Cây cỏ xước là một loại thảo dược thường dùng trong các bài thuốc dân gian, chữa bệnh rất tốt, nhất là các bệnh liên quan đến xương khớp. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về tác dụng của cây cỏ xước, cách dùng và những lưu ý khi dùng cây thuốc này nhé!
Tổng quan
Đặc điểm của cây cỏ xước
Cây cỏ xước là một loại thực vật thân thảo, thân mảnh và hơi vuông, sống nhiều năm, có tên khoa học là Achyranthes aspera L., thuộc họ rau dền (Amaranthaceae). Người ta thường nhầm lẫn chúng với ngưu tất (có tên khoa học là Achyranthes bidentata Blume.). Cây cỏ xước cũng có tên gọi khác là ngưu tất nam.
Đặc điểm nhận diện cây cỏ xước như sau:
- Chiều cao từ 1-2 mét, phân nhiều nhánh.
- Lá mọc đối, nhọn ở đầu, bề ngang khoảng 2–4 cm, dài từ 5-12 cm; phiến hình trứng; cuống nhỏ
- Hoa mọc thành cụm ở kẽ lá hoặc đầu cành.
- Quả hình bầu dục, chứa 1 hạt duy nhất hình trụ.
- Rễ màu vàng, rễ chính hình trụ dài phình to thành củ, nhiều rễ con xung quanh.
Cây cỏ xước có mấy loại?
Hiện nay người ta dựa trên đặc điểm hình thái, cây cỏ xước được phân loại thành 4 dạng khác nhau, bao gồm:
- Cỏ xước Ấn Độ
- Cỏ xước lông trắng
- Cỏ xước xù xì
- Cỏ xước màu xám đỏ
Trong đó, ở nước ta đa phần loại cỏ xước lông trắng với đặc tính dược lý cao, thường được thu hái về làm thuốc.
Bộ phận dùng của cây cỏ xước
Toàn thân cây cỏ xước đều được dùng làm thuốc, nhiều nhất là phần rễ.
Để lấy rễ cỏ xước làm thuốc, bạn nên thu hoạch vào mùa đông vì lúc này thân và cây héo khô, dưỡng chất tập trung về phần rễ. Dược liệu mang về được làm sạch, phơi đến khi vỏ ngoài nhăn lại rồi hun khói vài lần với lưu huỳnh. Cuối cùng, bạn cắt bỏ phần đầu nhọn của rễ và thái lát mỏng, phơi khô.
Thành phần hóa học trong cây cỏ xước
Các thành phần hoá học đã được phát hiện trong cây cỏ xước bao gồm:
- Amino axit
- Arginine
- Glucozơ
- Polysaccharide
- Protid
- Nước
- Chất xơ
- Muối kali
- Sắt
- Đồng
- Vitamin C
- Carotene
- Saponin triterpenoid
- Alkaloid.
- Acid oleanolic
- Chất tro
Tác dụng, công dụng
Theo y học cổ truyền, cây cỏ xước có những công dụng gì?
Theo y học cổ truyền, cây cỏ xước có vị đắng chua, tính mát: quy vào kinh can, thận. Công dụng là:
- Bổ can thận, mạnh gân cốt
- Thanh nhiệt
- Giảm đau
- Lợi tiểu
- Hoạt huyết
Được ứng dụng trong điều trị: viêm gan, nhiễm trùng thận, ổn định huyết áp và giảm Cholesterol, giảm sốt, hỗ trợ điều trị gout, điều kinh, rối loạn kinh nguyệt…
Theo dược lý hiện đại, cây cỏ xước có tác dụng gì?
Theo một số nghiên cứu dược lý hiện đại, cây cỏ xước cũng đã chứng nhiều tác dụng chữa bệnh, điển hình như:
- Dịch chiết cồn cây cỏ xước có khả năng tăng co bóp cơ tim ếch và các động vật nhỏ, làm giãn mạch hạ áp. Saponin làm co cơ tử cung trong thử nghiệm trên ếch
- Kích thích tiểu tiện, giảm đường huyết, giảm cholesterol máu, tăng cường chức năng gan.
- Kích thích co bóp cơ trơn tử cung, có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh sản.
- Tác dụng kháng sinh, chống viêm, nhiễm, kháng khuẩn, kháng nấm.
- Giảm đau, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, chống oxi hóa, ngừa ung thư.
- Thử nghiệm trên chuột lớn cho thấy cỏ xước làm kháng đông máu, giảm độ nhớt của máu.
Ngoài ra, hoạt chất Ecdysterone trong cỏ xước còn thể hiện rõ đặc tính giảm đường huyết và cải thiện mỡ trong máu, gây sẩy thai.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của cây cỏ xước là bao nhiêu?
Liều dùng cây cỏ xước mỗi ngày khoảng 12 – 20g, ở dạng thuốc sắc hoặc giã đắp ngoài da.
Một số bài thuốc có cây cỏ xước
Cây cỏ xước được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
Chữa bầm máu, máu ứ bên trong do té ngã, nhức mỏi tay chân
Lấy 100g cỏ xước, 30g sâm đại hành, 50g dứa dại ngâm chung với rượu trắng cao độ ít nhất 30 ngày. Sau đó mỗi lần uống 15ml, uống 2 lần trong ngày.
Điều trị bệnh viêm gan, nhiễm trùng thận
Lấy 30g cây cỏ xước, các vị rễ cỏ tranh, xa tiền, mộc thông, phất dũ, lá móng tay, trọng đài mỗi vị 15g. Sắc chia làm 3 lần uống trong ngày, uống khi còn ấm.
Điều trị tình trạng bốc hỏa gây ra các chứng: rối loạn tiền đình, đau đầu, chóng mặt, huyết áp tăng cao, táo bón
Lấy 30g cây cỏ xước, 20g hạt muồng. Hạt muồng thì bạn đem sao vàng rồi sắc chung với cây cỏ xước uống mỗi ngày 1 thang.
Hạ cholesterol và triglycerid trong máu
Chuẩn bị khoảng 12g cây cỏ xước, thái mỏng rồi cho vào ấm hãm như trà để uống.
Điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp
Rễ cỏ xước 20g (sao với rượu), tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) 16g, vân quy, tần giao quế chi, bạch thược, phòng đảng sâm, độc hoạt, sâm nam mỗi vị 12g, tế tân 6g. Đem toàn bộ nguyên liệu sắc uống liên tục trong khoảng 1 tuần sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.
Giảm đau lưng, mỏi gối, làm mạnh gân cốt và cường dương, chữa bệnh phong thấp
Lấy cỏ xước, đỗ trọng, đương quy, sinh địa, tiên linh tỳ, tỳ giải, ý dĩ nhân mỗi vị 30g; đan sâm, kim anh, phụ tử, phòng phong, sơn thù, thạch hộc mỗi vị 15g Giã nát toàn bộ nguyên liệu, bọc trong túi vải rồi ngâm với 3 lít rượu trong 7-9 ngày thì đem ra uống, mỗi ngày uống 2 ly nhỏ.
Điều trị bệnh gout
Cây cỏ xước có tác dụng gì? Cỏ xước trị bệnh gout được nhiều người biết đến. Bạn lấy cỏ xước phối hợp với lá tất bát (tiêu lốt), rễ cây cẩu trùng vĩ (vòi voi) và rễ bưởi bung (cây cơm rượu) mỗi vị 15g. Thái mỏng thuốc rồi cho vào chảo sao vàng. Sau đó sắc với 4 bát nước còn 2, chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng thuốc tối đa 10 ngày. Người bệnh có thể đi tái khám lại nếu bệnh chưa thuyên giảm.
Điều trị rối loạn kinh nguyệt, bệnh huyết hư ở phụ nữ
Lấy 20g rễ cỏ xước, củ gấu (hương phụ), nghệ xanh (nga truật), mỗi vị 16g, rễ gai 30g. Sắc thuốc ngày 1 thang chia uống vào buổi sáng, trưa. Dùng liên tục 10 ngày. Lưu ý: Phụ nữ mang thai nên tránh dùng bài thuốc này.
Điều trị thận suy, vàng da, tứ chi phù thũng
Cây cúc bách nhật, xa tiền, cỏ mực, cây cỏ xước (sao) mỗi vị 30g. Uống ngày 1 thang theo dạng thuốc sắc.
Chữa tắc kinh hoặc bế kinh ở phụ nữ
Dùng 1 thang thuốc gồm 10g cỏ xước và 10g cây sung úy (ích mẫu). Mỗi thang sắc làm 3 lần uống trong ngày.
Điều trị sổ mũi trong các trường hợp bị viêm mũi dị ứng
Dùng quỷ trâm thảo (đơn buốt), lá diễn mỗi loại 20g, rễ cỏ xước 30g. Sắc toàn bộ vị thuốc với 400ml nước cho đến khi cạn còn 100ml. Chia làm 2 lần uống hết trong ngày, uống khi thuốc còn ấm. Liệu trình uống liên tục khoảng 5 ngày rồi ngưng.
Trị mụn và làm đẹp da
Cây cỏ xước bạn đem rửa sạch với nước muối, băm nhỏ giã nát lấy nước cốt. Dùng nước cốt cỏ xước thoa lên da, nhất là nơi có mụn mỗi tuần 2 lần, mỗi lần đắp 30 phút.
Chữa nóng sốt, chảy nước mũi
Lấy 30g cỏ xước và 30g đơn buốt, sắc kỹ rồi gạn lấy nước. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa trị bệnh quai bị
Lấy cây cỏ xước giã thành nước cốt để súc miệng và uống. Phần bã thì đắp bên ngoài chỗ bị sưng đau do quai bị.
Lưu ý, thận trọng khi dùng
Khi dùng cây cỏ xước, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng cây cỏ xước một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Một số người có thể bị dị ứng với thành phần của cây cỏ xước, dẫn đến những triệu chứng như:
- Nổi mẩn, ngứa da.
- Tức ngực, khó thở.
- Buồn nôn.
- Choáng váng, trong người bứt rứt khó chịu,…
- Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của cây cỏ xước
Không dùng cây cỏ xước cho những đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ hành kinh ra máu nhiều
- Nam giới đang bị di tinh, mộng tinh
- Người bệnh dạ dày, đường tiêu hoá nên thận trọng vì dùng cây cỏ xước có thể gây tiêu chảy, đau bụng.
Tương tác có thể xảy ra với cây cỏ xước
Cây cỏ xước có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Lưu ý không kết hợp cây cỏ xước với huỳnh hoả, bạch tiền, quy giáp và lục anh.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây cỏ xước, Hello Bacsi hi vọng qua đây có thể giải đáp cho bạn câu hỏi cây cỏ xước có tác dụng gì và cách dùng cây cỏ xước trong các bài thuốc chữa bệnh. Lưu ý rằng dù cỏ xước lành tính nhưng hãy tham khảo bác sĩ và dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại dược liệu nào, nhất là khi đang điều trị bệnh nhé!
[embed-health-tool-bmi]