backup og meta

Củ địa liền có tác dụng gì cho sức khỏe?

Củ địa liền có tác dụng gì cho sức khỏe?

Từ lâu, củ địa liền được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền và có một vài tác dụng cũng đã được chứng minh bởi các nghiên cứu hiện đại. Vậy, củ địa liền có tác dụng gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu!

Tên thường gọi: Địa liền

Tên gọi khác: Sa khương, thiền liền, lương khương, sơn nại hoặc tam nại

Tên khoa học: Kaempferia galanga L.

Họ: Gừng

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây địa liền

  • Thân thảo, lâu năm, rễ phình thành củ.  
  • Mỗi cây có khoảng 2-3 lá đơn mọc xòe ra ở trên mặt đất. Lá có bẹ, hình bầu dục, ngọn lá nhọn, gốc thuôn. Phiến lá rộng từ 6-7cm, dài từ 8-10cm. Mép lá nguyên, hơi gợn sóng, viền màu trắng hoặc đỏ tía, gân lá song song, cong về phía ngọn lá, gân giữa to, lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới.. Mặt trên màu xanh lục đậm, mặt dưới lá màu trắng xanh có lông dài mịn.
  • Cụm hoa mọc ở thân rễ rồi đi qua ống tạo bởi các bẹ lá, không cuống. Cụm hoa mang nhiều hoa nhưng thường mỗi lần chỉ có 1 hoa nở. Hoa to, không cuống, không đều, lưỡng tính, cánh hoa màu trắng, dính nhau bên dưới thành một ống hẹp, dài, trên chia thành 3 phiến mỏng, không đều, dạng dải, đầu nhọn uốn cong ra phía ngoài, hai mép thường cuộn vào phía trong, có nhiều gân dọc.
  • Thân rễ phình lên thành củ nhỏ hình trứng (đường kính khoảng 2-3cm), nhiều củ mọc liên tiếp cạnh nhau, mùi thơm và cay. Vỏ ngoài củ có màu nâu vàng, nhiều xơ màu trắng. 

Bộ phận dùng của địa liền

Củ của cây địa liền là bộ phận được sử dụng để làm thuốc. Thời gian thu hái từ tháng 11 đến hết tháng 3 mỗi năm. Sau khi lấy củ về, cần rửa sạch đất cát, thái mỏng rồi phơi hoặc sấy khô.

Tác dụng, công dụng

Củ địa liền có tác dụng gì theo Y học cổ truyền?

Củ địa liền có tác dụng gì theo y học cổ truyền?

Theo Y học cổ truyền, củ địa liền có vị cay, tính ấm, quy kinh vào tỳ và vị. Công dụng của củ địa liền là tán hàn, trừ thấp, hành khí, ôn trung, kiện tỳ vị. Vì vậy, loại dược liệu này được dùng để chữa các bệnh:

  • Tê thấp, đau nhức xương khớp (tác dụng của củ địa liền ngâm rượu)
  • Nhức đầu, tăng huyết áp
  • Long đờm, giảm ho, giảm đau răng và đau họng
  • Lạnh và đau phần ngực, bụng
  • Tiêu hóa kém
  • Tiêu chảy
  • Hắc loạn
  • Đau dạ dày
  • Ho gà…

Ngoài ra, cây địa liền còn làm thực phẩm hoặc dùng nước chiết từ củ chữa chứng hôi miệng, làm cao dán trị nhức mỏi, dùng tinh dầu từ củ để tạo mùi thơm cho tóc, hương vị cho rượu của Pháp và cũng được sử dụng trong một số loại thuốc lá.

Củ địa liền có ăn được không? Câu trả lời là có. Nhiều nơi dùng củ này để muối chua ăn như dưa muối.

Củ địa liền có thành phần và tác dụng gì theo nghiên cứu hiện đại?

Thành phần hóa học được tìm thấy trong củ địa liền là tinh dầu, với các hợp chất chính là aldehyd cinamic, cinamat etyl, p-metoxycinamat etyl, kaempferol, kaepferid-4’-metyl este, 1,8-cineol, pentadecan, bocneola metyl, xineola. Bên cạnh đó, củ địa liền có chứa protein, chất xơ và flavonoid, diallheptanoid, terpenoid, phenolics, axit béo, este,… cùng lượng lớn các khoáng chất thiết yếu (kali, phốt pho, magiê, sắt, mangan, kẽm, coban, niken).

Nhiều nghiên cứu khoa học đã ghi nhận tác dụng của củ địa liền bao gồm:

  • Nghiên cứu của PGS.TS. Lê Minh Hà và cộng sự: Địa liền có tác dụng kháng viêm, giảm đau.
  • Một vài nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất cồn của Kaempferia galanga L. làm giảm nồng độ glucose, cải thiện các thông số lipid ở chuột mắc bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học khác đã ghi nhận hiệu quả của chiết xuất củ địa liền trong việc:

  • Chống viêm, chống oxy hóa
  • Kháng khuẩn và ức chế được Helicobacter pylori trong ống nghiệm
  • An thần
  • Giãn mạch
  • Chống tạo mạch và khối u
  • Hỗ trợ bệnh tiểu đường và rối loạn mỡ máu

Liều dùng

Liều dùng thông thường của địa liền là bao nhiêu?

Củ địa liền được sử dụng với nhiều dạng chế biến như thuốc sắc, tán bột, hoàn viên hay ngâm rượu. Khi dùng để uống, liều lượng tối đa là 3-6g mỗi ngày. Khi dùng xoa bóp hoặc chữa đau răng thì không kể liều lượng.

Một số bài thuốc có địa liền

Củ địa liền có tác dụng gì và các bài thuốc

Địa liền được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Trị cảm, sốt, đau đầu

Củ địa liền 5g, cát căn 10g, bạch chỉ 5g đem nghiền mịn, viên thành viên uống.

2. Trị lạnh và đau ngực, bụng, tiêu hóa kém

  • Bài thuốc 1: Củ địa liền 4-8g, sắc uống hoặc tán bột uống
  • Bài thuốc 2: Củ địa liền, đinh hương, đương quy, cam thảo cùng một lượng, tán thành bột, thêm hồ để viên thành viên to bằng hạt bắp. Mỗi lần uống 10 viên cùng với rượu, ngày 2-3 lần.

3. Trị ho gà

Nguyên liệu gồm có:

  • Địa liền 300g
  • Rau sam tươi 1kg
  • Lá chanh 300g
  • Tía tô 500g
  • Rau má tươi 1kg
  • Vỏ rễ cây dâu tằm đã tẩm mật ong và sao 1kg.

Đem tất cả rửa sạch, sắc cùng 12 lít nước với lửa nhỏ cho đến khi còn 4 lít thì bỏ vào bình thủy tinh kín để dùng dần, cho trẻ uống mỗi ngày từ 15-30 ml.

4. Trị khó tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh tọa

Củ địa liền 20g, quế chi 10g đem tán thành bột, mỗi lần uống 2g, ngày 3 lần.

5. Trị đau răng, tê phù; đau mỏi xương khớp, tê thấp

Lấy củ địa liền ngâm với rượu từ 40-50 độ, sau 5-7 ngày là có thể lấy ra dùng. Tác dụng của địa liền ngâm rượu là dùng uống hoặc xoa bóp ngoài để điều trị đau nhức. Nếu là đau răng, bạn dùng rượu địa liền ngậm trong miệng vài phút rồi nhổ đi.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng địa liền, bạn nên lưu ý những gì?

Đừng chỉ quan tâm đến củ địa liền có tác dụng gì, bạn cần ghi nhớ thêm những lưu ý khi sử dụng loại dược liệu này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đó là:

  • Những bài thuốc kể trên chỉ là kinh nghiệm dân gian, chưa được kiểm chứng khoa học. Vì vậy, bạn luôn phải hỏi ý kiến của bác sĩ,  thầy thuốc trước khi áp dụng.
  • Củ địa liền không chứa kim loại độc, nhưng nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Bạn không nên lạm dụng trong thời gian dài với liều lượng lớn. 
  • Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Dù củ địa liền có tác dụng gì thì người âm hư, nóng rát dạ dày, thiếu máu cũng không nên dùng.

Mức độ an toàn của địa liền

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng địa liền trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với địa liền

Địa liền có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ củ địa liền có tác dụng gì và những bài thuốc chữa bệnh từ loại dược liệu này. Bạn có thể ăn củ địa liền, dùng củ địa liền làm gia vị nhưng nếu để làm thuốc thì nên hỏi ý kiến người có chuyên môn trước khi áp dụng.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Loài Kaempferia galanga L.(Cây Địa Liền) http://uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=node/367 Ngày truy cập: 06/03/2024

Aromatic ginger (Kaempferia galanga L.) extracts with ameliorative and protective potential as a functional food, beyond its flavor and nutritional benefits https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6579851/ Ngày truy cập: 06/03/2024

Cây địa liền https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/cay-dia-lien Ngày truy cập: 06/03/2024

Địa Liền – Đặc Điểm, Tác Dụng Của Cây Thuốc Quý https://www.dongyvietnam.org/duoc-lieu/dia-lien Ngày truy cập: 06/03/2024

Kaempferia galanga root https://go.drugbank.com/drugs/DB14288 Ngày truy cập: 06/03/2024

Phiên bản hiện tại

25/03/2024

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Uống nước cỏ mực (nhọ nồi) có tác dụng gì, trị bệnh gì?

Đương quy


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 25/03/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo