Khi thời tiết trở lạnh, chúng ta sẽ dễ bị sổ mũi, ho, hắt xì… Tuy nhiên, những triệu chứng này lúc là biểu hiện của cảm lạnh song cũng có lúc lại là cảm cúm khiến bạn dễ nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để bạn phân biệt cảm cúm và cảm lạnh?
Khi bị cảm cúm và cảm lạnh, nhiều người thường cảm thấy khổ sở vì những triệu chứng khó chịu như hắt xì, nhức đầu, chảy nước mũi, sốt… Thế nhưng đó là cảm lạnh hay cảm cúm?
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin cơ bản về sự khác biệt giữa triệu chứng cảm cúm và cảm lạnh cùng những việc cần làm khi bạn mắc một trong hai bệnh này.
Hiểu về cảm lạnh giúp phân biệt cảm cúm và cảm lạnh
Để hiểu hơn về bệnh cảm lạnh, bạn hãy cùng tìm hiểu cảm lạnh là gì, những triệu chứng cùng cách điều trị bệnh.
Bệnh cảm lạnh là gì?
Bệnh cảm là một loại nhiễm trùng hô hấp trên do virus gây ra. Nghiên cứu cho thấy hơn 200 loại virus khác nhau có thể gây ra chứng cảm lạnh nhưng loại hay gặp nhất là rhinovirus.
Bạn có thể gặp triệu chứng bệnh cảm lạnh ở mọi thời điểm trong năm nhưng thường gặp hơn cả là khi thời tiết trở lạnh do hầu hết các virus phát triển thuận lợi ở độ ẩm thấp.
Theo lý thuyết, hai loại virus gây cảm lạnh có thể xâm nhập vào cơ thể một người cùng lúc nhưng thực tế để virus gây bệnh và biểu hiện triệu chứng thì cần một giai đoạn ủ bệnh. Mỗi loại virus lại có thời gian ủ bệnh khác nhau nên nếu bạn mắc cả hai virus cùng lúc thì có thể sẽ phải “chờ” cho đến lúc hệ miễn dịch tiêu diệt được loại virus này để “đón nhận” một loại virus khác.
Khi có người đang bị hắt hơi hoặc ho, các phần tử virus sẽ bay qua không khí và khiến bệnh cảm lạnh lây lan. Bạn có thể mắc bệnh nếu chạm vào bề mặt hoặc vật dụng mà người bệnh đã tiếp xúc và lây nhiễm trong 2 hoặc 4 ngày đầu sau khi nhiễm virus.
Triệu chứng của cảm lạnh
Cảm cúm và cảm lạnh thường có những triệu chứng ban đầu tương tự nhau. Nếu cảm lạnh, bạn sẽ có các triệu chứng sau:
- Ho
- Hắt xì
- Viêm họng
- Mệt mỏi nhẹ
- Nhức đầu hoặc đau cơ thể
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
Cách điều trị bệnh cảm lạnh
Vì cảm lạnh là bệnh nhiễm virus nên kháng sinh không hiệu quả trong khi điều trị. Tuy nhiên, các loại thuốc histamine, acetaminophen, thuốc giảm đau và thuốc chống viêm có thể làm giảm nghẹt mũi, đau nhức và các triệu chứng cảm lạnh khác.
Khi cảm lạnh, bạn nhớ uống nhiều nước. Bạn cũng có thể dùng biện pháp tự nhiên như bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, vitamin C, hoặc thảo dược echinacea (cây cúc dại) để giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những loại thuốc kẽm liều cao (80 miligram) có thể rút ngắn thời gian cảm lạnh nếu được uống trong vòng 24 giờ sau khi có các triệu chứng bệnh. Theo một bài nghiên cứu tổng quan năm 2013, vitamin C và vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh, giúp bảo vệ cơ thể chống lại cảm lạnh.
Cảm lạnh thường biểu hiện rõ ràng trong vòng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp những tình trạng sau:
- Bị sốt cao và sốt không giảm
- Bệnh cảm lạnh không được cải thiện trong khoảng một tuần
- Dị ứng hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm xoang hay đau rát cổ họng
- Ho dai dẳng cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh suyễn hoặc viêm phế quản
Hiểu về cảm cúm giúp phân biệt cảm cúm và cảm lạnh
Triệu trứng bệnh cảm cúm thường nặng hơn cảm lạnh do bạn thường cảm thấy đau nhức cơ thể, mệt mỏi kéo dài, sốt… cũng như dễ gây ra những biến chứng. Để phân biệt cảm cúm và cảm lạnh, bạn hãy tìm hiểu những thông tin dưới đây.
Bệnh cảm cúm là gì?
Bệnh cảm cúm là bệnh về đường hô hấp. Không giống như cảm lạnh, cảm cúm thường là bệnh theo mùa. Mùa cảm cúm thường kéo dài từ mùa thu đến mùa xuân, đạt đỉnh điểm vào những tháng mùa đông.
Trong mùa cảm cúm, bạn dễ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người mắc bệnh và thường sẽ gặp các triệu chứng kéo dài từ 5-7 ngày.
Bệnh cảm cúm theo mùa là do virus cúm A, B và C gây ra nhưng cúm A và B là hai loại phổ biến nhất. Các chủng virus cúm hoạt động thay đổi theo từng năm nên đây là lý do vì sao bạn nên tiêm ngừa vắc xin cúm mỗi năm.
Không giống như bệnh cảm thông thường, cảm cúm có thể phát triển thành một tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, thường gặp ở các đối tượng sau:
- Trẻ nhỏ
- Người cao tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Người mắc bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch như bệnh hen suyễn, bệnh tim hoặc bệnh tiểu đường
Triệu chứng cảm cúm
Triệu chứng của cảm cúm thường bao gồm những biểu hiện dưới đây:
- Đau đầu
- Viêm họng
- Khô rát cổ họng
- Đau nhức các cơ
- Cảm thấy rùng mình
- Sốt từ vừa phải đến cao
- Mệt mỏi kéo dài trên 2 tuần
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi
- Buồn nôn và nôn (phổ biến nhất ở trẻ em)
Cách điều trị cảm cúm
Một trong những cách điều trị bệnh cảm cúm và cảm lạnh tốt nhất là bạn nên uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi.
Thuốc giảm đau không theo đơn và thuốc giảm đau ibuprofen hay acetaminophen có thể giúp kiểm soát các triệu chứng cảm cúm. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng aspirin cho trẻ em vì có thể làm trẻ tăng nguy cơ mắc hội chứng reye gây sưng tấy gan và não.
Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống virus như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza), hoặc peramivir (Rapivab) để điều trị cúm. Những loại thuốc chữa cúm này có thể rút ngắn thời gian của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng như viêm phổi. Tuy nhiên, bạn cần phải đến khám bác sĩ trong vòng 48 giờ đầu sau khi bị bệnh.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu nằm trong nhóm có nguy cơ bị biến chứng do cúm. Những người có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ em dưới 2 tuổi
- Người trên 50 tuổi
- Người mắc bệnh phổi hoặc tim nặng
- Người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn như viện dưỡng lão
- Người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, thiếu máu hoặc bệnh thận
- Người có hệ miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS, điều trị bằng steroid hoặc hóa trị liệu
Hơn thế nữa, bạn nên đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu viêm phổi như khó thở, đau cổ họng, ho có đờm, sốt dai dẳng, tức ngực.
Đối với trẻ em, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu bé có các triệu chứng như khó thở, cáu gắt, mệt mỏi trầm trọng, không ăn hoặc uống.
Phòng ngừa bệnh cảm cúm và cảm lạnh
Một số phương pháp có thể giúp ngăn ngừa bệnh cảm cúm và cảm lạnh, bao gồm:
- Cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm phòng cúm. Hầu hết bác sĩ khuyên bạn nên tiêm chủng ngừa cúm vào tháng 10 hoặc ngay khi bắt đầu mùa cúm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tiêm chủng ngừa cúm vào cuối mùa thu hoặc mùa đông.
- Vì chứng cảm lan truyền khá dễ nên bạn cần tránh xa người bị bệnh. Bạn không nên dùng chung dụng cụ hoặc bất kỳ vật dụng cá nhân nào khác như bàn chải đánh răng hoặc khăn tắm.
- Ăn nhiều tỏi, gừng để giúp giữ ấm cơ thể.
- Để tránh nhiễm virus cảm, bạn hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, hoặc sử dụng nước rửa tay khô uy tín trên thị trường. Bạn cũng tránh chạm tay vào mũi, mắt và miệng cũng như giữ khoảng cách với người có triệu chứng cảm cúm.
- Lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng trong việc giúp bạn ngăn ngừa virus cảm. Bạn hãy ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây, rau quả, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng để giữ sức khỏe tốt hơn trong mùa lạnh và mùa cúm.
Cho dù nghi mình mắc bệnh cảm cúm hay cảm lạnh khi có các triệu chứng, bạn cũng nên đi khám bác sĩ trong vòng 48 giờ đầu tiên để có phương pháp chữa trị phù hợp giúp bệnh nhanh khỏi nhé.
[embed-health-tool-bmi]