Dấu hiệu stress có thể xuất hiện ở làn da bị kích ứng, nổi mụn, có nếp nhăn… Nếu không chú ý cải thiện tình trạng căng thẳng, bạn không những cảm thấy mệt mỏi mà làn da cũng trở nên xấu đi đấy!
Sau một đêm thức khuya làm việc hay khi phải lo lắng chuyện gia đình, bạn có thể nhận thấy rất rõ các dấu hiệu stress trên da như quầng thâm, mụn hay da bị kích ứng. Bạn nên làm gì để kiểm soát stress và giữ làn da luôn tươi trẻ?
1. Da bị kích ứng
Các tình trạng như phát ban, vẩy nến, chàm hay bệnh đỏ mặt không phải chỉ do da bị viêm nhiễm mà cũng có thể là dấu hiệu stress. Một số nghiên cứu cho thấy não có thể giảm khả năng bảo vệ của da nếu phải hoạt động quá mức khi stress. Điều này có nghĩa là khi bạn căng thẳng, da sẽ khó điều tiết và giữ cân bằng nên dễ bị kích ứng hơn.
Để giảm tình trạng da kích ứng do căng thẳng, bạn cần bắt đầu bằng việc tìm ra nguyên nhân gây stress và tìm cách kiểm soát nguyên nhân này.
Bạn có thể đi bộ, ngồi thiền hay tập yoga để thư giãn. Ngoài ra, bạn ăn nhiều trái cây, cá và tránh những thức ăn đã qua chế biến cũng như những chất làm ngọt nhân tạo.
Ngoài stress, ánh nắng cũng có thể khiến bạn bị yếu đi và dễ kích ứng hơn. Vậy nên ngoài việc thư giãn tinh thần, bạn cũng cần bảo vệ làn da khỏi các tia UV từ ánh nắng bằng cách thoa kem chống nắng khi ra đường. Bạn cũng có thể đội nón và mặc quần áo dài tay khi phải đi dưới ánh nắng để giảm thiểu tác hại của tia UV lên da.
2. Da nhiều dầu và mụn
Khi đang trong giai đoạn căng thẳng như thất nghiệp, chia tay, đổi việc… da bạn rất dễ nổi mụn. Khoa học cũng đã phát hiện ra rằng stress có liên quan rất lớn tới tình trạng nổi mụn trên da, đặc biệt ở phụ nữ. Điều này có thể do stress làm xáo trộn các tín hiệu thần kinh, dẫn tới tình trạng mất cân bằng hormone và làm tăng sự sản xuất dầu trên da.
Ngoài việc kiểm soát căng thẳng bằng các hình thức thư giãn thông thường, bạn cũng có thể bôi thuốc trị mụn để cải thiện tình hình.
Bạn hãy chọn những sản phẩm trị mụn có chứa axit salicylic vì chất này có thể đi sâu và làm sạch lỗ chân lông rất tốt. Tuy nhiên, việc dùng axit salicylic quá nhiều hoặc quá mạnh có thể làm khô và thậm chí gây kích ứng da nên bạn cần cẩn thận khi dùng.
3. Da đầu bong tróc
Dấu hiệu của stress rất đa dạng và không chỉ xuất hiện ở phần da mặt mà còn có thể lan đến cả da đầu. Bên cạnh tình trạng da đầu bong tróc khi stress, bạn cũng có thể bắt gặp một số dấu hiệu liên quan như rụng tóc hay kéo tóc trong vô thức. Điều này có thể do hormone gây căng thẳng cortisol đã kích hoạt các phản ứng phòng vệ của cơ thể.
Trước khi kết luận tình trạng da đầu bong tróc hay rụng tóc là do căng thẳng, bạn cần đến bác sĩ da liễu để kiểm tra xem chắc rằng mình không mắc bất kỳ bệnh nào khác. Một số tình trạng như chàm hay thiếu chất cũng có thể khiến da đầu khô và tóc rụng.
Trong thời gian chữa các dấu hiệu stress ở da đầu, bạn cần tránh tắm nước quá nóng để không làm da đầu thêm tổn thương.
Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp bản thân thư giãn hơn bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn nhiều trái cây, rau quả.
4. Da mỏng và nhạy cảm
Khi nồng độ hormone căng thẳng cortisol cao bất thường, da có thể mỏng hơn. Điều này là vì cortisol phân hủy protein trên da, khiến da mỏng đi cũng như dễ bị bầm và tổn thương hơn.
Tuy nhiên, tình trạng cortisol cao gây mỏng da cũng có thể do hội chứng Cushing. Đây là một bệnh rối loạn nội tiết tố bao gồm các triệu chứng như không dung nạp glucose, yếu cơ, suy yếu hệ miễn dịch hay nhiễm trùng. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc hội chứng Cushing, hãy đi khám để được dùng thuốc thích hợp.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Hội chứng Cushing là gì
5. Vết thương lâu lành
Khi phải đối mặt với căng thẳng, lớp biểu bì có thể nhanh chóng bị suy yếu và da dễ bị viêm nhiễm hơn. Điều này làm chậm tốc độ chữa lành vết thương, sẹo và mụn của da. Để phục hồi khả năng bảo vệ của da, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chứa glycerin và axit hyaluronic.
Bạn cũng có thể bổ sung nước và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để cải thiện khả năng chữa lành vết thương từ bên trong.
6. Da mắt có quầng thâm
Khi căng thẳng, adrenaline hoạt động liên tục kể cả khi bạn cần ngủ và điều này sẽ khiến mắt dễ có quầng thâm. Vậy nên, tình trạng thiếu ngủ do stress thể hiện rất rõ ngay trên làn da vùng mắt.
Bạn có thể ngồi thiền, tập yoga và sử dụng máy khuếch tán tinh dầu để dễ ngủ hơn. Bạn cũng nên tránh để bản thân căng thẳng trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ.
Quầng thâm mắt đôi khi không phải dấu hiệu stress mà có thể do thói quen dụi mắt quá nhiều, dị ứng hay tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời. Bạn cũng nên giải quyết những nguyên nhân này nếu muốn trị tận gốc quầng thâm mắt.
7. Da có nếp nhăn
Những cảm xúc bạn thường có sẽ thể hiện rất rõ trên cơ mặt. Bạn có thể quan sát thấy những cảm xúc này thể hiện qua các nếp nhăn khóe miệng, khóe mắt hay giữa chân mày vì đây là những nhóm cơ bạn dùng để thể hiện cảm xúc. Vậy nên, bạn có thể xác định dấu hiệu stress trên da bằng những nếp nhăn trên trán, giữa chân mày hay ở khóe miệng.
Các bài tập yoga cho mặt có thể giúp da mặt thon gọn và trẻ trung hơn. Bạn có thể massage và dùng thanh lăn mặt ở những nơi dễ xuất hiện nếp nhăn như trán, chân mày hay khóe miệng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thanh lăn massage mặt: “Dụng cụ tập thể dục” bé xinh
Dấu hiệu stress thể hiện rất rõ trên làn da nhạy cảm và mỏng manh qua những nếp nhăn, quầng thâm nay các nốt mụn. Hãy tìm cách giảm stress với các hoạt động như thiền, yoga hay massage để duy trì vẻ đẹp rạng rỡ của làn da nhé!
Như Vũ HELLO BACSI