backup og meta

Tại sao bạn thường bị ngủ hay giật mình? Tiết lộ 4 lý do thường gặp

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

Tại sao bạn thường bị ngủ hay giật mình? Tiết lộ 4 lý do thường gặp

Những cơn giật mình khi ngủ thường đi kèm cảm giác hụt hẫng hoặc lo sợ trong giấc ngủ. Tình trạng này có thể khiến chất lượng ngủ của bạn bị giảm sút và gây mệt mỏi vào sáng hôm sau. Vậy tại sao bạn thường bị ngủ hay giật mình?

Giật mình khi ngủ không phải là bệnh hoặc một rối loạn ở hệ thần kinh. Đây là sự co giật cơ đột ngột chủ yếu xuất hiện trong vài giờ đầu tiên của giấc ngủ. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do những thói quen xung quanh cuộc sống của chúng ta. Một số nghiên cứu cho thấy rằng có đến 70% dân số thế giới từng gặp hiện tượng ngủ bị giật mình.

Hiện tượng giật mình khi ngủ

Ngủ hay giật mình thường xuất hiện khi bạn đi vào giấc ngủ quá nhanh. Trong giai đoạn đầu giấc ngủ, nhịp tim và hơi thở của bạn chậm dần. Tuy nhiên, nếu bạn quá mệt mỏi thì não trải qua giai đoạn này nhanh hơn bình thường. Điều này khiến não phản ứng với một cú giật hóa học khiến bạn ngủ bị giật mình.

Hầu hết mọi người đều đã từng trải qua cảm giác khó chịu khi ngủ bị giật mình. Tình trạng giật mình khi ngủ ở mỗi người cũng khác nhau. Có người bị co giật nhẹ đến mức không hề nhận ra.
Đặc điểm chính của hiện tượng giật mình khi ngủ là diễn ra một cách đột ngột và có thể dễ dàng phá vỡ giấc ngủ của bạn, khiến bạn bị tỉnh giấc giữa đêm.

Nguyên nhân chính xác khiến bạn hay bị giật mình khi ngủ vẫn chưa được làm rõ mặc dù đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh. Có một vài yếu tố được cho rằng sẽ khiến bạn giật mình khi ngủ mà bạn có thể phòng tránh nhằm giảm thiểu tình trạng trên. Một trong số đó bao gồm tình trạng căng thẳng, uống nhiều cà phê hay tập thể dục ban đêm quá mức. Mặc dù những cơn co giật này xảy ra với những người có thói quen ngủ xấu, nhưng chúng cũng có xu hướng diễn ra với những người hoàn toàn bình thường và sống khỏe mạnh.

4 nguyên nhân thường gặp khiến bạn ngủ hay giật mình

ngủ hay giật mình

Ngủ hay bị giật mình thực ra là một hiện tượng sinh lý bình thường. Do đó bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng giật mình làm ảnh hưởng giấc ngủ, khiến bạn không thể quay trở lại giấc ngủ hoặc phải ra khỏi giường và khó ngủ trở lại thì đó là một tình trạng bất thường và cần phải tìm nguyên nhân để điều trị. Có một vài nguyên nhân phổ biến khiến bạn ngủ hay bị giật mình nên tìm hiểu để phòng tránh.

1. Ngủ hay giật mình do nằm ngủ sai tư thế

Một nguyên nhân khiến bạn ngủ hay giật mình là do tư thế ngủ không được đúng. Với con người, ngủ là đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi, an toàn. Nếu bạn vô tình ngủ sai tư thế, bộ não sẽ nhận thức rằng cơ thể có một mối nguy hiểm cận kề, khiến bạn ngủ không sâu, hay bị giật mình và tỉnh giấc.


Ngủ sai tư thế còn có thể gây đau lưng và cổ, khiến bạn mệt mỏi, khó thở khi ngủ thậm chí ngưng thở khi ngủ, chuột rút cơ, tuần hoàn không đều, nhức đầu, ợ nóng, khó tiêu, thậm chí làm xuất hiện nếp nhăn sớm.

2. Tại sao ngủ hay giật mình? Liệu có phải do tâm lý căng thẳng

Nếu bạn đã phải làm việc quá sức vào ban ngày thì bạn sẽ dễ bị giật mình khi ngủ. Ngoài ra, sự lo lắng, căng thẳng sẽ gây áp lực đè nặng lên hệ thần kinh phản xạ truyền tới não trong khi ngủ.

Đặc điểm chung đối với những người hay giật mình là thường đối mặt với sự lo lắng, mệt mỏi, stress ở trường học hay nơi làm việc. Thực tế, những người đang bị stress thường hay giật mình thức giấc lúc nửa đêm và vô cùng khó ngủ lại. Nếu tình trạng giật mình kéo dài, sự lo lắng, căng thẳng kéo dài trên 6 tháng, lo lắng về nhiều sự việc và khó kiểm soát được, kèm theo giấc ngủ dễ giật mình, khó vào giấc,…bạn nên tìm đến các chuyên gia sức khoẻ tâm thần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

nguyên nhân ngủ hay giật mình

3. Uống nhiều cà phê có thể là nguyên nhân khiến bạn ngủ bị giật mình

Nếu bạn sử dụng những loại đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà xanh vào ban đêm thì những loại thức uống này sẽ dễ khiến bạn bị mất ngủ dẫn đến cơ thể trằn trọc, mệt mỏi. Điều này  cũng dễ dẫn đến hiện tượng ngủ bị giật mình nhiều lần trong một đêm. Ngoài ra, các khuyến cáo hiện tại cho thấy rằng nên hạn chế sử dụng cà phê từ sau giờ ăn trưa, bởi vì lượng cà phê sẽ còn lại trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn vào buổi tối.

Bạn cũng sẽ dễ bị khó ngủ hoặc ngủ bị giật mình khi dùng nhiều đồ uống chứa cồn, chứa gas và thức ăn chứa nhiều dầu mỡ cùng các loại thức ăn cay nóng.

4. Tình trạng thiếu canxi khiến bạn thường xuyên ngủ hay giật mình

Canxi không chỉ có vai trò quan trọng đối với xương và răng mà còn có vai trò quan trọng trong hệ thần kinh và hoạt động co giãn linh hoạt của tim mạch, cơ bắp. Canxi giúp điều tiết sự cân bằng giữa trạng thái hưng phấn và ức chế của vỏ não.

Tình trạng thiếu canxi là một trong những nguyên nhân ngủ hay giật mình.Thiếu canxi sẽ gây ra hiện tượng co cơ và dây thần kinh khiến bạn thường xuyên giật mình khi ngủ. Nếu bạn thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định khác như magiê, vitamin B12 cũng có thể dẫn tới giật mình khi ngủ.

Cách ngăn ngừa hiện tượng ngủ hay bị giật mình

Nằm ngủ đúng tư thế để tránh ngủ hay bị giật mình

1. Ngủ đúng tư thế

Hai tư thế ngủ được đa số các bác sĩ y khoa khuyến cáo là bạn ngủ nằm nghiêng người sang một bên và nằm ngửa, thẳng lưng. Trong đó, tư thế nằm ngửa, thẳng lưng được coi là tư thế tốt nhất, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất. Khi nằm ngửa, các cơ bắp sẽ được thư giãn, xương cột sống sẽ được duy trì đúng vị trí.

Đặc biệt, việc lựa chọn một chiếc nệm êm ái, vững chắc cũng sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn và tránh hiện tượng ngủ hay bị giật mình. Ngoài ra, bạn cần ngủ sớm, lên giường ngủ vào một thời gian cố định và ngủ đủ giấc để đảm bảo được chất lượng giấc ngủ. Cần hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, laptop trước khi đi ngủ 30 phút để giấc ngủ hiệu quả hơn.

2. Ngăn ngừa giật mình khi ngủ bằng cách tránh căng thẳng

Có nhiều cách giúp bạn hạn chế được tình trạng căng thẳng như đi dạo ngoài trời để hít thở không khí trong lành và cảm thấy bình yên hơn. Ngoài ra, bạn có thể ngồi thiền tại nhà với những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương.

Bạn cần hạn chế làm việc quá sức và nên xen kẽ trong thời gian làm việc là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Hãy tránh những suy nghĩ hoặc hoạt động gây căng thẳng vào buổi chiều cũng như buổi tối trước khi lên giường nhé.

3. Ăn uống lành mạnh để có giấc ngủ ngon

ăn uống lành mạnh để không ngủ hay giật mình

Bạn cần đảm bảo bổ sung đủ magiê, canxi trong chế độ ăn để phòng ngừa các triệu chứng co cơ. Hãy cố gắng thực hiện chế độ ăn lành mạnh và cân bằng như hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường, muối và tăng cường nhiều trái cây giàu chất xơ và vitamin. Bạn có thể uống nước lọc hoặc các loại nước ép tốt cho giấc ngủ như nước ép anh đào, chuối, dưa hấu…

Tình trạng giật mình khi ngủ có thể được hạn chế nếu bạn thay đổi các thói quen xấu khiến giấc ngủ không sâu. Ngoài ra, bạn nên bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết có lợi cho một giấc ngủ ngon nhé. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra dù bạn đã ăn ngủ điều độ thì bạn nên đi khám để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hypnic (Hypnagogic) Jerking Explained – The Comprehensive Guide For 2019
https://www.sleepadvisor.org/hypnic-jerking/
Ngày truy cập: 26/04/2023
What Does It Mean if You Experience Hypnic Jerks?
https://www.sleepfoundation.org/parasomnias/hypnic-jerks
Ngày truy cập: 26/04/2023
Hypnic Jerks
https://www.sleep.org/hypnic-jerks/
Ngày truy cập: 26/04/2023
Hypnic jerks possibly induced by escitalopram
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4481805
Ngày truy cập: 26/04/2023
Hypnic Jerk – an overview
https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/hypnic-jerk
Ngày truy cập: 26/04/2023
Hypnic Jerks: A Scoping Literature Review
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26329450/
Ngày truy cập: 26/04/2023
Intensified Hypnic Jerks: A Polysomnographic and Polymyograp… : Journal of Clinical Neurophysiology (lww.com)
https://journals.lww.com/clinicalneurophys/Abstract/2013/08000/Intensified_Hypnic_Jerks__A_Polysomnographic_and.14.aspx
Ngày truy cập: 26/04/2023
Hypnic jerks are an underestimated sleep motor phenomenon in patients with parkinsonism. A video-polysomnographic and neurophysiological study | Request PDF
https://www.researchgate.net/publication/306929893_Hypnic_jerks_are_an_underestimated_sleep_motor_phenomenon_in_patients_with_parkinsonism_A_video-polysomnographic_and_neurophysiological_study
Ngày truy cập: 26/04/2023

Phiên bản hiện tại

26/04/2023

Tác giả: Phan Vân Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Trần Cẩm Tú


Bài viết liên quan

9 bài tập thở giúp bạn ngủ ngon, giải tỏa stress hiệu quả

5 cách giúp bạn ngủ ở tư thế nằm ngửa thoải mái nhất


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Phan Vân Anh · Ngày cập nhật: 26/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo