backup og meta

Giải đáp 7 thắc mắc về da nhạy cảm, cô nàng khó chiều

Giải đáp 7 thắc mắc về da nhạy cảm, cô nàng khó chiều

Điều gì khiến da trở nên nhạy cảm? Da nhạy cảm và da bị dị ứng có giống nhau không? Hãy cùng Hello Bacsi giải đáp 7 thắc mắc về da nhạy cảm mà chúng ta thường gặp nhé! Hiểu thêm về làn da của mình sẽ giúp bạn chung sống vui vẻ với cô nàng đỏng đảnh này.

Thắc mắc 1: Da nhạy cảm là gì?

So với các tình trạng da như dầu, da khô hay da hỗn hợp, rất khó để phân loại da nhạy cảm dựa trên chẩn đoán bên ngoài. Người có làn da nhạy cảm khi gặp sự tác động từ các yếu tố từ bên trong lẫn môi trường bên ngoài sẽ dễ dàng bị kích ứng da hơn hẳn so với những người khác.

Da nhạy cảm thường được xác định dựa trên cảm nhận của mỗi người về sự thay đổi của làn da khi tiếp xúc với những nguyên nhân gây kích ứng. Đồng thời, cần có sự tư vấn từ chuyên gia da liễu và một số kỹ thuật máy móc để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Da nhạy cảm là gì

Thắc mắc 2: Dấu hiệu nào để nhận biết được tình trạng da nhạy cảm?

Để biết được liệu mình gặp tình trạng làn da nhạy cảm hay không, hãy xem qua một số dấu hiệu sau:

♦ Thường cảm thấy da bị ngứa, khô căng và khó chịu.

♦ Thỉnh thoảng cảm thấy xót da khi chạm vào.

♦ Da bị ảnh hưởng khi thay đổi thời tiết (đổ nhiều dầu vào mùa hè, khô căng vào mùa đông).

♦ Dễ bị đỏ bừng mặt sau khi ăn cay hay uống rượu, bia.

♦ Một số vùng da thường xuyên bị ửng đỏ, nổi mẩn đỏ.

♦ Một số vùng da có tình trạng sần sùi, bong tróc.

♦ Phản ứng với các sản phẩm chăm sóc da.

♦ Cảm thấy ngứa, phát ban sau khi tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng.

♦ Cảm thấy ngứa sau khi mặc quần áo có chất liệu thô, vải tổng hợp.

♦ Da trở nên đỏ và khô căng sau khi tắm nước nóng.

♦ Da trở nên khó chịu sau khi tắm gội bằng nước cứng (nước vượt tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng các khoáng chất hòa tan trong nước).

Nếu bạn đã gặp phải một vài trong số chúng, hãy sử dụng các sản phẩm dưỡng da nhẹ nhàng hơn hoặc tìm đến bác sĩ da liễu để nhận được tư vấn.

Thắc mắc 3: Điều gì khiến da trở nên nhạy cảm?

tác hại của tia uv 2

Nguyên nhân chính là do lớp màng hydrolipidic (hay còn được gọi là lớp màng bảo vệ da khỏi các yếu tố gây hại từ môi trường) bị suy yếu và làm việc kém hiệu quả. Từ đó, các tác động từ những yếu tố từ môi trường bên ngoài như vi khuẩn, cũng như những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm… sẽ làm cho da dễ dàng bị kích ứng hơn hẳn so với các loại da khác. Bên cạnh đó, da cũng dễ dàng bị mất nước và xuất hiện tình trạng bong tróc.

Ngoài ra, các yếu tố bên trong như stress, cách sinh hoạt không lành mạnh… cũng góp phần làm da trở nên nhạy cảm.

Có thể liệt kê tác nhân chính gây nên điều này bao gồm:

♦ Ánh nắng mặt trời (tia UV: UVA, UVB)

♦ Ô nhiễm không khí, bụi bẩn, lông vật nuôi, phấn hoa

♦ Thay đổi nhiệt độ, độ ẩm

♦ Các thành phần gây kích ứng da có trong nước cứng (hàm lượng khoáng chất quá cao), nước hồ bơi (clo, vi khuẩn…)

♦ Da thiếu ẩm, thiếu nước

Thiếu ngủ, thức khuya lâu ngày

♦ Sự thay đổi nội tiết trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai

♦ Stress trong thời gian dài

♦ Hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn

♦ Ăn nhiều thức ăn cay nóng

Thắc mắc 4: Phải làm sao để cải thiện tình trạng da nhạy cảm?

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng da nhạy cảm, có một số cách có thể giúp da bạn được cải thiện và khôi phục lại hàng rào bảo vệ da.

Chăm sóc da nhạy cảm

Cố gắng không chạm hay gãi khi da bị ngứa, giữ tay sạch để không làm lây lan vi khuẩn lên da. Đồng thời hãy tránh xa những thói quen có tác động xấu đến da của bạn như: đồ uống có cồn, máy điều hòa hay thói quen thức khuya.

Đừng quên thoa kem chống nắng dù bạn ra ngoài hay ở nhà, bất kể trời mưa hay nắng vì các tia cực tím luôn ở xung quanh chúng ta và tác hại của chúng lên làn da nhạy cảm là rất nhiều.

Da nhạy cảm là một cô nàng khó chiều, vì vậy bạn cần xây dựng một quy trình dưỡng da với các sản phẩm phù hợp. Kiểm tra thành phần của các sản phẩm dưỡng da, make-up kỹ càng trước khi sử dụng, các thành phần càng đơn giản và lành tính càng tốt. Sử dụng kem dưỡng ẩm dành cho da nhạy cảm để bổ sung lipid cho bề mặt da, khôi phục lại màng hydrolipidic.

Tránh xa các loại mỹ phẩm chứa cồn, hương liệu, các chất khiến da bạn kích ứng. Các sản phẩm có tính chất tẩy mạnh cũng làm mất đi lớp hàng rào bảo vệ da.

Da nhạy cảm thường bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết, chính vì thế bạn cần có những quy trình dưỡng da theo mùa.

Thắc mắc 5: Tôi nên làm gì khi da trở nên kích ứng và khó chịu?

rửa mặt

Khi da bạn thường xuyên phản ứng với các tác nhân gây kích thích da, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và có các biện pháp điều trị hợp lý.

Tuy nhiên, với các tình trạng kích ứng nhẹ thì bạn có thể xử lý tại nhà. Sau đây là một số bước đơn giản để có thể làm dịu tình trạng kích ứng của da nhạy cảm:

Bước 1: Rửa mặt với các sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng. Hãy dùng nước tinh khiết để da không bị ảnh hưởng bởi các chất gây hại.

Bước 2: Dưỡng ẩm bằng mặt nạ để khôi phục lại hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, đồng thời làm dịu các kích thích. Hay sử dụng các sản phẩm với các thành phần lành tính, phù hợp với da nhạy cảm.

Bước 3: Sau khi sử dụng mặt nạ, thoa serum dưỡng lên toàn bộ vùng mặt và cổ. Thư giãn từ 10-15 phút, sau đó sử dụng sản phẩm kem dưỡng ẩm không nhờn dính nhưng có tác dụng cấp ẩm sâu. Massage nhẹ nhàng toàn bộ khuôn mặt, tập trung chủ yếu vào các vùng da khô cho đến khi chúng thẩm thấu hoàn toàn.

Bạn có thể thực hiện các bước này mỗi khi cảm thấy da bị kích ứng, khó chịu.

Thắc mắc 6: Có thể trị dứt điểm tình trạng da nhạy cảm không?

Đây là một thắc mắc về da nhạy cảm mà nhiều người gặp nhất. Bạn có thể loại bỏ hoàn toàn một số tác nhân gây nên tình trạng da nhạy cảm nhưng không thể nào trị dứt điểm. Tuy nhiên, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp, tránh xa được các tác nhân gây hại cho da sẽ giúp bảo vệ và ngăn ngừa da khỏi các kích ứng, làm da được cấp ẩm đầy đủ và khỏe mạnh hơn.

Chữa trị da nhạy cảm

Thắc mắc 7: Sự khác nhau giữa da nhạy cảm và da bị dị ứng là gì?

Dị ứng da là khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, nó sẽ gây ra các phản ứng trên da như phát ban, ngứa hoặc cảm giác nóng rát. Phản ứng dị ứng trên da có xu hướng nghiêm trọng hơn khi da nhạy cảm bị kích ứng, một số trường hợp nặng có thể gây nôn mửa và khó thở. Nếu điều này xảy ra, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Các chất thường gây dị ứng cho da:

♦ Vàng, bạc, niken và các chất kim loại khác

♦ Parabens và chất tạo mùi trong mỹ phẩm

♦ Cao su và latex

Hy vọng qua các giải đáp cho những thắc mắc về da nhạy cảm, Hello Bacsi có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về làn da của mình.

Thảo My/HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sensitive skin, Dr Delwyn Dyall-Smith FACD, Dermatologist, 2009.

https://www.dermnetnz.org/topics/sensitive-skin/

Ngày truy cập 28/08/2019

The Sensitive Skin Syndrome

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3519246/

Ngày truy cập 28/08/2019

20 Common Questions About Sensitive Skin

https://www.webmd.com/beauty/sensitive-skin-20-questions#1

Ngày truy cập 28/08/2019

 

Phiên bản hiện tại

08/01/2020

Tác giả: Thảo My

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Xịt khoáng cho da dầu mụn có công dụng gì và nên chọn như thế nào?

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo My · Ngày cập nhật: 08/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo