backup og meta

Những điều cần biết về chàm da mặt để tránh lan rộng và sẹo

Những điều cần biết về chàm da mặt để tránh lan rộng và sẹo

Bệnh chàm là một bệnh lý da liễu gây ngứa và đóng vảy trên các bộ phận tay, chân, khuỷu tay, mí mắt,.. Đặc biệt chàm da mặt nếu không biết điều trị đúng cách sẽ để làm tình trạng nghiêm trọng hơn, gây mất thẩm mỹ.

Cùng tìm hiểu tình trạng chàm da mặt và cách chăm sóc bệnh chàm da mặt qua bài viết của Hello Bacsi dưới đây!

Bệnh chàm da mặt là gì?

Bệnh chàm da mặt là một tình trạng bệnh lý da liễu khiến da bị đỏ phát ban, khô da, bong vảy và ngứa ở mặt. Vì da mặt nhạy cảm hơn các vùng da khác nên khi bị chàm da mặt, người bệnh có thể đặc biệt khó chịu hơn, thậm chí đau đớn. Da có thể cảm thấy căng, nóng và ngứa. Nguy cơ khi gãi do ngứa có thể gây ra vết loét và để lại sẹo sau này.

Bệnh chàm da mặt có thể bị bùng phát nhiều lần, trong đó các triệu chứng kéo dài vài tuần, biến mất và sau đó có thể tái phát.


Một số biểu hiện chàm da mặt:

  • Các mảng da đỏ
  • Vết sưng nhỏ
  • Bong da
  • Da tối hơn, sáng hơn hoặc dày hơn bình thường
  • Ngứa da

>>> Cùng đọc thêm: Chàm thể tạng: Những điều cần biết để điều trị đúng cách

Nguyên nhân chàm da mặt

Nguyên nhân gây chàm da mặt

Hiện tại, chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh chàm da mặt. Nhiều trường hợp có yếu tố di truyền hoặc bẩm sinh đã có khuynh hướng mắc bệnh này. Một số khác do nguyên nhân khác như:

  • Sống trong môi trường có nhiệt độ cao
  • Thường xuyên đổ nhiều mồ hôi 
  • Không khí quá khô hoặc ẩm
  • Thường xuyên tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời
  • Thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất.
  • Căng thẳng kéo dài
  •  Sau một đợt dùng chất kích thích: bia, rượu, cà phê,…

>>> Tham khảo thêm: Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh chàm để có giải pháp phù hợp

 Cách điều trị chàm da mặt

Điều trị chàm da mặt

Hiện tại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh chàm da mặt (bệnh có thể tái phát). Với sự giúp đỡ của bác sĩ, bạn có thể kiểm soát và giảm bớt các triệu chứng khi mắc phải bằng thuốc trị bệnh chàm như:

  • Các loại thuốc bôi chứa steroid: Đây là thành phần thuốc quan trọng trong điều trị bệnh chàm. Kem hydrocortisone không kê đơn có tác dụng điều trị da mẩn đỏ và ngứa. Bạn có thể sử dụng trong một hoặc hai lần một ngày trong vài tuần. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn vì thuốc chứa corticosteroid có thể làm mỏng da của bạn
  • Thuốc ức chế calcineurin: Bác sĩ có thể kê đơn loại này thay vì thuốc bôi steroid. Calcineurin có tác dụng ngăn chặn các hóa chất có thể làm bùng phát bệnh chàm. Loại thuốc bôi này thường được sử dụng để điều trị bệnh chàm da mặt, bao gồm cả mí mắt, cổ.
  • Thuốc chống nấm: Nếu nguyên nhân gây chàm da mặt là do nhiễm nấm, bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc chống nấm. 
  • Quang trị liệu (tia ánh sáng cực tím): Phương pháp này thường được áp dụng với tình trạng bệnh ở mức độ trung bình đến nặng và khi sử dụng các loại thuốc bôi không có tác dụng. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp điều trị này trong thời gian dài có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư da. 

Lưu ý những thông tin và các loại thuốc bôi trên chỉ mang tính tham khảo. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho làn da, bạn cần tới thăm khám và sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu!

>>> Tìm hiểu: Tìm hiểu để trị bệnh chàm dễ hơn, xóa đi sự khó chịu về bệnh

Cách ngăn ngừa và chăm sóc da mặt bị chàm

Ngăn ngừa chàm da mặt

Một số biện pháp ngăn ngừa và cách chăm sóc da mặt bị chàm đúng cách bao gồm:

  • Dưỡng ẩm cho da: Để giảm các triệu chứng, bạn nên dưỡng ẩm cho da bằng sản phẩm có các thành phần như glycerin, urea 5%-10% để giảm tình trạng da khô và thúc đẩy quá trình chữa lành. Điều này giúp giảm kích ứng, ngứa ngáy và ngăn ngừa nứt da. Thời điểm tốt nhất để thoa dưỡng ẩm là ngay sau khi bạn làm sạch da (rửa mặt). 
  • Làm sạch da nhẹ nhàng. Làm sạch da mặt với nước là chưa đủ, đặc biệt nếu da mặt của bạn là da dầu. Hơn nữa, xà bông có thể gây kích ứng da. Thay vào đó, bạn nên chọn sữa rửa mặt nhẹ nhàng không chứa xà phòng, pH dao động từ 4,5-5,5 và lau khô bằng khăn mềm.
  • Hạn chế dùng nước nóng: Tránh sử dụng nước nóng để rửa mặt hay tắm, chỉ nên dùng nước mát hoặc ấm cho da
  • Không trang điểm: Bạn nên hạn chế trang điểm vùng chàm da mặt. Vì lớp trang điểm có thể khiến da bị kích ứng hơn
  • Xác định và tránh các sản phẩm gây kích ứng: Xác định và loại bỏ nguồn gốc gây kích ứng (như nhóm retinoids) sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng chàm da. Nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm không có mùi thơm, không gây dị ứng có thể làm giảm nguy cơ kích ứng da
  • Thoa kem chống nắng mỗi ngày: Bôi kem chống nắng giúp điều trị và ngăn ngừa bệnh chàm da nhạy cảm với ánh sáng, cũng như các bệnh da liễu khác

>>> Đọc thêm: Biết trẻ bệnh chàm kiêng ăn gì để tránh không cho bé ăn nữa

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Với một số tình trạng da, bạn có thể tự chăm sóc và điều trị chàm da mặt, nhưng cần có sự hỗ trợ từ bác sĩ nếu:

  • Cơn ngứa liên tục gây khó chịu
  • Các vùng da bị viêm lan rộng lớn
  • Da bị chảy máu hoặc rỉ nước
  • Vùng da bị ảnh hưởng bị đau và sưng tấy
  • Lớp biểu bì ngả vàng hình thành trên bề mặt da
  • Giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn

Bạn nên tới thăm khám và tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ da liễu để tìm hiểu thêm về tình trạng chàm da mặt và điều trị hiệu quả hơn. Hy vọng bạn đọc hiểu hơn về tình trạng và cách điều trị bệnh chàm da mặt để ngăn ngừa những rủi ro nghiêm trọng hơn!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Facial eczema

https://eczema.org/information-and-advice/types-of-eczema/facial-eczema/

Ngày truy cập: 15/9/2022

facial eczema

https://nationaleczema.org/blog/tag/facial-eczema/

Ngày truy cập: 15/9/2022

Eczema

https://acaai.org/allergies/allergic-conditions/skin-allergy/eczema/

Ngày truy cập: 15/9/2022

ECZEMA ON THE FACE AND NECK

https://www.pierrefabreeczemafoundation.org/en/understanding/areas-affected-by-eczema/face

Ngày truy cập: 15/9/2022

Atopic Dermatitis: Skin-Directed Management

https://publications.aap.org/pediatrics/article/134/6/e1735/33150/Atopic-Dermatitis-Skin-Directed-Management?autologincheck=redirected?nfToken=00000000-0000-0000-0000-000000000000

Ngày truy cập: 15/9/2022

Phiên bản hiện tại

23/09/2022

Tác giả: Trần Thùy Linh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bệnh chàm thể đồng tiền: khó chữa dứt

Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh: Bật mí nguyên nhân và cách điều trị tại nhà


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 23/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo