backup og meta

Co thắt phế quản: Nguyên nhân phổ biến gây căng tức ngực

Co thắt phế quản: Nguyên nhân phổ biến gây căng tức ngực

Co thắt phế quản là tình trạng các cơ dọc theo phế quản bị thắt chặt làm thu hẹp đường thở. Điều này làm cản trở không khí đi vào và đi ra khỏi phổi, giới hạn lượng oxy đến máu và đào thải carbon dioxide.

Cùng tìm hiểu các nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này trong bài viết sau.

Tìm hiểu về chứng co thắt phế quản

Co thắt phế quản

Khi bạn thở, không khí sẽ đi qua cổ họng, khí quản vào các ống phế quản. Các ống phế quản được phân thành 2 nhánh đi vào 2 bên phổi và tiếp tục được phân thành các đường dẫn khí nhỏ hơn.

Nếu bạn có vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn, các cơ xung quanh phế quản sẽ co thắt và thu hẹp đường thở của bạn. Tình trạng này được gọi là co thắt phế quản. Khi phế quản bị co thắt, việc hít thở của bạn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Các triệu chứng co thắt phế quản

Dấu hiệu đầu tiên giúp bạn nhận biết tình trạng co thắt phế quản là cảm giác căng tức ngực và khó thở. Các triệu chứng khác của tình trạng này bao gồm:

  • Khò khè
  • Ho nhiều
  • Mệt mỏi
  • Đau thắt ngực

Tùy vào nguyên nhân gây co thắt, các tuyến phế quản có thể bị kích thích và tiết thêm nhiều chất nhầy. Điều này làm đường thở của bạn càng bị thu hẹp và ho dữ dội hơn.

Nguyên nhân gây co thắt phế quản

Chứng co thắt phế quản thường do các bệnh lý như hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thũng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác về hô hấp gây ra.

Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính đường hô hấp, xảy ra khi đường dẫn khí bị viêm và các cơ hô hấp xung quanh bị thắt lại.

Hen suyễn dị ứng là một trong những dạng hen suyễn phổ biến nhất. Nếu bạn bị hen suyễn do dị ứng, các ống phế quản sẽ co lại khi bạn hít phải các chất gây dị ứng như phấn hoa, vẩy da thú cưng, mạt bụi… Trong khi đó, hen suyễn không dị ứng do các yếu tố như không khí ô nhiễm, khói thuốc lá hoặc không khí lạnh kích thích.

Hen suyễn gây co thắt phế quản

Viêm phế quản, COPD và khí phế thũng

Viêm phế quản là một nguyên nhân phổ biến gây ra co thắt phế quản. Viêm phế quản cấp tính có thể phát triển từ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm lạnh. Khi các triệu chứng kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, viêm phế quản cấp tính sẽ trở thành viêm phế quản mãn tính.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một dạng bệnh viêm phổi mãn tính do đường thở bị hẹp lại. Đây là bệnh lý có khả năng tiến triển, nghĩa là nó sẽ ngày càng nặng lên theo thời gian. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như khó thở, ho, khò khè, tiết nhiều đờm…

Khí phế thũng là một dạng của COPD. Bệnh thường gây ra những tổn thương ở các túi khí nhỏ trong phổi.

Các yếu tố rủi ro dẫn đến co thắt phế quản

Nếu bạn bị dị ứng với một thứ gì đó (như dị ứng thực phẩm), bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn, đồng nghĩa với rủi ro bị co thắt phế quản cũng sẽ tăng lên. Bạn cũng có nhiều khả năng bị hen suyễn và co thắt phế quản nếu có người trong gia đình bị hen hoặc các tình trạng dị ứng khác.

Những người có thói quen hút thuốc cũng có nguy cơ mắc hen suyễn và các vấn đề về phổi khác như viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Thường xuyên hít phải khói thuốc lá hoặc tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Người lớn tuổi, trẻ nhỏ hay bất cứ ai có hệ miễn dịch yếu đều có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp. Những nhiễm trùng này có thể dẫn đến viêm phế quản cấp tính và co thắt phế quản.

Chẩn đoán co thắt phế quản

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng đang mắc phải cũng như thu thập thông tin bệnh sử để xem bạn có từng bị hen suyễn hoặc dị ứng hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe âm thanh phổi khi bạn hít vào và thở ra.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm khác để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán. Ví dụ, bác sĩ đề nghị bạn chụp X-quang ngực hoặc chụp CT để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bất thường trong cấu trúc phổi.

Chụp X-quang ngực

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành đo phế dung (đo lượng không khí bạn có thể hít vào và thở ra). Phương pháp này cũng đo được khả năng và tốc độ làm trống phổi của bạn. Nếu ống phế quản của bạn bị viêm và thu hẹp, các hoạt động này của phổi sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

Nếu nghi ngờ bạn bị hen suyễn dị ứng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm xét nghiệm dị ứng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu chất nhầy của bạn để đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này giúp tìm hiểu chứng co thắt bạn đang gặp phải là do vi khuẩn, virus hay nấm gây ra.

Điều trị co thắt phế quản

Phương pháp điều trị co thắt phế quản phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.

Nếu bạn bị hen suyễn, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc giãn phế quản để làm thông đường thở bị tắc nghẽn.

Nếu bạn bị viêm phế quản cấp tính, bác sĩ sẽ kê toa steroid dạng hít cho bạn. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm nhanh chóng các triệu chứng co thắt. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng chúng trong thời gian ngắn. Sử dụng steroid dạng hít lâu dài thường gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như yếu xương, huyết áp cao. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng sinh để điều trị viêm phế quản cấp tính do nhiễm trùng.

Nếu bạn bị viêm phế quản mãn tính hoặc khí phế thũng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc hít và thuốc kháng sinh cho bạn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện liệu pháp oxy nếu cần thiết.

Co thắt phế quản do COPD có thể được điều trị bằng thuốc, thở oxy hoặc phẫu thuật ghép phổi.

Các biến chứng tiềm ẩn của co thắt phế quản

Co thắt phế quản có thể làm ảnh hưởng đến việc luyện tập thể dục thể thao. Theo thời gian, điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể lực và sức khỏe tổng thể của bạn.

Chứng co thắt nghiêm trọng cũng có thể hạn chế lượng oxy trong mỗi lần hít vào. Các cơ quan quan trọng của cơ thể chỉ hoạt động tốt nhất khi được cung cấp đủ oxy. Do đó, nếu lượng oxy bị thiếu hụt, các mô và cơ quan nội tạng khác của bạn sẽ bị tổn thương.

Nếu chứng co thắt phế quản của bạn trở nên tồi tệ hơn, khả năng cao là các bệnh lý gây ra nó không còn đáp ứng với liệu pháp điều trị. Lúc này, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra lại tình trạng của mình.

Các biện pháp phòng ngừa

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng co thắt phế quản bằng các biện pháp đơn giản sau:

  • Làm nóng người từ 5-10 phút trước khi tập thể dục và làm mát người từ 5–10 phút sau khi tập
  • Nếu bạn bị dị ứng phấn hoa, hãy đóng hết cửa sổ và cửa ra vào khi lượng phấn hoa trong không khí tăng cao
  • Uống nhiều nước để làm lỏng chất nhầy tích tụ trong ngực
  • Tập thể dục trong nhà vào những ngày trời lạnh. Che chắn mũi và miệng bằng khẩu trang hoặc khăn quàng khi ra ngoài
  • Bỏ hút thuốc lá và tránh xa những ai đang hút thuốc
  • Người từ 65 tuổi trở lên, có hệ miễn dịch yếu hoặc đang mắc bệnh phổi mãn tính nên cân nhắc việc tiêm phòng các loại vắc-xin để ngăn ngừa phế cầu khuẩn và virus cúm.

Hút thuốc lá

Khi nào bạn cần đến bệnh viện?

Nếu các triệu chứng co thắt phế quản gây cản trở đến các hoạt động hàng ngày hoặc không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu tình trạng co thắt đi kèm với:

  • Bị sốt từ 38ºC trở lên
  • Ho nhiều và khạc ra chất nhầy sẫm màu

Gọi ngay cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện khẩn cấp trong trường hợp:

  • Cảm thấy đau ngực khi thở
  • Ho ra chất nhầy kèm máu
  • Khó thở nghiêm trọng

Chứng bệnh này sẽ được cải thiện nếu bạn kiểm soát tốt các nguyên nhân cơ bản gây ra nó. Do đó, khi có các dấu hiệu của tình trạng này, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Bác sĩ sẽ giúp bạn hạn chế các cơn co thắt và duy trì chất lượng cuộc sống ổn định.

Dung Nguyễn / HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bronchospasm

https://www.fairview.org/patient-education/115807EN

Ngày truy cập: 28-05-2020

Bronchospasm

https://www.winchesterhospital.org/health-library/article?id=874035

Ngày truy cập: 28-05-2020

Bronchospasm Child

https://www.mountnittany.org/articles/healthsheets/34835

Ngày truy cập: 28-05-2020

Phiên bản hiện tại

19/09/2021

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Le Minh Phuong


Bài viết liên quan

Xẹp phổi và những điều bạn cần biết

Tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở trẻ nhỏ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 19/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo