Khi bị dị ứng, để giảm nhẹ triệu chứng, chúng ta thường dùng đến thuốc kháng histamin (thuốc antihistamine) đầu tiên. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin có nhiều tác dụng phụ và việc dùng thuốc điều trị dị ứng một cách tùy tiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, bạn hãy cẩn trọng khi dùng loại thuốc này để điều trị dị ứng.
Hiện nay, thuốc điều trị dị ứng có rất nhiều loại như thuốc steroid và thuốc tiêm dị ứng, nhưng thuốc antihistamine là loại thường được mọi người chọn mua tại nhà thuốc dù chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng các thuốc histamin này để điều trị dị ứng có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các thông tin chi tiết về loại thuốc này nhé.
Thuốc antihistamine điều trị dị ứng bằng cách nào?
Thuốc kháng histamin là gì (antihistamine là gì) hay histamin là gì? Thuốc kháng histamin có tác dụng gì? Mời bạn cùng tìm hiểu những thông tin dưới đây.
Histamin là một trong những chất trung gian giữ vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng. Trong cơ thể, histamin có sẵn trong các mô như: da, phổi, niêm mạc miệng, dạ dày. Khi cơ thể bị dị ứng, các tác nhân gây dị ứng sẽ kích hoạt cơ thể giải phóng ra histamin, gây ra những phản ứng dị ứng như phát ban, đỏ da, phù nề, khó thở, ngứa, ho, buồn nôn… thậm chí là sốc phản vệ. Khi đó, để làm dịu triệu chứng, giảm cảm giác khó chịu, chúng ta thường sẽ sử dụng các thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, các thuốc kháng histamin này có thể không có tác dụng lên tất cả các triệu chứng.
Một số dạng dị ứng mà thuốc kháng histamin có khả năng khống chế triệu chứng là dị ứng theo mùa (sốt cỏ khô), dị ứng với các tác nhân trong nhà và dị ứng thực phẩm. Để điều trị nghẹt mũi do dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc thông mũi hoặc một số loại thuốc có kết hợp thuốc kháng histamine và cả thuốc thông mũi.
Các loại thuốc kháng histamin
các loại thuốc kháng histamin trị dị ứng bao gồm những loại nào?
Thuốc kháng histamin có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên nén, viên nang, chất lỏng, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt. Một số chỉ bán theo toa bác sĩ. Những loại khác bạn có thể mua không cần toa tại nhà thuốc địa phương.
Các thuốc kháng histamin theo toa bao gồm:
- Thuốc nhỏ mắt azelastine
- Thuốc xịt mũi azelastine
- Carbinoxamine
- Cyproheptadine
- Desloratadine
- Thuốc nhỏ mắt emedastine
- Hydroxyzine
- Thuốc nhỏ mắt levocabastine
- Levocabastine dạng uống.
Các loại thuốc kháng histamin không kê toa bao gồm:
- Brompheniramine
- Cetirizine
- Clorpheniramin
- Clemastine
- Diphenhydramine
- Fexofenadine
- Loratadine
Các tác dụng phụ của thuốc kháng histamin
Nhiều người thường thắc mắc các tác dụng phụ của thuốc kháng histamin là gì, những ai có nguy cơ gặp phải? Theo các chuyên gia, người lớn tuổi có xu hướng bị tác dụng phụ của thuốc kháng histamin nhiều hơn, đặc biệt cảm giác buồn ngủ. Thuốc kháng histamin thế hệ mới có ít tác dụng phụ hơn, do đó chúng có thể là lựa chọn tốt hơn cho một số người.
Một số tác dụng phụ chủ yếu của thuốc kháng chống dị ứng bao gồm:
- Khô miệng
- Buồn ngủ
- Chóng mặt
- Buồn nôn và nôn
- Bồn chồn hoặc ủ rũ (ở một số trẻ)
- Khó đi tiểu hoặc bí tiểu
- Mắt mờ
- Thiếu minh mẫn.
Nếu bạn bị buồn ngủ khi uống thuốc antihistamin, hãy uống thuốc trước khi đi ngủ. Không uống thuốc này vào ban ngày trước khi bạn lái xe hoặc vận hành máy móc.
Bạn nên đọc thông tin hướng dẫn trước khi uống bất kỳ một loại thuốc chống dị ứng nào. Các thuốc kháng histamin có thể tương tác với các thuốc khác mà bạn đang dùng.
Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn mắc những bệnh lý như phì đại tiền liệt tuyến, bệnh tim, huyết áp cao, các vấn đề về tuyến giáp, bệnh thận hoặc gan, tắc nghẽn bàng quang hay bệnh tăng nhãn áp. Ngoài ra, nếu đang mang thai hoặc cho con bú, bạn cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về thuốc antihistamine, cũng như nắm được những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamine.