Trà ngưu bàng là một loại trà tốt cho sức khỏe với nhiều công dụng đáng quý như dưỡng da, hỗ trợ trị bệnh đái tháo đường, hạn chế tình trạng khó tiêu.
Việc uống trà ngưu bàng là một cách tuyệt vời để bổ sung các khoáng chất dinh dưỡng cho cơ thể. Loại trà thảo mộc này chứa một lượng lớn inulin, axit béo, chất nhầy và các yếu tố khác. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cây ngưu bàng thô chứa carbohydrate, chất xơ và protein.
Bên cạnh đó, trà cũng chứa các khoáng chất như kali, canxi và là một nguồn cung cấp vitamin phong phú, bao gồm A, B, C, E, K và choline. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu những tác dụng thú vị của trà ngưu bàng.
Lợi ích của trà ngưu bàng
Một số lợi ích mà loại trà này mang đến cho sức khỏe người dùng gồm:
1. Lợi tiểu, thải độc
Từ lâu, trà ngưu bàng thường được sử dụng như một phương thức lợi tiểu. Thức uống này sẽ giúp người uống vào toát mồ hôi hoặc có nhu cầu đi vệ sinh, từ đó hỗ trợ thanh lọc máu, giải độc cho cơ thể bằng cách đào thải muối, nước hoặc các chất có hại ra ngoài, giảm tải hoạt động cho gan, hệ bạch huyết và thận.
2. Tốt cho tim mạch
Nồng độ kali cao có trong trà ngưu bàng rất tốt cho sức khỏe của tim, vì thức uống này có thể làm giảm căng thẳng cho hệ thống tim mạch bằng cách điều hòa mức huyết áp. Kali không chỉ điều chỉnh sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể mà còn hoạt động như một thuốc giãn mạch, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.
3. Cải thiện tình trạng đái tháo đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể sử dụng trà ngưu bàng vì trà sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách giảm sự hấp thụ đường có hại nhờ vào lượng chất xơ phong phú.
Bên cạnh đó, trà được làm từ rễ ngưu bàng còn chứa nhiều inulin. Đây là chất xơ hữu ích cho những người bị hạ đường huyết hoặc đái tháo đường bởi sẽ đem đến một loại đường lành mạnh nhưng không làm tăng mức độ insulin trong cơ thể.
4. Hỗ trợ tiêu hóa
Trà cây ngưu bàng cũng giúp tăng cường tiêu hóa và làm tăng cảm giác thèm ăn của bạn. Chất xơ inulin prebiotic trong loại thảo mộc này sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn khỏe mạnh trong ruột. Theo các chuyên gia, việc uống trà ngưu bàng đều đặn giúp tăng tốc độ tiêu hóa và khuyến khích ruột hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn.
Nếu bạn vừa mới ốm dậy hoặc gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống, hãy thử uống loại trà này nhé. Đây sẽ là thức uống tuyệt vời cho việc làm dịu và bảo vệ hệ thống tiêu hóa khỏi bệnh tật. Đối với các vấn đề về dạ dày như táo bón, trà rễ cây ngưu bàng hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng.
Chất xơ prebiotic cho phép thực phẩm được tiêu hóa một cách trơn tru hơn, bên cạnh đó, trà còn giúp giảm tình trạng lở loét và đầy hơi.
5. Trà ngưu bàng đẹp da
Uống trà ngưu bàng thường xuyên có thể giúp dưỡng da. Trà chứa nhiều các chất chống oxy hóa như luteolin, quercetin và axit phenolic, hỗ trợ loại bỏ các gốc tự do và giảm các dấu hiệu lão hóa, đẩy lùi nếp nhăn.
Trà ngưu bàng cũng có lợi cho những người bị mụn trứng cá nhờ vào đặc tính kháng sinh và kháng nấm để chống lại mụn từ bên trong.
6. Chống lại phình lá lách
Lá lách là một cơ quan quan trọng để giữ cho cơ thể tránh xa khỏi các tình trạng nhiễm trùng. Lá lách bị phình ngầm báo hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang ở mức khá thấp.
Đối với bệnh nhân bị phình lá lách, trà được làm từ rễ ngưu bàng sẽ trở thành một thức uống có lợi. Nhờ khả năng detox mà trà sẽ giúp cơ quan nội tạng này được khỏe mạnh. Theo y học cổ truyền, một lá lách khỏe mạnh sẽ đảm bảo cho vấn đề tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng diễn ra một cách hợp lý.
Tác dụng phụ không mong muốn khi tiêu thụ trà ngưu bằng
Một số lưu ý dành cho bạn về thức uống được làm từ rễ ngưu bàng gồm:
Mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà ngưu bàng có thể kích thích hoạt động co bóp tử cung vốn rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong hai tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Tương tự, đối với phụ nữ cho con bú, một số hợp chất mạnh từ trà có thể được truyền cho trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ và do đó, bạn cũng không nên uống loại trà này.
Huyết áp: Thức uống này chỉ phù hợp nếu bạn đang bị chứng huyết áp cao làm phiền hoặc đã dùng thuốc điều trị tăng huyết áp trước đó, việc uống trà khi huyết áp thấp sẽ khiến bạn chóng mặt hoặc rối loạn nhận thức.
Phản ứng dị ứng: Một số người bị dị ứng với rễ cây ngưu bàng và sẽ bị viêm da tiếp xúc nếu chạm vào thành phần nguyên liệu pha trà. Nếu bạn nhận thấy tình trạng sưng, viêm hoặc phát ban da, cần ngừng dùng trà này ngay lập tức.
Ngộ độc: Do tính chất hoang dại mà loại rễ cây này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc bao gồm ảo giác, chóng mặt, buồn nôn, sốt, nhức đầu và nói chậm. Nếu bất kỳ triệu chứng nào xảy ra, hãy ngừng sử dụng trà cũng như loại bỏ sản phẩm đang dùng ngay lập tức.
Phương Uyên/HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]