Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, nhưng vẫn có thể lây lan sang các cơ quan khác. Triệu chứng của lao phổi cũng khác nhau tùy theo từng giai đoạn và không quá khó để nhận biết.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu các triệu chứng của bệnh lao phổi trong bài viết ngay sau đây nhé!
Triệu chứng của lao phổi biểu hiện như thế nào?
Lao phổi do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (M tuberculosis) gây ra. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm và rất dễ lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh khác. Bạn có thể bị nhiễm lao khi hít thở phải những giọt không khí được phát tán từ việc ho hoặc hắt hơi của người bệnh. Lúc này, cơ thể bạn mang vi khuẩn lao, nhưng còn tùy thuộc vào khả năng miễn dịch mạnh hay yếu mà chúng có thể hoạt động hoặc không. Do đó, triệu chứng bệnh cũng sẽ thay đổi theo từng trường hợp. Cụ thể như sau:
Lao tiềm ẩn không gây ra triệu chứng
Bệnh lao tiềm ẩn là khi vi khuẩn lao trong cơ thể bạn không hoạt động và không gây ra triệu chứng. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch trong cơ thể đủ khỏe mạnh để tiêu diệt bớt và kìm hãm sự phát triển của những vi khuẩn này.
Tuy nhiên, lao tiềm ẩn có thể chuyển thành lao hoạt động và gây ra các triệu chứng lao phổi tái phát nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng của lao phổi hoạt động
Triệu chứng của lao phổi hoạt động có thể xuất hiện sau vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là đến vài năm kể từ khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn lao. Lúc này, hệ miễn dịch suy giảm khiến cho lượng vi khuẩn lao sẵn có trong phổi nhân lên nhanh chóng và gây bệnh.
Các dấu hiệu của lao phổi đang hoạt động bao gồm:
- Ho kéo dài từ 3 tuần trở lên
- Ho ra máu hoặc đờm
- Thở khò khè, khó thở
- Đau ngực, đặc biệt khi thở hoặc ho
- Đổ mồ hôi về đêm
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
- Sốt
- Ớn lạnh
- Ăn không ngon, chán ăn
- Sụt cân không rõ nguyên do
Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể do nhiều nguyên nhân khác không phải bệnh lao phổi.
Các triệu chứng lao ngoài phổi khác
Một vài trường hợp ít phổ biến hơn là nhiễm trùng lao phát triển ở các khu vực bên ngoài phổi, bao gồm thận, cột sống, xương khớp, não, hệ tiêu hóa…. Các dấu hiệu khác nhau sẽ tùy thuộc vào cơ quan nào bị ảnh hưởng. Có thể bao gồm:
- Đau lưng (Lao cột sống)
- Tiểu ra máu (Lao ở thận)
- Đau và mất cử động ở xương khớp bị ảnh hưởng (Lao xương khớp)
- Đau đầu dai dẳng (Lao màng não)
- Đau bụng (Lao ruột)…
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của lao phổi kể trên hoặc nghĩ rằng mình đã tiếp xúc với người bị bệnh lao. Bạn cũng nên đi thăm khám sớm nếu các triệu chứng không được cải thiện mặc dù đã được điều trị hoặc có những triệu chứng mới phát triển mà không rõ nguyên do.
Phòng ngừa các triệu chứng bệnh lao phổi bằng cách nào?
- Bảo vệ bản thân và những người xung quanh: Luôn đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và che miệng khi hắt hơi để giảm thiểu khả năng lây lan vi khuẩn gây bệnh. Nghỉ ngơi thường xuyên, áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để tăng sức đề kháng.
- Tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ: Nếu được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi, bạn cần uống đủ thuốc và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Tránh việc tự ý ngừng điều trị hoặc bỏ liều sẽ gây nên các triệu chứng của lao phổi kháng thuốc rất khó để điều trị.
- Tiêm ngừa: Một số quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao thường cho người dân tiêm ngừa một loại vacxin gọi là BCG để phòng bệnh. Ở nước ta, mũi này được tiêm ngay khi trẻ vừa ra đời nếu đủ điều kiện sức khỏe, chậm nhất là trước 1 tuổi.
Bên cạnh đó, cần phải theo dõi đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ bị bệnh lao phổi cao như bệnh nhân HIV, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, đang điều trị ung thư, ghép tạng…
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về các triệu chứng của lao phổi và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
[embed-health-tool-bmi]