backup og meta

Tinh dầu nghệ: Bật mí 16 tác dụng và cách làm tinh dầu

Tinh dầu nghệ: Bật mí 16 tác dụng và cách làm tinh dầu

Tinh dầu nghệ có nhiều tác dụng độc đáo khác nhau, từ giúp trị mụn, làm sáng da đến tăng cường sức đề kháng, chữa cảm, hỗ trợ nâng cao tinh thần.

Củ nghệ được ví như một siêu thực phẩm cho sức khỏe và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như làm gia vị, bột nghệ, tinh bột nghệ hoặc chiết xuất thành tinh dầu.

Bài viết sau, mời bạn cùng Hello Bacsi khám phá các tác dụng của tinh dầu chiết xuất từ củ nghệ đối với sức khỏe cũng như công thức để làm ra một lọ tinh dầu bé xinh.

Lợi ích của tinh dầu nghệ

♥ Tác dụng của tinh dầu nghệ với da

1. Tinh dầu nghệ trị mụn

Nhờ vào khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ mà tinh dầu chiết xuất từ nghệ sẽ trở thành chiến binh trị mụn tuyệt vời. Dầu giúp làm khô mụn một cách tự nhiên và ngăn ngừa mụn bùng phát trong tương lai.

Trộn 2 – 3 giọt tinh dầu củ nghệ với một loại dầu nền, chẳng hạn như dầu mù u và bôi lên khu vực da đang bị ảnh hưởng mỗi ngày cho đến khi mụn giảm dần.

2. Tinh dầu nghệ làm sáng da

Củ nghệ thường là một thành phần chính được sử dụng trong các loại kem chống rạn da và sạm. Sử dụng 1 – 2 giọt tinh dầu nghệ kết hợp cùng một loại dầu nền khác như dầu argan hoặc kem dưỡng sẽ giúp cải thiện sắc tố da cũng như làm cho vết thâm mờ dần.

3. Trị cháy nắng

Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên Tạp chí the Journal of Cosmetic Dermatology đã ghi nhận rằng tinh dầu nghệ có thể bảo vệ da bạn và chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời. Để làm dịu kích ứng và mẩn đỏ do cháy nắng, hãy trộn 1 – 2 giọt dầu nghệ với dầu jojoba và thoa lên vùng bị ảnh hưởng.

4. Ngừa lão hóa

tác dụng của tinh dầu nghệ

Nhờ vào hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào mà tinh dầu nghệ có thể giúp da của bạn trở nên mềm mại và đàn hồi, giảm khả năng xuất hiện nếp nhăn.

Kết hợp tinh dầu theo tỷ lệ 1 : 1 cùng một loại dầu nền khác (dầu bơ, dầu hạt nho, dầu hạnh nhân), sau đó xoa nhẹ lên các khu vực dễ có nếp nhăn như thái dương, vùng da quanh miệng và mũi.

Kết hợp với một vài thủ thuật bấm huyệt sẽ đem giúp cải thiện quá trình lưu thông máu, giúp da mặt hồng hào và trẻ trung hơn từng ngày.

5. Làm mềm gót chân

Để cải thiện tình trạng gót chân bị nứt nẻ, bạn hãy thử ngâm chân trong nước ấm trong vòng 10 – 15 phút và lau khô bằng khăn. Trộn một vài giọt tinh dầu nghệ cùng một loại dầu nền như dầu thầu dầu và thoa đều lên gót chân. Thực hiện biện pháp đều đặn mỗi tuần trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn sở hữu phần gót chân thật mềm mại tự nhiên!

♥ Tác dụng của tinh dầu nghệ với tóc

tác dụng của tinh dầu nghệ với tóc

6. Tinh dầu nghệ trị gàu

Nếu bạn đang bị tình trạng gàu làm phiền, hãy thử ủ tóc bằng hỗn hợp dầu nghệ cùng dầu lá neem (loại dầu nổi tiếng trong việc trị gàu, diệt chấy) hoặc dầu argan (giúp cung cấp thêm độ ẩm). Các đặc tính chống viêm mạnh mẽ của chiết xuất từ nghệ giúp ngăn ngừa gàu và làm dịu da đầu bị kích thích.

7. Cải thiện các vấn đề về da đầu

Tình trạng nhiễm nấm có thể dẫn đến da đầu bị kích ứng, ngứa, đỏ. Khả năng thanh lọc và chống viêm của tinh dầu nghệ sẽ làm giảm các triệu chứng da đầu của bạn và ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.

8. Kích thích mọc tóc

Với hơn 300 hợp chất hoạt tính sinh học và chất chống oxy hóa, nếu bạn muốn giữ cho mái tóc chắc khỏe, chỉ cần thêm một vài giọt dầu nghệ vào dầu dưỡng tóc yêu thích của bạn để trải nghiệm sự phát triển của tóc.

♥ Tác dụng của tinh dầu nghệ với sức khỏe

9. Tốt cho não

Yếu tố tế bào thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF) là nội tiết tố chủ chốt chịu trách nhiệm cho quá trình hình thành các kết nối nơ-ron mới. Bên cạnh đó, mức độ của hormone thiết yếu này có liên quan đến nhiều bệnh về não như bệnh Alzheimer, chứng mất trí và trầm cảm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất curcumin có thể tăng mức BDNF trong não, trì hoãn hoặc thậm chí là đảo ngược các bệnh về não, giúp chống lại sự thoái hóa tế bào não và cải thiện tích cực chức năng của bộ phận quan trọng này. Do vậy, hít tinh dầu nghệ có hiệu quả cao trong việc tăng cường trí nhớ, chức năng nhận thức và cải thiện sự tập trung.

10. Giảm viêm và giảm đau

Mặc dù viêm tạm thời là điều cần thiết trong việc chống lại nhiễm trùng nhưng nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra tình trạng viêm mạn tính hoặc lâu dài góp phần gây ra các tình trạng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như viêm khớp, rối loạn tim mạch, đột quỵ…

Do vậy, việc chống lại hoặc ngăn chặn chứng viêm nhiễm nên được chú trọng. Dầu nghệ cao cấp có chứa hơn 60% alpha-curcumene, một hợp chất chống viêm vô cùng lý tưởng, hạn chế các nguy cơ liên quan đến bệnh mạn tính, đau khớp, đau cơ, bệnh gút, viêm đường tiêu hóa và nhiều hơn nữa.

Nếu muốn giảm viêm, trộn 4 – 5 giọt dầu nghệ với một muỗng canh dầu nền như hạnh nhân ngọt hoặc dầu ô liu và xoa nhẹ lên khu vực bị ảnh hưởng. Lặp lại hai lần một ngày để có kết quả tốt nhất.

11. Thải độc cơ thể

tác dụng của tinh dầu nghệ đối với sức khỏe

Gan là một cơ quan quan trọng chịu trách nhiệm giải độc cho cơ thể. Do đó, việc giữ cho bộ phận này khỏe mạnh đồng nghĩa với việc đảm bảo cơ thể hạn chế tích tụ độc tố.

Từ lâu, củ nghệ đã được sử dụng theo nhiều hình thức, kể cả dưới dạng tinh dầu nhằm duy trì, bảo vệ sức khỏe cho gan.

Một nghiên cứu cũng đã ghi nhận rằng khi dùng dầu nghệ trong một tháng, các enzyme chống oxy hóa trong gan tăng lên. Loại tinh dầu này mang đến lợi ích sức khỏe tiềm năng vì có thể làm sạch các gốc tự do và tạo ra các hoạt động chống viêm, chống nhiễm trùng đáng kể.

12. Tăng cường sức đề kháng

Khi nói đến việc xây dựng, củng cố hàng rào miễn dịch, tinh dầu nghệ chứa các hoạt chất mạnh mẽ, mang đến sự hỗ trợ vững chắc cho khả năng phòng vệ tự nhiên bẩm sinh của cơ thể. Ngoài ra, tinh dầu chiết xuất từ củ nghệ còn mang đến tác dụng tích cực nhằm đối phó với các chất gây dị ứng.

Sự kết hợp của các hợp chất hoạt tính sinh học trong dầu còn đem đến lợi ích kháng khuẩn và kháng nấm cho đến sát trùng và chống viêm. Yếu tố này của tinh dầu chiết xuất từ củ nghệ giúp xua đuổi những “kẻ xâm lược’, xây dựng khả năng miễn dịch đồng thời kiểm soát tình trạng viêm.

Để ngăn ngừa cúm, bạn hãy khuếch tán một vài giọt tinh dầu nghệ trong máy khuếch tán và để mùi hương được lan tỏa trong không khí.

13. Giảm cảm lạnh, nghẹt mũi

Tinh dầu nghệ chứa các đặc tính chữa lành mạnh mẽ để chống lại các triệu chứng cảm lạnh, ho và cúm. Ngoài ra, loại dầu này còn giúp bạn giảm nghẹt mũi, ho hoặc giảm nhẹ tình trạng nhiễm trùng phế quản.

Có 2 cách để tận dụng dầu chiết xuất từ nghệ, chẳng hạn như:

  • Xông hơi: Thêm 5 – 6 giọt tinh dầu chiết xuất từ củ nghệ nguyên chất vào một bát nước nóng, trùm một chiếc khăn lớn trên đầu và hít vào hơi mạnh trong 5 – 10 phút. Hơi nước nóng sẽ làm loãng đờm và đặc tính kháng khuẩn của dầu nghệ giúp chống lại vi trùng cảm lạnh và cúm. Hiện tượng kích ứng ở mũi cũng như cổ họng cũng sẽ được giảm bớt.
  • Khuếch tán: Thêm 5 giọt tinh dầu nghệ vào máy khuếch tán của bạn ngay trước khi đi ngủ.

14. Tinh dầu nghệ hỗ trợ chữa trầm cảm

tác dụng của tinh dầu nghệ

Bạn có biết rằng nghệ mang đến khả năng hỗ trợ trong điều trị trầm cảm? Nồng độ BNDF thấp (yếu tố gây suy nhược thần kinh có nguồn gốc từ não) là nguyên nhân gây ra trầm cảm cũng như nhiều rối loạn thần kinh khác.

Các hợp chất curcumin từ nghệ có khả năng kiềm chế và có thể đảo ngược các tác động này, từ đó giảm bớt các triệu chứng trầm cảm, cải thiện tâm trạng và thúc đẩy suy nghĩ tích cực.

Bên cạnh các loại tinh dầu nổi tiếng khác như tinh dầu bạc hà, dầu hoa oải hương, tinh dầu hoa nhài thì tinh dầu nghệ sẽ là một ứng cử viên khác cho liệu pháp mùi hương.

Cách dùng tinh dầu nghệ cũng khá đơn giản:

  • Hít trực tiếp: Khi cảm thấy thấp hoặc lo lắng, bạn hãy thử ngửi tinh dầu nghệ trực tiếp từ chai hoặc bôi lên cổ tay, chà nhẹ và ngửi.
  • Khuếch tán: Bất cứ lúc nào bạn muốn cảm thấy bình tĩnh, hãy khuếch tán một vài giọt dầu nghệ trong không khí. Dầu sẽ giúp cân bằng tâm trạng và giảm bớt căng thẳng. Biện pháp này khá tuyệt vời trong lúc thiền, đọc sách hoặc ngay trước khi đi ngủ.

15. Tinh dầu nghệ giảm đau khớp

Nền y học Ayurvedic cổ đại và y học cổ truyền Trung Quốc từ lâu đã sử dụng tinh dầu chiết xuất từ nghệ để giảm đau khớp và sưng khớp.

Các thành phần của tinh dầu nghệ mang đến tác dụng ngăn chặn các enzyme và hóa chất gây viêm hoặc khiến các khớp bị sưng lên cũng như giảm thiểu khả năng các gốc tự do làm rách sụn. Để giảm đau khớp, bạn hãy thử làm theo gợi ý sau:

  • Trộn 3 – 5 giọt tinh dầu nghệ với 1 muỗng dầu nền chẳng hạn như dầu moringa, dầu hạnh nhân và xoa bóp lên các khớp hoặc cơ bắp đang bị đau hai lần một ngày.

16. Tinh dầu nghệ hỗ trợ chữa herpes

Virus herpes simplex (HSV) có thể hiện diện ở miệng và bộ phận sinh dục, dẫn đến hình thành mụn nước, sốt cũng như đau nhức cơ thể. Mặc dù vẫn chưa có cách chữa trị đối với virus HSV, tinh dầu nghệ có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian nhiễm trùng.

Cách sử dụng như sau:

  • Kết hợp 3 – 4 giọt tinh dầu nghệ với 1 muỗng cà phê dầu dừa và bôi lên các vết mụn nước hoặc vết loét hàng ngày cho đến khi tình trạng được cải thiện

Cách làm tinh dầu nghệ

tác dụng của tinh dầu nghệ

Để làm ra cho bản thân một lọ tinh dầu từ củ nghệ không hề khó, bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây:

Nguyên liệu

  • Nghệ vàng: 2kg (Nên chọn những củ già để có nhiều tinh chất)
  • Chén, khăn sạch để lọc

Cách thực hiện

♥ Bước 1: Rửa sạch và cạo vỏ củ nghệ.

♥ Bước 2: Thái mỏng nghệ rồi vào máy xay sinh tố cùng với nước lạnh. Bạn xay cho đến khi hỗn hợp trở nên nhuyễn mịn.

♥ Bước 3: Lọc hỗn hợp qua khăn vải để bỏ bã. Bạn cũng có thể lọc lại phần bã để thu được càng nhiều tinh chất càng tốt.

♥ Bước 4: Phần nước nghệ thu được sẽ bỏ vào một chiếc tô lớn. Thêm nước lạnh vào tô và đợi khoảng 3 giờ.

♥ Bước 5: Khi thấy bột nghệ bắt đầu lắng xuống, gạn bớt phần nước trong phía trên sau đó tiếp tục chờ thêm 3 giờ nhằm thu được bột nghệ tinh khiết.

♥ Bước 6: Lấy bột nghệ và đun sôi cùng nước, bạn sẽ có cho mình 1 lọ tinh dầu nghệ.

Bảo quản thành phẩm ở nơi thoáng mát và dùng trong vòng 1 tháng để đảm bảo chất lượng của dầu.

Lưu ý khi sử dụng dầu

Vì được chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên nên tinh dầu vẫn chứa những hoạt tính mạnh mẽ. Bạn có thể bị dị ứng với loại dầu này. Vì vậy, cách tốt nhất trước khi dùng là kiểm tra trước trên vùng da cánh tay hoặc xương hàm để đảm bảo không bị kích ứng.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

10 Proven Health Benefits of Turmeric and Curcumin https://www.healthline.com/nutrition/top-10-evidence-based-health-benefits-of-turmeric ngày truy cập 11/10/2019

Uses and Benefits of Turmeric Essential Oil https://www.doterra.com/US/en/blog/spotlight-turmeric-oil ngày truy cập 11/10/2019

Top 15 Powerful Turmeric Essential Oil Uses and Benefits https://upnature.com/blogs/news/top-15-incredible-benefits-of-turmeric-essential-oil ngày truy cập 11/10/2019

Phiên bản hiện tại

24/02/2020

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Tinh dầu hoa cúc: Đa chức năng, nhiều công dụng

Tinh dầu hương nhu: Bí quyết cho sức khỏe, sắc đẹp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 24/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo