backup og meta

Bật mí 8 loại tinh dầu đuổi muỗi và côn trùng

Bật mí 8 loại tinh dầu đuổi muỗi và côn trùng

Tinh dầu tự nhiên đã được con người sử dụng từ rất lâu với mục đích thư giãn, trị liệu hay phòng bệnh đặc biệt là dùng tinh dầu đuổi muỗi. Ngày nay, những tác dụng có lợi của tinh dầu đối với việc bảo vệ sức khỏe con người lại càng được khẳng định qua các chứng cứ từ nghiên cứu thực nghiệm.

Nếu bạn đang tìm cho mình một biện pháp giúp xua đuổi côn trùng an toàn và hiệu quả, hãy thử nghĩ đến cách đuổi muỗi bằng tinh dầu nhé. Có khá nhiều loại tinh dầu đuổi muỗi không những chỉ gói gọn ở việc khiến côn trùng không dám đến gần mà còn đem đến nhiều công dụng khác nhau cho sức khỏe.

Có nên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi?

Nếu bạn sử dụng các loại tinh dầu chống muỗi và côn trùng tự nhiên như tinh dầu sả, chanh,…thì khá an toàn và không có nguy cơ gây độc hại. Tuy nhiên, nếu lạm dụng tinh dầu đuổi muỗi và sử dụng các loại sản phẩm công nghiệp không có nguồn gốc rõ ràng thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn bạn có thể tự làm tinh dầu chống muỗi tại nhà với các nguyên liệu thiên nhiên hoặc tìm mua nguồn tinh dầu uy tín, chất lượng nhé!

8 loại tinh dầu đuổi muỗi và côn trùng

Theo thống kê, tại nước ta mùa dịch sốt xuất huyết hàng năm sẽ vào khoảng tháng 7 đến tháng 11, do vậy bên cạnh sử dụng các sản phẩm chống côn trùng như thuốc xịt hoặc nhang thì tinh dầu đuổi muỗi sẽ là một gợi ý thân thiện đối với sức khỏe.

Một số loại tinh dầu có khả năng ngăn không cho muỗi dám đến gần là:

Tinh dầu hoa oải hương

Hoa oải hương nổi tiếng với những tác dụng tích cực về mặt thư giãn cũng như những lợi ích tuyệt vời cho giấc ngủ. Thế nhưng, điều mà nhiều người không biết là tinh dầu chiết xuất từ hoa oải hương cũng có thể trị bọ xít và muỗi đốt khá hiệu quả, đặc biệt là loài muỗi anopheles gây bệnh sốt xuất huyết. 

Bên cạnh đó, tinh dầu hoa oải hương còn hỗ trợ làm sáng vết thâm, chữa lành vết cắt và vết thương, cũng như điều trị kích ứng da.

Tinh dầu bạc hà

Bạc hà cũng nằm trong danh sách tinh dầu đuổi muỗi mà bạn không thể bỏ qua. Nếu lo lắng về những loại tinh dầu có mùi quá nồng, bạn hãy thử dùng dầu bạc hà thay thế nhé. Loại tinh dầu này không những có tác dụng xua đuổi côn trùng, mà còn hiệu quả trong việc giúp làm sạch không khí, khử mùi, diệt khuẩn, đem đến hương thơm dễ chịu, sảng khoái cho không khí gia đình. Ở những nơi ẩm thấp, việc sử dụng tinh dầu bạc hà giúp giảm nấm mốc, khử mùi hôi hiệu quả. Nhiều người sử dụng loại tinh dầu này như một loại thuốc chống côn trùng tự nhiên và mang đến cảm giác thư thái, chống lại trầm cảm.

