backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Bác sĩ giải đáp: Bệnh vảy nến có lây không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Phạm Mỹ Tuyền · Da liễu · Clover Clinic


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 22/11/2023

Bác sĩ giải đáp: Bệnh vảy nến có lây không?

Vảy nến là bệnh mãn tính ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh vảy nến có lây không? Cách điều trị bệnh thế nào cho hiệu quả?

Bệnh vảy nến do rối loạn hệ miễn dịch và yếu tố di truyền gây ra, nên bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác. Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về bệnh vảy nến qua bài viết sau!

Bệnh vảy nến là gì? 

Vẩy nến là tình trạng tự miễn dịch gây viêm da kèm theo các triệu chứng khác như da đổi màu, ngứa đỏ, vảy bạc từng mảng và kích ứng. Đây cũng là tình trạng da mãn tính, có thể bùng phát bất ngờ và không có cách chữa trị dứt điểm.

Các thể bệnh vảy nến thường gặp:

Tùy vào vị trí và đặc điểm của vết thương trên da mà bệnh có các thể khác nhau:

  • Vảy nến móng tay: Làm đổi màu da, rỗ móng tay, móng chân.
  • Vảy nến mủ: Xuất hiện những vết sưng nhỏ chứa đầy mủ trên các mảng bám.
  • Vảy nến đảo ngược: Xuất hiện ở các nếp gấp trên da, cùng các mảng mỏng không có vảy.
  • Vảy nến thể mảng bám: Đây là bệnh vảy nến phổ biến nhất, chiếm khoảng 80-90% ở người mắc bệnh. Nó thường xuất hiện ở mặt sau cẳng tay, cẳng chân, vùng rốn và da đầu.
  • Vẩy nến da đầu: Xuất hiện trên mặt và da đầu dưới dạng các vết sưng và mảng bám có vảy màu vàng, nhờn.
  • Vảy nến thể giọt: Thường xuất hiện sau khi bị đau họng do nhiễm liên cầu khuẩn. Da nổi đốm vảy đỏ, hình giọt nước, ảnh hưởng nhiều ở trẻ em.
  • Vảy nến Erythrodermic: Là tình trạng da nghiêm trọng ảnh hưởng đến vùng da lớn (>90%), cũng như làm đổi màu da trên diện rộng.
bệnh vảy nến có lây không
Bệnh vảy nến có lây không? Không! Vảy nến không có khả năng lây nhiễm qua người khác

Bệnh vảy nến có lây không?

Câu trả lời là KHÔNG! Bệnh vảy nến không có khả năng lây sang người khác thông qua tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, bệnh vảy nến lại có tính di truyền từ bố mẹ sang con (nhưng tỷ lệ rất nhỏ). Do đó, bạn không cần lo lắng khi có các tiếp xúc như hôn, nắm tay, dùng đồ vật, quần áo chung với người bệnh.

Nguyên nhân bệnh vảy nến

Bạn có thể xem thêm những lý giải về nguyên nhân gây bệnh sau đây để hiểu tại sao vảy nến không phải là bệnh truyền nhiễm.

Hệ thống miễn dịch

Hệ miễn dịch có cơ chế phòng vệ giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, ngăn ngừa bạn nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh thì sẽ gây các bệnh tự miễn. Trong đó có bệnh vẩy nến.

Vảy nến bùng phát do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức làm tăng tốc độ phát triển của tế bào da. Các tế bào da bình thường phát triển và bong ra thường diễn ra trong một tháng. Riêng với bệnh vẩy nến, quá trình phát triển, tái tạo tế bào da chỉ diễn ra trong 3-4 ngày. Thay vì bong ra và được thay thế, các tế bào da sẽ chồng chất lên bề mặt da, tạo ra các mảng vảy nến gây ngứa, bỏng và rát.

Các mảng vảy có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, thường tập trung ở khuỷu tay, đầu gối và da đầu.

bệnh vảy nến có lây không và nguyên nhân

Yếu tố di truyền

Bạn có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn hoặc khởi phát bệnh từ sớm nếu cha mẹ từng mắc bệnh này.

Các biến chứng của bệnh vảy nến

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh vảy nến có thể gây các biến chứng khác như:

  • Thay đổi màu da tạm thời khiến giảm sắc tố sau viêm hoặc tăng sắc tố sau khi các mảng bám đã lành.
  • Viêm khớp vảy nến gây đau, cứng, sưng trong và xung quanh khớp làm giới hạn hoạt động trong sinh hoạt thường ngày. Viêm khớp vảy nến có thể diễn tiến viêm đa khớp.
  • Các bệnh tự miễn khác như bệnh celiac, xơ cứng và bệnh viêm ruột – bệnh Crohn.

Chẩn đoán bệnh

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm sinh thiết da để xác định tình trạng bệnh. Trong quy trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô da nhỏ trên mảng bám và kiểm tra nó dưới kính hiển vi để chẩn đoán chính xác nhất.

4 cách điều trị vảy nến theo y khoa

Sau khi hiểu rõ bệnh vảy nến có lây không, bạn có thể tham khảo cách điều trị bệnh vảy nến theo y khoa giúp giảm triệu chứng.

1. Điều trị bệnh vảy nến bằng thuốc

Thuốc dạng bôi ngoài da

Hầu hết bệnh vẩy nến được điều trị bằng thuốc bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Các loại thuốc thường dùng bao gồm:

  • Kem dưỡng ẩm
  • Kem thuốc mỡ cortisone
  • Kem hoặc thuốc mỡ có chứa nhựa than đá hoặc anthralin
  • Kem loại bỏ vảy như axit salicylic hoặc axit lactic
  • Dầu gội trị gàu không kê đơn hoặc theo toa
  • Thuốc kê đơn chứa dẫn xuất vitamin D hoặc vitamin A (retinoids).
  • Nếu các triệu chứng bệnh không cải thiện sau khi thoa thuốc hoặc vùng da bị tổn thương lan rộng 10% trở lên, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị khác. Lưu ý, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

    bệnh vảy nến có lây không và cách điều trị

    Điều trị bệnh vảy nến bằng thuốc dạng tiêm

    Methotrexate

    Bác sĩ có thể khuyến nghị dùng thuốc này cho những trường hợp bệnh vẩy nến nặng. Lưu ý thuốc này có thể gây ra bệnh gan. Người bệnh cần theo dõi tiến trình điều trị bằng xét nghiệm máu và sinh thiết gan định kỳ để kiểm tra sức khỏe gan.

    Cyclosporine

    Thuốc dùng để điều trị bệnh vẩy nến nặng nhưng có thể gây cao huyết áp và tổn thương thận.

    2. Liệu pháp miễn dịch

    Các loại thuốc trị liệu miễn dịch mới (thuốc sinh học và thuốc ức chế phân tử nhỏ) hoạt động bằng cách ngăn chặn hệ thống miễn dịch của cơ thể để hạn chế phản ứng tự miễn dịch.

    3. Liệu pháp ánh sáng UVB

    Đèn LED có các bước sóng làm giảm tình trạng viêm da và làm chậm quá trình sản xuất tế bào da. Vì thế, liệu pháp ánh sáng có thể được bác sĩ sử dụng để điều trị bệnh vảy nến.

    4. Quang trị liệu PUVA

    Đây là phương pháp điều trị kết hợp thuốc psoralen trước khi da tiếp xúc với tia cực tím đặc biệt.

    Cách ngăn ngừa vảy nến

    Thay vì lo ngại bệnh vảy nến có lây không, tốt nhất bạn nên có biện pháp ngăn ngừa bệnh bùng phát ngay từ ban đầu như:

    • Tắm hàng ngày: Giữ cho làn da sạch sẽ để tránh các tác nhân gây bệnh vẩy nến, cũng như giảm số lần bùng phát bệnh. Tuy nhiên, bạn tránh chà xát quá mạnh lên da trong khi tắm vì điều này có thể gây kích ứng da.
    • Tắm bột yến mạch: Bạn trộn 1 cốc 128 gam bột yến mạch vào bồn tắm nước ấm rồi ngâm mình trong bồn nước vừa pha. Cách này sẽ làm dịu da và giúp làm bong vảy.
    • Tránh căng thẳng: Tránh các yếu tố stress; lạm dụng rượu, bia; không hút thuốc, không dùng chất kích thích. Đồng thời, bạn cũng cần duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống, giấc ngủ, thể dục thể thao đều đặn có thể giúp ngăn ngừa bệnh bùng phát.

    Tóm lại, bệnh vảy nến không có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Hy vọng bạn đọc đã được giải đáp bệnh vảy nến có lây không và những thông tin liên quan đến tình trạng da này để có cách chăm sóc da tốt hơn.

    Bài viết được tham vấn y khoa bởi Phòng khám Chuyên khoa Da liễu & Thẩm mỹ Clover Clinic. Với phương châm “Vì sức khỏe làn da”, phòng khám cung cấp các dịch vụ chăm sóc da chuyên sâu với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, luôn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ khách hàng, vì trải nghiệm điều trị an toàn và hiệu quả.

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trương Phạm Mỹ Tuyền

    Da liễu · Clover Clinic


    Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 22/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo