Ngứa da có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả vùng bụng. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn ngứa da như côn trùng cắn hoặc mắc các bệnh da liễu. Đặc biệt, phụ nữ mang thai thường rất dễ bị ngứa vùng bụng dưới rốn do những thay đổi của cơ thể trong thai kỳ.
Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ngứa vùng bụng và các phương pháp giúp giảm ngứa trong bài viết sau.
Nguyên nhân gây ngứa vùng bụng
Ngứa vùng bụng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
Khô da
Khô da là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa da. Thời tiết lạnh, độ ẩm không khí thấp hay thường xuyên cần sử dụng chất tẩy rửa mạnh đều có thể dẫn đến tình trạng khô da. Mặc dù khô da thường gặp phải ở tay và chân hơn nhưng nó vẫn có thể xảy ra ở vùng bụng, khiến da vùng bụng bị nứt nẻ, tróc vảy và ngứa ngáy.
Viêm da tiếp xúc
Khi vùng da bụng tiếp xúc nhiều lần với các tác nhân gây kích thích, nó có thể bị nổi mẩn, khô và ngứa. Tình trạng này gọi là viêm da tiếp xúc. Một số chất kích thích thường gây ngứa ở bụng bao gồm:
- Kim loại (như khuyên rốn)
- Mỹ phẩm
- Mủ cao su
- Sản phẩm tẩy rửa, bột giặt, xà phòng
Bệnh chàm
Có nhiều loại chàm khác nhau làm ảnh hưởng đến vùng da bụng, gây nên tình trạng ngứa ngáy khó chịu. Bệnh chàm thường khiến da bị khô và bong tróc. Đôi khi, người bệnh còn bị sưng da hoặc xuất hiện các mảng da sẫm màu.
>>> Xem thêm: Bệnh chàm kiêng gì để ngăn ngừa bệnh chàm trầm trọng hơn!
Bệnh vảy nến
Vảy nến là bệnh da liễu gây ra hiện tượng đóng vảy, đỏ và ngứa da. Tình trạng này xuất hiện phổ biến nhất ở khu vực xung quanh đầu khuỷu tay và da đầu. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra ở vùng bụng.
Côn trùng cắn
Nếu trong nhà bạn có rệp giường hoặc bọ chét, bạn có thể nhận thấy các vết sưng nhỏ màu đỏ trên bụng và các bộ phận khác của cơ thể. Nếu vết cắn thường xuất hiện vào ban đêm và có hình zigzag, bạn nên kiểm tra lại giường, đệm của mình có rệp trú ẩn hay không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị ngứa bụng do muỗi hoặc kiến đốt. Những vết đốt này thường có hình tròn và khiến da bị sưng nhẹ.
Phản ứng với thuốc
Tình trạng nổi mẩn ngứa ở bụng có thể xảy ra khi bạn sử dụng một loại thuốc mới. Phát ban do phản ứng với thuốc có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thường là ở bụng và lưng trước tiên.
Nếu nghi ngờ mình bị ngứa bụng do phản ứng với thuốc, bạn nên gọi cho bác sĩ để được tư vấn cách giải quyết.
Ngứa vùng bụng do các bệnh lý khác
Bên cạnh những nguyên nhân thường gặp trên, bạn cũng có thể bị ngứa bụng do các bệnh lý như thủy đậu, suy giáp hoặc một số dạng ung thư. Đây là những tình trạng nguy hiểm và cần được điều trị bằng các phương pháp y khoa chuyên sâu.
Ngứa bụng khi mang thai: Mẹ bầu cần lưu ý
Phụ nữ mang thai rất hay gặp phải tình trạng ngứa vùng bụng. Ngứa bụng khi mang thai có thể do các nguyên nhân sau:
- Vùng da bụng giãn nở khi thai kỳ phát triển
- Sự thay đổi nồng độ của một số hóa chất (bao gồm cả hormone) trong máu
- Tình trạng mề đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai (PUPPP)
- Ứ mật thai kỳ (ICP)
ICP thường khởi phát ở cuối thai kỳ (sau tuần thứ 30) nhưng cũng có trường hợp bệnh xuất hiện ở tuần thứ 8. Đây là tình trạng nghiêm trọng vì nó có thể làm tăng khả năng thai chết lưu.
Các triệu chứng khác của ICP bao gồm:
- Ngứa tay và chân
- Cảm giác ngứa dữ dội
- Nước tiểu đậm màu
- Phân nhạt màu
- Vàng da
Nếu nghi ngờ mình gặp phải tình trạng này, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị sinh sớm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Cách điều trị ngứa vùng bụng tại nhà
Phương pháp điều trị ngứa bụng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Việc gãi ngứa có thể khiến tình trạng ngứa bụng trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn nên áp dụng các phương pháp đơn giản giúp giảm ngứa sau:
- Mặc quần áo rộng, thoáng mát để tránh vải cọ xát vào vùng da bị ngứa.
- Ưu tiên mặc các loại vải tự nhiên như cotton thay vì sợi tổng hợp.
- Chườm một miếng vải mát lên vùng bụng và giữ trong 5–10 phút để giảm cảm giác ngứa.
- Thoa kem dưỡng ẩm lên bụng sau khi tắm hoặc bất cứ lúc nào cảm thấy da bị khô. Lưu ý là bạn nên chọn loại kem không có chất tạo mùi hương và bảo quản kem trong tủ lành để đem lại hiệu quả tốt hơn.
- Tắm với bột yến mạch. Phương pháp này đặc biệt được khuyến nghị cho trường hợp ngứa da do phát ban, mụn nước và cháy nắng.
Bên cạnh đó, bạn có thể giảm ngứa bằng cách bôi kem corticosteroid hoặc sử dụng corticosteroid đường uống. Thuốc kháng histamine đường uống cũng có thể giúp giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Việc lạm dụng những loại thuốc trên trong thời gian dài không những không giúp giảm ngứa mà còn có thể gây ra nhiều vấn đề về da khác.
Phòng ngừa tình trạng ngứa vùng bụng
Để phòng tránh tình trạng ngứa vùng bụng, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau:
- Hạn chế sử dụng các loại xà phòng có mùi thơm hoặc có tính tẩy rửa mạnh vì nó có thể làm khô và ngứa da
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không chọn trang phục quá bó sát
- Tắm bằng nước ấm và không tắm quá 20 phút
- Thoa kem dưỡng ẩm da thường xuyên
Khi nào bạn cần đến bệnh viện?
Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không đem lại hiệu quả hoặc bạn thường xuyên bị ngứa không rõ nguyên nhân, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên đi khám nếu có các dấu hiệu sau:
- Ngứa vùng bụng dữ dội, ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc các sinh hoạt khác
- Tình trạng ngứa lan ra các khu vực khác
- Ngứa da đi kèm với đỏ da, sụt cân, tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ
Ngứa bụng thường không quá nghiêm trọng và thường biến mất sau khi điều trị bằng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn bị ngứa dữ dội hoặc ngứa da đi kèm các triệu chứng bất thường khác, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt.