Rôm sảy là bệnh ngoài da lành tính nhưng cũng gây nhiều phiền toái như cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, mất thẩm mỹ… Hiểu được nguyên nhân bị rôm sảy ở người lớn và những lưu ý cần biết sẽ giúp bạn biết cách bảo vệ làn da khỏe mạnh.
Chứng rôm sảy là gì?
Rôm sảy gây ra các nốt mụn đỏ li ti trên bề mặt da tích tụ nhiều mồ hôi như nách, lưng, dưới ngực, bẹn, nếp gấp khuỷu tay và mặt sau đầu gối, thắt lưng. Rôm sảy có thể lan rộng từ vùng da này sang vùng da khác trên cơ thể nhưng không lây cho người khác.
Chứng nổi rôm sảy xảy ra khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Đặc biệt, rôm sảy ở cả người lớn và trẻ em thường xảy ra trong những tháng hè oi bức, hoặc ở các vùng khí hậu nóng ẩm.
Rôm sảy là bệnh da liễu lành tính. Nhưng nếu vi khuẩn xâm nhập vào các tuyến mồ hôi bị bịt kín, khả năng cao có thể dẫn đến viêm và nhiễm trùng ở da.
Các loại rôm sảy ở người lớn
Bệnh rôm sảy được phân thành 4 loại, dựa theo độ sâu của các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn:
- Rôm sảy dạng tinh thể.
- Rôm sảy đỏ hay còn gọi là rôm sảy gai.
- Rôm sảy mủ
- Rôm sảy sâu
Hãy đọc thêm: Vấn đề về da – Rôm sảy
Triệu chứng rôm sảy ở người lớn
Dấu hiệu phổ biến và có thể dễ dàng quan sát bằng mắt của rôm sảy là những mảng mụn đỏ trên da. Rôm sảy thường gây châm chích hoặc ngứa ngáy và sưng nhẹ ở những vùng da bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng này có thể tệ hơn khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao, hoặc những vùng da nổi sảy bị trầy xước khi cọ xát với quần áo.
Nguyên nhân bị rôm sảy ở người lớn
Rôm sảy hình thành do các tuyến dẫn mồ hôi của da bị tắc nghẽn. Trong tình trạng sức khỏe da liễu tốt nhất, mồ hôi được tiết ra ở bề mặt da rồi bay hơi. Tuy nhiên, khi các ống dẫn mồ hôi bị tắc, lỗ chân lông không thể thoát mồ hôi dưới lớp biểu bì. Tình trạng này dẫn đến viêm nhiễm và khiến da nổi rôm sảy.
Những nguyên nhân bị rôm sảy ở người lớn bao gồm:
Đổ mồ hôi quá mức
Các hoạt động thể chất khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi như tập thể dục ở cường độ cao, hoặc làm việc nặng nhọc,… đều có thể là nguyên nhân bị rôm sảy ở người lớn.
Ngoài ra, các nguyên nhân khách quan khác khiến cơ thể tiết mồ hôi có thể kể đến: thời tiết nóng ẩm, điều kiện không gian nhỏ hẹp không thoáng khí,…
Nằm quá lâu trên giường
Phát ban nhiệt cũng có thể xảy ra ở những người nằm trên giường thời gian dài.
Ngoài ra, bệnh rôm sảy ở người lớn cũng có thể xuất phát từ một số tình trạng sức khỏe và phương pháp điều trị bệnh khác như:
- Xạ trị
- Chứng tăng tiết mồ hôi do thuốc gây ra. Tăng tiết mồ hồi tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều do sự kích thích quá mức của các tuyến mồ hôi trong tuyến mồ hôi bởi chất dẫn truyền thần kinh.
- Hội chứng ly thượng bì hoại tử nhiễm độc (TEN hay hội chứng Lyell)
- Mắc chứng béo phì, hoặc thừa cân
Những nguyên nhân bị rôm sảy ở người lớn thường gặp khác bao gồm:
- Quần áo chật, hoặc thấm hút mồ hôi kém
- Vùng da bị băng bó quá lâu
Phương pháp điều trị rôm sảy ở người lớn
Thông thường, cách chữa rôm sảy sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân bị rôm sảy ở người lớn. Song nhìn chung, bạn có thể cải thiện tình trạng da nổi rôm sảy bằng những cách sau:
- Hạ nhiệt cho cơ thể, hạn chế các hoạt động tiết nhiều mồ hôi
- Ưu tiên sử dụng những trang phục cotton thấm hút mồ hôi tốt.
- Tắm nước mát, hoặc tắm vòi sen cũng có thể giảm triệu chứng ngứa trong thời gian ngắn. Nhưng bạn cần lưu ý, tắm quá nhiều có thể làm giảm lượng dầu tự nhiên bảo vệ da và có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
Bị rôm sảy ở người lớn nên bôi thuốc gì?
Rôm sảy thường biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số loại thuốc có sẵn có thể giảm bớt triệu chứng ngứa:
- Lotion Calamine giúp làm dịu kích thích da và cảm giác ngứa ngáy
- Kem chứa Steroid với nồng độ thấp được bán ở các nhà thuốc. Đơn cử, Hydrocortisone 1% là một loại kem steroid được sử dụng để điều trị viêm. Lưu ý, trước khi sử dụng sản phẩm, hãy đảm bảo bạn đã được tư vấn từ dược sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
- Các sản phẩm hỗ trợ trị rôm sảy có nguồn gốc thảo dược.
Những lưu ý trong việc vệ sinh da khi bị rôm sảy
- Tránh gãi hoặc cọ xát vùng da nổi rôm sảy kích ứng và gây ngứa ngáy
- Thay quần áo sạch thường xuyên, lựa chọn chất liệu vải mềm và thoáng khí. Việc này giúp bạn tránh được tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng ở da.
- Vệ sinh da: Để giảm tình trạng rôm sảy kéo dài, bạn cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng da nổi rôm sảy và giữ da khô thoáng.
- Chọn sản phẩm vệ sinh dịu nhẹ: cũng cần chú ý lựa chọn các sản phẩm vệ sinh dịu nhẹ, có độ pH tiêu chuẩn, để phòng tình trạng lượng dầu bảo vệ da bị phá hủy dẫn đến triệu chứng nặng hơn.
- Tránh sử dụng phấn rôm, thuốc mỡ và kem bôi trẻ em ở nhà. Vì chúng có thể làm bít lỗ chân lông nhiều hơn. Thay vào đó, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi muốn làm dịu vùng da bị ảnh hưởng bằng thuốc.
Trường hợp muốn nhanh chóng làm dịu cơn ngứa do rôm sảy, bạn có thể tạm thời sử dụng các loại kem bôi không có mùi thơm để tránh gây kích ứng lên vùng da đang bị tổn thương. Nếu muốn sử dụng lâu dài, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu.
>>> Bạn có thể quan tâm: Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rôm sảy?
Câu hỏi thường gặp về tình trạng rôm sảy ở người lớn
Ai dễ bị rôm sảy?
Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, thường mắc chứng rôm sảy vì ống dẫn mồ hôi của trẻ chưa phát triển toàn diện, dễ dẫn đến tắc nghẽn. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể bị nổi rôm sảy do những nguyên nhân đã nêu ở trên.
>>> Bạn có thể quan tâm: Rôm sảy ở trẻ sơ sinh là gì? Trẻ bị rôm sảy phải làm sao?
Bị rôm sảy ở người lớn bao lâu thì hết?
Thông thường, rôm sảy ở người lớn sẽ biến mất sau khoảng 2-3 ngày nếu bạn chăm sóc da đúng cách: giữ cho vùng da bị kích thích luôn khô thoáng, tránh tác động nhiệt lên vùng da bị ảnh hưởng.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Rôm sảy thường lành tự nhiên khi vùng da được khô thoáng, tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao và môi trường ẩm ướt. Tuy nhiên, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ chuyên môn nếu gặp các tình trạng sau:
- Nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng: đau, sưng tấy, nóng rát ở vùng da bị nổi rôm sảy và các vùng xung quanh
- Có dấu hiệu kiệt sức vì nhiệt và không có khả năng đổ mồ hôi
- Nổi rôm sảy kèm theo dấu hiệu sưng hạch bạch huyết ở nách, cổ hoặc háng
- Sốt 38°C hoặc cao hơn, hay ớn lạnh không rõ nguyên nhân.
Các biến chứng của rôm sảy
Tình trạng rôm sảy kéo dài mà không được can thiệp, chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Nhiễm khuẩn thứ phát , thường do tụ cầu
- Điều tiết nhiệt suy giảm
- Tăng tiết mồ hôi ở những vùng không bị ảnh hưởng.
Bị rôm sảy nên làm gì?
- Để làm dịu cảm giác ngứa hoặc châm chích, bạn chườm lạnh bằng khăn ẩm hoặc túi nước đá tối đa 20 phút
- Chạm hoặc vỗ nhẹ vào vết phát ban thay vì gãi
- Không sử dụng sữa tắm hoặc kem có mùi thơm
- Hỏi ý kiến dược sĩ sử dụng kem dưỡng da calamine, viên thuốc kháng histamine, kem hydrocortisone (không dành cho trẻ em dưới 10 tuổi hoặc phụ nữ mang thai)
Rôm sảy ở người lớn không phải là bệnh ngoài da nguy hiểm. Song, nổi rôm sảy vẫn gây ra nhiều phiền toái trong các sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Chính vì thế, việc hiểu được nguyên nhân của rôm sảy ở người lớn sẽ giúp bạn dễ dàng hạn chế các tác nhân gây kích thích da, đồng thời bảo vệ làn da khỏe mạnh trong mùa hè sắp đến.