Gọi là dây đau xương vì người ta chủ yếu sử dụng cây này để chữa bệnh đau xương. Ngoài ra, nó còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Mời bạn cùng tìm hiểu toàn bộ thông tin về dây đau xương, bao gồm đặc điểm nhận dạng, thành phần hóa học, tác dụng, bài thuốc và những lưu ý khi sử dụng.
Tên thường gọi: Dây đau xương
Tên gọi khác: Khoan cân đằng, tục cốt đằng, khau năng cấp
Tên khoa học: Tinospora sinensis Merr (Tinospora tomentosa Miers, Tinospora malabarica Miers, Menispermum malabaricum Lamk)
Họ: Tiết dê (Menispermaceae)
Tổng quan
Dây đau xương là cây gì?
- Là một loại dây leo mọc rất khỏe, dài 7-8m, có cành dài rũ xuống, lúc đầu có lông sau thì nhẵn, có bì nhưng không sần sùi mà mang lông.
- Lá có lông, nhiều ở mặt dưới làm cho mặt dưới có màu trắng nhạt. Phiến lá hình tim, phía cuống tròn và hõm lại, phía đỉnh hẹp lại thành mũi nhọn. Lá dài 10-12cm, rộng 8-10cm, có 5 gân rõ, tỏa ra hình chân vịt.
- Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc mọc đơn độc, hoặc vài chùm tụ lại. Chùm hoa dài khoảng 10cm, có lông măng, màu trắng nhạt.
- Quả hạch, chín có màu đỏ, có dịch nhầy, hạch hình bán cầu, mặt phẳng của bán cầu hõm lại. Mùa quả ở miền Bắc là từ tháng 3-4 hàng năm.
Loài cây này mọc hoang ở khắp cả nước, từ miền núi đến đồng bằng. Cây cũng có mặt ở cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Bộ phận dùng của dây đau xương
Bộ phận dùng là thân và lá.
- Thân cắt mang về, ngắt thành từng đoạn dài khoảng 20-30cm rồi đem phơi hoặc sấy khô.
- Lá thường dùng tươi, thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học trong dây đau xương
Dây đau xương có chứa:
- Các dẫn chất sesquiterpen, diterpenoid (tinosinensid A, B; menispermacid), dinorditerpenoid và triterpenoid
- Lignan (lirioresino-𝛽-dimethyl ether, (−)-pinoresinol-4-O-𝛽-D-glucopyranosid, lirioresino-𝛽-dimethyl ether; 8’-epitanegool; tinosposid và dẫn xuất)
- Alkaloid (berberin, magnoflorin, stepharanin, palmaturbin, palmatin, jatrorrhizin, decarin, iwamid)
- Các flavonoid
- Steroid
- Polysacharid (arabinogalactan).
Tác dụng, công dụng
Dây đau xương có tác dụng gì?
Theo Y học cổ truyền, cây dây đau xương có tính mát, vị đắng, quy kinh can; có tác dụng khu phong trừ thấp, thư cân hoạt lạc. Dây đau xương chữa bệnh gì? Loại dược liệu này được dùng trong phạm vi Đông y và dân gian để:
- Chữa những triệu chứng của bệnh tê thấp, đau nhức xương khớp, bong gân, sai khớp
- Dùng làm thuốc bổ, trị suy nhược
- Trị rắn cắn
- Trị thận hư gây đau lưng, mỏi gối
- Trị khó tiêu
- Trị sốt, vàng da
- Trị loét
- Trị viêm phế quản
- Trị bệnh gan
- Trị bệnh ngoài da (tổ đỉa)
- Trị bệnh tiết niệu.
Các tác dụng dược lý theo Y học hiện đại của dây đau xương vẫn đang được nghiên cứu thêm. Hiện đã cập nhật các thông tin sau đây:
- Ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn của acetylcholin và histamin trên thí nghiệm ruột cô lập.
- Trên động vật có tác động tới huyết áp, ức chế thần kinh trung ương, tác dụng hiệp đồng với thuốc ngủ, an thần, lợi tiểu.
- Chiết xuất methanol của thân cây có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan trên chuột mắc bệnh tiểu đường.
- Các Alkaloid trong chiết xuất h-hexan của rễ cây có tác dụng chống ung thư đặc hiệu đối với các tế bào ung thư ruột kết.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của dây đau xương là bao nhiêu?
- Liều dùng dạng sắc nước là 10-12g, phối hợp với các dược liệu khác.
- Cách dùng là thuốc uống hoặc xoa bóp bên ngoài da. Dân gian cho rằng thân cây có tác dụng mạnh hơn lá.
Một số bài thuốc có dây đau xương
Dây đau xương được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Bài thuốc trị đau nhức xương khớp (Đỗ Tất Lợi)
- Lá đem giã nhỏ, trộn với rượu trắng để đắp lên những chỗ sưng đau
- Thân thái nhỏ, sao vàng, ngâm rượu với tỷ lệ 1:5, ngày uống 3 lần, mỗi lần một ly nhỏ. Phụ nữ và những người không uống được rượu thì đem sắc nước uống. Thời gian điều trị trung bình là 15 ngày.
2. Trị sai khớp, bong gân (Hải Thượng Lãn Ông)
- Nguyên liệu: Lá cây dây đau xương, hồi, quế, đinh hương, vỏ núc nác, vỏ sồi, lá canh châu, gừng tươi, mủ xương rồng bà, lá náng, lá thầu dầu tía, lá kim cang, huyết giác, củ nghệ, lá mua, hạt trấp, lá bưởi bung, hạt máu chó, lá tầm gửi trên cây khế.
- Cách làm: Giã nhỏ tất cả các nguyên liệu rồi đem sao nóng để chườm lên vùng chấn thương.
3. Trị rắn cắn (Hải Thượng Lãn Ông)
- Nguyên liệu: 20g lá cây dây đau xương, 30g lá thài lài, 20g tía tô, 50g rau sam tất cả đều còn tươi
- Cách làm: Giã nhỏ để vắt lấy nước cốt đem uống, bã đem đắp ngoài.
4. Trị thấp khớp
Bài thuốc 1:
- Nguyên liệu: Dây đau xương và củ kim cang lấy cùng một khối lượng
- Cách làm: Làm thành cao, uống ngày 6g
Bài thuốc 2:
- Nguyên liệu: Dây đau xương, hoàng lực (xuyên tiêu), độc lực (đơn châu chấu), thổ phục linh, lá lốt, bưởi bung, huyết giác, tầm xuân, kê huyết đằng, hoàng nàn chế, ngưu tất
- Cách làm: Tương tự làm thành cao dùng uống.
5. Trị thận yếu gây đau lưng, mỏi gối
- Nguyên liệu: 12g dây đau xương, 20g cẩu tích, 20g củ mài, 16g đỗ trọng, 16g tỳ giải, 16g cốt toái bổ, 12g thỏ ty tử, 12g rễ cỏ xước
- Cách làm: Sắc nước hoặc ngâm rượu uống.
Lưu ý, thận trọng khi dùng
Khi dùng dây đau xương, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng dược liệu này một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên:
- Tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín.
- Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
- Thận trọng khi dùng cho người thể trạng hàn.
Mức độ an toàn của dây đau xương
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng dây đau xương trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với dây đau xương
Cây này có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
[embed-health-tool-bmi]