Tinh dầu húng quế

Húng quế hay còn gọi húng chó, húng tây là một loại rau thơm. Không chỉ là một loại rau để tăng thêm hương vị cho món ăn mà nó còn có thể xua đuổi côn trùng và ngăn không cho chúng đến gần. Trong lá húng quế có chứa nhiều tinh dầu có mùi hương cay, nồng, đây là những mùi “đại kỵ” của muỗi nên khi bạn trồng loại cây này ở đâu thì muỗi sẽ tự động tránh xa chỗ đó. 

Tinh dầu húng quế có mùi thơm ngọt ngào xen lẫn chút vị cay thường được sử dụng nhằm làm dịu vết muỗi đốt.

Tinh dầu thông

tinh dầu đuỗi muỗi

Một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra tác dụng xua đuổi côn trùng của dầu thông, đặc biệt là ở khả năng chống muỗi đốt. Giống như các loại tinh dầu khác, dầu thông cũng được chứng minh mang đến hiệu quả nhiều hơn so với việc sử dụng các hóa chất tổng hợp. Ngoài ra, tinh dầu thông cũng mang đến những lợi ích khác cho sức khỏe con người như chống viêm giảm sưng tấy các vết côn trùng đốt trên da, chống oxy hoá, làm sạch da kháng khuẩn, giảm viêm xoang, nâng cao hệ miễn dịch…

Tinh dầu bạch đàn chanh

Tinh dầu bạch đàn chanh được chiết xuất từ lá cây bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f) thường được dùng làm thuốc sát khuẩn tại chỗ, đặc biệt trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và trong một số bệnh ngoài da. Đây là loại tinh dầu đuổi muỗi được yêu thích nhất, đặc biệt là muỗi Anopheles gambiae. Nó rất thích hợp cho mùa hè vì có hương chanh thanh mát. Thông thường, người ta thường kết hợp với tinh dầu hoa oải hương để làm thành nước xịt phòng chống muỗi.

Tinh dầu chống muỗi bạch đàn chanh cũng có hiệu quả bảo vệ da khỏi vết cắn của ve và có thể kéo dài công dụng đến vài giờ.

Tinh dầu cỏ hương bài

Cây hương bài (Dianella ensifolia) còn gọi là cát cánh lan, cây rẻ quạt, cây xương quạt, cây bả chuột. Là một trong những loài cây có độc nguy hiểm, nếu dùng uống có thể gây tử vong. Dân gian không dùng loài cây này làm thuốc uống mà chỉ dùng để làm nguyên liệu trong nền công nghiệp sản xuất giỏ xách, chiếu và hương (nhang).

Bên cạnh đó, dầu có hương bài được sử dụng như một biện pháp tự nhiên để đuổi muỗi và côn trùng. Bên cạnh tác dụng đuổi mối, thì tinh dầu nguyên chất từ rễ cỏ hương bài còn có khả năng tiệt trừ các ấu trùng muỗi, cũng như ngăn chặn quá trình sinh nôi, nảy nở của muỗi, giúp giảm bớt các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da và bệnh giun chỉ. Ngoải ra tinh dầu tự nhiên này còn được dùng tại da đầu để diệt chấy, vì nó không độc hại với người.

Mùi gỗ ấm và mùi đất của tinh dầu cỏ hương bài cũng mang đến tác dụng làm dịu tâm trí và giảm căng thẳng một cách hiệu quả.

Tinh dầu tràm trà

Chiết xuất từ cây tràm trà rất phổ biến trong ngành công nghiệp làm đẹp như một hoạt chất kháng khuẩn để điều trị mụn nhọt và mụn trứng cá. Nhưng không dừng lại ở đó, tinh dầu tràm trà còn có thể bảo vệ và làm dịu vết cắn đau đớn từ muỗi và côn trùng, sử dụng được cho trẻ em và phụ nữ có thai. Có được tác dụng này là do trong tinh dầu tràm trà có thành phần cineol rất cao và đây chính là tác nhân giúp đuổi muỗi hiệu quả. 

Khi được khuếch tán trong không khí hoặc bôi lên da, tinh dầu tràm trà sẽ khiến muỗi chẳng dám lại gần bạn.

Tinh dầu đuổi muỗi: Tinh dầu sả chanh

Sẽ thật thiếu sót khi đề cập đến tinh dầu đuổi muỗi mà bỏ qua tinh dầu sả chanh. Tinh dầu sả chanh có mùi thơm dịu, thoang thoảng mùi chanh tươi, là mùi thơm yêu thích của nhiều người và có tác dụng xua đuổi muỗi và côn trùng. Theo phân tích thì mùi hương của sả chanh có tác dụng làm rối loạn khả năng định hướng của muỗi, khiến chúng mất phương hướng và không còn khả năng tấn công. Loại dầu này cũng chứa các đặc tính xua đuổi các loại côn trùng khác. Sả chanh có thể duy trì hiệu quả ngăn muỗi đốt trong 2 giờ.

Ngoài ra, tinh dầu sả chanh cũng mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe con người, ứng dụng trong trị liệu, làm đẹp, phòng và chữa bệnh.

Bên cạnh các loại tinh dầu kể trên thì những sản phẩm tinh dầu khác mà bạn cũng có thể cân nhắc gồm:

  • Tinh dầu đuổi muỗi: Tinh dầu sả java, khuynh diệp, đinh hương, hương nhu, sả, tinh dầu phong lữ
  • Tinh dầu đuổi bọ chét: Tinh dầu gỗ tuyết tùng, tinh dầu cam, hoa cam
  • Tinh dầu trị ve: Tinh dầu phong lữ, cây bách xù, dầu gỗ hồng mộc, tinh dầu cỏ xạ hương, dầu bưởi và dầu lá kinh giới.

Cách sử dụng tinh dầu đuổi muỗi

Những loại tinh dầu trên có thể được kết hợp với nhau để tạo ra các sản phẩm có công dụng làm cho côn trùng hoặc muỗi không dám đến gần. Dưới đây là 3 gợi ý dành cho bạn nhằm tìm ra loại thích hợp với mình nhất.

Công thứ 1: Bình xịt tinh dầu đuổi muỗi

Thành phần và nguyên liệu bạn cần để làm ra cho mình 1 lọ bình xịt gồm:

  • 350ml nước cây phỉ (with hazel)
  • 15 giọt tinh dầu sả java
  • 15 giọt dầu sả chanh
  • 10 giọt tinh dầu bạc hà
  • 10 giọt dầu tràm trà
  • 1 cái phễu
  • 1 bình xịt rỗng
  • 1 lọ rỗng để trộn các thành phần

Cách thực hiện:

Bạn đổ nước cây phỉ vào lọ rỗng cùng với các loại tinh dầu và lắc đều. Sau đó, dùng phễu để trút hỗn hợp vào bình xịt. Mỗi lần sử dụng, hãy lắc bình một chút rồi xịt lên chăn rèm hoặc tường, xung quanh khu vực sinh hoạt.

Công thức 2: Cách làm nến tinh dầu xua muỗi

xông tinh dầu đuổi muỗi

Công thức này không những giúp bạn tạo ra một lọ nến xinh xắn từ tinh dầu để đuổi muỗi mà còn đem lại một mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu cho khắp căn phòng:

  • 2 chiếc lọ cỡ vừa
  • 1 chiếc lọ cỡ nhỏ
  • 40 giọt tinh dầu hương thảo
  • 15 giọt tinh dầu sả java (tùy chọn)
  • 1 quả chanh vàng
  • 1 quả chanh xanh
  • 8 nhánh hương thảo tươi
  • 3 chân nến tealight
  • 950ml nước.

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, bạn hãy cắt lát mỏng chanh xanh và chanh vàng. Xếp từ 4 – 5 lát chanh vào mỗi lọ
  • Cho 4 nhánh hương thảo vào lọ lớn và 2 nhánh vào lọ nhỏ
  • Hòa nước và các loại tinh dầu vào với nhau, khuấy đều
  • Đổ hỗn hợp vào bình sao cho lượng nước đều bằng nhau
  • Lấy nến ra khỏi vỏ, sau đó nhẹ nhàng thả vào bình để chúng nổi trên mặt nước
  • Sau đó, bạn chỉ cần thắp nến lên.

Công thức 3: Dầu dưỡng kết hợp tinh dầu đuổi muỗi

Nếu bạn là người có làn da khô quanh năm thì đây chắc hẳn sẽ trở thành sản phẩm dành cho bạn đấy:

  • 8 giọt tinh dầu tràm trà
  • 8 giọt tinh dầu hoa oải hương
  • 8 giọt tinh dầu sả chanh
  • 6 giọt tinh dầu sả java
  • 6 giọt tinh dầu khuynh diệp
  • 100ml dầu hạt nho hoặc dầu hạnh nhân.

Cách thực hiện:

Đối với biện pháp sử dụng tinh dầu đuổi muỗi kết hợp với kem dưỡng da này, cách làm không hề phức tạp chút nào.

Trước tiên, bạn chỉ cần trộn tất cả các loại tinh dầu đều với nhau, sau đó hòa quyện cùng với dầu hạnh nhân. Khi đã xong, hãy bỏ hỗn hợp vào 1 chiếc lọ sạch, đậy nắp kín. Mỗi lần sử dụng, chỉ cần lấy một chút dầu và bôi đều lên da.

Công thức 4: Máy khuếch tán kết hợp cùng tinh dầu đuổi muỗi

Đây có thể là phương pháp hiệu quả nhất để tận dụng tinh dầu đuổi muỗi, nguyên liệu bạn cần bao gồm:

  • 8 giọt tinh dầu sả java
  • 8 giọt tinh dầu tràm trà
  • 8 giọt tinh dầu oải hương
  • Máy khuếch tán

Cách thực hiện:

Bạn trộn các loại tinh dầu với nhau cho đều và cho vào máy khuyến tán. Ngoài ra, bạn có thể trộn, kết hợp thêm một lượng tinh dầu khác cho đến khi tìm thấy mùi hương phù hợp nhất.

Công thức 5: Xông tinh dầu đuổi muỗi

Bạn có thể sử dụng máy xông hoặc đèn xông tinh dầu đuổi muỗi để khuếch tán mùi hương dễ chịu của tinh dầu vào không khí đồng thời giúp chống muỗi hiệu quả.

Hy vọng qua bài viết, bạn đã có được phần nào các thông tin thú vị về tinh dầu đuổi muỗi. Một lưu ý nhỏ dành cho bạn là để đạt hiệu quả xua đuổi muỗi như mong muốn, bạn nên thường xuyên sử dụng tinh dầu và chỉ khuyến tán tinh dầu trong không gian hẹp.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Green Cleaning: 10 Essential Oils that Naturally Repel Insects https://achs.edu/blog/2017/04/24/green-cleaning-repel-insects/ Ngày truy cập: 20/08/2021

Essential Oils as Repellents against Arthropods https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6189689/ Ngày truy cập: 20/08/2021

The Best Insect Repelling Essential Oils https://www.onegreenplanet.org/lifestyle/the-best-insect-repelling-essential-oils/ Ngày truy cập: 20/08/2021

Thuốc chống muỗi do Robert Tisserand đề xuất https://tisserandinstitute.org/learn-more/mosquito-repellents/ Ngày truy cập: 20/08/2021

Insecticidal and repellent effects of tea tree and andiroba oils on flies associated with livestock https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25171605/ Ngày truy cập: 20/08/2021

Phiên bản hiện tại

13/12/2022

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Cây thù lù trị bệnh gì? Cách dùng và những lưu ý

Tác dụng của tinh dầu trong điều trị cao huyết áp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 13/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo