Penicillin là một loại kháng sinh phổ biến, đã được chứng minh về độ an toàn và hiệu quả trong việc điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau. Mặc dù vậy, đôi khi thuốc kháng sinh penicillin vẫn có thể dẫn đến một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng, gây đe dọa đến tính mạng người dùng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vậy, làm sao để biết mình bị dị ứng thuốc? Bị dị ứng thuốc kháng sinh penicillin phải làm sao? Đừng bỏ lỡ những thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Tìm hiểu chung
Dị ứng penicillin là gì?
Dị ứng penicillin xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng thái quá với loại kháng này. Theo nghiên cứu, đây là dạng dị ứng thuốc thường gặp nhất.
Dị ứng penicillin có nguy hiểm không?
Thực tế, chỉ có khoảng 10% trường hợp người bệnh thật sự bị dị ứng với thuốc kháng sinh penicillin. Bên cạnh đó, tình trạng này thường giảm dần theo thời gian, kể cả khi bạn có tiền sử phản ứng nghiêm trọng với thuốc như sốc phản vệ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đánh giá cao mức độ nguy hiểm của tình trạng này do nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng penicillin là gì?
Các triệu chứng phổ biến của dị ứng penicillin là:
- Ho, thở khò khè và khó thở
- Sốt
- Phát ban (mụn đỏ trên da, có thể bị ngứa)
- Ngứa mắt và chảy nước mắt
- Ngứa ở các bộ phận khác nhau
- Chảy nước mũi
- Da sưng tấy, thường xung quanh mặt
- Họng căng tức
Trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn có thể bị sốc phản vệ với những biểu hiện như:
- Đau bụng
- Hô hấp khó khăn
- Tiêu chảy
- Chóng mặt, mê sảng hoặc ngất xỉu
- Co giật
- Họng hoặc lưỡi phồng lên
- Tức ngực
- Nôn hoặc buồn nôn
Ngoài ra, đôi khi người bệnh còn có thể bắt gặp một số dấu hiệu dị ứng thuốc kháng sinh ít gặp như:
- Đau các khớp
- Sưng phù
- Phát ban
- Rất buồn nôn
- Rất mệt mỏi
- Sốt
- Cảm thấy không tỉnh táo
- Tim lỗi nhịp
- Có máu trong nước tiểu
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên, đặc biệt là triệu chứng sốc phản vệ, hãy lập tức đến bệnh viện. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án điều trị thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra dị ứng penicillin?
Hệ miễn dịch mẫn cảm với penicillin là nguyên nhân chủ yếu của loại dị ứng thuốc kháng sinh này. Khi đó, cơ thể sẽ xem thuốc là tác nhân gây hại và sản sinh kháng thể để chống lại penicillin, từ đó dẫn đến các phản ứng dị ứng.
Penicillin và các loại thuốc liên quan
Penicillin thuộc nhóm thuốc kháng khuẩn được gọi là beta-lactam. Ngoài penicillin, các beta-lactam khác dễ gây dị ứng là nhóm cephalosporin, bao gồm:
- Cefaclor
- Cefadroxil
- Cefazolin
- Cefdinir
- Cefotetan
- Cefprozil
- Cefuroxim
- Cephalexin
Ngoài ra, nếu đã bị dị ứng với một loại penicillin, bạn cũng sẽ có nguy cơ dị ứng với các loại penicillin khác hoặc cephalosporin, ví dụ như:
- Amoxicillin
- Ampicillin
- Dicloxacillin
- Oxacillin
- Penicillin G
- Penicillin V
- Piperacillin
- Ticarcillin
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ dị ứng thuốc kháng sinh penicillin có thể kể đến như sau:
- Tiền sử dị ứng thực phẩm hoặc viêm mũi dị ứng
- Đã từng dị ứng với các loại thuốc khác
- Yếu tố di truyền
- Dùng penicillin trong thời gian dài hoặc liều dùng quá cao
- Một số bệnh nền như nhiễm HIV hoặc virus Epstein-Barr
Chẩn đoán & điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán dị ứng penicillin?
Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và hỏi bạn các câu hỏi. Các thông tin chi tiết về sự xuất hiện các triệu chứng, thời điểm bạn uống thuốc, các triệu chứng nhẹ dần hay xấu đi là manh mối quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán.
Ngoài ra, một số thủ thuật xét nghiệm chuyên sâu cũng có thể được yêu cầu tiến hành, chẳng hạn như xét nghiệm da và thử thuốc tăng dần liều.
Bị dị ứng thuốc kháng sinh penicillin phải làm sao?
Điều trị các triệu chứng
Các can thiệp sau đây có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng của phản ứng dị ứng với penicillin:
- Dừng thuốc. Nếu bác sĩ xác định bạn bị dị ứng với penicillin – hoặc có khả năng bị dị ứng – ngừng thuốc là bước đầu tiên trong điều trị.
- Thuốc kháng histamin. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamin hoặc đề nghị một thuốc kháng histamin không cần toa như diphenhydramine (Benadryl) giúp ngăn chặn các hóa chất của hệ thống miễn dịch được kích hoạt trong phản ứng dị ứng.
- Corticosteroid. Corticosteroid dạng uống hoặc tiêm có thể được dùng để điều trị viêm liên quan đến các phản ứng nghiêm trọng hơn.
- Điều trị sốc phản vệ. Sốc phản vệ đòi hỏi tiêm epinephrine ngay lập tức cũng như chăm sóc tại bệnh viện để duy trì huyết áp và hỗ trợ hô hấp.
Giảm mẫn cảm vơi thuốc
Nếu không có các lựa chọn điều trị kháng sinh khác, bác sĩ có thể đề nghị cách điều trị gọi là giảm mẫn cảm với thuốc, giúp bạn có thể sử dụng penicillin để điều trị nhiễm trùng. Với phương pháp này, bạn nhận được một liều lượng rất nhỏ và sau đó tăng dần liều mỗi 15-30 phút trong quá trình vài giờ đến vài ngày. Nếu bạn có thể đạt được liều lượng mong muốn mà không có phản ứng, bạn có thể tiếp tục liệu trình điều trị.
Bạn cần được theo dõi một cách cẩn thận với phương pháp can thiệp này và bảo đảm chăm sóc hỗ trợ có sẵn để kịp thời đối phó với các phản ứng. Giảm mẫn cảm hiếm khi được sử dụng nếu bệnh nhân đã bị một phản ứng với penicillin nghiêm trọng, đe dọa tính mạng trong quá khứ.
Phòng ngừa
Đâu là cách phòng ngừa các phản ứng dị ứng penicillin xảy ra?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn tránh được dị ứng penicillin:
- Thông báo cho nhân viên y tế. Hãy chắc chắn rằng dị ứng với penicillin hoặc dị ứng các thuốc kháng sinh khác được ghi rõ trong hồ sơ bệnh án của bạn. Thông báo cho bác sĩ khác như nha sĩ hoặc các bác sĩ chuyên khoa.
- Đeo vòng. Đeo vòng cảnh báo y tế ghi rõ dị ứng thuốc bạn có. Những thông tin này giúp nhân viên y tế lựa chọn cách điều trị thích hợp trong trường hợp khẩn cấp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmr]