Nặn mụn là một trong những cách loại bỏ mụn nhanh nhất. Nhưng nếu bạn mắc phải những sai lầm khi nặn mụn, tình trạng mụn có thể tệ hơn và dễ bị sẹo thâm. Hãy cùng Hello Bacsi kiểm tra xem bạn có đang mắc phải điều nào trong “11 sai lầm khi nặn mụn khiến da bạn dễ bị sẹo” bên dưới không nhé!
1. Nặn mụn chưa “chín”
Khi thấy một nốt mụn xuất hiện trên mặt, chắc chắn nhiều bạn sẽ bị kích thích muốn nặn nó ra ngay. Đặc biệt, nếu đó còn là một “con quái vật khổng lồ”, nhìn cứ như là trung tâm của vũ trụ trên mặt bạn thì bạn càng muốn tiêu diệt nó thật nhanh. Tuy nhiên, nếu làm việc này thì bạn đã mắc phải sai lầm khi nặn mụn rồi đấy!
Khi nốt mụn chưa hình thành nhân mụn (cồi mụn), đừng cố gắng nặn nó ra. Theo tiến sĩ Adarsh Vijay Mudgil: “90% các trường hợp cố nặn các nốt mụn chưa chín đều tạo thành sẹo.” Bạn chỉ nên nặn mụn khi thấy các nốt mụn đã hình thành đầu trắng (hoặc vàng), khô lại và lỗ chân lông không còn bị sưng đỏ. Khi đó, bạn chỉ cần ấn nhẹ thì sẽ dễ dàng nặn được cồi mụn ra ngoài.
2. Cạy mụn bằng móng tay
Một sai lầm khi nặn mụn rất tệ hại là cạy mụn hoặc nặn mụn bằng móng tay, đặc biệt khi mụn còn đau và sưng đỏ. Bác sĩ da liễu Tsippora Shainhouse khẳng định: “Tốt nhất là bạn không nên cạy mụn vì nó có thể khiến tình trạng viêm nặng hơn, lâu lành hơn và có thể gây sẹo’.
Nếu được, hãy để yên cho đến khi cồi mụn khô lại, hiện rõ ra ngoài. Bạn cũng có thể đi khám da ở các trung tâm da liễu và xin tư vấn từ các bác sĩ.
3. Làm vỡ mụn mủ
Nhiều bạn có thói quen sờ mụn, bóp mụn cũng dễ khiến nốt mụn mủ vỡ ra trước khi chúng chín hẳn. Tuy nhiên, thói quen sai lầm này sẽ khiến bạn dễ bị sẹo lõm sau mụn hơn những người khác.
Bác sĩ Shainhouse cảnh báo rằng: “Khi bạn cạy hoặc bóp nốt mụn khiến chúng bị vỡ, vết thương sau khi lành lại có thể tạo thành sẹo”.
4. Nặn mụn nang tại nhà
Bạn có biết về những nốt mụn hình thành sâu bên dưới da do vi khuẩn gây nhiễm trùng, tạo thành cục u chứa đầy mủ và gây đau ngứa không? Đó là mụn nang, một loại mụn rất khó trị và bạn tuyệt đối không được tự nặn chúng.
Bác sĩ Shainhouse chia sẻ thêm: “Khi mụn nang làm ổ sâu dưới da hoặc không có đầu mụn rõ ràng, việc nặn mụn không chỉ gây đau đớn mà còn dễ dẫn đến tình trạng viêm nang lông, làm vỡ mao mạch máu, khiến mụn nang lớn hơn và sưng tấy thêm.
Ngoài ra, những sai lầm khi nặn mụn nang còn có thể khiến nó phát triển lan rộng dưới da. Việc này có thể gây nhiễm trùng cục bộ (hay còn được gọi là viêm mô tế bào), sẽ có màu đỏ, sưng và đau ít nhất trong nhiều ngày.
5. Hay sờ tay lên mặt
Kể cả khi không bị nổi mụn, bạn cũng không nên sờ tay lên mặt. Trên bàn tay chúng ta có rất nhiều vi khuẩn ẩn nấp, khi bạn tiếp xúc với các vật dụng xung quanh, các vi khuẩn có hại cũng sẽ bám vào tay bạn. Việc hay sờ tay lên mặt sẽ khiến vi khuẩn này lây sang da mặt và gây mụn hoặc khiến tình trạng mụn nặng hơn.
Khi chúng ta vô ý chạm tay vào một nốt mụn đã bị vỡ, vi khuẩn bên trong (thường là vi khuẩn tụ cầu) sẽ có cơ hội theo tay chúng ta xâm nhập được vào các lỗ chân lông xung quanh đó, gây nhiễm trùng da thứ cấp. Việc này sẽ kéo dài quá trình lành vết thương, làm hỏng da và tạo thành sẹo.
6. Tự ý nặn dịch mủ
Sự thật là khi bạn nặn được một lượng dịch mủ ra ngoài thì một lượng dịch mủ tương đương cũng đã vỡ ra bên dưới da của bạn. Sai lầm khi nặn mụn này sẽ khiến nốt mụn vừa nặn mủ có thể nhanh chóng tái phát, thậm chí bạn có thể bị nổi mụn mới ở vùng da xung quanh hoặc bị sẹo rỗ sau mụn.
Trong trường hợp bị nổi mụn mủ, bạn hãy kiên nhẫn chờ mụn hết sưng đỏ. Khi mụn chín, bạn có thể tiến hành nặn mụn hoặc đến các trung tâm da liễu để điều trị.
7. Sử dụng kim để chích mụn
Việc lấy kim để chích mụn là cách mọi người thường làm khi tự nặn mụn tại nhà, cách này giúp bạn dễ nặn mụn hoặc dịch mủ ra ngoài hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện thao tác này nếu thực sự am hiểu về nó.
Bởi một khi bạn làm sai cách sẽ gây thương tổn nghiêm trọng cho da. Đồng thời, trong điều kiện dụng cụ không được khử trùng tốt sẽ dẫn đến nhiễm trùng cục bộ, khiến các nốt mụn sưng viêm nặng hơn.
8. Để người khác nặn mụn cho bạn
Nếu một vài người thân thiết có sở thích nặn mụn muốn thay bạn “trừ khử” nốt mụn trên mặt thì hãy khéo léo từ chối lời đề nghị này nhé! Việc đồng ý lời đề nghị này chỉ khiến bạn phạm phải sai lầm khi nặn mụn một cách gián tiếp thôi.
Việc nặn mụn tại nhà luôn vướng phải nguy cơ nhiễm trùng da cao do không đảm bảo được điều kiện vô trùng. Khi để một người khác nặn mụn cho bạn, nguy cơ này sẽ càng lớn hơn. Vi khuẩn từ tay hoặc móng tay của họ có thể xâm nhập vào vào nốt mụn gây mủ và có thể khiến vùng nổi mụn bị lan rộng.
9. Sử dụng kem có thành phần gây kích ứng da
Nhiều người cứ thấy da nổi mụn là ngay lập tức bôi kem đặc trị mụn hoặc các sản phẩm làm khô nốt mụn lên chúng. Trên thực tế, đây không phải là một biện pháp hay. Khi bạn chưa biết chắc chắc chúng thuộc loại mụn nào, việc sử dụng kem điều trị mụn sai có thể gây phản tác dụng.
Bạn nên xác định kỹ loại mụn mình đang gặp phải, sau đó mới bắt đầu tiến hành điều trị. Bên cạnh đó, bạn nên tránh dùng các sản phẩm có thành phần alcohol, hydrogen peroxide…
10. Soi gương phóng đại
Khi nổi mụn, bạn không nên sử dụng gương phóng đại. Gương phóng đại sẽ khiến bạn lầm tưởng tình trạng mụn của mình nặng hơn trên thực tế. Chúng sẽ thôi thúc bạn muốn nặn mụn, ngay cả những nốt mụn chưa đến lúc nặn.
Khi bạn cố tiêu diệt nốt mụn trong khi chúng chưa chín sẽ dễ gây tổn thương da và để lại sẹo thâm. Việc soi gương phóng đại cũng dễ khiến bạn mất tự tin vì luôn tưởng rằng da mình có quá nhiều khuyết điểm.
11. Nặn mụn thường xuyên
Nếu bạn đã thực hiện đúng các bước để nặn mụn an toàn nhưng vẫn không lấy được cồi mụn ra thì nốt mụn này của bạn có thể chưa đủ chín hoặc cần phải đến trung tâm da liễu mới xử lý được.
Việc bạn cố nặn đi nặn lại một nốt mụn chỉ gây tổn thương lớp biểu bì, làm mụn sưng đỏ, lâu lành hơn.
Châu Khoa HELLO BACSI