiến cổ họng sưng viêm và đau rát.
Nhiều người khi uống nước lạnh nhiều sẽ bị đau họng nhưng không ho, một số trường hợp thì vẫn có thể bị ho kèm theo.
10. Nhiễm HIV
Đau họng đôi khi xuất hiện sớm sau khi một người bị nhiễm HIV. Một người dương tính với HIV có thể bị viêm họng mạn tính hoặc tái phát do nhiễm nấm hoặc nhiễm virus. Tình trạng này thường nghiêm trọng hơn ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
11. Bị đau họng nhưng không ho là dấu hiệu ung thư?
Nhiều người lo sợ rằng bị đau họng nhưng không ho không sốt là dấu hiệu của ung thư vòm họng hay ung thư thực quản.
Thực tế, các khối u ác tính ở cổ họng, lưỡi, thanh quản hoặc thực quản có thể gây đau họng. Tuy nhiên, chỉ một triệu chứng này chưa đủ để khẳng định là bạn bị ung thư. Bởi ung thư vòm họng, thực quản ngoài đau họng sẽ đi kèm các triệu chứng khác bao gồm:
- Khàn giọng
- Khó nuốt
- Thở khò khè
- Khối u ở cổ
- Máu trong nước bọt
- Khạc đờm ra máu
- Chán ăn
- Sụt cân.
Tốt nhất, hãy đến gặp bác sĩ thăm khám và tiến hành tầm soát ung thư ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường nhé!
Bị đau họng nhưng không ho phải làm sao?
Mặc dù không gây ho nhưng tình trạng đau họng kéo dài có thể khiến bạn khó chịu, thiếu tập trung. Vì vậy, hãy thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng bị đau họng nhưng không ho ngay tại nhà bằng sau đây:
- Nghỉ ngơi. Nếu bạn bị sốt cao hoặc cảm thấy không đủ khỏe để thực hiện các hoạt động bình thường, hãy cố gắng ở nhà, uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen, naproxen…), nghỉ ngơi và tránh tiếp xúc với người khác cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn.
- Hạn chế uống nước lạnh và nói nhiều. Nếu nguyên nhân khiến bạn bị đau họng nhưng không ho là do bạn nói nhiều hay uống nước lạnh thì hãy hạn chế ngay những thói quen xấu này để giảm nhanh triệu chứng đau họng.
- Uống nhiều nước. Uống nước nhiều để giữ ẩm cho cổ họng và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Bạn dùng các loại trà không chứa caffein (trà chanh, trà bạc hà, trà gừng) hoặc nước mật ong ấm để giúp làm dịu cơn đau họng. Lưu ý không sử dụng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi. Bạn cũng nên tránh caffeine và rượu vì sẽ khiến cơ thể mất nước.
- Ăn thức ăn lỏng và ấm. Ăn thức ăn dạng lỏng ấm như súp, món canh,… cũng rất tốt để giảm sưng đau họng.
- Súc miệng bằng nước muối. Trẻ trên 6 tuổi và người lớn có thể súc miệng bằng nước muối loãng, ấm để giúp loại bỏ vi khuẩn, làm dịu cơn đau.
- Làm ẩm không khí. Sử dụng máy làm ẩm không khí sẽ loại bỏ nguy cơ không khí khô kích ứng thêm cho chứng đau họng. Bạn cũng nhớ vệ sinh máy làm ẩm thường xuyên để nấm mốc hoặc vi khuẩn không phát triển.
- Cân nhắc dùng viên ngậm hoặc kẹo ngậm. Cả hai loại này đều có thể làm dịu cơn đau họng, nhưng bạn không nên cho trẻ từ 4 tuổi trở xuống dùng vì có thể khiến trẻ bị mắc nghẹn.
- Tránh các chất kích thích. Không hút thuốc và tránh sử dụng những sản phẩm tẩy rửa chứa hóa chất trong nhà bạn, bởi chúng có thể gây kích ứng cổ họng. Đồng thời, bạn cần loại bỏ các tác nhân có khả năng gây dị ứng cao như bụi, nấm mốc, lông chó mèo, phấn hoa,…
- Dùng thuốc. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường hoặc thuốc kháng sinh trong trường hợp nguyên nhân gây đau họng là do nhiễm vi khuẩn.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Thông thường, tình trạng bị đau họng nhưng không ho sẽ tự thuyên giảm sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm cả ung thư. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ thăm khám ngay lập tức nếu có các triệu chứng sau:
- Đau họng nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn một tuần
- Khó nuốt
- Khó thở
- Khó mở miệng
- Chảy nhiều nước dãi ở trẻ nhỏ
- Thở khò khè
- Đau khớp
- Đau tai
- Phát ban
- Sốt cao trên 38.5 độ
- Máu trong nước bọt hoặc đờm
- Viêm họng tái phát thường xuyên
- Sờ thấy khối u ở cổ
- Khàn giọng kéo dài hơn hai tuần
- Sưng ở cổ hoặc mặt.
[embed-health-tool-bmi]