backup og meta

Dừa cạn

Dừa cạn

Cây dừa cạn là loại thảo dược rất quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ các công dụng của cây dừa cạn đối với sức khỏe.

Tên thường gọi: Dừa cạn

Tên gọi khác: Bông dừa, hoa hải đằng, trường xuân

Tên nước ngoài: Madagascar periwinkle, cape periwinkle, old maid…

Tên khoa học: Catharanthus roseus (L.) G.Don

Họ: Trúc đào (Apocynaceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây dừa cạn

Dừa cạn là một cây thân thảo, sống lâu năm, cao chừng 40–60cm và phân thành nhiều cành. Thân mọc thẳng, hình trụ, nhẵn, lúc non có màu lục nhạt sau chuyển dần sang màu đỏ hồng.

Lá mọc đối, hình bầu dục, mặt trên có màu sẫm hơn mặt dưới. Hoa có màu hồng hoặc trắng (ít gặp hơn), mọc riêng lẻ ở kẽ lá gần ngọn, có 5 cánh đều nhau. Quả dài, gồm 2 đại, mọc thẳng đứng và hơi ngả sang hai bên. Mỗi quả chứa 12–20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng.

Mùa hoa quả gần như là quanh năm, nhất là vào tháng 4–5 và tháng 9–10.

Bộ phận dùng

bông dừa cạn

Bộ phận dùng để làm thuốc chủ yếu là lá và phần ngọn cây được phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở nhiệt độ 30–50ºC cho đến khô. Sau đó, người ta đem sắc nước uống, chế biến thành dạng trà hoặc dùng giã, đắp.

Đôi khi, toàn cây hoặc rễ cùng được sử dụng để làm thuốc sắc hay cao lỏng.

Thành phần hóa học của cây dừa cạn

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện dừa cạn có chứa đến khoảng 70 alkaloid thuộc nhiều nhóm khác nhau, hầu hết là alkaloid nhân indol.

Tùy theo nơi thu hái, hàm lượng alkaloid có thể thay đổi từ 0,2–1%. Ngoài ra, có những giống có thể có hàm lượng cao hơn.

Hai alkaloid chính trong dừa cạn có các hoạt tính sinh học đang được quan tâm nhiều hiện nay là vinblastin và vincristin. Các alkaloid này có tác dụng chống khối u mạnh.

Các alkaloid khác cũng có hoạt tính tương tự phân lập được từ cây dừa cạn gồm có isoleurosin, lochneridin, sitsirikin, vincamicin, catharin, vindolicin.

Tác dụng, công dụng của cây dừa cạn

cây dừa cạn trị bệnh gì

Tác dụng của cây dừa cạn là gì?

Ở thử nghiệm trên chuột, cao lỏng dừa cạn cho thấy tác dụng hạ huyết áp, an thần, gây ngủ và có độc tính nhẹ.

Các nghiên cứu còn phát hiện tác dụng giảm bạch cầu và chống ung thư của hai alkaloid trong cây dừa cạn là vinblastin và vincristin. Ngoài ra, cao chiết của rễ, lá và bông dừa cạn có khả năng ức chế hoạt tính của enzyme protease của nấm da Trichophyton rubrum.

Trong y học cổ truyền, đây là dược liệu có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, hạ huyết áp và giải độc.

Ở Madagascar, từ lâu chiết xuất dừa cạn được dùng như một loại thuốc an thần, hạ huyết áp, sát trùng và trị đái tháo đường. Ở Ấn Độ dùng trị vết ong đốt còn tại Trung Quốc, dược liệu này được biết đến là có thể giúp lợi tiểu, trị ho và làm săn se niêm mạc.

Tại Việt Nam, các tác dụng phổ biến của cây dừa cạn là thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu ít, kinh bế, huyết áp cao, có nơi dùng làm thuốc ra mồ hôi, chữa tiêu hóa kém và lỵ (cấp và mạn tính). Theo ghi nhận, một số người đã dùng loài cây này để hỗ trợ điều trị ung thư máu, ung thư phổi có hiệu quả.

Liều dùng

cây hoa dừa cạn chữa bệnh gì

Liều dùng thông thường của dừa cạn là bao nhiêu?

Có thể dùng toàn cây dừa cạn với liều lượng khoảng 8–20g/ngày ở dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên nén từ cao khô.

Trên thị trường, chiết xuất dừa cạn thường được bán là vincaleucoblastin (hay vinblastin) dưới dạng muối sulfat, dùng tiêm tĩnh mạch với liều lượng 0,10–0,15mg/kg thể trọng. Thuốc này dùng chủ yếu để chống lại bệnh Hodgkin và người bệnh cần phải theo dõi bạch cầu khi dùng.

Một thành phần khác trong dược liệu này được sản xuất là leucocristine (hay vincristin) dưới dạng muối sulfat, dùng tiêm tĩnh mạch với liều 0,03–0,1mg/kg trong các trường hợp bệnh về máu, bệnh bạch huyết.

Một số bài thuốc

công dụng của cây dừa cạn trong một số bài thuốc

Dừa cạn được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

Ở nước ta, người dân đã sử dụng loài cây này dưới dạng thuốc sắc để làm thuốc lợi tiểu, chữa huyết áp, đái tháo đường. Mỗi ngày có thể dùng từ 10–16g.

Một số bài thuốc có mặt cây dừa cạn trong dân gian là:

1. Trị tăng huyết áp

– Dừa cạn 160g, lá đinh lăng 180g, hoa hòe 150g, cỏ xước 160g, đỗ trọng 120g, chi tử 100g, cam thảo đất 140g. Các vị sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong hộp kín, tránh ẩm. Ngày dùng 40g cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, sau 10 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: an thần hạ áp, làm bền thành mạch, êm dịu thần kinh.

– Dừa cạn (phơi khô) 16g, nga truật 12g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, chỉ xác 8g, trạch lan 16g, huyết đằng 16g, hương phụ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần và uống 3 lần/ngày.

2. Trị chứng tiêu khát (đái tháo đường)

Dừa cạn 16g, cát căn 20g, thạch hộc 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, đan bì 10g, khiếm thực 12g, khởi tử 12g, ngũ vị 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần/ngày.

3. Trị khí hư bạch đới

Dừa cạn 12g, rễ cây bạch đồng nữ 16g, biển đậu 16g, đan sâm 16g, diệp hạ châu 16g, lá bạc sau 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

4. Trị lỵ trực khuẩn

Dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 20g, cỏ sữa 20g, cỏ mực 20g, chi tử 10g, lá khổ sâm 20g, hoàng liên 10g, rau má 20g, đinh lăng 20g. Các vị thuốc cho vào ấm, đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Lưu ý và thận trọng

thận trọng khi dùng dược liệu để trị bệnh

Khi dùng cây dừa cạn, bạn nên lưu ý những gì?

Mặc dù tác dụng của vinblastin và vincristin trong cây dừa cạn đã được chứng minh nhưng không phải cứ dùng dược liệu này thì sẽ chữa được ung thư, bởi hàm lượng của vinblastin và vincristin trong cây là rất nhỏ (vincristin chỉ đạt khoảng 0,0002% khối lượng trong dược liệu khô).

Trong khi đó một liều tiêm vincristin, vinblastin có hàm lượng rất cao, nên khi sử dụng có thể dễ bị ngộ độc (giảm bạch cầu hạt, suy tủy, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý thần kinh ngoại biên…). Vì vậy, người bệnh cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ điều trị chứ không được tự ý sử dụng.

Mức độ an toàn

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng dừa cạn trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra

Dừa cạn có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Tất Lợi (2014), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Trang 307-309.

Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, Trang 689-694.

Dừa cạn. http://uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=book/export/html/195. Ngày truy cập 23/11/2023

Dừa cạn. https://duocdienvietnam.com/dua-can-la/. Ngày truy cập 23/11/2023

Madagascar Periwinkle. https://www.researchgate.net/publication/319893345_Madagascar_Periwinkle_Catharanthus_roseus_L_Diverse_medicinal_and_therapeutic_benefits_to_humankind. Ngày truy cập 23/11/2023

Madagascar Periwinkle https://livingrainforest.org/learning-resources/rosy-periwinkle. Ngày truy cập 23/11/2023

Madagascar Periwinkle. https://dsps.lib.uiowa.edu/roots/madagascar-periwinkle-2/. Ngày truy cập 23/11/2023

Phiên bản hiện tại

23/11/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Cây thù lù trị bệnh gì? Cách dùng và những lưu ý

Chữa ung thư: Biết chăm sóc mới nhanh phục hồi


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 23/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo