backup og meta

Đào nhân

Đào nhân

Tên thường gọi: Đào nhân (nhân hạt của quả cây đào)

Tên khoa học: Prunus persica Stokes.

Họ: Hoa hồng (Rosaceae)

Tổng quan về dược liệu đào nhân

Tìm hiểu chung

Cây đào là một cây nhỏ, cao chừng 3–4m, thân cây nhẵn. Trên thân thường có chất nhầy đùn ra gọi là nhựa đào. Lá mọc so le, hình mác, có cuống ngắn, khi vò ra có mùi hạnh nhân. Hoa mọc riêng lẻ, màu hồng nhạt, dày đặc ở cành trước khi cây ra lá.

Quả đào gần giống như hình cầu, có một rãnh bên khá rõ chạy dọc theo thân quả. Bên ngoài quả phủ đầy lông tơ mịn, khi chín có màu vàng lục nhạt, đôi khi có đốm đỏ. Hạt có hình trứng hơi dẹt, đầu nhọn sắc, cứng, có nhiều rãnh sâu, không đều nhau, màu đỏ nâu.

Mùa hoa vào tháng 1–3, mùa quả vào tháng 6–8.

Bộ phận dùng

Đào nhân chính là nhân hạt của quả đào (semen persicae). Khi quả chín, người ra lấy nhân hạt bằng cách đập vỡ vỏ rồi đem phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Nhân hạt có hình bầu dục dẹt, phẳng, vỏ ngoài mỏng màu nâu đỏ hoặc nâu vàng, có các nếp nhăn dọc. Khi dùng có thể để nguyên vỏ lụa và đầu nhọn, giã giập, dùng sống hoặc ngâm nước nóng cho tróc vỏ, bỏ đầu nhọn, sao vàng, giã giập.

Thành phần hóa học trong đào nhân

Nhân hạt chứa tới 50% dầu béo, 3,5% amygdalin, 0,4–0,7% tinh dầu, men emulsin, axit prusic, cholin. Các axit béo gồm có palmitic, arachidic, oleic, linoleic, gadoleic…

đào nhân

Tác dụng, công dụng

Công dụng của dược liệu đào nhân là gì?

Đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, quy vào các kinh tâm, can, đại tràng, có tác dụng phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường.

Ngoài công dụng chữa ho, dược liệu này còn dùng làm thuốc điều kinh, cầm máu sau khi sinh. Đã có nghiên cứu cho thấy dược liệu này được dùng thay cho ergotin để làm co tử cung, tác dụng trên mạch máu của tử cung làm đông máu.

Theo ghi nhận, dược liệu này đã được sử dụng để chữa bế kinh, phong tỳ, ứ huyết sưng đau, tiêu thũng ở bụng dưới, thông kinh nguyệt, sát trùng. Ngoài ra, chúng còn chữa ho, hen suyễn, khó thở.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của đào nhân là bao nhiêu?

Đào nhân khi dùng có thể để nguyên vỏ lụa và đầu nhọn, giã giập rồi dùng sống sẽ có tác dụng phá huyết. Nếu đem ngâm nước nóng cho tróc vỏ lụa, cắt bỏ đầu nhọn, sao vàng sẽ dùng để hoạt huyết.

Liều dùng thường từ 4,5–9g dưới dạng thuốc sắc uống.

Một số bài thuốc

Dược liệu đào nhân có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng

Đào nhân, hồng hoa, ngưu tất, tô mộc, mần tưới, nghệ vàng. Mỗi vị lấy 6–8g, đem sắc nước uống.

2. Chữa máu vón thành cục không tan trong bụng

Đào nhân (bỏ vỏ), hồng hoa, tô mộc, mỗi vị 3g; thanh bì 2,5g, ô dược 1g, độc hoạt 2g, bạch tật lê (bỏ gai) 3,5g. Tất cả đem đi sắc lấy nước uống trong ngày.

3. Chữa bế kinh, ứ huyết đau kinh

Đào nhân 6g, đương quy 10g, xích thược 10g, xuyên khung 3g, hồng hoa 5g. Tất cả đem đi sắc nước, chia làm nhiều lần uống trong ngày.

4. Nhuận tràng thông tiện, trị táo bón

Đào nhân 12g, hạnh nhân 12g, hỏa ma nhân 12g, đương quy 12g, sinh địa 16g, chỉ xác 12g. Các vị thuốc này đem đi nghiền thành bột mịn, làm thành mật hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần hoặc đem sắc nước uống.

Đào nhân 20g, hạnh nhân 12g, bá tử nhân 12g, tùng tử nhân 6g, úc lý nhân 12g, trần bì 8g. Tất cả đem tán bột, trộn với mật làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 10g.

5. Thoát mủ, tiêu nhọt, trị nhọt độc ở ruột, viêm tắc ruột do cục máu đông

Đào nhân 12g, đại hoàng 12g, mẫu đơn bì 16g, đông qua tử 12g, mang tiêu 12g. Tất cả đem đi sắc uống.

Đào nhân 12g, hồng hoa 12g, đương quy 12g, đan sâm 12g, xuyên khung 12g, xích thược 12g, ngưu tất 12g, kim ngân hoa 12g, huyền sâm 12g, địa miết trùng 8g, tam lăng 8g, nga truật 12g, địa long 4g, manh trùng 4g, cam thảo sống 6g. Sắc uống.

Lưu ý, thận trọng

Khi dùng dược liệu đào nhân, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Lưu ý, phụ nữ có thai không được dùng dược liệu này.

Mức độ an toàn của đào nhân

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng dược liệu này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với đào nhân

Đào nhân có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Trang 706-707.

Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, Trang 743-747.

Phiên bản hiện tại

06/07/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Cây thù lù trị bệnh gì? Cách dùng và những lưu ý

10 loại thuốc nhuận tràng dễ kiếm từ thiên nhiên


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 06/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo