backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bìm bìm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 23/12/2020

Bìm bìm

Tên thường gọi: Bìm bìm

Tên nước ngoài: Bindweed, morning glory, railway creeper

Tên khoa học: Impomoea cairica (L.) Sweet; Ipomoea palmata Forsk.

Họ: Bìm bìm (Convolvulaceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung

Bìm bìm là một loài cây dây leo bằng thân quấn. Thành cành mảnh, nhẵn. Lá mọc so le, chia thành 5 thùy hình chân vịt, phiến rất mỏng, hình mác, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, gân nổi rõ, cuống lá dài 2–5cm, có hai lá nhỏ kèm theo do chồi nách sinh ra. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hoa to hình phễu, màu trắng hay lam tím. Quả nang, hình cầu. Mùa hoa quả vào tháng 5–9.

Ở Việt Nam, loài cây này thường thấy ở các tỉnh vùng núi thấp, trung du và cả ở đồng bằng. Cây còn được trồng ở bờ rào hay cho leo lên giàn để che nắng ở trước nhà và làm cảnh.

Đây là loài cây ưa ẩm, ưa sáng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm. Cây có khả năng đẻ nhánh khỏe từ các chồi ở kẽ lá. Mùa hoa quả kéo dài từ 4–5 tháng.

Bộ phận dùng

Sử dụng toàn cây, thu hái quanh năm. Sau khi thu hoạch, rửa sạch, cắt ngắn rồi dùng tươi hay phơi khô đều được.

Thành phần hóa học

Hạt cây chứa một hợp chất glucosid có màu vàng nhạt tương tự như chất, muricatin A. Chất này có tác dụng tẩy mạnh.

Lá cây có chứa một glucoprotein chứa 2 isoenzym giống nhau về khối lượng phân tử nhưng khác nhau về tính chất điện ly bề mặt. Thành phần axit amin của các enzym này không chứa methionin.

Tác dụng, công dụng

Bìm bìm có tác dụng và công dụng gì?

hạt bìm bìm

Hạt cây có tác dụng gây tẩy xổ do hoạt chất muricatin A. Các thành phần khác cũng tham gia vào tác dụng này nhưng không phải dầu béo. Ngoài ra, còn có tài liệu chứng minh rằng cây thuốc này có tính kháng khuẩn.

Theo y học cổ truyền, dược liệu này có vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh can, phế, thận, bàng quang. Nó có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông lâm, giải độc.

Ở Việt Nam, vị thuốc này được dùng phổ biến theo kinh nghiệm dân gian để làm thuốc chữa tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ít, phù thũng. Ở Trung Quốc, nó được dùng làm thuốc chữa ho, phế nhiệt, tiểu tiện không thông, tiểu tiện ra máu, mụn nhọt…

Liều dùng

Liều dùng có thể khác nhau tùy theo từng đối tượng. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Liều dùng thông thường của bìm bìm là bao nhiêu?

Có thể dùng 3–9g dược liệu khô (hoặc 15–30g cây tươi).

Một số bài thuốc dân gian

Bìm bìm có mặt trong những bài thuốc nào?

1. Chữa phù thũng (bụng to, da xanh, nặng mặt, nể mặt, ăn kém, phân lỏng):

Dùng lá non nấu canh với cá quả hoặc cá diếc, ăn hàng ngày cho đến khi tiểu được nhiều. Trong quá trình dùng thuốc nên kiêng ăn mặn.

2. Chữa phụ nữ sau khi sinh bị sưng mặt, nặng chân, da bủng, tiểu ít:

Lá bìm bìm 50g, bèo cái (bỏ rễ) 50g, lá dâu 50g, ích mẫu 50g, lá sen 2 cái, đỗ đen 1 chén nhỏ. Tất cả sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Dùng liên tục trong vòng 10–15 ngày, kiêng ăn mặn.

3. Chữa tiểu rắt, tiểu buốt:

Lá bìm bìm và lá mành cộng với lượng 50g mỗi loại. Sắc nước uống.

4. Chữa mụn nhọt:

Dùng cây tươi 15–30g, sắc nước uống. Đồng thời, bạn có thể dùng loài cây này với lượng vừa đủ, giã nát đắp tại chỗ.

Lưu ý, thận trọng

Khi sử dụng bìm bìm, bạn nên lưu ý những gì?

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn

Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng vị thuốc này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra

Bìm bìm có thể xảy ra tương tác với một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến từ bác sĩ và thầy thuốc trước khi dùng bất kỳ dược liệu nào.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 23/12/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo