Sợi bã nhờn xuất hiện khiến da mặt sần sùi, ảnh hưởng tính thẩm mỹ. Nếu biết nguyên nhân và cách chăm sóc da đúng, bạn sẽ hạn chế sự hình thành sợi bã nhờn.
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm về sợi bã nhờn để có cách chăm sóc và ngăn ngừa hiệu quả qua bài viết dưới đây!
Sợi bã nhờn là gì?
Sợi bã nhờn là các sợi tơ nhỏ màu trắng hoặc màu vàng nhạt, thường xuất hiện ở vùng có tuyến dầu nhờn trên da như mũi, trán, cằm.
Sợi bã nhờn có tác dụng giữ độ ẩm tự nhiên và ngăn vi khuẩn xâm nhập vào da. Chúng là một thành phần bình thường, khỏe mạnh của làn da, giúp bã nhờn di chuyển đến bề mặt da. Mỗi người đều có sợi bã nhờn. Ở những người có tuyến bã sản xuất dầu quá nhiều hoặc do da lão hóa trở nên lõng lẻo thì các sợi bã nhờn có thể trông rõ hơn.
Dấu hiệu nhận biết sợi bã nhờn
Các sợi bã nhờn có thể trông hơi giống mụn đầu đen với các đặc điểm sau:
- Kích thước nhỏ, sợi dài
- Sợi bã nhờn là những sợi tơ nhỏ có màu trắng, vàng nhạt
- Xuất hiện nhiều ở các vị trí: Mũi, trán và cằm
- Không gây đau đớn hay cảm thấy khó chịu.
Phân biệt giữa sợi bã nhờn và mụn đầu đen
Sợi bã nhờn
- Không phải là mụn, có kích thước nhỏ hơn, màu nhạt hơn như nâu nhạt hoặc vàng.
- Khi bạn ép sợi bã nhờn ra khỏi da, cấu trúc của sợi bã giống như sợi chỉ có thể lấy ra khỏi lỗ chân lông.
Mụn đầu đen
- Là loại mụn trứng cá không viêm, có màu đen sẫm trên bề mặt da, chứa đầy dầu thừa và da chết, ngăn dầu đi qua lỗ chân lông
- Nếu bạn nặn mụn đầu đen, cồi mụn thường cứng và sẫm màu hơn.
5 nguyên nhân chính gây sợi bã nhờn
1. Sự tăng sinh bã nhờn
Nguyên nhân gây sợi bã nhờn chủ yếu là do bã nhờn tăng sinh quá mức. Lúc này lượng bã nhờn dư thừa tích tụ cùng các yếu tố khác như tế bào chết, vi khuẩn sẽ gây ra sợi bã nhờn trên da.
2. Thay đổi hormone
Sự thay đổi hormone trong cơ thể trong giai đoạn dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh hoặc dùng thuốc hormone có thể làm tăng sản xuất dầu tự nhiên trên da và gây ra sợi bã nhờn.
3. Tuổi tác
- Các tuyến bã nhờn phát triển lớn hơn và hoạt động mạnh hơn ở tuổi dậy thì, dẫn đến các sợi bã nhờn ở độ tuổi này có thể lộ rõ hơn.
- Ở tuổi 40-50, da bắt đầu chảy xệ, lỏng lẻo, lỗ chân lông cũng to hơn khiến sợi bã nhờn dễ hình thành trên da.
4. Do di truyền
Nếu thế hệ trước trong gia đình có làn da thường xuyên tăng tiết dầu, nhiều sợi bã nhờn, khả năng cao bạn cũng bị ảnh hưởng do yếu tố di truyền.
5. Yếu tố môi trường và cách chăm sóc da
Ngoài ra, yếu tố môi trường như ánh sáng mặt trời, thời tiết, khói bụi, mỹ phẩm,… cũng có thể tác động, tăng cường sợi bã nhờn hình thành. Mặt khác, việc rửa mặt quá nhiều có thể làm khô da, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, tạo nhiều bã nhờn hơn để bù lại độ ẩm cho da.
Ngoài ra, sợi bã nhờn còn hình thành do một nhóm nguyên nhân khác là các bệnh lý nền như: Rối loạn tuyến yên, tuyến thượng thận, buồng trứng hoặc tinh hoàn, Parkinson.
Ảnh hưởng của sợi bã nhờn tới da mặt
Sợi bã nhờn không gây nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, khiến da sần sùi, kém mịn màng. Đặc biệt là khi trang điểm.
Sự có mặt của sợi bã nhờn cũng cản trở da hấp thụ các dưỡng chất khi chăm sóc da.
5 cách trị sợi bã nhờn nhanh chóng hiệu quả
1. Xông hơi
Một trong những cách trị sợi bã nhờn đơn giản mà bạn có thực hiện ngay tại nhà là xông hơi 1 lần/tuần. Hơi nước sẽ kích thích loại bỏ bã nhờn, làm sạch da hiệu quả. Bạn có thể tham khảo xông mặt bằng tỏi hoặc tham khảo cách làm sau:
Nguyên liệu:
- 3 nhánh sả đập dập
- Vài hạt muối
- 1 quả chanh cắt lát
- Củ gừng thái lát, đập dập.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị tất cả nguyên liệu, rửa sạch rồi đun sôi trong 10 phút
- Chuẩn bị cái khăn trùm rồi mở nắp hé để xông mặt
- Cẩn thận hơi nước gây nóng bỏng da
- Xông da mặt trong 10 phút.
2. Tẩy da chết đều đặn
Tẩy tế bào chết là phương pháp chăm sóc da giúp loại bỏ các tế bào chết, bụi bẩn, bã nhờn dư thừa cho da sáng mịn.
- Bước 1: Làm ướt mặt, thoa sữa rửa mặt có chứa thành phần tẩy da chết hoặc sản phẩm tẩy tế bào chết lên vùng da, đặc biệt ở vùng mũi, cằm và trán
- Bước 2: Massage theo chuyển động tròn tối đa 30 giây
- Bước 3: Rửa sạch lại với nước.
Lưu ý, với da dầu mụn, bạn nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm lành tính, chứa thành phần tự nhiên để tránh gây thô ráp, bào mòn da.
3. Dùng axit salicylic
Đây là thành phần có sẵn trong sữa rửa mặt hoặc kem dưỡng da không kê đơn. Axit salicylic giúp loại bỏ lớp da bị tổn thương trên cùng và hòa tan các tế bào da chết để ngăn ngừa tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
4. Dùng retinoids (dẫn xuất vitamin A)
Retinoids hiện có sẵn ở các tiệm thuốc và không cần kê đơn. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên viên y tế để sử dụng và nhớ kết hợp thoa kem dưỡng ẩm sau cùng để cấp ẩm cho da.
Sau khi sử dụng retinoids, da sẽ bong tróc, tái tạo tế bào da mới, giúp thông thoáng lỗ chân lông và đánh bay các sợi bã nhờn hiệu quả.
5. Đắp mặt nạ đất sét
Mặt nạ đất sét là một trong những sản phẩm giúp làm sạch bã nhờn trên da. Bạn sẽ cảm nhận da khô thoáng và sạch hơn nhiều sau khi sử dụng. Bạn có thể sử dụng mặt nạ đất sét khắc phục sợi bã nhờn trên da theo các bước sau:
- Bước 1: Tẩy trang và rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ
- Bước 2: Lấy một lượng đất sét vừa đủ để đắp mặt nạ, tránh thoa quá dày
- Bước 3: Để mặt nạ khô trên da khoảng 15 phút, cuối cùng rửa sạch lại với nước
- Bước 4: Thoa dưỡng ẩm lại cho da để cân bằng độ ẩm.
Cách ngăn ngừa, hạn chế hình thành sợi bã nhờn
Việc da xuất hiện sợi bã nhờn là không thể tránh khỏi, nhưng sẽ có cách để làm giảm thiểu chúng và ngăn ngừa các vấn đề về da khác:
- Rửa mặt hàng ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ
- Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm
- Sử dụng các sản phẩm noncomedogenic và tẩy trang vào cuối ngày
- Không chạm tay lên da hay nặn sợi bã trên da
- Theo đổi chế độ ăn uống lành mạnh kèm rau củ quả tươi, tránh đồ cay nóng, nhiều đường sữa,…
- Xây dựng lối sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, uống đủ nước.
Tóm lại, sợi bã hình thành do tế bào chết, bã nhờn và vi khuẩn tích tụ, tạo thành các sợi trắng, vàng trên bề mặt. Hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn sợi bã nhờn là gì và cách điều trị, ngăn ngừa hiệu quả, cho da mịn màng, khỏe mạnh.