backup og meta

Những lưu ý khi điều trị lao phổi tại nhà

Những lưu ý khi điều trị lao phổi tại nhà

Lao phổi là một trong những nhiễm trùng hô hấp nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn M.Tuberculosis. Đây là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao trong cộng đồng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Quá trình điều trị bệnh cũng kéo dài và bệnh nhân có thể tự điều trị lao phổi tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Hãy theo dõi thông tin dưới đây để biết rõ hơn cách chăm sóc bệnh nhân lao phổi khi điều trị tại nhà nhé! 

I. Có nên điều trị lao phổi tại nhà không? 

Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng có khả năng lây nhiễm cao. Điều trị lao phổi thể đang hoạt động hiện nay tuân theo phác đồ điều trị lao của Bộ Y tế trong vài tháng cho tới vài năm (nếu bệnh lao kháng thuốc hoặc đa kháng thuốc). Với lao phổi không hoạt động (có mang vi khuẩn lao nhưng vi khuẩn này ở trạng thái ngủ, không hoạt động gây triệu chứng), người bệnh được dùng thuốc kháng sinh isoniazid hằng ngày trong vòng 6 – 9 tháng để phòng ngừa.

Trong thời gian dùng phác đồ kháng sinh này, hầu hết người bệnh không cần đến bệnh viện mà có thể tự điều trị lao phổi tại nhà.

Đồng thời, để tránh lây lan bệnh lao hoạt động cho cộng đồng, điều trị tại nhà là cần thiết.

II. Một số lưu ý khi điều trị lao phổi tại nhà 

Trong thời gian điều trị lao phổi tại nhà với phác đồ kháng sinh, một số điều sau đây cần được lưu ý để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và người chăm sóc. Bởi đây là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan trong không khí, đặc biệt là trong không gian kín như nhà hay phòng chật hẹp. Một số lưu ý bao gồm: 

  • Người bệnh cần nghỉ học, nghỉ làm và cách ly với cả các thành viên trong gia đình, tránh tiếp xúc với bất kỳ ai. 
  • Người bệnh luôn mang khẩu trang khi giao tiếp với người khác. Khi ho hoặc hắt hơi phải che miệng bằng khăn giấy, sau đó bỏ khăn giấy vào túi kín và vứt đi
  • Đảm bảo nơi ở thông thoáng, có cửa sổ đón nắng.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 20 giây và nước sạch.
  • Uống thuốc trị lao vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tránh để quên thuốc hoặc uống quá liều. Không tự ý ngưng dùng thuốc, ngay cả khi bạn cảm thấy khá hơn. Nếu không tuân thủ hết phác đồ hoặc bỏ liều, vi khuẩn lao sẽ có cơ hội đột biến thành lao kháng thuốc, khó điều trị hơn. 
  • Nghỉ ngơi bằng cách đảm bảo ngủ đủ mỗi ngày, khoảng 7-8 tiếng mỗi tối. 

lưu ý khi điều trị lao phổi tại nhà

III. Dinh dưỡng dành cho người bệnh lao phổi 

Mối liên hệ giữa lao phổi và chế độ dinh dưỡng đã được biết đến từ lâu. Lao phổi có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng ngược lại sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Do đó, khi điều trị lao phổi tại nhà, cũng cần lưu ý về chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân. 

Nhu cầu năng lượng của những người mắc lao phổi thường tăng lên để chống lại nhiễm trùng. Do đó, khuyến khích bệnh nhân có thể tăng cung cấp năng lượng qua các nguồn thực phẩm đa dạng. Gồm có: thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, sữa), tinh bột, chất béo, rau quả và các loại nước ép. 

Người bệnh được khuyến cáo nên tiêu thụ 15 – 30% năng lượng là chất đạm, 25 – 35% là chất béo và 45 – 65% là bột đường. 

Ngoài ra, để đối phó với một số tác dụng phụ như chán ăn khi dùng thuốc khi điều trị lao phổi tại nhà, có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày và ưu tiên các món ăn hợp khẩu vị người bệnh. Điều này sẽ giúp đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân trong khi bị lao phổi và điều trị với lao phổi.  

chế độ dinh dưỡng khi điều trị lao phổi tại nhà

IV. Lưu ý khác cho người chăm sóc bệnh nhân lao phổi 

Ngoài việc quan tâm chăm sóc sức khỏe người bệnh, một số lưu ý sau cũng cần được đảm bảo để nhằm phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người chăm sóc bệnh nhân hay người nhà chung sống như: 

  • Người bệnh lao phổi cũng cần tắm giặt sạch sẽ. Người chăm sóc có thể hỗ trợ nếu người bệnh không tự làm được nhưng lưu ý đeo khẩu trang khi tiếp xúc để tránh nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. 
  • Khi bệnh đã ổn định, khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, tập thể dục,… nhưng vẫn chưa nên đến những nơi đông người. 

Có thể bạn quan tâm: Biết cách sống chung với người bị bệnh lao để giúp bạn bớt lo lắng

Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về điều trị lao phổi tại nhà và những lưu ý để thực hành chăm sóc bệnh nhân lao phổi một cách tốt nhất nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Tuberculosis (TB) – Treatment

https://www.nhs.uk/conditions/tuberculosis-tb/treatment/

Ngày truy cập: 28/11/2021

2. Background – Guideline: Nutritional Care and Support for Patients with Tuberculosis

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK189860/

Ngày truy cập: 28/11/2021

3. Treating and Managing Tuberculosis

https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/tuberculosis/treating-and-managing

Ngày truy cập: 28/11/2021

4.Tuberculosis

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tuberculosis/symptoms-causes/syc-20351250

Ngày truy cập: 28/11/2021

5. Lưu ý khi chăm sóc người bệnh lao phổi tại nhà

https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/luu-y-khi-cham-soc-nguoi-benh-lao-phoi-tai-nha-1068

Ngày truy cập: 28/11/2021

Phiên bản hiện tại

06/12/2021

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Nguyên nhân bệnh lao phổi là gì? Các yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh

Bệnh lao phổi có dễ lây không? Bệnh lây như thế nào và cách phòng ngừa


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 06/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo