backup og meta

Hiểu rõ về các loại mụn để có cách điều trị đúng

Hiểu rõ về các loại mụn để có cách điều trị đúng

Khá nhiều bạn gái đang ngày đêm khổ sở vì những đốm mụn. Song thay vì đi khám da liễu để được tư vấn cách chữa trị đúng đắn, họ lại tự ý sử dụng các loại thuốc bôi (thậm chí cả thuốc uống) trị mụn. Họ không biết rằng không phải loại mụn nào cũng giống nhau, và không phải một loại thuốc bôi có thể dùng cho tất cả các làn da mụn. Chỉ khi hiểu rõ tình trạng mụn của mình, bạn mới mong trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến tưởng như không cân sức với mụn.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Thông thường, các tế bào chết tích tụ trong lỗ chân lông của da, sau đó từ từ nổi lên trên bề mặt và cuối cùng bật khỏi da. Một loại dầu tự nhiên của cơ thể (gọi là bã nhờn) được tiết ra nhằm giúp ngăn ngừa các tế bào da không bị khô. Loại dầu này do lỗ chân lông sản xuất.

Khi bã nhờn tiết ra nhiều quá sẽ dẫn đến dư, khiến các tế bào kết dính lại với nhau, tạo thành một hỗn hợp mắc kẹt trong lỗ chân lông. Mụn trứng cá hình thành khi lỗ chân lông bị tắc bởi các tế bào da chết, bã nhờn và một loại vi khuẩn. Loại vi khuẩn này sống trên da, có tên gọi là Propionibacterium acnes. Nếu nó xâm nhập và gây nhiễm trùng lỗ chân lông sẽ tạo điều kiện cho vết thâm do mụn hình thành.

Các loại mụn trứng cá và cách điều trị

Mụn trứng cá có nhiều dạng, ở mức độ từ nhẹ đến nặng, phổ biến nhất là mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn sưng đỏ, mụn mủ, mụn bọc, mụn nang. Vì mỗi loại mụn gây ra tổn thương khác nhau nên chúng cũng đòi hỏi cách điều trị không giống nhau.

Các loại mụn không viêm

Mụn không viêm (bao gồm mụn đầu trắng và mụn đầu đen) là dạng mụn ít nghiêm trọng nhất. Chúng thường không gây sưng hay đau.

Mụn đầu trắng

Đây là những đốm nhỏ mụn xuất hiện trong các lỗ chân lông dưới hình dáng là các nốt nhỏ, tròn, màu trắng và được bao phủ bởi một lớp da mỏng nổi lên trên bề mặt da.

Mụn đầu trắng hình thành do lỗ chân lông bị bít kín hoàn toàn. Lúc này, các tế bào chết, bã nhờn không thoát ra ngoài được nên tích tụ dưới da và tạo thành nhân mụn. Mụn dạng này không gây sưng tấy và đỏ da cũng như thường không để lại sẹo.

Cách điều trị: Mụn đầu trắng tương đối dễ trị. Bạn chỉ cần lấy sạch nhân mụn đúng cách là đã triệt tiêu được chúng. Muốn vậy, trước tiên bạn cần xông hơi để làm giãn nở lỗ chân lông, sau đó nhẹ nhàng lấy sạch nhân mụn. Cuối cùng, bôi các loại kem trị mụn chứa peroxide benzoyl, acid salicylic, lưu huỳnh… để đốm mụn chóng lành và ngăn ngừa mụn tái phát.

Mụn đầu đen

Chúng là những đốm nhỏ, màu đen hoặc sậm màu, có thể xuất hiện dưới dạng những vết sưng nhẹ. Nguyên nhân gây ra chúng là những lỗ nang lông bị tắc nằm ở trên da, khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và dần chuyển sang màu đen.

Vùng da xung quanh mụn đầu đen không sưng đỏ, trong khi trung tâm của nó sậm hơn màu xung quanh. Nếu bạn nặn không đúng cách, mụn đầu đen có thể tiến triển nặng hơn, gây viêm nhiễm và trở thành mụn bọc hoặc mụn mủ.

Cách điều trị

Mụn đầu đen được điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc không kê toa có chứa thành phần acid salicylic và benzoyl peroxide. Nếu chúng không hiệu quả, bạn cần sử dụng loại mạnh hơn, có chứa các loại vitamin A như tretinoin, tazarotene và adapalene. Những loại thuốc này sẽ ngăn chặn sự tắc nghẽn lỗ chân lông, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da.

Ngoài ra, còn nhiều cách trị mụn đầu đen đơn giản như dùng mặt nạ/gel lột mụn đầu đen, baking soda, bột yến mạch, lòng trắng trứng gà…

Các loại mụn viêm

Mụn trứng cá dạng viêm nặng hơn so với mụn không viêm. Chúng thường gây đau nhức, sưng tấy và cũng khó điều trị nhất. Chẳng những vậy, mn viêm còn có khả năng gây ra nhiều biến chứng như sẹo thâm và sẹo lõm.

Mụn đỏ

Loại mụn này thường gây đau khi bạn sờ vào, sưng đỏ và rất khó nhận biết vị trí nhân mụn. Nguyên nhân gây ra mụn đỏ là sự tắc nghẽn lỗ chân lông gây viêm da nặng, phá hủy cấu trúc thành nang lông.

Mụn mủ

Mụn mủ trông giống như một dạng mụn đầu trắng với một vòng màu đỏ xung quanh vết sưng. Bên trong chứa đầy mủ màu trắng hoặc vàng.

Tuy nhìn rõ nhân nhưng mụn mủ không dễ “trị” như mụn đầu trắng. Nếu bạn vội vàng lấy nhân mụn khi mụn chưa già, khả năng để lại sẹo là rất cao.

Mụn bọc

Loại mụn này thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, ở nam nhiều hơn nữ. Nguyên nhân là da mặt của nam giới có xu hướng bài tiết bã nhờn nhiều hơn nữ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho bụi bẩn, bã nhờn tích tụ trên bề mặt da, hình thành các vi khuẩn gây mụn.

Đặc điểm của mụn bọc là sần, cứng, có màu đỏ và lớn dần lên. Sau một thời gian, mụn mềm dần, gây đau đớn và khi vỡ ra thì chảy mủ máu. Nếu bạn nặn mụn và sơ ý làm nhiễm trùng, chúng sẽ ăn sâu vào trong da, khi ổ viêm bị vỡ có thể lây lan sang những nang lông lân cận. Vì vậy, nguy cơ để lại sẹo lõm hoặc lồi là khá cao.

Mụn nang

Đây là loại mụn ở mức độ nghiêm trọng nhất, có cấu tạo gần giống với mụn bọc. Nó phát triển viêm nặng và sâu trên vùng da mặt, có thể tái đi tái lại nếu không chữa trị kịp thời.

Điểm nhận dạng của mụn nang là những nốt mụn ăn sâu trong da, chứa đầy mủ, gây đau đớn, thường mọc thành cụm và để lại sẹo. Chúng lan trên bề mặt da, làm tổn thương các tế bào da khỏe mạnh và phá hủy thành nang lông. Mụn này rất lâu lành, sưng đỏ và sờ thấy cục cứng.

Nguyên nhân gây mụn nang thường do yếu tố gen di truyền, nội tiết tố, vi khuẩn trên bề mặt da cũng như do cơ địa của từng người, sự tăng tiết bã nhờn trên da…

Cách điều trị mụn viêm

Các loại thuốc được sử dụng để trị mụn viêm cần được bác sĩ kê toa. Sản phẩm thuốc bôi thường chứa benzoyl peroxide để chống lại vi khuẩn, acid salicylic nhằm loại bỏ tế bào da chết.. Ngoài ra còn có các loại thuốc kháng sinh như tetracycline, doxycycline, amoxicillin, thuốc tránh thai…

Bên cạnh đó, có một số cách để đối phó với loại mụn này mà bạn có thể thực hiện hàng ngày, chẳng hạn như dùng nước cốt chanh bôi lên vết mụn, chườm đá để giảm sưng tấy, thoa giấm táo, kem đánh răng…

các loại mụn

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Sau khi áp dụng các biện pháp chữa trị mụn viêm từ 4–8 tuần mà không thấy kết quả rõ rệt, bạn nên đến bác sĩ, nhất là khi tình trạng mụn:

– Trở nên nghiêm trọng hơn

– Không đáp ứng với thuốc kê đơn

– Gây cảm giác đau nhức cả ngày

– Chảy máu nhiều, tiết nhiều mủ

– Mụn phát triển gần với các khu vực nhạy cảm như mắt hoặc môi

Bên cạnh các biện pháp điều trị mụn trực tiếp, bạn cần tuân thủ chế độ sinh hoạt và chăm sóc da lành mạnh để duy trì vẻ đẹp cho da:

– Làm sạch da bằng sữa rửa mặt và nước ấm 2 lần/ngày.

– Hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

– Luôn luôn sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời.

– Gội đầu thường xuyên (vì nếu có dầu thừa và bụi bặm đọng lại trên tóc, chúng sẽ góp phần làm tắc lỗ chân lông).

Tẩy tế bào chết cho da 1 lần/tuần và đắp mặt nạ dưỡng ẩm 2 lần/tuần. Việc làm này sẽ giúp cung cấp độ ẩm cho da, giảm dầu nhờn và ngăn ngừa mụn.

– Có chế độ ăn uống hợp lý, ít tinh bột, dầu mỡ và đường, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây.

– Uống đủ 2 lít nước/ngày.

– Tránh tình trạng căng thẳng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Care for Your Sensitive Skin

https://www.health.com/beauty/sensitive-skin-care

Cập nhật ngày 22/4/2019

Identical Twins Reveal How They Beat Their Severe Acne With One Simple Diet Change

https://brightside.me/wonder-people/identical-twins-reveal-how-they-beat-their-severe-acne-with-one-simple-diet-change-667010/

Cập nhật ngày 22/4/2019

The 9 Best Exfoliators For Your Acne Prone Skin

https://www.womenshealthmag.com/beauty/g27131890/best-exfoliator-for-acne/

Cập nhật ngày 22/4/2019

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Hà Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hà Vũ


Bài viết liên quan

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng

7 cách làm mặt nạ tinh bột nghệ trị mụn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo