Bệnh vảy nến thể mảng là loại phổ biến nhất, chiếm 80% số người bị vảy nến. Bệnh thường gây tổn thương ở bề mặt da và trong một số trường hợp, người bệnh sẽ bị tổn thương ở móng và khớp. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị bệnh vảy nến thể mảng hiệu quả, việc điều trị nhằm giảm các dấu hiệu bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Người bị bệnh vảy nến thường có các vùng da sần lên, có màu đỏ cùng các mảng bám màu trắng của các tế bào da chết được gọi là vảy. Chúng thường xuất hiện trên khuỷu tay, đầu gối, da đầu, lưng… thường gây ngứa hoặc đau. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về cách điều trị bệnh vảy nến thể mảng sao cho hiệu quả và cách cải thiện triệu chứng bệnh tốt nhất.
Bệnh vảy nến thể mảng là gì? Dấu hiệu bệnh vảy nến thể mảng
Vảy nến thể mảng là bệnh đặc trưng với vùng da bị tổn thương có thể lan rộng khắp cơ thể. Vảy nến thường xuất hiện ở vùng hay bị tì đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu với các tổn thương có đường kính từ 2 – 20cm.
Triệu chứng bệnh vảy nến thể mảng rất đặc trưng và dễ dàng nhận biết. Các triệu chứng bao gồm:
- Da có các tổn thương màu đỏ, sưng viêm
- Trên bề mặt da có lớp vảy trắng bạc bao phủ
- Da có thể bị khô, nứt nẻ hoặc chảy máu
- Tình trạng ngứa ngáy diễn ra ở khoảng 50% người bị vảy nến.
Nguyên nhân bệnh vảy nến thể mảng là gì?
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể mảng cũng tương tự nguyên nhân gây ra các loại bệnh vảy nến khác, là sự rối loạn của hệ miễn dịch và những yếu tố gia tăng nguy cơ khác.
Với người khỏe mạnh, hệ miễn dịch làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể thông qua cơ chế phát hiện và tiêu diệt các yếu tố ngoại lai như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, khi bị suy yếu, hệ miễn dịch sẽ tấn công nhầm các tế bào biểu bì khiến những tế bào da phát triển nhanh gấp 10 lần so với bình thường (3 – 4 ngày so với 28 – 30 ngày như bình thường). Các tế bào da chết tích tụ trên bề mặt và gây nên tổn thương sưng, viêm đỏ và có vảy trắng dẫn tới bệnh vảy nến.
Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh vảy nến. Những yếu tố bao gồm:
- Yếu tố di truyền, tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị vảy nến thì nguy cơ bạn mắc bệnh này sẽ cao hơn những người khác. Nếu bố hoặc mẹ bị vảy nến, con sinh ra có tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 8%. Nếu cả bố và mẹ đều bị vảy nến thì 41% con sinh ra có nguy cơ mắc bệnh này.
- Stress kéo dài.
- Uống quá nhiều thức uống có cồn như rượu, bia.
- Hút thuốc lá.
- Chấn thương, trầy xước da.
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, điều trị rối loạn lưỡng cực…
Bệnh vảy nến có chữa được không?
Hiện nay, căn bệnh này chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh có thể bùng phát và thuyên giảm từng đợt. Các phương pháp điều trị bệnh là nhằm giảm triệu chứng ngứa ngáy, sưng, viêm đỏ, ngăn ngừa bệnh tái phát và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Việc sử dụng thuốc có thể là thuốc bôi ngoài da, uống hoặc kết hợp cả hai. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Thuốc bôi: Nếu bệnh vảy nến thể mảng chỉ xuất hiện một vài mảng, bác sĩ thường sẽ cho bạn sử dụng kem thoa trước. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm corticosteroid, vitamin D, A và anthralin. Bạn cũng có thể sử dụng kem bôi có các thành phần như axit salicylic, chiết xuất từ nhựa than đá, lô hội, jojoba, zinc pyrithione và capsaicin. Ngoài ra, các sản phẩm có chứa chất làm mềm da thoa sau khi tắm có thể giúp giữ ẩm cho làn da của bạn, hạn chế tình trạng ngứa ngáy, da bong tróc.
- Liệu pháp ánh sáng: Nếu tình trạng bệnh vảy nến thể mảng lan ra trên diện rộng, bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bằng tia cực tím hoặc phơi nắng dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Nếu áp dụng hình thức phơi nắng, bạn nên thoa kem chống nắng ở những vùng da không bị bệnh.
- Thuốc có tác dụng toàn thân: Nếu tình trạng bệnh vảy nến thể mảng trầm trọng, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng các loại thuốc có tác động đến hoạt động của toàn cơ thể bạn. Các loại thuốc này có tác dụng làm dịu hệ miễn dịch hoặc làm cho các tế bào da phát triển chậm lại. Tuy nhiên, việc sử dụng những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như trầm cảm, hung hăng, các vấn đề về gan hoặc nguy cơ ung thư da cao hơn. Các loại thuốc có tác dụng toàn thân có thể kể ra như acitretin, cyclosporine, methotrexate…
- Thuốc sinh học: Một số loại thuốc toàn thân khác cũng nhắm vào hệ miễn dịch để điều trị bệnh vảy nến bao gồm adlimumad, etanercept, brodalumab, guselkumab, infliximab, ixekizumab, secukinumab và ustekinumab… Các loại thuốc này thường được tiêm qua đường tĩnh mạch. Thuốc tác động đến một loại tế bào miễn dịch cụ thể hoặc giữ một số protein nhất định không gây viêm. Do đó, những loại thuốc này có thể khiến bạn gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, bạn cần thay đổi lối sống, kết hợp sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thảo dược để gia tăng hiệu quả điều trị.
Sống chung với bệnh vảy nến thể mảng
Bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, để chung sống hòa bình với căn bệnh này, bạn nên:
- Tăng cường vận động
- Ăn nhiều cá, rau xanh
- Hạn chế đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ
- Quản lý tình trạng stress tốt